Liệu xuất bản quốc tế có còn quan trọng đối với các học giả Trung Quốc thuộc khối ngành khoa học xã hội?

Qiang Zha là phó giáo sư tại Khoa Giáo dục, Đại học York, Canada. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Bài viết này lập luận rằng có hai yếu tố ảnh hưởng tới việc xuất bản quốc tế của các học giả thuộc khối ngành khoa học xã hội tại Trung Quốc. Đầu tiên, những thay đổi gần đây trong quá trình thẩm định học thuật tại Trung Quốc đã khuyến khích việc xuất bản các bài báo khoa học xã hội trong nước. Thứ hai, những rào cản mới đối với việc xuất bản quốc tế của các học giả thuộc khối ngành này đã xuất hiện, chủ yếu đến từ việc nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đúng đắn trong ý thức hệ trong thời gian gần đây. Hệ quả là, khi phải đối diện với những thay đổi và thách thức này, càng ngày càng nhiều các học giả thuộc khối khoa học xã hội tại Trung Quốc lựa chọn giảm bớt hoặc hoàn toàn từ bỏ việc xuất bản quốc tế.

Trong những năm gần đây, hệ tư tưởng Trung Quốc về chính trị và sự phát triển xã hội đã trải qua một bước ngoặt đáng chú ý. Bối cảnh của bước ngoặt này là sự gia tăng căng thẳng về địa chính trị với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Hệ quả của điều này thể hiện rất rõ ràng đối với các nghiên cứu học thuật và việc xây dựng tri thức trong các ngành khoa học xã hội tại quốc gia này. Cụ thể hơn, hiện tại Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm xây dựng một phiên bản khác biệt của quá trình hiện đại hóa cho riêng họ, nhằm thay thế cho mô hình hiện tại vẫn luôn được coi là đặt trọng tâm vào phương Tây. Họ ủy thác nhiệm vụ mô tả lại câu chuyện của quá trình tiến bộ hướng tới hiện đại hóa của Trung Quốc cho ngành khoa học xã hội. Thêm vào đó, những câu chuyện này phải được tổng hòa các lý thuyết Mác xít cũng như được định hướng bởi phương pháp luận của triết học Mác. Bài viết này thảo luận về mức độ quan trọng của việc xuất bản quốc tế hay xuất bản bằng tiếng Anh trong thời điểm hiện tại đối với các học giả thuộc khối ngành khoa học xã hội trong bối cảnh đã được miêu tả nêu trên. Trong hai thập niên đầu tiên của thế kỷ hai mươi mốt, các học giả Trung Quốc đã đệ trình và xuất bản các ấn phẩm trên các tạp chí quốc tế với số lượng bùng nổ. Liệu xu hướng này có còn được tiếp tục trong khối ngành khoa học xã hội, hay sẽ có một bước ngoặt khác?

Những thay đổi trong đánh giá học thuật

Vào khoảng năm 2018, Trung Quốc đã cải cách hoàn toàn các tập quán đánh giá học thuật của họ theo hướng gần như ngược lại với lúc trước. Ban đầu, họ khuyến khích công khai việc xuất bản quốc tế (với các khoản chi trả hậu hĩnh và/hoặc những lợi ích về mặt chuyên môn). Sau đó, họ dần hạn chế việc này nhằm mục đích ngăn cản việc thổi phồng tầm quan trọng của các bài báo học thuật, chức danh chuyên nghiệp, các ủy nhiệm học thuật, giải thưởng, và trả lại những giá trị thực sự của chúng. Một trong những lý do quan trọng nhất cho sự chuyển đổi này là việc số lượng các bài báo tăng lên lại không hề đi kèm với việc tăng cường sức mạnh đổi mới cho quốc gia này.

Vào khoảng năm 2018, Trung Quốc đã cải cách hoàn toàn các tập quán đánh giá học thuật.

Vấn đề nan giải này đã làm dấy lên sự nghi ngờ về tầm quan trọng của việc tìm kiếm con đường xuất bản học thuật, bao gồm cả xuất bản quốc tế, một cách quyết liệt quá mức và coi đó là con đường duy nhất. Việc có được những bài báo quốc tế đã từng được coi là bảo chứng cho chất lượng và mức độ ảnh hưởng, nhưng hiện nay, việc xuất bản quốc tế lại ngày càng bất ổn định về chất lượng, thậm chí còn sụt giảm trong chất lượng, chưa kể tới việc tốn kém chi phí cao. Lý do cho việc này là ngày càng nhiều các tạp chí quốc tế hiện nay đã coi việc xuất bản các bài báo đến từ Trung Quốc là một cơ hội kinh doanh. Điều này dẫn tới việc những tạp chí này nhắm vào các tác giả người Trung Quốc để khai thác lợi nhuận trong khi nhắm mắt làm ngơ với việc kiểm soát chất lượng. Ví dụ như, một tạp chí đã thiệt hại lên đến 70 triệu Nhân dân tệ (tương đương khoảng 10 triệu USD) trong tổng doanh thu chỉ tính riêng trong năm 2021 khi tạp chí này bị đưa vào danh sách cảnh báo những tạp chí xuống hạng (watered-down journals).

