Sự chuyển dịch xu hướng du học của sinh viên Hàn Quốc

Kyuseok Kim, MBA, là nghiên cứu sinh tại Khoa Giáo dục của Đại học Hàn Quốc. E-mail: [email protected]. Edward Choi là Trợ lý Giáo sư tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc. E-mail: eddie.chae@gmail.

Tóm tắt: Số lượng sinh viên Hàn Quốc du học nước ngoài đang giảm đi đáng kể so với trước đây. Có nhiều yếu tố dẫn đến hiện tượng này, trong đó có sự suy giảm số lượng dân số trẻ, đại dịch COVID-19, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bài ngoại, cũng như những cải thiện trong khối ngành giáo dục đại học trong nước. Thêm vào đó, một vài trong số những yếu tố nêu trên còn giúp lý giải được những biến đổi trong xu hướng xuất ngoại cũng như việc hướng đến các thị trường giáo dục bên ngoài Hàn Quốc, với tư cách là điểm đến tiềm năng cho những người có nhu cầu du học nước ngoài. Dù vậy, ý nghĩa về tầm ảnh hưởng của những thay đổi nêu trên vẫn còn chưa được nắm rõ.

Gần đây, một báo cáo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã hướng sự chú ý của công luận tới một xu hướng đáng suy ngẫm liên quan tới lượng sinh viên Hàn Quốc theo học tại các trường đại học ngoài nước. Số lượng sinh viên Hàn Quốc được ghi nhận là đang nằm trong dòng di chuyển liên quốc gia đã giảm xuống. Sự suy giảm trong số lượng sinh viên xuất ngoại để đến học tập các nền giáo dục nổi bật như Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ phản ánh các chuyển đổi mang tính văn hóa xã hội và chính trị trên quy mô nội địa và cả quốc tế. Những chuyển đổi này gây ra vô vàn tác động đến các bên liên quan, bao gồm các bộ phận trong chính phủ Hàn Quốc, các đối tượng sử dụng dịch vụ giáo dục và những đối tượng tham gia hoặc bị ảnh hưởng bởi các chương trình trao đổi sinh viên.

Theo đuổi sự xuất sắc

Từ cuối những năm 1980, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu giảm bớt các chế tài hạn chế di chuyển và việc nhận các chứng chỉ giáo dục quốc tế ở cấp đại học đã không còn bị hạn chế. Vào thời điểm này, người dân Hàn Quốc bắt đầu tiếp cận xu hướng đi du học. Trong một khoảng thời gian dài, du học đã trở thành lựa chọn thay thế tốt nhất cho những sinh viên vì lý do này hay lý do khác mà không thể theo học ở một số lượng rất nhỏ các cơ sở giáo dục dành riêng cho tầng lớp tinh hoa – còn được biết đến như “SKY” gồm 3 trường Seoul National University, Korea University và Yonsei University.

Đối với những sinh viên này, việc du học được nhìn nhận như một yếu tố mang lại lợi thế về phát triển con đường sự nghiệp, cả ở trong và ngoài nước. Nhiều sinh viên thậm chí đã lựa chọn từ bỏ việc học trong nước để theo đuổi các bằng cấp quốc tế danh giá hơn. Tầng lớp trẻ tuổi có nền tảng học thuật và tài chính vững mạnh tại Hàn Quốc vẫn đang thể hiện một cách mạnh mẽ ước muốn được theo học tại các trường đại học nổi tiếng như Đại học Harvard tại Hoa Kỳ, Đại học Tohoku tại Nhật Bản, hay Đại học Thanh Hoa tại Trung Quốc. Những sinh viên này về sau có thể quay trở lại thị trường lao động Hàn Quốc với ưu thế cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực. Thực tế cho thấy những người nắm giữ các vị trí cấp cao trong chính phủ, cũng như các nhân vật xuất chúng trong xã hội Hàn Quốc đều là những người nắm trong tay các bằng cấp quốc tế.

Việc theo đuổi các bằng cấp quốc tế có thể được lý giải bởi “cơn sốt học vấn” đã bám rễ tại quốc gia này trong suốt nhiều thế kỷ, kể từ giai đoạn tiền hiện đại của Hàn Quốc (từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 20) hoặc thậm chí còn sớm hơn thế nữa. Do đó, không hề đáng ngạc nhiên khi Hàn Quốc – cùng với Trung Quốc và Ấn Độ – nằm trong những quốc gia đứng đầu về số lượng sinh viên được gửi ra nước ngoài để theo học, với Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là những điểm đến được sinh viên Hàn Quốc ưa chuộng. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, có đến 124 ngàn học sinh Hàn Quốc đã đi du học sau khi tốt nghiệp trung học trong năm 2022. Con số này gần gấp đôi so với các nước như Pháp, Iran, Malaysia, Hoa Kỳ và Việt Nam.

