Úc: bê bối tham nhũng và những sinh viên quốc tế

Anthony Welch là giáo sư tại Đại học Sydney, Úc. E-mail: [email protected]

Tóm tắt: Thành công đáng kể của Úc trong việc thu hút một số lượng lớn sinh viên quốc tế cũng kèm theo một cái giá phải trả. Một nền công nghiệp trị giá 27 tỉ đô la trỗi dậy, nhưng cùng với đó là công tác quản lý đầy yếu kém. Nhằm kiếm lợi từ mức hoa hồng cao hơn từ các cơ sở liên kết, nhiều đại diện tuyển sinh vô đạo đức đã tận dụng những lỗ hổng trong hệ thống cấp thị thực để chuyển những học sinh vốn đủ điều kiện tham gia vào những trường đại học danh tiếng sang các cơ sở kém chất lượng hơn. Những chế tài quản lý cần được bổ sung và cải thiện một cách gấp rút.

Từ lâu, Úc đã là một trong những điểm đến được ưa chuộng của các du học sinh. Tuy có quy mô hệ thống còn khiêm tốn khi so sánh với các khu vực khác, nơi đây lại có các ưu điểm khác như: vị trí nằm cạnh châu Á, nền văn hóa đa dạng, có nhiều trường đại học có thứ hạng tốt, là một trong những quốc gia có vị thế trong nhóm vùng các nước nói tiếng Anh. Những điều này đã giúp nơi đây trở thành điểm đến thu hút đối với rất nhiều sinh viên đến từ các khu vực khác, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Ở mức độ hệ thống, hơn 1/4 tổng lượng học sinh theo học ở cấp đại học tại Úc là các du học sinh. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại nhiều trường đại học, đặc biệt là ở các trường thuộc nhóm 8 đại học danh giá nhất (Group of Eight – Go8). Tại nhiều trường đại học khác, tỷ lệ này đã đạt đến gần một nửa, có trường hợp thậm chí còn cao hơn.

Mặc cho sự thành công rực rỡ của nền công nghiệp này để trở thành một khu vực kinh doanh trị giá 27 tỉ đô, nó vẫn còn tạo ra nhiều yếu kém đáng chú ý. Khi bị thúc đẩy bởi tình trạng thiếu vốn trường kỳ cho mảng giáo dục đại học, các trường cần tìm cách bù đắp các khoản thu nhập thiếu hụt đó bằng cách thúc đẩy việc tuyển sinh quốc tế, với số lượng ngày càng nhiều hơn, vì những đối tượng này phải chi trả mức học phí cao hơn nhiều so với sinh viên nội địa. Trên phương diện quốc tế, phương pháp tiếp cận đầy tính thương mại của Úc trong việc tuyển sinh quốc tế được nhiều người đánh giá là vô cùng đặc thù. Phương pháp này bao gồm việc sử dụng các cơ sở tuyển sinh một cách tràn lan. Dù những đối tượng này góp phần vào khoảng 3/4 khối lượng tuyển sinh đại học, họ không hề được kiểm soát một cách bài bản.

 

Mặc cho sự thành công rực rỡ của nền công nghiệp này để trở thành một khu vực kinh doanh trị giá 27 tỉ đô, nó vẫn còn tạo ra nhiều yếu kém đáng chú ý.

 

Một hình mẫu đáng quan ngại

Vấn đề này của Úc còn trở nên nổi bật hơn với lượng tuyển sinh gia tăng đột biến đến từ Nepal, một quốc gia với chỉ hơn 1 ngàn USD GDP bình quân đầu người, với số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu không quá lớn. Số lượng học sinh đến từ Nepal được tuyển sinh vào sau trung học tại Úc tăng từ hơn 10 ngàn vào năm 2015 lên hơn 65 ngàn năm 2019. Sự bùng nổ này đã làm dấy lên một lần nữa những báo động từng bị phớt lờ một cách có chủ đích bởi các bộ trưởng giáo dục và bộ giáo dục liên bang tiền nhiệm. Đến 2022, Nepal đã trở thành nguồn cung du học sinh lớn thứ 3, xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cơ quan quản lý chất lượng giáo dục sau trung học (TEQSA – Tertiary Education Quality Standards Authority) và cả các trường đại học đều không giải quyết được vấn đề này. Nhận thấy cơ hội, số lượng cơ sở hỗ trợ tuyển sinh cho các trường của Úc tại Nepal đã tăng vọt từ vài trăm lên hơn 3000. Phần lớn trong số các sinh viên người Nepal đã đăng ký với tư cách người đi kèm cùng các thành viên gia đình của mình. Những người này rất dễ dàng trở thành nhóm đối tượng dễ bị lạm dụng và phải chịu đựng điều kiện làm việc bóc lột với tình trạng trả lương thấp một cách có hệ thống tại các doanh nghiệp nhỏ, đôi khi được điều hành bởi chính những người đồng hương của họ. Một cuộc điều tra quốc hội năm 2023 đã chỉ ra nhiều trường hợp các cộng đồng hải ngoại của các du học sinh liên lạc với họ qua mạng xã hội trước khi họ tới Úc nhằm mục đích lợi dụng họ.

