Nghiên cứu giáo dục đại học ở các quốc gia Hồi giáo

Yusuf Ikbal Oldac là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của Hội đồng tài trợ nghiên cứu Hồng Kông, làm việc tại Trường Nghiên cứu sau đại học, Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông. Email: [email protected]. Tài khoản X (trước đây là Twitter): @YusufOldac.

Tóm tắt: Nghiên cứu toàn cầu đang ngày càng đa dạng hóa. Xã hội Hồi giáo hiện đang nằm trong số những hệ thống khoa học phát triển nhanh nhất trên thế giới, mặc dù có khởi đầu khá chậm chạp. Bài viết này thảo luận về nghiên cứu giáo dục đại học ở các quốc gia Hồi giáo, liên quan đến sự phát triển của họ, sự hợp tác nghiên cứu trong nước/quốc tế, công nhận trích dẫn và trọng tâm của lĩnh vực nghiên cứu. Bài viết cũng nêu bật một số thách thức, bao gồm sự chú ý tương đối thấp của họ đến nghiên cứu nhân văn, đây là điều mà nền văn hóa Hồi giáo phong phú có thể đóng góp đáng kể, và việc họ tập trung vào những thành tựu ngắn hạn thông qua liên kết kép trong một số hệ thống.

Nghiên cứu toàn cầu đang được mở rộng với tốc độ chưa từng thấy. Các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác nhau đang ngày càng đóng góp nhiều hơn cho khoa học trên toàn thế giới. Trong số đó có những nhà nghiên cứu ở các quốc gia Hồi giáo. Trong khoa học hiện đại, nơi sản phẩm nghiên cứu được đo lường bằng số lượng công bố khoa học, ảnh hưởng trích dẫn và các số liệu thay thế khác, thì nghiên cứu giáo dục đại học ở các quốc gia Hồi giáo có thể được coi là mới nổi.

Bài viết này thảo luận về 15 hệ thống nghiên cứu được xuất bản nhiều nhất trong xã hội Hồi giáo. 15 hệ thống này đã xuất bản 5,15% trên tổng số bài báo của Web of Science (WoS) trên toàn cầu trong ba thập kỷ qua (1.702.039 bài báo trên tổng số 33.026.981 bài báo trên toàn cầu), mặc dù tổng dân số của họ chiếm 14,16% tổng dân số thế giới. Nói cách khác, những hệ thống nghiên cứu này có sự khởi đầu chậm chạp. Tuy nhiên, nghiên cứu trong xã hội Hồi giáo đang ngày càng tăng tốc khi mà một số hệ thống này hiện đang phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Có sự khác biệt đáng kể về năng suất nghiên cứu giữa các quốc gia Hồi giáo. Trong số 15 quốc gia, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Iran công bố nhiều hơn mức trung bình thế giới là 206.684 bài, với lần lượt là Thổ Nhĩ Kỳ là 483.735 và Iran là 408.463 bài báo. Tiếp theo là Ai Cập, Ả Rập Saudi, Malaysia và Pakistan. Bốn hệ thống này có số lượng bài báo được xuất bản tương đối bằng nhau trong ba thập kỷ qua (dao động trong khoảng 100 ngàn – 200 ngàn bài). Sáu hệ thống này khác biệt với các hệ thống khác về quy mô hệ thống, vì những hệ thống khác có ít ấn phẩm hơn đáng kể trong ba thập kỷ qua.

Mặc dù xã hội Hồi giáo có số lượng ấn phẩm nghiên cứu thấp hơn mức trung bình của thế giới tính theo qui mô của hệ thống, nhưng tốc độ tăng trưởng của họ rất đáng kinh ngạc.

Tốc độ tăng trưởng ấn tượng

Mặc dù xã hội Hồi giáo có số lượng ấn phẩm nghiên cứu thấp hơn mức trung bình của thế giới tính theo qui mô của hệ thống, nhưng tốc độ tăng trưởng của họ rất đáng kinh ngạc. Một nghiên cứu gần đây của Marginson cho thấy một số quốc gia trong số đó, bao gồm Indonesia, Malaysia và Iran, có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng của họ vượt xa Trung Quốc, vốn là một hệ thống nhiều lần được đưa tin là đang tăng trưởng nhanh.