 

Số lượng học sinh Hàn Quốc xuất ngoại đã tăng vọt lên gấp gần 5 lần trong khoảng thời gian từ 1991 đến 2011. Tuy vậy xu hướng này đã xoay chiều.

 

Sự sụt giảm số lượng

Số lượng học sinh Hàn Quốc xuất ngoại đã tăng vọt lên gấp gần 5 lần trong khoảng thời gian từ 1991 đến 2011. Tuy vậy xu hướng này đã xoay chiều. Thay vì giữ được đà tăng, con số này đã sụt giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây. Sự sụt giảm đến gần 53% tổng số lượng học sinh sau trung học đi du học nước ngoài đã diễn ra tại Hàn Quốc trong những năm 2011 – 2022, và những điểm đến du học từng được ưa chuộng không còn ghi nhận số lượng học sinh Hàn Quốc theo học nhiều như trước nữa. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, con số này đã giảm 46%, từ 73.351 học sinh trong giai đoạn 2010-2011 xuống còn 39.491 học sinh giai đoạn 2020-2021. Các điểm đến du học khác cũng ghi nhận sự sụt giảm tương đương, hoặc một vài trường hợp thậm chí còn trầm trọng hơn. Tại Trung Quốc con số này đã giảm 77%, từ 73.240 năm 2017 xuống 16.968 năm 2022; tại Anh số lượng du học sinh Hàn Quốc giảm 72%, từ 17.310 năm 2011 xuống 4.798 năm 2022; còn tại Nhật con số này giảm 45% trong cùng kỳ.

Sự chuyển hóa giữa bối cảnh nội địa và toàn cầu

Sự sụt giảm lượng học sinh du học là một hiện tượng đa chiều, bị tác động bởi nhiều yếu tố. Một nguyên nhân có thể đến từ việc suy giảm dân số trẻ, điều đã và vẫn đang diễn ra kể từ những năm 1990. Có thể dễ nhận thấy mối tương quan giữa hai hiện tượng này. Lượng dân số trong độ tuổi từ 6 đến 21 sụt giảm đến 24% trong thập kỷ này kéo theo sự sụt giảm ở mức 53% lượng học sinh xuất ngoại. Nói cách khác, sự sụt giảm của lượng học sinh theo đuổi các bằng cấp quốc tế đang diễn ra theo tỉ lệ thuận với sự sụt giảm lượng dân số trong độ tuổi theo học đại học. Khi tính thêm mức giảm tỷ lệ sinh (tỷ lệ này đạt mức thấp nhất thế giới là 0.76 vào năm 2022), mối tương quan thuận chiều giữa tỷ lệ xuất ngoại và suy thoái dân số sẽ còn mạnh mẽ hơn trong nhiều năm tới.

Các lý giải khác (đa phần đều có sự tương quan lẫn nhau) có thể kể đến như: đại dịch COVID-19, sự trỗi dậy toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng bài ngoại, sự xuất hiện của các nền tảng giáo dục trực tuyến như K-MOOC và Minerva University MOOC, sự thành lập các trường có cơ sở đa quốc gia, các quan ngại về an ninh (ví dụ như những vụ xả súng hàng loạt tại Hoa Kỳ), căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia (ví dụ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc), và những nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao quy mô cũng như năng lực cho nền giáo dục đại học nội địa. Không chỉ giải thích được sự gián đoạn của xu hướng sinh viên xuất ngoại vốn đang tăng trưởng trước đây, một vài yếu tố kể trên còn có thể được coi là nền tảng cho các chuyển dịch đang và sắp diễn ra trong xu hướng trao đổi sinh viên quốc tế. Để lấy một ví dụ, hiện tại thị trường du học quốc tế đang ghi nhận sự gia tăng các mối quan ngại về an ninh tại Hoa Kỳ, đi cùng chi phí bỏ ra cho giáo dục đại học ngày một đắt đỏ, và việc ban hành các hạn chế mới cho chính sách nhập cư đến từ chính quyền Hoa Kỳ tiền nhiệm (“hiệu ứng Trump”). Điều này buộc các học sinh quốc tế phải chuyển sang các quốc gia nói tiếng Anh khác như Úc và Canada, thậm chí là cả các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức và Hà Lan, biến những nơi này thành các điểm đến du học thay thế cho những lựa chọn truyền thống. Trong năm 2022, 3 quốc gia châu Âu vừa được nhắc đến ở trên đều nằm trong tốp đầu nhóm những điểm đến du học được ưa chuộng cho học sinh, sinh viên Hàn Quốc.