Trong phần lớn các trường hợp, sau khi nhận được thị thực du học để tham giá các khóa học tại một trường đại học công lập uy tín, hàng ngàn thí sinh sẽ nhanh chóng bị chuyển sang các khóa học nghề có chi phí rẻ hơn tại các cơ sở khác. Những cơ sở này luôn sẵn sàng nhận các sinh viên trao đổi, kể cả khi các sinh viên này chưa được nhận được quyết định chấm dứt theo học tại trường đại học trước đó. Trong một vài trường hợp khác, việc chuyển đổi này sẽ được hợp thức hóa thông qua các chứng chỉ y tế giả, được cấp bởi các bác sĩ đa khoa và các cố vấn được thuê bởi các đại diện tuyển sinh không uy tín. Hệ thống của Úc quy định rằng nếu một sinh viên quốc tế có ý định chuyển cơ sở học trong vòng sáu tháng kể từ lần đăng ký đầu tiên, người này phải được cơ sở ban đầu chấp thuận kết thúc quá trình học tập. Tuy nhiên, các yếu tố như bệnh tật hoặc các sự kiện ảnh hưởng tâm lý cũng có thể lấy làm cơ sở để thay đổi.

Sự tha hóa đến từ nguồn lợi tài chính

Khi so sánh với các trường đại học công lập uy tín, các cơ sở giáo dục tư nhân cung cấp các khóa học với chất lượng thấp hơn nhưng lại sẵn sàng chi trả hoa hồng cho các đại lý cao hơn hẳn. Đây là nguyên nhân chính làm tha hóa các đại lý tuyển sinh, thúc đẩy những người này tìm kiếm và lôi kéo các học sinh, sinh viên chuyển đổi từ việc theo học tại các trường đại học công lập uy tín sang các cơ sở tư nhân yếu kém. Với mức hoa hồng này, các đại lý có thể nhận được lên tới 40% học phí, các yếu tố như chất lượng và sự phù hợp của các khóa học trở nên bớt quan trọng và dễ bị các tư vấn viên bỏ qua. Những lời hứa hão huyền về cơ hội việc làm chính thức và các lộ trình để trở thành thường trú nhân thường hấp dẫn các sinh viên quốc tế, nhưng trên thực tế họ lại bị đưa tới các cơ sở đào tạo tư nhân kém chất lượng và trở thành nguồn trục lợi hoa hồng béo bở của các đại lý tha hóa.

Trong rất nhiều trường hợp như đã nêu trên, kể cả khi đã đóng học phí, nhiều học viên thậm chí còn không tham gia các khóa học nghề đã đăng ký mà lựa chọn đi làm trái phép – việc này khiến họ trở thành mục tiêu bị bóc lột và bị trả lương thấp, đôi khi bởi chính những đồng hương của họ. Quyết định gỡ bỏ giới hạn về số giờ mà sinh viên quốc tế được phép làm việc trong giai đoạn đại dịch COVID-19 rất có thể đã góp phần vào sự lạm dụng này. Từ tháng 7 năm 2023, số giờ làm việc sẽ bị cắt giảm xuống còn 48 giờ mỗi hai tuần, tuy nhiên điều này vẫn là chưa đủ để chấm dứt những bê bối của hệ thống. Nhiều bằng chứng chỉ ra thực trạng rằng tồn tại nhiều đối tượng là nữ giới có trình độ tiếng Anh thấp nhưng lại được nhập cảnh vào Úc với thị thực sinh viên. Họ sau cùng bị ép buộc gia nhập vào ngành công nghiệp tình dục để trả các khoản nợ khổng lồ cho các đối tượng “bảo kê” của họ. Hàng chục các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục bị phát hiện đã biến chất và tiếp tay cho việc tạo dựng đường dây buôn bán tình dục.

