Andrés Bernasconi là giáo sư ngành giáo dục tại Đại học Pontificia Católica de Chile, Chile. E-mail: abernasconi@uc.cl.
Tóm tắt: Các trường đại học ở Mỹ Latinh từ lâu đã được hưởng lợi từ sự bảo vệ pháp lý rõ ràng đối với quyền tự chủ của họ. Trong khi hiếm có những cuộc tấn công công khai vào quyền tự chủ của trường đại học trong những thập kỷ gần đây, thì việc chính quyền Bolsonaro cánh hữu ở Brazil làm cho các trường đại học liên bang và các cơ quan tài trợ cho khoa học bị xáo trộn nghiêm trọng, đã minh họa nhược điểm cốt lõi trong khái niệm tự chủ của Mỹ Latinh: vị trí thứ yếu và lệ thuộc mà nó mang lại cho tự do học thuật.
Trong số IHE #99 và #105 Marcelo Knobel và Fernanda Leal vạch rõ thách thức nghiêm trọng nhất đối với quyền tự chủ của trường đại học ở Mỹ Latinh kể từ thời kỳ độc tài. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tấn công vào các trường đại học liên bang và các cơ quan tài trợ cho khoa học. Chính quyền Bolsonaro cánh hữu (2019–2023) đã cắt giảm nghiêm trọng nguồn tài trợ cho các trường đại học liên bang, hạn chế việc hỗ trợ cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn của các cơ quan liên bang tài trợ cho nghiên cứu và cấp học bổng cho sinh viên sau đại học, đồng thời can thiệp vào quá trình bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học.
Những thách thức đối với tự do học thuật
Tuy Bolsonaro đã bị bỏ phiếu cách chức trong nỗ lực tái tranh cử và mối đe dọa hiện tại từ thương hiệu chính trị của ông không còn nữa, nhưng mức độ nghiêm trọng của thách thức mà chính phủ ông ta đặt ra đối với quyền tự chủ của các trường đại học vẫn đáng được suy ngẫm vì lợi ích bảo vệ tự do học thuật. Mặc dù gần đây ta đã chứng kiến những vi phạm tương tự đối với quyền tự do học thuật ở Trung Quốc, Hồng Kông, Hungary, Ba Lan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cần lưu ý rằng châu Mỹ Latinh có hình thức pháp lý có thể là mạnh mẽ nhất để bảo vệ quyền tự do học thuật: quyền tự chủ của các trường đại học được đưa vào hiến pháp của hầu hết các nước trong khu vực. Trên thực tế, một số hành vi xâm phạm khó tin nhất mà Bolsonaro cố gắng thực hiện đã bị ngăn chặn trên cơ sở hiến pháp.
Vậy thì ta có nên coi tình tiết này ở Brazil là một sự may mắn chính trị đơn thuần, rốt cuộc là một màn trình diễn vô hại của lối hùng biện phi tự do tân bảo thủ thông thường và chủ nghĩa dân túy phản khoa học, một giai đoạn hỗn loạn lâu năm làm gián đoạn lẽ ra là một thời thái bình La mã (pax romana) về tự chủ đại học và tự do học thuật được chú ý khắp Mỹ Latinh? Tôi không nghĩ như vậy.
Khái niệm lệch lạc của châu Mỹ Latinh về tự chủ đại học
Vấn đề nằm ở chính quyền tự chủ của trường đại học, vì nó đã được cộng đồng học thuật ở Mỹ Latinh hiểu, quy định và bảo vệ từ những năm 1920. Đó là quyền tự chủ mạnh về đặc quyền đ0oàn thể cho trường đại học với tư cách là một tổ chức, nhưng lại yếu trong ở cốt lõi của nó là tự do học thuật. Tôi sẽ giải thích điều này.
Ý tưởng về tự chủ đại học – một đặc quyền hoặc đặc ân giúp cho các cơ sở đào tạo thoát khỏi sự kiểm soát chính trị – khá là đồng nhất khắp châu Mỹ Latinh. Các trường đại học hiểu rằng họ có nghĩa vụ với phúc lợi công cộng và phục vụ cộng đồng trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, bản chất của sự phục vụ đó hoàn toàn do chính các trường đại học quyết định, có thể là cá nhân hoặc tập thể thông qua các hiệp hội quốc gia của họ.
Tự chủ bao gồm tự do học thuật trong việc xác định chương trình giảng dạy, tuyển sinh, cấp bằng, bổ nhiệm giảng viên và thiết lập tiêu chuẩn giảng viên cơ hữu và thăng tiến trong sự nghiệp học thuật. Tự do giảng dạy và nghiên cứu không bị hạn chế hay ép buộc cũng nằm trong này. Do có tư cách pháp lý độc lập như những đơn vị phân cấp của nhà nước, các trường đại học có thẩm quyền pháp lý để xây dựng quy định và quy chế riêng cũng như chọn cách thức mà cơ quan thẩm quyền của trường thực hiện quyền tự chủ hành chính của mình. Trường đại học có quyền sở hữu tài sản riêng của mình, được tự do quản lý, nhận tài trợ công và bổ sung thu nhập bổ sung cho mình, đó được gọi là quyền tự chủ về tài chính hoặc kinh tế.
