Chính sách hành động tích cực trong giáo dục đại học Brazil

Fernanda Leal là giám đốc quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Santa Catarina (UFSC), Brazil. Bà có bằng Tiến sĩ Quản trị và là học giả thỉnh giảng tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ từ năm 2018 đến năm 2020. Email: [email protected].

Tóm tắt: Các trường đại học công lập Brazil từ trước đến nay chủ yếu dành cho giới tinh hoa. Luật về hạn ngạch, được thực hiện vào năm 2012 và hiện đang được xem xét lại, là một trong những sáng kiến thách thức hệ thống này. Bài viết này cung cấp tổng quan về các bước khởi đầu và những diễn biến hiện tại của chính sách hành động tích cực trong giáo dục đại học Brazil, chỉ ra một số thách thức chính và kết quả tiềm năng của việc dân chủ hóa giáo dục đại học ở một quốc gia có bất bình đẳng xã hội đáng kể.

Những bước khởi đầu và diễn biến hiện tại

Chỉ đến những năm 2000, các trường đại học công lập Brazil mới bắt đầu thực hiện các chính sách hành động tích cực như một phương tiện để dân chủ hóa giáo dục đại học và tạo điều kiện bình đẳng hơn cho các nhóm bị thiệt thòi về mặt xã hội. Luật số 12.711 năm 2012 là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực này. Luật này quy định các quy tắc tuyển sinh mới, theo đó 50% chỉ  tiêu đào tạo đại học phải dành cho sinh viên hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông công lập, phân bổ cho các gia đình có thu nhập bình quân đầu người không vượt quá 1,5 lần mức lương tối thiểu; và cho người Brazil gốc Phi, lai và bản địa. Vào năm 2016, người khuyết tật có thu nhập thấp cũng được đưa vào.

Điều này và các chính sách hành động tích cực liên quan khác đã đóng vai trò quan trọng trong việc buộc hệ thống giáo dục đại học công Brazil phải điều chỉnh để có cấu trúc thích ứng và thậm chí để tồn tại. Từ năm 2012 đến năm 2021, hơn một triệu sinh viên đại học đã được hưởng lợi theo luật hạn ngạch. Và kể từ năm 2014, 60% sinh viên đại học đại học công lập đến từ các trường phổ thông công lập và 70% đến từ các gia đình có thu nhập không vượt quá 1,5 lần mức lương tối thiểu bình quân đầu người. Về thành phần chủng tộc, vào năm 2019, sinh viên gốc Phi và lai chiếm khoảng 50% tổng số sinh viên.

Do bối cảnh chính trị cởi mở hơn với các yêu cầu của các nhóm thiểu số và áp lực tích cực của các phong trào xã hội, vào năm 2023, luật hạn ngạch đã được sửa đổi để bao gồm “quilombolas”, tàn tích của các cộng đồng dân cư nô lệ đào thoát, và giảm mức thu nhập tối đa bình quân đầu người của gia đình thí sinh. Phiên bản mới của luật cũng quy định các thông số mới cho việc bao gồm người Brazil gốc Phi, lai, bản địa và khuyết tật vào các chương trình sau đại học, đồng thời đưa ra các chu kỳ giám sát hàng năm.

Bản cập nhật này nhằm khắc phục một số khuyết điểm được xác định trong 10 năm tồn tại của luật và hứa hẹn sẽ dân chủ hóa hơn giáo dục đại học công Brazil. Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan vẫn chưa được giải quyết và thách thức các mục đích bồi thường lịch sử, công bằng xã hội và tôn trọng đa dạng, vốn là cơ sở lý luận đằng sau các chính sách hành động tích cực.

Chính sách hành động tích cực trong những năm qua đã làm thay đổi cấu trúc sinh viên đại học, giờ đây phản ánh tốt hơn thực trạng xã hội Brazil.

Thách thức và kết quả tiềm năng

Các tài liệu nghiên cứu gây tranh cãi về tác động của các chính sách hành động tích cực, còn được khuếch đại bởi sự thiếu giám sát kết quả. Hãy cùng giải quyết một số thách thức liên quan.

Tài trợ công: Đại học công lập Brazil được xã hội tài trợ, thực tế này luôn là chủ đề tranh luận gay gắt. Trong lịch sử, lời chỉ trích nặng nề về vấn đề này liên quan đến việc hạn chế quyền tiếp cận đối với một số nhóm xã hội nhất định. Ý tưởng rằng mọi người cùng đóng góp nhưng chỉ một số ít được hưởng lợi, đặc biệt là ở một quốc gia có bất bình đẳng xã hội đáng kể, luôn gây tranh cãi.

Chính sách hành động tích cực trong những năm qua đã làm thay đổi cấu trúc sinh viên đại học, giờ đây phản ánh tốt hơn thực trạng xã hội Brazil. Mặc dù đây có thể là lý do để biện minh, nhưng tính miễn phí của giáo dục đại học công Brazil vẫn luôn là một câu hỏi lớn, hiện nay thậm chí còn bị áp lực mạnh hơn từ thị trường toàn cầu và những lời chỉ trích ngày càng gay gắt từ giới tinh hoa bảo thủ. Về vấn đề này, xin nhắc lại là các trường đại học công lập Brazil đã bị mất tính hợp pháp đáng kể dưới thời chính phủ Bolsonaro, dẫn đến “một chuỗi bi kịch”, như tôi và Marcelo Knobel đã trình bày trong bài báo IHE năm 2021.