Kẻ săn trộm và người canh giữ: sự thất bại của quy định quản chế

Những thiếu sót nghiêm trọng nêu trên nhấn mạnh tính cấp thiết của một hệ thống có các quy định du học được quản chế chặt chẽ hơn. Việc thị thực du học bị lạm dụng như một hình thức di cư thay vì được sử dụng cho nhu cầu phát triển tri thức đã diễn ra quá thường xuyên. Những khe hở trong hệ thống cũng thường xuyên bị lợi dụng bởi những đại lý du học vô đạo đức nhằm trục lợi. Các sinh viên thường xuyên bị các đại lý tuyển sinh biến chất lôi kéo tới những cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục yếu kém để họ kiếm lợi nhuận từ hoa hồng. Các lỗ hổng trong hệ thống bị các đại lý này lợi dụng để các học viên nhận được lời mời nhập học từ các học viện uy tín (nhằm kiếm thị thực du học), nhưng đồng thời họ đã vạch sẵn các kế hoạch chuyển những sinh viên này sang các cơ sở yếu kém hơn.

Chính phủ liên bang vẫn chưa công bố kết quả báo cáo được ủy nhiệm cho Nixon (Nixon Report), được cho là đã vạch ra sự tràn lan của nạn tham nhũng trong hệ thống cấp thị thực, cùng với điều kiện làm việc bóc lột và mức lương bắt chẹt mà học sinh du học phải đối mặt. Nguyên nhân dẫn đến những điều trên phần lớn đến từ sự yếu kém trong khâu quản lý các đại lý đại diện tuyển sinh du học. Dù đa số vẫn hoạt động theo các nguyên tắc đạo đức, nhưng cũng đã xuất hiện một bộ phận bị biến chất muốn đạt được nguồn lợi tài chính từ việc chuyển đổi cơ sở theo học bằng mọi giá. Những người này chỉ tập trung vào mục tiêu nhập cư của học viên mà bỏ qua các mục tiêu về mặt giáo dục của họ. Không giống như các đại diện di trú, các đại lý du học trên thực tế hoàn toàn không bị kiểm soát. Một nhân chứng trong cuộc điều tra gần đây của quốc hội đã nhận xét: “Con chó của tôi cũng có thể làm đại lý tuyển sinh du học”. Những gì diễn ra tại Úc có thể trở thành bài học bổ ích cho các hệ thống giáo dục khác cũng đang phụ thuộc vào các đại lý để tuyển sinh mà chưa có cơ chế quản lý phù hợp.

Bên cạnh vấn đề thiếu sót trong quy định quản lý các đại lý tuyển sinh du học, cũng phải kể đến sự thiếu hụt nguồn lực để giám sát hệ thống cấp thị thực. Chỉ có chưa đầy 20 nhân viên được tuyển dụng bởi bộ Nội vụ liên bang để phụ trách hơn 5 ngàn tổ chức đào tạo được cấp phép.

Giải pháp là gì?

Các biện pháp liên ngành được phối hợp bởi toàn chính phủ với sự tham gia của Bộ Giáo dục, Bộ Nhập cư, và Bộ Nội vụ liên bang là vô cùng cấp thiết. Chính quyền các bang và các trường đại học cũng sẽ cần phải tham gia, cùng với các cơ quan quản lý như TEQSA và Cơ quan Chất lượng Kỹ năng Úc (ASQA – Australian Skills Quality
Authority). Cần huy động nhiều nguồn lực hơn đề khắc phục những trì trệ đáng quan ngại trong xử lý thị thực, thanh giảm hơn 100 phân loại thị thực hiện có, và đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích của các thị thực du học được cấp. Các điều khoản của pháp luật đối với nạn rửa tiền cũng cần được bổ sung áp dụng cho cả các đại diện du học và nhập cư, cũng như áp dụng cho các cơ sở giáo dục tư nhân. Cần chấm dứt sự tha hóa tràn lan của hệ thống thị thực du học và giáo dục đại học, cũng như những thất bại trong khâu quản lý các đại diện giáo dục và loại trừ các đối tượng tham nhũng. Tình trạng lạm dụng các sinh viên du học, cũng như việc hủy hoại danh tiếng của hệ thống giáo dục đại học nói chung sẽ không được phép được tiếp diễn trong tương lai.