Mirka Martel là Trưởng phòng nghiên cứu, đánh giá và học tập tại Viện Giáo dục Quốc tế, Hoa Kỳ. E-mail: mmartel@iie.org.
Tóm tắt: Trong 20 năm qua, cấu trúc dịch chuyển của sinh viên quốc tế đã thay đổi, do đó các cuộc thảo luận về giáo dục đại học quốc tế ngày nay và trong tương lai phải tính đến điều này. Bài viết này cung cấp thông tin chi tiết về xu hướng, điểm đến, cùng các yếu tố thúc đẩy việc thu hút sinh viên đi du học, cùng với việc cung cấp các dữ liệu giá trị so sánh giữa quốc gia để xác định mô hình theo thời gian.
Trong 20 năm qua, cấu trúc của sinh viên quốc tế đã thay đổi đáng kể, đòi hỏi các cuộc thảo luận về giáo dục đại học quốc tế phải lưu ý đến điều này. Mặc dù vậy, giá trị của dữ liệu và các xu hướng di chuyển của sinh viên quốc tế theo thời gian vẫn là yếu tố cốt lõi. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu những thách thức và cơ hội mà các quốc gia thu hút sinh viên quốc tế (điểm đến) phải đối mặt. Kể từ năm 2001, Dự án Atlas tập trung vào dữ liệu có thể so sánh của các quốc gia hàng đầu về thu hút sinh viên quốc tế, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Australia. Bằng cách phân tích xu hướng di chuyển sinh viên quốc tế, năng lực tiếp nhận sinh viên của các quốc gia, tác động của các yếu tố bên ngoài như đại dịch COVID-19 lên giáo dục đại học quốc tế, Dự án Atlas cung cấp bối cảnh cần thiết để so sánh và đối chiếu với nhau các luồng di chuyển sinh viên.
Điểm đến được lựa chọn là gì?
Năm 2001, thế giới có khoảng 2,1 triệu du học sinh – theo báo cáo “Toàn cảnh giáo dục” của OECD. Tổng số du học sinh đã tăng hơn 6 triệu người trong 20 năm qua, tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng tương đối giảm trong hai năm qua do đại dịch COVID-19. Tác động này đã diễn ra không mấy đồng đều, sự ảnh hưởng lên các quốc gia như Úc, New Zealand và Trung Quốc đáng nghiêm trọng hơn so với các quốc gia khác. Sự phục về hồi số lượng sinh viên quốc tế vào năm 2022 và 2023, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada, theo báo cáo của dự án Atlas, đã thể hiện số lượng du học sinh trên toàn thế giới đang có xu hướng gia tăng trở lại. Tuy nhiên, những chỉ số này chưa cho thấy rằng liệu chúng ta sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng toàn cầu 5% mỗi năm như trước đại dịch COVID-19 hay không.
Cấu trúc của các quốc gia thu hút sinh viên quốc tế hàng đầu cũng đã thay đổi. Hoa Kỳ và Vương quốc Anh vẫn là những điểm đến hàng đầu của sinh viên quốc tế. Năm 2001, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh lần lượt chiếm 28% và 11% tổng số sinh viên quốc tế toàn cầu. Năm 2023, con số này giảm xuống còn 17% đối với Hoa Kỳ và vẫn ổn định ở mức 11% đối với Vương quốc Anh, theo Dự án Atlas. Sự cạnh tranh này đến từ các quốc gia nói tiếng Anh khác, bao gồm Canada, quốc gia này chiếm 10% thị phần toàn cầu. Cộng thêm các điểm đến truyền thống của châu Âu như Đức và Pháp, 5 quốc gia hàng đầu này đã chiếm tới 50% tổng số sinh viên quốc tế toàn cầu.
Khả năng tiếp nhận nhiều sinh viên quốc tế hơn vẫn đang là câu hỏi đang được đặt ra đối với một số quốc gia điểm đến. Theo báo cáo của Dự án Atlas, năm 2015, ít nhất 5 trong số 10 quốc gia thu hút nhiều sinh viên quốc tế nhất là những quốc gia mà sinh viên quốc tế đã chiếm 10-20% tổng số sinh viên đại học. Khi số lượng sinh viên quốc tế toàn cầu tăng lên, ngày càng nhiều sinh viên đến học tập tại các quốc gia này. Tới năm 2022, tỉ lệ sinh viên quốc tế tại Canada, Australia và Vương quốc Anh đều vượt quá 20% tổng số sinh viên đại học. Hoa Kỳ là một trường hợp ngoại lệ, vì sinh viên quốc tế chỉ chiếm 6% tổng số sinh viên đại học của cả nước.
Những điều sinh viên quốc tế tương lai cần cân nhắc
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến du học của các sinh viên. Đối với các thị trường sinh viên mới như Nigeria, Bangladesh và Pakistan, yếu tố chính là sự gia tăng mạnh mẽ của dân số trong độ tuổi theo học đại học cùng với năng lực hạn chế của hệ thống đại học nơi đây. Khi sinh viên ở những quốc gia này hướng ra nước ngoài để du học, việc hỗ trợ thêm là cần thiết để đảm bảo các em có thể nộp đơn thành công, theo đuổi và hoàn thành việc quá trình học tập. Chúng ta đã thấy sự gia tăng số lượng sinh viên đến từ Ấn Độ tại quốc gia như Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sinh viên Ấn Độ chủ yếu theo học các chương trình thạc sĩ, thời gian học ngắn hơn và thường chỉ đi du học sau khi hoàn thành chương trình đại học tại nước nhà. Điều này khá khác biệt so với sự gia tăng đáng kể sinh viên Trung Quốc đến Mỹ trong thập kỷ qua. Sinh viên Trung Quốc có xu hướng theo học chương trình học cử nhân nhiều hơn. Quyết định về thời điểm du học và lựa chọn chương trình học ngắn hạn hay dài hạn của sinh viên sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung sinh viên cho các quốc gia điểm đến.