Giữ chân sinh viên: Một trong những thách thức lớn nhất do tiếp nhận sinh viên yếu thế vào các đại học công lập là khả năng giữ chân họ. Sinh viên da đen có xu hướng bỏ học cao do chính phủ ngừng các chương trình hỗ trợ giữ chân, bên cạnh việc phải đối mặt với những trải nghiệm về phân biệt chủng tộc và loại trừ.

Về hỗ trợ tài chính, hầu hết các trường đại học nổi tiếng vẫn nằm ở các thủ đô, nơi học bổng dành cho sinh viên yếu thế thường không đủ trang trải cuộc sống. Chỉ đến năm 2023, sau 10 năm, học bổng mới được điều chỉnh. Nhu cầu đi làm được xác định là một trong những lý do khiến sinh viên nói chung mất hứng thú với việc tiếp tục theo học. Ví dụ, số lượng đăng ký dự thi Enem – kỳ thi tuyển sinh chính vào các trường đại học liên bang – là thứ hai thấp nhất trong năm 2022 kể từ năm 2005, với 3,4 triệu thí sinh so với 8,7 triệu thí sinh vào năm 2014.

Về thành tích học tập, sinh viên được tuyển vào theo chương trình hành động tích cực thường gặp khó khăn do nền tảng giáo dục yếu kém, đòi hỏi nhà trường phải đầu tư đáng kể vào việc theo dõi và hỗ trợ. Về bản chất, chính sách hành động tích cực không đảm bảo tất cả sinh viên đều đạt được trình độ học thuật tốt.

Cuối cùng, các tổ chức giáo dục thiếu sự chuẩn bị để đối phó với các nhóm bị thiệt thòi lịch sử. Báo cáo về sự phân biệt giữa sinh viên diện ưu tiên và sinh viên tự do cho thấy cần phải đầu tư nâng cao nhận thức cho toàn thể cộng đồng học thuật.

Sự tích hợp và các tranh cãi: Mặc dù các chính sách hành động tích cực giúp đa dạng hóa sinh viên đại học, nhưng không phải với tập hợp nghiên cứu sinh hoặc giảng viên sau đại học, vì vẫn còn những bất bình đẳng đáng kể về giới tính, chủng tộc và nguồn gốc địa lý.

Bên cạnh đó, nếu mô hình học thuật và sản xuất tri thức vẫn mang tính độc quyền, thì có khả năng việc dân chủ hóa đơn thuần chỉ hỗ trợ khả năng tiếp cận sẽ không tạo ra những thay đổi cơ cấu cần thiết. Các trường đại học cần tận dụng cơ hội hòa nhập của các nhóm bị thiệt thòi xã hội để đặt câu hỏi về vai trò của chính họ trong sự tồn tại chủ nghĩa thực dân và đối thoại với xã hội theo cách bình đẳng hơn.

Quốc tế hóa: Các nghiên cứu quan trọng về quốc tế hóa giáo dục đại học Brazil mô tả quá trình quốc tế hóa là bị thực dân hóa và thuộc địa hóa, mang tính cạnh tranh hơn là hợp tác, không phù hợp và cũng không hướng tới nhu cầu của Nam bán cầu. Các trường đại học phấn đấu đạt được sự công nhận quốc tế cao hơn và coi quốc tế hóa theo quan điểm lợi thế cạnh tranh thương hiệu.

Bản chất quốc tế hóa vẫn mang tính ưu tú và hầu hết các cơ hội quốc tế hóa chỉ dành cho một phần rất ít sinh viên. Học bổng cho chương trình học thuật quốc tế thường đặt ra các tiêu chí mà những người có nền tảng giáo dục yếu kém khó đạt được.

Gần đây, dường như có một số công nhận về tầm quan trọng của các chiến lược quốc tế hóa ít bá quyền hơn. Điều này bao gồm chương trình Caminhos Amefricanos được công bố nhằm tăng cường giáo dục chống phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới, và việc khởi động lại chương trình Abdias Nascimento nhằm cung cấp cho các nhóm thiểu số cơ hội tại các trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở Brazil và nước ngoài.

Kết quả tiềm năng

Không thể bỏ qua kết quả cá nhân và tập thể của các chính sách hành động tích cực trong giáo dục đại học Brazil, các chính sách đó đã thách thức cấu hình chung của các trường có lịch sử ưu tú. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để tạo ra các điều kiện cần thiết cho sự thành công trong giáo dục của các sinh viên thuộc nhóm thiểu số. Hỗ trợ sau khi nhập học hiệu quả, chuẩn bị cho cộng đồng đại học, chống phân biệt chủng tộc, đối thoại với xã hội và liên tục giám sát kết quả là một số yêu cầu quan trọng đối với một cuộc đối thoại thực sự về công bằng xã hội. Về lâu dài, tiềm năng lớn nhất của hành động tích cực có thể nằm ở sự tham gia tích cực của những người phải chịu phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong việc viết lại lịch sử của họ và thúc đẩy giáo dục chống phân biệt chủng tộc/phi thực dân.