Chính sách hành động tích cực trong giáo dục đại học Ấn Độ

Emon Nandi là trợ giảng tại Tata Institute of Social Sciences, Mumbai, India. E-mail: [email protected].

Binay K. Pathak là trợ giảng tại Indira Mahindra School of Education, Mahindra University, Hyderabad, India. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Ở Ấn Độ, chính sách hành động tích cực còn gọi là chính sách ưu tiên, áp dụng trong các lĩnh vực lập pháp, giáo dục và việc làm. Chính sách này nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tước đoạt quyền lợi do lịch sử để lại đối với các tầng lớp thấp kém về mặt xã hội và kinh tế của Ấn Độ. Mặc dù chính sách ưu tiên giúp một số nhóm thiệt thòi cải thiện điều kiện kinh tế nhờ được đảm bảo cơ hội bình đẳng trong giáo dục đại học, nhưng tác động của chính sách này đối với hội nhập xã hội vẫn còn hạn chế.

Vào ngày 19 tháng 9 năm 2023, Ấn Độ thông qua một dự luật lịch sử dành 33% ghế trong quốc hội cho phụ nữ. Loại chính sách hành động tích cực này thường được gọi là chính sách ưu tiên. Ngoài cơ quan lập pháp, chính sách này còn áp dụng cho giáo dục và việc làm. Chính sách ưu tiên nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tước đoạt và áp bức mà các tầng lớp thấp kém về mặt xã hội ở Ấn Độ phải đối mặt. Chính sách này chủ yếu áp dụng cho các nhóm thiệt thòi được công nhận chính thức, bao gồm các giai cấp được phân loại (SCs), các bộ tộc được phân loại (STs), các đẳng cấp lạc hậu khác (OBCs) và các phân khúc yếu kém về kinh tế (EWS). Hiện tại, 27% số ghế dành cho OBC, 15% cho SC, 7,5% cho ST, 10% cho EWS và 4% cho người khuyết tật. Kể từ khi có chính sách ưu tiên này, nó luôn luôn là tâm điểm của các cuộc tranh luận chính trị – xã hội và tư pháp ở Ấn Độ. Trong bài này, chúng tôi thảo luận về các vấn đề nổi lên xung quanh chính sách ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Tác động của chính sách ưu tiên trong giáo dục đại học

Do chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế trong các cơ sở giáo dục đại học công lập ưu tú, chính sách ưu tiên trong giáo dục đại học luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Cuộc tranh luận trở nên gay gắt hơn với việc áp dụng chính sách ưu tiên cho OBC (các giai cấp lạc hậu) trong giáo dục đại học vào năm 2006.

Nhờ chính sách ưu tiên, đại diện của sinh viên từ các cộng đồng thiệt thòi trong giáo dục đại học Ấn Độ đã được cải thiện theo thời gian. Theo Điều tra Giáo dục Đại học toàn Ấn Độ 2020-2021, tỷ lệ sinh viên theo học (GER) của các cộng đồng SC và ST đã tăng lần lượt 28% và 47% so với năm 2014-2015. Tổng số sinh viên OBC theo học tăng 31,67%.

Về giảng viên, tình hình lại nghiêng nhiều về các nhóm ưu tú. Tỷ lệ giáo viên SC chỉ chiếm 9%, trong khi cộng đồng ST chỉ chiếm 2,5%. Số lượng đại diện của giáo viên OBC ở các trường đại học Ấn Độ tương đối cao (khoảng 32%). Ở cấp quản lý, hiệu trưởng và giám đốc cơ sở giáo dục đại học xuất thân từ các cộng đồng thiệt thòi có tỷ lệ đại diện rất thấp. Tính đến tháng 8 năm 2022, trong số 45 hiệu trưởng các trường đại học tiêu biểu quốc gia, chỉ có hai người thuộc các tầng lớp thấp kém về mặt xã hội.

Các vấn đề nổi lên

Chúng ta hãy cùng khám phá từng vấn đề chính nổi lên.

Công lập và Tư thục: Ở Ấn Độ, các cơ sở giáo dục đại học công phải tuân theo chính sách ưu tiên. Các cơ sở tư thục không nhận tài trợ của chính phủ không bị ràng buộc phải tuân theo các quy định về ưu tiên. Tuy nhiên, với sự gia tăng của đại học tư thục, phần lớn sinh viên theo học tại các cơ sở này không thuộc diện ưu tiên. Các nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực để mở rộng phạm vi của chính sách ưu tiên sang giáo dục đại học tư thục, nhưng không thành công. Theo báo cáo, một nhóm các tổ chức giáo dục đại học tư thục hàng đầu đã phản đối động thái này. Họ lo ngại rằng các quy định về ưu tiên sẽ gây thách thức cho tính bền vững tài chính. Thay vì yêu cầu các tổ chức giáo dục đại học tư thục thực hiện chính sách ưu tiên, nhóm này đề xuất cung cấp học bổng cho sinh viên đại học và nghiên cứu sinh. Quyết định gần đây của Ấn Độ về việc đưa các cơ sở chi nhánh của đại học nước ngoài vào quy định, càng làm gia tăng thách thức tranh cãi.

