Giáo dục đại học ở Đông Á: Những thách thức của hiện tại và tương lai

Hugo Horta là trợ lý giáo sư tại khoa giáo dục của Đại học Hồng Kông, Đặc khu Hồng Kông, Trung Quốc. E-mail: [email protected]. Bài báo dựa trên bài viết này có thể được tìm thấy tại: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/aepr.12416

Tóm tắt: Việc mở rộng các hệ thống giáo dục đại học ở Đông Á phần lớn đang đi đến hồi kết, và giáo dục sau đại học – hậu phổ cập đại chúng đang trở thành hiện thực. Quá trình chuyển đổi này bao gồm nhiều thách thức, đòi hỏi các chính sách, các trường đại học và các tác nhân liên quan phải thích ứng với môi trường mới, nơi được hình thành sau những thay đổi về nhân khẩu học và các tác nhân kinh tế-kỹ thuật. Các nghiên cứu cũng cần được mở rộng cho việc hợp tác, quốc tế hóa, và phát triển đa ngành để đáp ứng những thách thức phức tạp và mơ hồ của thế kỷ 21.

Giống như hầu hết các nước phát triển, hệ thống giáo dục đại học ở Đông Á đang tiến đến hậu phổ cập hóa. Giai đoạn mới này ngụ ý những thách thức mới, những chuyển đổi và những yêu cầu thích ứng với một thực tế mới mà các nhà hoạch định chính sách và trường đại học phải sẵn sàng để giải quyết. Trong bối cảnh này, Đông Á phải đối mặt với 3 thách thức chính.

Trước khi đi sâu vào 3 thách thức này, có những những yếu tố quan trọng cần phải chỉ ra bao gồm – giống như ở các khu vực khác trên thế giới – những thách thức liên quan đến phổ cập đại chúng, chẳng hạn như những vấn đề về tính công bằng, sự tiếp cận, việc đánh giá và chất lượng giáo dục, hầu hết vẫn chưa được giải quyết ở Đông Á.

Củng cố hệ thống giáo dục đại học do sự thay đổi nhân khẩu học

Thời kỳ mở rộng giáo dục đại học ở Đông Á đang dần kết thúc. Các trường đại học trong khu vực có thể tìm cách giảm thiểu sự suy giảm số lượng sinh viên trong nước bằng cách thu hút sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của các điểm đến khác như chi phí sinh hoạt, học phí, có thể khiến các trường đại học Đông Á khó có thể thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Thách thức này không chỉ liên quan đến các trường đại học Đông Á mà còn liên quan đến sự thay đổi trong mô thức thu hút sinh viên, những người cuối cùng sẽ gia nhập lực lượng lao động ở nước sở tại. Quan điểm “đồng hóa” hiện tại có thể cần phải thay đổi sang quan điểm cởi mở hơn, cho phép nước sở tại tận dụng được những ý tưởng mới và tiềm năng sáng tạo của những người di cư có tay nghề cao này. Các trường đại học Đông Á cũng có thể tìm cách tạo ra các chương trình cho sinh viên phi truyền thống để có thể đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. Tuy nhiên, chiến lược này dường như sẽ có một tác động tương đối nhỏ vì một số lý do sau đây. Thứ nhất, thời gian học của các sinh viên phi truyền thống và mức lương của họ có xu hướng thấp hơn so với các sinh viên nội trú truyền thống. Thứ hai, trong các xã hội già cỗi, mọi người có xu hướng quan tâm đến việc tiết kiệm tiền để đảm bảo hưu trí; do đó, họ có nhiều khả năng phân bổ tiền tiết kiệm của mình cho lương hưu hơn là cho giáo dục. Thứ ba, nợ hộ gia đình ở các nước Đông Á cao và các điều kiện kinh tế không thuận lợi (các cuộc khủng hoảng tài chính hoặc kinh tế có thể sắp xảy ra). Do đó, các sinh viên phi ngoại trú phi truyền thống khó có thể sử dụng thu nhập hoặc tài sản sẵn có của mình để đầu tư vào giáo dục.

Thời kỳ mở rộng giáo dục đại học ở Đông Á đang dần kết thúc.

Hầu hết sinh viên ở các nước Đông Á đang theo học tại các trường đại học tư thục, những trường có nguy cơ bị đóng cửa cao nhất. Các trường đại học tư thục phụ thuộc rất nhiều vào học phí để có khả năng tồn tại. Những trường này quá chú trọng đến việc giảng dạy và kém uy tín hơn các trường đại học công lập. Các trường đại học tư thục có khả năng sẽ bị đóng cửa hoặc sáp nhập trước tình trạng tuyển sinh giảm trước khi những trường này kịp thời ổn định về mặt tài chính. Các trường đại học công lập vì vậy mà an toàn hơn vì được tài trợ bởi chính phủ và có các nhiệm vụ để trở thành chiến lược kinh tế và xã hội, ngay cả khi những trường này không nhất thiết phải có khả năng tài chính. Tuy nhiên, điều này khó có thể ngăn cản một số trường sáp nhập vì nợ chính phủ cao trong khu vực và ngân sách công sẽ đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ hơn đối với chi tiêu. Điều này có nghĩa là cả các trường đại học tư thục và công lập sẽ phải đối mặt với tình trạng cắt giảm việc làm, và không nằm ngoài dự đoán, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của giảng viên, trong đó một số người có ít cơ hội việc làm trong lĩnh vực (hạn chế về độ tuổi), trong khi các tiến sĩ mới sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm trong các trường.

