Những thách thức và khó khăn của giáo dục đại học tại khu vực tây bắc Syria

Mahdi Alkol là Phó Giáo sư tại Khoa Kinh tế và Quản trị, Đại học Idlib, Syria. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Cuộc chiến đang diễn ra tại Syria đã gây ảnh hưởng lớn tới nền giáo dục đại học của nước này. Khối giáo dục đại học đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và thử thách. Cụ thể hơn, sinh viên ở các khu vực tây bắc Syria đang gặp phải nhiều khó khăn, như việc các chứng chỉ đại học của họ không được công nhận, khó tìm việc, chi phí học tập cao, cũng như việc không thể duy trì việc học tập một cách ổn định vì họ bắt buộc phải làm việc để trang trải chi phí học tập.

Cuộc xung đột đang diễn ra tại Syria đã bước vào năm thứ mười ba. Để thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc chiến, gần một nửa dân số của quốc gia này đã bị buộc phải rời bỏ nơi sinh sống để di chuyển tới các tỉnh khác hoặc các nước láng giềng như Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2023, dân số Syria đạt mốc 26,7 triệu người, với 17 triệu người sinh sống trong lãnh thổ quốc gia này và 9 triệu người tại các quốc gia khác. Cuộc xung đột đã phá hủy nhiều nơi và gây thiệt hại cho các lĩnh vực kinh tế và đời sống. Kể từ thời gian đầu của cuộc xung đột cho tới nay, chất lượng sống của người dân đã bị sụt giảm nghiêm trọng, với những khó khăn trong việc tiếp cận nơi trú ẩn, sinh kế, sức khỏe, giáo dục, nước sạch và vệ sinh.

Nền giáo dục đại học tại quốc gia này là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc chiến. Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nhen nhóm vào năm 2011, lĩnh vực này đã phải đối diện với rất nhiều thách thức, bao gồm việc một số lượng lớn các trường học, cơ sở giáo dục, và các cơ sở hạ tầng khác đã bị phá hủy. Nguyên nhân đến từ sự bất ổn, phá dỡ và di dời các cơ sở giáo dục, tương ứng các viên chức và nhân viên cho các cơ sở này phải di chuyển. Tất cả những yếu tố này đã làm sụt giảm mạnh mẽ chất lượng giáo dục. Tại nước này, số lượng các trường đại học thuộc khối công lập và tư nhân nằm trong các khu vực được kiểm soát bởi chế độ Syria đã đạt tới con số gần 30 trường vào năm 2021. Một số trong các trường này là Damascus University, University of Aleppo, Al-Baath University, Tishreen University, University of Kalamoon, và Al-Wataniya Private University. Trong các khu vực phía tây bắc Syria do lực lượng đối lập nắm quyền được thành lập vào năm 2015, có khoảng 15 trường đại học thuộc khối công lập và tư nhân. Một vài trong số này là Idlib University, Free Aleppo University, Sham University, Al-Shamal Private University, cũng như một vài nhánh của Gaziantep University (Thổ Nhĩ Kỳ). Có tổng cộng khoảng 35 ngàn sinh viên theo học tại những trường này.

Syria đã bị chia cắt thành những khu vực ảnh hưởng bởi các thế lực khác nhau. Bản đồ phân chia các thế lực nắm quyền ảnh hưởng vẫn được giữ nguyên kể từ năm 2020. Đầu tiên là sự tồn tại của các vùng được kiểm soát bởi chế độ Assad, chiếm khoảng 63% diện tích của quốc gia này, với tổng dân số trong khu vực tương ứng là 9,6 triệu người. Tiếp theo đó là các khu vực nằm dưới sự ảnh hưởng của các lực lượng dân chủ tại Syria, với diện tích chiếm 26% lãnh thổ phía đông và đông bắc Syria, nơi có khoảng 2,6 triệu người sinh sống. Cuối cùng là những khu vực được chiếm giữ bởi các phe phái đối lập, với khoảng 11% diện tích của lãnh thổ Syria kèm theo dân số là 4,3 triệu người, được chính phủ lâm thời ở vùng nông thôn phía bắc Aleppo chia quyền kiểm soát cùng với Chính phủ Cứu rỗi Syria nằm trong và xung quanh khu vực Idlib.

