Thu nhập và con đường sự nghiệp của giới học thuật tại châu Âu: những thách thức trong việc thu hút nhân tài

Alice Civera là Trợ lý Giáo sư tại Khoa Quản lý, Thông tin và Kỹ thuật Sản xuất, Viện nghiên cứu so sánh Cisalpino (CCSE), Đại học Bergamo, Ý. E-mail: alice.civera@unibg.it. Erik Lehmann là Giáo sư tại Viện CCSE, Đại học Augsburg, Đức. E-mail: erik.lehmann@wiwi.uni-Augsburg.de. Michele Meoli là Phó Giáo sư tại Khoa Quản lý, Thông tin và Kỹ thuật Sản xuất, Viện CCSE, Đại học Bergamo, Ý. E-mail: michele.meoli@unibg.it. Stefano Paleari là Giáo sư tại Khoa Quản lý, Thông tin và Kỹ thuật Sản xuất, Viện CCSE, Đại học Bergamo, Ý. E-mail: Stefano.paleari@unibg.it.

Tóm tắt: Vào năm 2022, Hội nghị Hiệu Trưởng Đại học Ý đã thực hiện một nghiên cứu về tính thu hút của hệ thống đại học châu Âu. Mối quan ngại chính là mức thù lao thiếu tính cạnh tranh cho các nhân sự học thuật tại Ý. Bốn quốc gia châu Âu đã được lựa chọn để phân tích so sánh là Pháp, Đức, Ý và Vương quốc Anh. Các kết quả thu được cho thấy tồn tại khoảng cách đáng kể giữa các chế độ và mức thù lao học thuật giữa các khu vực, đồng thời, Ý đang tụt hậu rất xa so với các quốc gia còn lại.

Thu nhập là phương tiện chính để thu hút và giữ chân nhân tài trong giới học thuật. Dù vậy, trên phạm vi toàn cầu, mức lương của giới học thuật khó có thể so sánh được với thu nhập của những người làm việc trong các mảng tư nhân, thậm chí nó còn không theo kịp sự lạm phát. Mức lương tại châu Âu gần như không thể sánh với mức lương tại Hoa Kỳ. Một giáo sư toàn thời gian trung bình tại Hoa Kỳ có thể kiếm được 140 ngàn USD mỗi năm – nhiều hơn 30% so với mức thu nhập mà người đó có thể kiếm được trong cùng một vị trí tại Vương quốc Anh, nơi có mức thù lao cao nhất trong khối châu Âu.

Do vậy, một phân tích chuyên sâu về bối cảnh châu Âu hiện tại là vô cùng cần thiết. Nghiên cứu này sẽ đưa ra những so sánh về chế độ thù lao học thuật tại bốn quốc gia châu Âu, cụ thể là Pháp, Đức, Ý, và Vương quốc Anh. Cả Đức và Vương quốc Anh đều là các quốc gia có mức thu nhập trong khối học thuật cao hơn trong nhóm bốn nước, ở cả giai đoạn mới bắt đầu và cả cấp độ đỉnh cao của sự nghiệp. Đây là kết quả của một quá trình đàm phán đặc thù, chỉ tồn tại ở hai quốc gia này. Ý là quốc gia duy nhất trong nhóm bộ tứ với mức lương được đề nghị có chuẩn cố định, không thể thay đổi, và nhân sự ngành học thuật tại Ý cũng không có cơ hội đàm phán mức lương của họ. Đây là một bất lợi lớn cho nền học thuật của quốc gia này.

 

Nghiên cứu này sẽ đưa ra những so sánh về chế độ thù lao học thuật tại bốn quốc gia châu Âu, cụ thể là Pháp, Đức, Ý, và Vương quốc Anh

 

Thù lao của giới học thuật tại châu Âu

Trong quá trình làm nghiên cứu này, chúng tôi đã gặp nhiều trở ngại trong việc tính toán. Chúng tôi tập trung vào đối tượng chính là mức lương ròng. Các thách thức đến từ việc lấy dữ liệu trên hệ thống thuế và phúc lợi quốc gia từ mỗi bộ ngành tài chính, mỗi hệ thống có các quy tắc và đặc thù riêng, cũng như việc tổng hợp các dữ kiện này. Nhiều điểm đặc thù của từng quốc gia đã được khẳng định lại thông qua nhiều cuộc phỏng vấn với người bản địa.

Có ba điểm chính nổi bật sau khi chúng tôi phân tích dữ liệu của cuộc điều tra. Điểm đầu tiên là có một khoảng cách khá lớn trong mức lương giữa một bên là nhóm Pháp và Ý, và bên còn lại là nhóm Đức và Anh. Lấy ví dụ, một giáo sư toàn thời gian tại Ý có mức thu nhập khoảng 62.420 USD, tức là thấp hơn so với mức thu nhập của một người đồng cấp của họ tại Đức và Anh khoảng 45% tới 60%. Những điều kiện không thỏa đáng như vậy trong công việc đã làm cho khối ngành học thuật kém hấp dẫn hơn đối với các học giả, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu chất xám vốn đã không có gì xa lạ gì tại Ý. Mức lương của một học giả tại Ý thậm chí còn không có tính cạnh tranh kể cả với các ngành nghề khác trong khu vực nội địa. Một ví dụ điển hình là mức lương tại Ngân hàng Ý, một trong những tổ chức uy tín nhất của quốc gia này, cao hơn 20% so với mức lương tại các trường đại học. Đây là lý do khiến giới trẻ cho rằng các cơ hội việc làm trong khối ngành học thuật hàn lâm kém thu hút hơn so với các ngành khác.