Viễn cảnh tương lai

Nhu cầu đi du học để được hưởng nền giáo dục đại học tại nước ngoài đang bị kìm hãm tại Hàn Quốc trong 3 năm qua rất có khả năng sẽ được hồi phục vào giai đoạn hậu đại dịch. Đã có nhiều dấu hiệu ban đầu rõ ràng cho việc dự đoán này trở thành hiện thực. Một ví dụ cho điều này là lượng sinh viên Hàn Quốc tại Hoa Kỳ đã tăng trở lại, từ 39.491 trong giai đoạn 2020-2021 lên 40.755 trong giai đoạn 2021-2022. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng sự phục hồi này có thể ít có khả năng đưa xu hướng xuất ngoại quay trở lại đà tăng trưởng trước đây, mà thay vào đó, nó chỉ giúp xóa bỏ các ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong tương lai, xu hướng du học sẽ vẫn biến động do những yếu tố ảnh hưởng đã được đề cập ở mục trước.

Cụ thể hơn là các học giả đã nhận thấy những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước đã góp phần làm giảm tình trạng chảy máu chất xám. Được lồng ghép ngày một sâu vào các chương trình nghị sự quốc tế hóa quốc gia nhằm xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức, những nỗ lực này dần được cải thiện cả về phạm vi (có nhiều chương trình hơn) và quy mô (với nhiều nguồn kinh phí hơn) trong những năm gần đây. Trong số đó, một số chương trình có thể được kể đến như dự án Brain Korea 21 (BK21) và dự án World Class University (WCU); và gần đây nhất là đề án Study Korea 3.0 với mục tiêu thu hút được 300 ngàn học sinh, sinh viên ngoại quốc trong thập kỷ tới, và dự án Glocal University (Đại học quốc tế bản địa) với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia ở cấp độ khu vực.

Sự xuất hiện của các điểm đến giáo dục hấp dẫn hơn cho người Hàn Quốc gần như là một viễn cảnh chắc chắn sẽ diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi trên thế giới. Nhu cầu tìm kiếm các lựa chọn du học thay thế và theo học tại các địa điểm này của học sinh, sinh viên Hàn Quốc, cũng như gia đình của họ đang ngày một tăng, với lựa chọn mới là các quốc gia như Úc, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan và cả các quốc gia châu Á như Singapore. Do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, việc các quốc gia kể trên liệu có thể giữ vững vị thế của mình trong thị trường du học một cách lâu dài hay không là vấn đề cần phải có thời gian để giải đáp. Không những vậy, một tương lai với xu hướng trao đổi và hợp tác học thuật liên quốc gia ngày một gia tăng do sự tăng cường giao thoa giữa các nền văn hóa cũng là một viễn cảnh rất có thể xảy ra.

Vẫn chưa thể xác định một cách toàn diện liệu phạm vi – hay là số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng – và thời kỳ của cuộc suy thoái số lượng sinh viên xuất ngoại sẽ đạt mức độ nào. Cục diện toàn cầu luôn biến động, để ngỏ nhiều khả năng thay đổi tiềm ẩn đối với các xu hướng đang diễn ra. Bên cạnh đó, đầu năm nay số lượng học sinh, sinh viên ngoại quốc theo học tại Hàn Quốc đã vượt mốc 200 ngàn người. Con số này được kỳ vọng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa nhờ vào đề án “Study Korean 3.0”. Đây là một dấu mốc được xem là có nhiều ý nghĩa với tầm nhìn trở thành trung tâm giáo dục đại học hàng đầu trong khu vực của Hàn Quốc, khi mà đây là một quốc gia vốn chủ yếu gửi học sinh, sinh viên sang các nước khác theo học. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: liệu các xu hướng du học hiện tại sẽ tiếp tục tiếp diễn, liệu Hàn Quốc có thể tiếp tục đa dạng hóa nguồn học sinh, sinh viên nước ngoài hiện đang còn hạn chế (Trung Quốc, Mông Cổ, Uzabekistan và Việt Nam) hay không. Cần có thời gian để có câu trả lời cho những vấn đề này.

Hàn Quốc đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội đầy tiềm năng hơn trong xu hướng trao đổi học sinh, sinh viên cả trong và ngoài khu vực châu Á, với xu hướng trao đổi bên ngoài khu vực diễn ra hạn chế hơn. Điều này chưa có nhiều ảnh hưởng đến việc Hàn Quốc cơ bản là một quốc gia đưa sinh viên đi du học nước ngoài trong ngắn hạn. Tuy vậy, với những diễn biến tiếp theo, đặc biệt là những tác động tương quan giữa lý tưởng quốc gia về việc nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường giáo dục đại học, thay đổi bối cảnh toàn cầu, và thay đổi thái độ của người tiêu dùng tại Hàn Quốc với việc du học, sẽ thật thú vị khi theo dõi những thay đổi này.