 

Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nhen nhóm vào năm 2011, lĩnh vực này đã phải đối diện với rất nhiều thách thức, bao gồm việc một số lượng lớn các trường học, cơ sở giáo dục, và các cơ sở hạ tầng khác đã bị phá hủy. Nguyên nhân đến từ sự bất ổn, phá dỡ và dời các cơ sở giáo dục, tương ứng, các viên chức và nhân viên cho các cơ sở này phải di cư.

 

Những khó khăn và thách thức của giáo dục đại học

Sau sự bùng nổ của cuộc xung đột tại Syria vào năm 2011, một số lượng lớn các sinh viên bỏ học. Điều này đã để lại một khoảng trống trong lĩnh vực giáo dục đại học mà các thành phố phải đối diện. Vào năm 2015, các học giả tại nước này đã thành lập một số trường đại học tại phía tây bắc Syria trong một nỗ lực duy trì giáo dục và lấp đầy khoảng trống này. Nỗ lực này là cần thiết cho nền giáo dục, khi tỷ lệ bỏ học cao do những lo ngại về an ninh, khó khăn về tài chính, và giao thông cản trở sau khi cuộc xung đột bắt đầu. Đối diện với hàng ngàn học sinh đã tốt nghiệp phổ thông cũng như tính cấp thiết trong việc cứu vớt giới trẻ Syria khỏi sự thiếu hiểu biết và mất mát, các trường đại học này đã đứng ra đáp ứng nhu cầu của những người trẻ, cung cấp các khóa đào tạo và giáo dục. Các sinh viên này phải đối diện với nhiều thách thức, bao gồm khoảng cách xa xôi giữa nhà và lớp học, thiếu hụt phương tiện công cộng, cùng các gánh nặng tài chính mà họ không có khả năng chi trả, và cả kiệt quệ thể chất. Các sinh viên học tập tại các trường đại học ở vùng nông thôn phía bắc Aleppo thường phải di chuyển quãng đường có thể lên tới 150 km. Những sinh viên này không đủ khả năng thuê phòng trọ ở những khu vực lân cận trường học nên buộc phải dùng các phương tiện giao thông công cộng – mà không phải lúc nào cũng có sẵn – hoặc nghỉ học.

Cùng với những khó khăn thách thức khác, học phí và các chi phí học tập khác đều cao. Tại miền bắc Syria, học phí ở các trường đại học bán tư nhân dao động từ 150 tới 500 USD mỗi năm, trong khi đó, một số trường đại học thuộc khối tư nhân có thể lấy học phí lên tới 1800 USD một năm. Tất cả các trường đại học đều chỉ có một nguồn thu duy nhất đến từ việc thu học phí của sinh viên.

Sự công nhận quốc tế về bằng cấp

Cần phải nói thêm rằng các bằng cấp được trao bởi các trường đại học tại Syria hiện đang không được ghi nhận trên toàn cầu, kể cả khi các trường đại học này đã rất nỗ lực trong việc cung cấp tất cả các tiêu chuẩn về chất lượng và hệ thống kiểm định hàn lâm. Họ đã phát triển các kế hoạch giảng dạy mới song song với việc cải tiến các kế hoạch cũ, thu hút những chuyên gia phù hợp và khuyến khích việc xuất bản các nghiên cứu khoa học, đặc biệt trên các tạp chí quốc tế có bình duyệt khoa học. Các trường đại học này cũng có xu hướng muốn đạt được tư cách thành viên trong nhiều mạng lưới giáo dục và cố gắng được xếp hạng bởi các cơ quan xếp hạng khác nhau. Các trường đại học tại Syria cũng đã nỗ lực để ký kết các thỏa thuận song phương không ràng buộc với các trường tại Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu để cải thiện mức độ uy tín trong bằng cấp của họ cũng như thứ hạng của trường. Các trường phía bắc Syria coi những hoạt động tương tự là trụ cột trong việc tăng cường hợp tác và đạt được độ nhận diện, nhưng các trường đại học ở các quốc gia khác lại ngần ngại trong việc hợp tác với các trường này. Lý do là bởi họ lo ngại sự thiếu ổn định và bất ổn an ninh hiện đang diễn ra tại Syria.

Với hàng ngàn các sinh viên Syria, tương lai vẫn tiếp tục là một cơn ác mộng đáng sợ, khi mà nền giáo dục đại học của quốc gia này vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề như việc thiếu đi sự công nhận quốc tế đối với bằng cấp đại học, cũng như những thách thức đến từ việc nền giáo dục đại học bị phân mảnh do sự chia cắt quyền kiểm soát của các thế lực khác nhau.