Một chỉ số quan trọng để đánh giá khối lượng đóng góp nghiên cứu của các xã hội trên thế giới là cường độ nghiên cứu, được định nghĩa bằng tổng số nghiên cứu xuất bản chia cho dân số. Theo thước đo này, trong khi đến cuối những năm 2010, các hệ thống có đa số người Hồi giáo vẫn có số nghiên cứu xuất bản rất thấp, thì xu hướng này bắt đầu thay đổi vào cuối những năm 2010, khi 9 trong số 15 quốc gia Hồi giáo được lựa chọn bắt đầu thể hiện cường độ nghiên cứu cao hơn mức trung bình của thế giới. Qatar, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia Hồi giáo có cường độ nghiên cứu cao nhất vào năm 2020.

Xu hướng ngày càng tăng này, kết hợp với dân số đáng kể mà xã hội Hồi giáo đại diện trên toàn cầu (khoảng 1/4 dân số toàn cầu, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew), đã vẽ ra một bức tranh đầy hứa hẹn về sự đóng góp khoa học ngày càng tăng của các nhà nghiên cứu trong xã hội Hồi giáo cho khoa học toàn cầu.

Hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế

Tính kết nối của nghiên cứu đã công bố, được đo lường bởi các đồng tác giả, cũng có thể rất quan trọng trong việc hiểu bản chất của các hệ thống khoa học. Các hệ thống có đa số người theo đạo Hồi có xu hướng thể hiện tỷ lệ hợp tác nghiên cứu quốc tế cao hơn và tỷ lệ hợp tác nghiên cứu trong nước thấp hơn so với mức trung bình của thế giới.

Có thể có hai cách giải thích cho vấn đề này. Một giải thích được sử dụng nhiều lần trong các tài liệu là các quốc gia tương đối nhỏ và mới nổi sẽ hợp tác quốc tế nhiều hơn so với hợp tác trong nước vì trong nước thì họ có ít tác giả để cộng tác hơn. Để minh họa, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi và Qatar lần lượt có 83%, 80% và 80% bài báo của họ được xuất bản với sự hợp tác quốc tế, trong khi mức trung bình của thế giới là 27%. Ủng hộ lập luận này, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, là những hệ thống lớn hơn, có mức độ hợp tác nghiên cứu quốc tế gần với mức trung bình của thế giới (lần lượt là 28% và 34%).

Một lời giải thích khác là sự hợp tác trong nước có thể ít hiện hữu hơn trong khoa học toàn cầu do các vấn đề về ngôn ngữ và cơ sở dữ liệu. Các ấn phẩm nghiên cứu trong nước không nhất thiết phải bằng tiếng Anh và những ấn phẩm như vậy có xu hướng ít được biết đến trên toàn cầu.

Ảnh hưởng khoa học

Số lượng ấn phẩm khoa học chỉ có thể thể hiện được một phần bức tranh. Ảnh hưởng khoa học, được đo lường bằng dữ liệu liên quan đến trích dẫn, có thể cung cấp thêm góc nhìn về cách các hệ thống có nhiều người theo đạo Hồi đang hoạt động.

Trong số các quốc gia Hồi giáo được khảo sát, các hệ thống nhỏ và được tài trợ tốt có ảnh hưởng khoa học cao hơn, chẳng hạn như các hệ thống ở vùng Vịnh. Những gì họ thiếu về quy mô, thì họ bù đắp bằng sự công nhận trích dẫn, vì họ có hơn 40% số ấn phẩm nằm trong nhóm tạp chí hàng đầu. Ngoài ra, Qatar, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều có tỷ lệ tài liệu được trích dẫn trong top 10% cao hơn mức trung bình thế giới, lần lượt là 16%, 14% và 12%.