Thường thì khi chấp nhận mức lương không thỏa đáng, người ta sẽ trông đợi vào việc thăng tiến nhanh trong sự nghiệp để bù đắp lại. Trong trường hợp này, khi tiến tới những vị trí cao hơn trong công việc thì thù lao cũng phải tăng theo đáng kể. Đây là điểm mấu chốt thứ hai: trong khối ngành hàn lâm, chênh lệch về mức lương tại các giai đoạn khác nhau của sự nghiệp không hề đáng kể. Điều này đặc biệt đúng với Pháp và Ý, nơi thu nhập của vị trí giáo sư chỉ cao hơn 24% so với phó giáo sư. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa hai nước này. Ở Ý, độ tuổi trung bình của vị trí phó giáo sư là 52 (cao nhất trong khối châu Âu), trong khi đó ở Pháp độ tuổi này chỉ là 34. Việc các giáo sư tại Pháp đạt được vị trí này khi cực kỳ trẻ là hệ quả của một lộ trình sự nghiệp đặc thù. Lộ trình này bao gồm một vị trí có thể được xem là trung gian giữa vị trí phó giáo sư và trợ lý giáo sư. Lộ trình sự nghiệp được xây dựng như vậy ở Pháp giúp cho nhân sự trong ngành được hưởng nhiều lợi ích đến từ sự bền vững của hệ thống và một tương lai được ấn định rõ ràng.

Điểm thứ ba và cũng là điểm cuối cùng, là sự có mặt của các biến số trong việc thiết lập mức lương. Biến số này có thể dựa vào một trong ba yếu tố sau: yếu tố địa lý, yếu tố phúc lợi hoặc yếu tố hiệu suất. Mức lương có thể được điều chỉnh dựa theo chi phí sinh hoạt bình quân tại địa phương và/hoặc theo nhu cầu, sản lượng khoa học, cũng như sự xuất sắc trong công việc, được đo đạc thông qua các bài viết học thuật được đăng trên các tạp chí hàn lâm danh giá. Một vài ví dụ có thể kể đến việc một trường đại học tại Anh có thể thương lượng với ứng cử viên một mức lương tốt hơn để thu hút các kỹ sư trẻ tuổi đi theo sự nghiệp hàn lâm, một trường đại học tại Đức có thể đưa ra mức lương có tính tới yếu tố chi phí sinh hoạt, và một trường đại học tại Pháp có thể điều chỉnh mức lương dựa theo các trách nhiệm gia đình mà ứng viên phải gánh vác. Không có bất kỳ cơ hội nào cho những điều tương tự được áp dụng tại các trường đại học của Ý.

Kết luận

Giá trị của nghiên cứu này nằm ở việc phân tích được các khía cạnh về kinh tế của một đất nước, điều đóng vai trò rất quan trọng trong sức hút của quốc gia đó. Tuy vậy, cần hiểu rõ rằng một đất nước thu hút được nhân tài hay không chỉ nhờ vào các yếu tố về kinh tế. Nhiều yếu tố khác cũng góp phần tạo nên sức hút của giới hàn lâm trong một đất nước đối với các học giả, ví dụ như chất lượng cuộc sống, sự cân bằng giữa đời sống cá nhân và công việc, quyền tự chủ học thuật, mức độ danh giá của các trường đại học. Dù vậy, việc trả thù lao không tương xứng với công sức có thể làm cho những cá nhân xuất sắc và tài năng thấy nản lòng và không muốn theo đuổi con đường học thuật hay tham gia vào nền giáo dục đại học của một vài quốc gia.

Trong số bốn quốc gia được nghiên cứu, chỉ có hệ thống đại học của Ý không hề đưa ra “gói hỗ trợ di cư” một cách cụ thể. Chính sách này vốn thường được dùng để thu hút giới nhân tài trẻ tuổi từ các nước khác trong khối châu Âu. Trong thời đại này, các nhân tài được coi như nguồn tài nguyên khan hiếm, đặc biệt là các nhân tài đang tìm kiếm các cơ hội quốc tế. Thêm vào đó, các trường đại học được xem như những bánh lái điều hướng sự phát triển và giúp các nền kinh tế phương Tây vượt qua được giai đoạn tăng trưởng bị chững lại. Trong bối cảnh này, rõ ràng khi được so với Ý, một vài hệ thống giáo dục châu Âu khác đã được định vị tốt hơn để nâng cao sức hấp dẫn của họ. Dù vậy, có thể vẫn còn một tia hy vọng dành cho chính phủ Ý để cải thiện tình trạng này thông qua nguồn vốn đến từ Kế hoạch Phục hồi và Phát triển Quốc gia, dù điều này sẽ yêu cầu cần phải có thêm thời gian cũng như nguồn lực bổ sung.

Tính thu hút của nền học thuật là một chủ đề đã được khai thác về hầu như tất cả mọi mặt. Việc nghiên cứu và hiểu rõ thêm về chế độ lương thưởng của các quốc gia trong và ngoài khối châu Âu có thể sẽ làm hé lộ thêm nhiều kết quả đáng lưu ý. Giới quyết sách cần nắm được các yếu tố ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết định trong sự nghiệp của giới hàn lâm để đưa ra các lựa chọn hấp dẫn hơn cho họ.