Bên cạnh những lý do chính kể trên, có nhiều thách thức liên quan đến các “yếu tố thúc đẩy khác”, bao gồm thực tế về các xung đột địa chính trị. Một trong những nhóm sinh viên du học có lượng trưởng tăng nhanh nhất là sinh viên đến từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột như Afghanistan, Ukraine, Nga, những người đang tìm cách tiếp tục chương trình giáo dục đại học ở một nơi khác. Hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho những sinh viên này là điều hêt sức cần thiết, cùng với việc cung cấp cho họ sự lựa chọn để có thể cho phép họ tiếp tục việc học tập nếu không thể trở về quê nhà. Cuối cùng, yếu tố về sức khỏe và an toàn vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Hệ quả của đại dịch COVID-19 và các hạn chế đi lại vẫn ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của các du học sinh châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Đối với các quốc gia điểm đến, “yếu tố thu hút” là điều được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Mặc dù chất lượng hệ thống giáo dục đại học vẫn là một yếu tố then chốt thu hút sinh viên đến một số quốc gia nhất định, tiêu biểu như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, tuy nhiên các yếu tố như: chi phí giáo dục đại học, các ưu đãi kinh tế cũng như học bổng quốc tế, tiền trợ cấp, và cơ hội có thể ở lại sau khi tốt nghiệp ngày càng được sinh viên quan tâm nhiều hơn. Khi thị trường các quốc gia điểm đến mở rộng, những cân nhắc của sinh viên cũng đa dạng hơn, và vượt xa mục tiêu chỉ lấy bằng cấp.
Tái cấu trúc dữ liệu cho mục đích cao hơn
Khái niệm “sinh viên quốc tế” và “sinh viên nước ngoài” có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia.
Dự án Atlas vẫn đang tiếp tục sứ mệnh của mình. Bắt đầu từ năm 2001, với cam kết của nghiên cứu này là tập trung vào cách thức thu thập dữ liệu, cơ hội cho việc thống nhất, so sánh và thảo luận về các xu hướng dự án vẫn đang được tiếp tục triển khai, giữ những nguyên tắc cốt lõi cho đến ngày nay.
Khái niệm “sinh viên quốc tế” và “sinh viên nước ngoài” có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Trong khi một số quốc gia chỉ tính sinh viên có visa du học do chính phủ cấp là sinh viên quốc tế thì một số quốc gia khác lại tính con số này bao gồm tất cả sinh viên sinh ra ở nước ngoài, kể cả những người có quyền cư trú. Hơn thế nữa, cũng có sự khác biệt giữa cách tính về hành trình học tập của sinh viên. Trong khi một số quốc gia chỉ tính sinh viên theo học toàn bộ chương trình của nước mình thì một số quốc gia khác lại tính cả sinh viên tham gia các khóa học ngắn hạn (tín chỉ) hay thậm chí là các chương trình không cấp bằng. Và tất nhiên, vấn đề học tập trực tuyến toàn cầu cũng được đặt ra, liệu các quốc gia có thể nắm bắt được số lượng sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục của họ theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các phân tích của Dự án Atlas giúp cung cấp thêm sắc thái cho những so sánh được thực hiện. Các tính toán liên quan đến sinh viên quốc tế và năng lực giáo dục đại học cho phép so sánh song song, tính đến việc thu thập dữ liệu và thực tế của từng địa phương.
Các đối tác của Dự án Atlas cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về dữ liệu của họ và các xu hướng mà họ quan sát được, trong nước và trên toàn thế giới. Do nhiều yếu tố ảnh hưởng đến dữ liệu hàng năm, khả năng thảo luận về các chính sách trong nước và quốc tế, xu hướng giáo dục đại học và các cân nhắc khác mang lại nhiều hiểu biết sâu sắc hơn về dữ liệu. Các đối tác của Dự án Atlas học hỏi lẫn nhau và cải thiện các phương pháp thu thập dữ liệu. Ví dụ, việc áp dụng học trực tuyến đã thúc đẩy thảo luận về số lượng sinh viên đăng ký các lớp học trực tuyến. Một số đối tác đã thu thập dữ liệu như vậy trong nhiều năm, trong khi những đối tác khác thiếu phương tiện. Thông qua các cuộc thảo luận, các đối tác chia sẻ các cách tiếp cận.
Trong ba năm qua, khả năng truy cập dữ liệu nhanh chóng đóng vai trò khá quan trong sự phát triển nói chung. Dự án Atlas đã công bố và trình bày dữ liệu của đại dịch COVID-19, và thậm chí trước cả khi được công bố bởi OECD và UNESCO. Việc chia sẻ dữ liệu của các sinh viên quốc tế theo định kỳ và từ một nguồn đáng tin cậy là khá cần thiết. Biết rằng bức tranh về tính lưu động của sinh viên toàn cầu vẫn tiếp tục thay đổi, việc tập trung vào dữ liệu nhằm đưa vào các cuộc thảo luận trong nước và quốc tế là điều bắt buộc. Như chúng ta đã biết, việc nhìn vào dữ liệu quá khứ có thể giúp chúng ta dự đoán được tương lai.