Phát hiện này ở cấp độ bề nổi có thể được coi là một điểm mạnh. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận trong các tài liệu liên quan về những méo mó gây ra bởi bảng xếp hạng toàn cầu và nguồn tài trợ cho các liên kết kép của các học giả hoạt động ở nước ngoài cũng cần được xem xét. Những thực tiễn như vậy xảy ra ngay cả trong những hệ thống lâu đời nhất; tuy nhiên, các hệ thống ở vùng Vịnh có cả phương tiện (họ được tài trợ tốt so với các hệ thống khác) và động lực (mong muốn phát triển nhanh chóng như các hệ thống mới nổi) để làm như vậy.

Phân tích liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu

Phân tích các ấn phẩm liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu có thể cung cấp một bức tranh có sắc thái hơn về sự đóng góp của xã hội Hồi giáo cho nghiên cứu toàn cầu. Dữ liệu chỉ ra rằng các quốc gia Hồi giáo ngày càng tập trung vào các lĩnh vực STEM, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, tại 15 quốc gia Hồi giáo hàng đầu thì sự chú ý dành cho nghiên cứu nhân văn vẫn luôn thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu. Để minh họa, theo dữ liệu của WoS khoảng 4% nghiên cứu trên toàn thế giới là về nhân văn, trong khi con số trung bình cho nghiên cứu nhân văn được thực hiện ở các quốc gia Hồi giáo chỉ khoảng 1% trong ba thập kỷ qua.

Có thể có hai lý do chính đằng sau điều này. Đầu tiên là nghiên cứu nhân văn của các hệ thống có đa số người Hồi giáo ít được biết đến hơn trong cơ sở dữ liệu quốc tế vì chúng không được xuất bản bằng tiếng Anh hoặc không theo phương pháp chia sẻ nghiên cứu của Anh-Mỹ, tức là các kiểu bài báo trên tạp chí. Đây có lẽ là một lý do chính đáng; ít được biết đến không có nghĩa là không tồn tại.

Lý do thứ hai có thể liên quan đến mối quan hệ giữa nghiên cứu nhân văn và mức độ tự do của một hệ thống nghiên cứu (xem thêm các công trình nghiên cứu của Martha Nussbaum). Sự khác biệt trong các quốc gia có đa số người Hồi giáo trong dữ liệu của tôi ủng hộ lập luận này ở một mức độ nào đó: các quốc gia có mức độ tự do cao hơn theo đánh giá của Economist Intelligence Unit và Freedom House, sẽ có xu hướng có mức độ xuất bản nhân văn cao hơn. Lập luận sau cần được điều tra thêm, nhưng những phát hiện ban đầu chỉ ra hướng đi này.

Kết luận và các thách thức

Các hệ thống nghiên cứu có đa số người theo đạo Hồi là những hệ thống năng động và phần lớn là mới nổi. Họ đang gia tăng về số lượng các ấn phẩm khoa học, thậm chí sau đó đóng góp cho sự gia tăng toàn cầu về các ấn phẩm nghiên cứu. Một số quốc gia này có hệ thống khoa học phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, có những thách thức nhất định phía trước. Các hệ thống khoa học này có mức độ ảnh hưởng khoa học khác nhau được đo lường bằng sự công nhận trích dẫn. Việc công nhận trích dẫn đương nhiên cần có thời gian để tích lũy. Về vấn đề này, có một thách thức là xu hướng dường như đang đẩy nhanh sự phát triển của công nhận trích dẫn thông qua các liên kết trả phí kép, đặc biệt là bởi các hệ thống nhỏ hơn và được tài trợ tốt. Là những hệ thống khoa học đang nổi lên nhanh chóng, xã hội Hồi giáo nên tập trung vào việc xây dựng năng lực bền vững (tức là trau dồi tài năng và cải thiện chính sách hệ thống) thay vì những thắng lợi ngắn hạn. Ngoài ra, phân tích lĩnh vực chủ đề cho thấy tỷ lệ nghiên cứu nhân văn thấp hơn. Nghiên cứu nhân văn được cho là lĩnh vực giàu văn hóa nhất và các xã hội Hồi giáo sẽ có nhiều thứ để cung cấp cho nghiên cứu nhân văn toàn cầu.