Thiếu hội nhập xã hội trong các cơ sở giáo dục đại học: Trong vài năm qua, việc gia tăng số sinh viên tự tử và bỏ học tại các trường đại học hàng đầu đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về nhược điểm của chính sách ưu tiên trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong giai đoạn 2014-2021, trong số 122 sinh viên tự tử tại các trường đại học hàng đầu của Ấn Độ, có 24 người đến từ cộng đồng ST, 41 người đến từ OBC và 3 người đến từ cộng đồng SC. Điều này cho thấy sự thiếu hòa nhập của các nhóm thiệt thòi vào tập thể sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Ủy ban Học bổng Đại học đã ban hành các hướng dẫn về việc thành lập trung tâm bình đẳng cơ hội tại các cơ sở giáo dục đại học để hỗ trợ cho việc thực hiện chính sách ưu tiên. Mặc dù vậy, họ đã thất bại với những nỗ lực tạo ra một môi trường an toàn trong trường đại học cho những  sinh viên thiệt thòi được hưởng ưu tiên. Thiếu nhạy cảm đối với các nhóm không được ưu tiên trong các cơ sở giáo dục đại học của Ấn Độ là một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng đáng buồn này.

Sự đa dạng trong các nhóm thụ hưởng: Mặc dù khả năng tiếp cận giáo dục đại học của các nhóm thiệt thòi đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn tồn tại những bất cập rộng rãi về giới tính, vùng miền và ngành học giữa các sinh viên được hưởng ưu đãi. Tỷ lệ học sinh OBC lấn át sự đại diện của các cộng đồng SC và ST trong các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, tình hình trở nên phức tạp hơn do những tác động giữa sự lạc hậu về mặt xã hội và kinh tế. Nhóm kinh tế khá giả hơn của OBC (được gọi là “lớp kem”) bị loại khỏi chính sách ưu tiên. Nhưng lại không loại lớp khá giả trong các cộng đồng SC và ST. Chính phủ hiện đang xem xét đề xuất thiết lập hạn ngạch phụ trong hạn ngạch dành cho SC để ngăn chặn sự đại diện quá mức của SC có ảnh hưởng trong giáo dục đại học.

Chủ nghĩa Liên bang và Chính trị hóa: Ở Ấn Độ, ngoài chính phủ liên bang, các chính quyền tỉnh cũng có quyền dành ưu đãi ưu tiên cho một số nhóm thiệt thòi nhất định dựa trên điều kiện dân số tương ứng của họ. Việc ưu tiên cho EWS do các chính quyền tỉnh quyết định. Ngay cả sau phán quyết của tòa án tối cao về việc giới hạn 50% cho việc ưu tiên dựa trên đẳng cấp, một số nhóm dân tộc thiểu số vẫn thường xuyên yêu cầu ưu tiên theo hạn ngạch các tầng lớp học vấn và xã hội lạc hậu (ESBC). Điều này dẫn đến bất ổn xã hội ở nhiều tỉnh. Tuy nhiên, khi tổng số chỗ ưu tiên vượt quá tổng chỉ tiêu còn lại hoặc chỉ tiêu dành cho không ưu tiên trong các cơ sở giáo dục, vô tình tạo ra căng thẳng trong xã hội và phá vỡ sự hòa hợp xã hội. Điều này đi ngược lại mục đích chính của chính sách ưu tiên trong xã hội Ấn Độ.

Lời kết

Chính sách ưu tiên đóng vai trò quan trọng trong chính trị bầu cử ở Ấn Độ.

Chính sách ưu tiên đã thành công trong việc tạo ra cảm giác hòa nhập cho các nhóm thiệt thòi trong giáo dục đại học Ấn Độ, mặc dù tác động của nó đối với hội nhập xã hội vẫn còn hạn chế. Chính sách ưu tiên đóng vai trò quan trọng trong chính trị bầu cử ở Ấn Độ. Do đó, việc sửa đổi và tái cơ cấu chính sách ưu tiên nhằm đảm bảo hiệu quả là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm đối với các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, cần có một phân tích khách quan dựa trên bằng chứng trước khi quyết định tiếp tục chính sách này theo mô hình hiện tại. Yêu cầu tiến hành điều tra thống kê dân số theo giai cấp trên khắp Ấn Độ đang ngày càng tăng, làm cơ sở cho việc sửa đổi chính sách ưu tiên. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng môi trường hỗ trợ hội nhập và tạo ra một không gian dân chủ an toàn trong các campus đại học để làm cho chính sách này hiệu quả hơn. Bên cạnh kỳ thị xã hội, ám ảnh thành tích cũng là một lý do khác góp phần vào sự đối lập giữa “được ưu tiên” và “xứng đáng” trong giáo dục đại học Ấn Độ. Chính sách ưu tiên chắc chắn đã giúp một bộ phận các nhóm thiệt thòi cải thiện điều kiện kinh tế của họ, nhưng họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều sự phân biệt từ các tầng lớp trên của xã hội Ấn Độ.