Trong thế kỷ 20, tự chủ đại học ở Mỹ Latinh được xây dựng như một biện pháp bảo vệ các trường đại học chống lại sự xâm nhập – đôi khi độc đoán hoặc hết sức độc tài – của chính phủ, để có thể thực hiện những mục tiêu mà trường thấy phù hợp. Ý tưởng chỉ đạo là sự tự do của trường – và trong trường hợp trường đại học công lập – đó là thiết lập một phạm vi tự quyết trong khuôn khổ nhà nước.
Ở châu Mỹ Latinh, các trường đại học hàng đầu của mỗi quốc gia đòi quyền tự chủ từ hệ thống chính trị theo một quá trình gần giống như việc giành quyền công đoàn (quyền của trường đại học như một thực thể quan liêu và một tác nhân xã hội), chứ không phải thừa nhận quyền tự do tinh thần. Tự do học thuật chủ yếu do quyền cấu trúc của các trường theo hướng tự chủ mà ra.
Trường đại học là người nắm giữ đặc quyền và là chủ thể theo quan niệm của người Mỹ Latinh về quyền tự chủ đại học, chứ không phải cộng đồng học thuật của trường. Tự do học thuật trong khuôn viên trường có thể thực hiện được nhờ quyền tự chủ, nhưng đó không phải là lợi ích cơ bản của nó. Do không phụ thuộc nên các trường đại học có thể “nói thật về quyền lực”. Vị thế của các trường rất chính trị, mặc dù nằm ngoài địa hạt chính trị chính thức, và quyền tự chủ đóng vai trò như một tấm đệm đoàn thể bảo vệ trường đại học khỏi các tác nhân chính trị bên ngoài và ngày nay, trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản học thuật, khỏi các tác nhân kinh tế. Tri thức chỉ xuất hiện ở những nơi có phản biện xã hội.
Do đó, luật pháp hiện hành đã tạo ra một không gian rộng lớn cho tự chủ đại học ở Mỹ Latinh, được xem là quyền tự do đoàn thể của trường đại học với tư cách là một tổ chức, ngay cả khi đó là kết quả tự do học thuật của các học giả. Tự do học thuật được coi là kết quả của tự chủ đại học chứ không phải là nền tảng cơ bản của nó.
Tự chủ bao gồm tự do học thuật trong việc xác định chương trình giảng dạy, tuyển sinh, cấp bằng, bổ nhiệm giảng viên và thiết lập tiêu chuẩn giảng viên cơ hữu và thăng tiến trong sự nghiệp học thuật.
Điều này liên quan tới tự do học thuật như thế nào?
Khi chỉ được hiểu như là một hình thức khác về tính độc lập của trường đại học, ngang hàng với tự chủ về hành chính, tổ chức và tài chính, thì tự do học thuật sẽ bị bóc phốt. Những quan chức được bầu chọn có ý định gây phiền nhiễu cho trường đại học có thể cho rằng trường có vấn đề về tài chính, hoặc cơ cấu, hoặc quản trị, chứ không phải hoạt động học thuật. Khi đó, cán bộ của trường sẽ phải giải thích việc vi phạm vòng độc lập bên ngoài ảnh hưởng như thế nào đến cốt lõi bên trong của tự do học thuật. Đây là một kiểu lập luận mà cộng đồng đại học ở Mỹ Latinh không quen, vì bất kỳ hình thức vi phạm nào đối với bất kỳ khía cạnh nào của việc tự chủ đều bị lên án là nghiêm trọng như nhau.
Khi không phải trường đại học nói chung, hay một phân ngành cụ thể (chẳng hạn như các trường đại học liên bang ở Brazil), mà là công việc cá nhân của học giả hay nhóm các học giả – mà sự uyên bác của họ làm cho một số chính trị gia khó chịu (ví dụ như các nghiên cứu về giới) – bị vây hãm, thì vấn đề tự do học thuật trở nên quan trọng. Những thách thức mang tính cá nhân hóa hoặc có mục tiêu này dần có thể xảy ra thường xuyên nhất, vì các chính trị gia hay gây tranh cãi trên mạng xã hội có thể châm biếm các chương trình nghiên cứu một cách dễ dàng và ồ ạt. Các thách thức này sẽ yêu cầu bảo vệ ở những nơi – ngược với phản ứng của Mỹ Latinh – không đặt tổ chức trước, rồi mới tới tự do học thuật sau, mà thay vào đó là tự do học thuật được coi là khái niệm cốt lõi cần được bảo vệ, vì lợi ích riêng của nó mà nó tỏa ra bên ngoài, ở cấp độ tổ chức, tạo ra một vòng bảo vệ mà chúng tôi gọi là tự chủ của trường đại học.