Amina Shaldarbekova là nghiên cứu sinh tại Viện Giáo dục, Đại học Xiamen, Trung Quốc. E-mail: A.Shaldarbekova@gmail
Tóm tắt: Tỷ lệ tuyển sinh ở bậc đại học tại khu vực Trung Á có tương quan chặt chẽ tới mức độ tư nhân hóa của khu vực giáo dục này. Tỷ lệ này là số liệu tiêu biểu cho mức độ tiếp cận giáo dục đại học, và con số này sẽ tăng lên cùng với sự tăng trưởng của mức độ tư nhân hóa giáo dục ở cấp bậc này. Tuy rằng khu vực giáo dục đại học công đã được tư nhân hóa phần nào tại cả bốn quốc gia thuộc khu vực Trung Á, các quốc gia này hiện đang có những cách tiếp cận hết sức khác biệt. Kazakhstan và Kyrgyzstan đang đồng thời nỗ lực đẩy mạnh việc nâng cao mức độ tiếp cận giáo dục đại học thông qua việc cấp phép cho các trường đại học tư nhân, trong khi Uzbekistan và Tajikistan lại quyết định duy trì sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ với cấp bậc giáo dục này. Số lượng các sinh viên tự chi trả học phí cũng như những sinh viên được tài trợ bởi chính phủ cũng đang tiếp tục tăng lên.
Tư nhân hóa giáo dục đại học bắt đầu lan tỏa và trở thành hiện tượng toàn cầu từ nhữg năm 1980. Các nước Trung Á cũng không nằm ngoại lệ. Đó là chính sách chung được các nước đưa ra với mục tiêu giảm thiểu sự lệ thuộc của giáo dục vào nguồn ngân sách của chính phủ, sau bối cảnh Liên Xô tan rã vào những năm 1990. Hình thức thực thi chung tại các nước bao gồm áp dụng tư nhân hóa một phần các dịch vụ giáo dục trong các lĩnh vực công, ví dụ như tiến hành thu học phí tại những trường đại học công lập trong khi vẫn duy trì các trường được nhà nước tài trợ hoàn toàn, và cấp phép cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết hơn về thực tiễn triển khai tư nhân hóa giáo dục tại 4 nước trong khu vực Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekístan) và tác động của nó tới việc tiếp cận giáo dục đại học.
Bối cảnh
Những thay đổi về chính trị, kinh tế và xã hội cơ bản diễn ra trong những năm 1990 đã đem đến nhiều thách thức cho hệ thống giáo dục đại học trong khu vực. Mặc dù có mối quan hệ chặt chẽ về lịch sử và địa lý, sau khi giành lại được chủ quyền, những quốc gia Trung Á này lại lựa chọn những hướng tiếp cận khác nhau để thực thi các cải cách về giáo dục đại học, trong đó bao gồm cả tiến trình tư nhân hóa. Các quốc gia này đều nhìn nhận giáo dục là công cụ chuyển hóa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Dù vậy, mỗi quốc gia lại có tốc độ phát triển, nhân tố và quá trình biến chuyển riêng biệt các. Tuy nhiên, các nước đều có điểm chung là không có khả năng phân bổ một cách hiệu quả và đầy đủ ngân sách cho giáo dục. Việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế cho giáo dục đại học – lĩnh vực mà trước đây hoàn toàn được sở hữu, tài trợ, và kiểm soát bởi nhà nước – dẫn đến những bước đầu của tiến trình tư nhân hóa giáo dục. Hệ quả là, tỷ lệ tuyển sinh và nhập học ở mỗi quốc gia tại bậc đại học phụ thuộc vào mức độ tư nhân hóa trong khu vực. Nơi nào cho phép tư nhân hóa giáo dục đại học nhiều hơn, nơi đó có tỷ lệ tuyển sinh và nhập học cao hơn. Vào đầu những năm 1990, tổng tỷ lệ tuyển sinh ở từng quốc gia Trung Á không có sự khác biệt đáng kể, với 18,5% tại Kazakhstan, 12,5% tại Kyrgyztan, 11,6% tại Tajikistan, và 14,8% tại Uzbekistan. Tuy nhiên, những con số này đã thay đổi một cách bền vững từ thời điểm đó. Vì vậy, nếu như phân loại theo các định nghĩa của Martin Trow, trong khi Kazakhstan đã bước vào giai đoạn phổ cập hóa giáo dục, Kyrgyzstan và Tajikistan đã tiến tới cấp độ mà giáo dục đại học đã tiếp cận được với đại chúng, thì giáo dục đại học ở Uzbekistan vẫn chỉ dành riêng cho tầng lớp ưu tú.