Sự chuẩn bị hệ thống giáo dục đại học cho sự chuyển dịch kinh tế-kỹ thuật

Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa sẽ đòi hỏi phải xem xét lại các dịch vụ giáo dục hiện có. Không ai biết được kết quả của những thay đổi và tiến bộ công nghệ này, nhưng những người lao động tương lai được kỳ vọng sẽ làm nhiều công việc trong suốt cuộc đời của họ. Học ngành kỹ thuật để trở thành kỹ sư là chuyện đã qua vì sau khi học ngành kỹ thuật, sinh viên có thể trở thành người quản lý, giáo viên hoặc giữ một vị trí không liên quan đến kỹ thuật. Sinh viên sẽ cần các bộ kỹ năng thích ứng phải vượt qua các ranh giới ngành nghề. Do đó, trọng tâm của việc học nên là học để học, tái tạo tư duy và học lại. Sinh viên nên có khả năng thích ứng với những thách thức mới thay vì tập trung quá nhiều vào việc học các kiến thức kỹ thuật chuyên ngành (có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời). Các trường đại học nên cân nhắc việc dạy cho sinh viên kiến thức kỹ thuật tương đương và khả năng thích ứng với nhu cầu công việc đa dạng cùng những thách thức đa dạng. Việc tăng cường học tập đa ngành thông qua dự án và học hỏi thông qua kinh nghiệm thực tiễn là rất cần thiết. Do đó, các khóa học cũng có thể cần phải được điều hành bởi nhiều hơn một trường hoặc khoa. Sự thay đổi này phải được thúc đẩy và thực hiện trong toàn hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, các trường đại học nên là những người đầu tiên chuẩn bị cho những thay đổi này, cũng như các cơ quan kiểm định và đánh giá nên làm. Chính bởi những bất ổn về công nghệ đòi hỏi phải suy nghĩ lại và linh hoạt liên tục, không chỉ từ các học giả mà còn từ tất cả các bên liên quan. Điều này sẽ đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn, điều chỉ có thể đạt được bằng cách thúc đẩy nhu cầu đa dạng hơn về thể chế và lập trình, cũng như quyền tự chủ giữa và trong các trường đại học.

Để đảm bảo rằng các trường đại học có thể thích ứng với những thay đổi công nghệ, họ cũng cần phải tham gia vào nhiều hoạt động cải cách hơn. Các trường đại học nên thúc đẩy và đầu tư vào điểm mạnh của mình, thay vì phân tán các nguồn lực hạn chế để cố gắng làm mọi thứ và rủi ro cuối cùng sẽ không đạt được những kết quả có ý nghĩa. Điều này sẽ bao gồm việc giảm bớt tình trạng căng thẳng giữa nghiên cứu, giảng dạy và dịch vụ. Cũng có nghĩa là thay đổi các động lực và kế hoạch tiến bộ nghề nghiệp hiện đang được các học giả theo đuổi. Sự nghiệp của các học giả theo định hướng nghiên cứu ban đầu được tuyển dụng vì tiềm năng/hồ sơ nghiên cứu của họ nên được đánh giá dựa trên các hoạt động liên quan đến chất lượng nghiên cứu và đào tạo sau đại học. Các học giả theo định hướng giảng dạy được tuyển dụng vì khả năng/tiềm năng sư phạm và giảng dạy của họ trước tiên nên được đánh giá trên cơ sở các chương trình giảng dạy sáng tạo mà họ phát triển, giám sát chặt chẽ việc học của sinh viên và nghiên cứu về giảng dạy và sư phạm. Tất cả các học giả đều có thể được thăng tiến từ trợ lý giáo sư sang giáo sư, nhưng vẫn được đánh giá khác nhau dựa trên thế mạnh cốt lõi và công việc liên quan đến vị trí của họ.

Quốc tế hóa chuyên sâu và bền vững

Số lượng ấn phẩm quốc tế có tác giả là các học giả liên kết với các trường đại học Đông Á đã tăng lên nhưng tầm nhìn và tác động của chúng còn hạn chế. Điều này bảo chứng sự đầu tư liên tục vào nghiên cứu khoa học và học thuật. Đầu tư công vào nghiên cứu học thuật trong khu vực vẫn còn thấp so với các nền kinh tế tiên tiến khác, và cần ít nhất phải tự chủ tài chính bền vững. Điều này cũng chứng minh nhu cầu quốc tế hóa lớn hơn của đội ngũ học giả trong khu vực (không chỉ bằng cách thúc đẩy dịch chuyển quốc tế mà còn bằng cách thu hút thêm các học giả quốc tế, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ và sinh viên tiến sĩ đến các trường đại học Đông Á). Cũng cần xem xét việc chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng trong việc sản xuất đầu ra nghiên cứu. Việc tập trung vào sản xuất chủ yếu là kết quả của các động lực nhấn mạnh số lượng chứ không phải chất lượng, vốn cần phải thay đổi. Việc tiến hành nghiên cứu để đáp ứng chỉ tiêu xếp hạng các trường đại học toàn cầu nên được thay thế bằng việc tập trung vào nghiên cứu có ý nghĩa vì sự tiến bộ của xã hội. Sự chuyển đổi về chất lượng như vậy có thể ngụ ý nhu cầu đầu tư cân bằng hơn vào các lĩnh vực ngoài STEM, đặc biệt là trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, vốn là trung tâm của những nỗ lực đổi mới và đột phá trong thế kỷ 21.