Con đường đi tới tư nhân hóa
Vào những năm 2000, tất cả bốn quốc gia trong khu vực Trung Á đều bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện của việc tuyển sinh các sinh viên tự chi trả học phí trong các trường đại học thuộc khối công lập, song song tồn tại với các sinh viên được nhà nước tài trợ. Không chỉ có vậy, theo những thông tin được thu thập từ cơ sở dữ liệu của UNICEF và UNESCO cũng như chính các cơ quan thống kê của các nước sở tại, việc thu học phí đã trở thành nguồn thu chính cho việc vận hành các cơ sở giáo dục đại học công lập. Tỷ lệ sinh viên tự chi trả học phí tại các trường đại học thuộc khối công lập đã tăng lên, và đồng thời với việc đó là tỷ lệ tài trợ của chính phủ đã giảm đi. Hệ quả của việc này là đối với cả bốn quốc gia Trung Á, quá trình mở rộng tiếp cận giáo dục đại học không có sự hiện diện của ngân sách nhà nước. Hiện tại, ngân sách của các chính phủ chỉ cung cấp cho việc học đại học của một số lượng nhỏ sinh viên, với tỷ lệ sinh viên nhận được tài trợ từ chính phủ là 33% tại Uzbekistan, 27% tại Kazakhstan, 21% tại Kyrgyztan và Tajikistan. Tuy vậy, đối lập với Kazakjstan, tại các nước Kyrgyzstan, Uzbekistan, và Tajikistan, lĩnh vực giáo dục đại học vẫn chủ yếu nằm trong khối công lập vì sự phát triển mở rộng chủ yếu nằm trong khối này.
Kazakhstan và Kyrgyzstan: so sánh sự mở rộng của khối công lập và khối tư nhân
Trong bức tranh này, Kazakhstan – quốc gia đã ghi nhận mức tư nhân hóa giáo dục đại học gấp ba lần so với trước đây, được xem như một ngoại lệ trong khu vực. Đây cũng là quốc gia duy nhất hợp pháp hóa việc thành lập các trường đại học tư nhân và cho phép đóng học phí để nhập học vào các trường đại học công. Đây cũng là quốc gia đã thành công trong việc tư nhân hóa một phần hoặc toàn phần đối với một số trường đại học công được kế thừa từ thời kỳ Liên Xô cũ. Vì vậy, khối giáo dục đại học tư nhân của nước này khá quyền lực. Các trường đại học tư nhân tại đây đã áp đảo về mặt số lượng, với hơn 50% trên tổng số 122 cơ sở giáo dục đại học tại quốc gia này thuộc về khối tư nhân vào năm 2017. Điều này là kết quả của sự phát triển mạnh mẽ trong những năm 1990 và 2000. Dù các chính phủ sau này đã cho sáp nhập và đóng cửa một số cơ sở, số lượng của các cơ sở thuộc khối này vẫn ở mức rất cao. Bên cạnh đó, vào những năm 2000, có 12 cơ sở giáo dục đại học công lập đã được chuyển đổi thành các công ty cổ phần. Một vài trong số đó trở thành các trường tư thục hoàn toàn, một số khác được đồng sở hữu cổ phần bởi cả nhà nước và tư nhân. Thêm vào đó, có hơn 50% số lượng sinh viên tại Kazakhstan đã được báo danh tại các trường tư. Tổng tỷ lệ tuyển sinh khối đại học đạt mức 54,3% vào năm 2017 và còn tiếp tục tăng lên. Vì vậy, tỷ lệ tuyển sinh đại học ở mức rất cao tại Kazakhstan không chỉ là thành quả của việc tăng trưởng lượng sinh viên tự chi trả học phí trong các trường công lập, mà còn có sự đóng góp và thúc đẩy lớn của khối tư nhân, với vai trò là động lực cho việc tăng cường tiếp cận và phổ cập hóa giáo dục đại học.
Kyrgyzstan là ví dụ điển hình cho sự tư nhân hóa kép trong khu vực – tư nhân hóa thông qua tăng trưởng các cơ sở giáo dục tư thục và thông qua việc cho phép thu học phí tại trường công. Tuy nhiên, trái ngược với Kazakhstan, giáo dục đại học khối tư nhân tại Kyrgystan lại không phổ biến, dựa trên số lượng cơ sở và số lượng sinh viên. Trong số 51 tổ chức giáo dục, chỉ có 16 tổ chức tư thục được ghi nhận trong năm 2017, tương đương với 14% tổng số sinh viên trên toàn quốc gia. Dù vậy, những cơ sở này cũng đóng góp cho tăng trưởng giáo dục: tỷ lệ nhập học của Kyrgystan đạt 42.8% trong năm này.
Kyrgyzstan là ví dụ điển hình cho sự tư nhân hóa kép trong khu vực – tư nhân hóa thông qua tăng trưởng các cơ sở giáo dục tư thục và thông qua việc cho phép thu học phí tại trường công.
Tajikistan và Uzbekistan: tư nhân hóa khối công lập kèm theo hạn chế mức độ tiếp cận
Uzbekistan cũng là một trường hợp đặc thù trong khu vực. Tại quốc gia này, chính phủ quyết định giữ lại mô hình tiếp cận có chọn lọc. Lĩnh vực công vẫn bị hạn chế về quy mô dù cho những cơ sở thuộc khối này hoàn toàn chưa thể đáp ứng đủ cho nhu cầu đối với giáo dục đại học tại quốc gia này. Các nhà chức trách kiểm soát chặt chẽ đối với việc tuyển sinh đại học bằng cách đặt ra chỉ tiêu nghiêm ngặt với số lượng sinh viên nhập học tại các cơ sở giáo dục đại học, dù là sinh viên tự chi trả học phí hay là sinh viên được tài trợ bởi ngân sách chính phủ. Tỷ lệ nhập học thực tế đã giảm kể từ năm 1991. Hệ quả là Uzbekistan, dù có tổng dân số ở mức cao nhất trong khu vực với 32,3 triệu người, lại là nước có mức tham gia giáo dục đại học ở mức rất thấp là 9% vào năm 2017.
Tương tự như vậy, tại Tajikistan, nhà nước kiểm soát đồng thời cả hai lĩnh vực cung và cầu của giáo dục đại học. Tương tự như Uzbekistan, các cơ sở giáo dục đại học được chính phủ điều hành hoàn toàn. Tỷ lệ nhập học đại học trong nhóm tuổi phù hợp đạt mức 31% vào năm 2017. Thêm vào đó, khối giáo dục đại học tư nhân đến nay vẫn chưa tồn tại. Dù cho quốc gia này lúc đầu đã cho phép thành lập một vài thiết chế không thuộc khối công lập vào những năm 1990, chính sách này đã bị rút lại ngay sau đó. Vào những năm 2000, có một số nỗ lực thành lập các cơ sở thuộc khối tư nhân tại Tajikistan nhưng chỉ 1 cơ sở tồn tại sau khi nhà nước can thiệp. Tuy vậy, Uzbekistan và Tajikistan lại là những ví dụ về các quốc gia công nhận các loại bằng cấp do đại học nước ngoài cấp. Tại Uzbekistan, có bảy chi nhánh của các trường đại học quốc tế, và các trường này được cấp phép để tuyển chọn, ghi danh, và đào tạo các sinh viên một cách độc lập. Tajikistan cũng có một vài chi nhánh của các trường đại học Nga. Thực tế là cả bốn quốc gia trong khu vực Trung Á đều có các trường đại học của Nga hoặc là các chi nhánh của các trường này. Các cơ sở này được thành lập nhờ vào các thỏa thuận liên chính phủ giữa các nước này và Nga.
Dự đoán cho tương lai
Mặc dù khu vực này đã ghi nhận sự sụt giảm dân số kể từ những năm 1990, con số này đã và đang tăng lên kể từ giữa những năm 2000. Dân số của các quốc gia trong khu vực đều đang tăng trưởng một cách đều đặn. Thêm vào đó, không giống như những quốc gia hậu Xô Viết khác, đặc điểm nhân khẩu học của bốn nước Trung Á này đều là dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 27,6. Thêm vào đó, số cư dân dưới 14 tuổi có tỷ lệ là 30.8% vào năm 2017. Với xu hướng nhân khẩu học có lợi cho sự phát triển cùng tỷ lệ sinh ở mức cao, khu vực này sẽ tiếp nhận nhu cầu lớn với giáo dục đại học ở tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, các động lực quyết định tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học lại phụ thuộc vào từng quốc gia. Với trường hợp Kazakhstan và Kyrgyrstan, các nước này cần đặt trọng tâm lớn hơn vào chất lượng của giáo dục đại học thay vì mức độ tiếp cận. Trong khi đó, với các chính sách hạn chế mức độ tiếp cận tại Tajikistan và Uzbekistan, các quốc gia này cần xem xét việc cung cấp nhiều cơ hội giáo dục hơn cho người dân của họ.