Theo cơ chế thẩm định mới, các bài báo học thuật sẽ buộc phải nêu rõ và nhấn mạnh tính cấp thiết của đề tài đối với bối cảnh Trung Quốc, cũng như đưa ra các giải pháp cho các vấn đề có nguồn gốc từ quốc gia này. Với bối cảnh này, những tập quán đánh giá học thuật đã chịu tác động của các thay đổi lại càng gây thêm những ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc nghiên cứu khoa học xã hội và việc xuất bản học thuật.

Có thể cho rằng, các câu hỏi và đề tài nghiên cứu trong khối ngành khoa học xã hội thường có xu hướng lấy bối cảnh từ địa phương, vì vậy, sự phù hợp và việc thích ứng với các tính chất của nơi nghiên cứu là một trong những đặc điểm nổi bật của những nghiên cứu này. Do đó, các nhà nghiên cứu khối ngành khoa học xã hội tại Trung Quốc hiện nay đang được yêu cầu phải coi trọng cả các tạp chí nội địa và quốc tế và đặt chúng ngang hàng với nhau. Họ cũng được khuyến khích xuất bản trên các tạp chí nội địa – vì đây là nơi mà họ có thể dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc điều chỉnh nghiên cứu của mình sao cho phù hợp hơn với địa phương. Thêm vào đó, các khía cạnh định lượng của các ấn phẩm khoa học hiện nay cũng đang được giảm bớt tầm quan trọng. Họ dần bớt coi trọng số lượng các bài báo, trích dẫn, cũng như chỉ số tác động theo hệ chỉ số SSCI, thay vào đó, các học giả khoa học xã hội hiện tại được yêu cầu phải nộp lại các phần tiêu biểu trong nghiên cứu của họ nhằm mục đích thẩm định. Họ bắt buộc phải xuất bản ít nhất một phần ba trong số đó trên các tạp chí nội địa, trong khi không hề có tiêu chuẩn tương tự nào đối với các bài báo xuất bản quốc tế. Thêm vào đó, các nhà khoa học xã hội hiện nay đã được phép nộp lên các bài báo thiên hướng lý thuyết được xuất bản trên các phương tiện truyền thông quốc gia hoặc địa phương cho công tác thẩm định cũng như báo cáo giúp cho công việc tư vấn chính xác. Trong trường hợp một bộ phận trong chính phủ thông qua một báo cáo tư vấn, hoặc có một nhà lãnh đạo chính trị khẳng định các nội dung trong đó, những ấn phẩm này sẽ còn được đề cao hơn bất kỳ bài báo học thuật nào được xuất bản.

Hơn nữa, hiện nay, các ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ từng được cung cấp trọn gói bởi một số cơ sở học thuật như dịch thuật, chỉnh sửa, và hiệu đính bản dịch tiếng Anh đã không còn tồn tại nữa. Điều này sẽ làm cho các học giả thuộc khối ngành khoa học xã hội có ít động lực hơn để xuất bản quốc tế, thậm chí, một vài người sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định. Điều này là bởi những ấn phẩm dạng này thường sẽ yêu cầu đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn bình thường, và giờ sẽ không còn mang lại lợi thế nổi bật nữa trong công tác đánh giá học thuật cũng như thăng tiến trong ngành.

Nhấn mạnh về sự đúng đắn trong ý thức hệ

Ngoài sự phù hợp với bối cảnh và các tính chất của địa phương, một vấn đề được quan tâm hàng đầu khác trong các trường đại học tại Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu và xuất bản khối ngành khoa học xã hội, là vấn đề ý thức hệ. Được biết, hiện nay, đang có một bộ “chỉ số ý thức hệ và chính trị” được xây dựng riêng cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các đại học trọng điểm cấp nhà nước. Điều này trước hết có nghĩa là đối với tất cả các nghiên cứu khoa học xã hội, phương pháp luận cũng như các chỉ lối về lý thuyết đều phải tuân theo nền tảng của triết học Mác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ ràng vào năm 2016 rằng chủ nghĩa Mác phải là tư tưởng mang tính định hướng, đồng nghĩa với việc lập trường, góc nhìn, và các phương pháp của chủ nghĩa Mác sẽ phải được áp dụng rộng rãi và triệt để vào những quá trình giải quyết vấn đề của khoa học xã hội. Ông thậm chí còn trích dẫn Khổng Tử để nhấn mạnh rằng chủ nghĩa Mác là học thuyết duy nhất khả dụng: “Đạo thì không nên tạp, tạp thì hóa phiền toái, phiền toái thì gây hỗn loạn, hỗn loạn thì gây lo lắng, mà không thể cứu được”. Trong thời gian tới, có thể dự đoán được việc ngày càng nhiều học giả khoa học xã hội Trung Quốc sẽ định hướng nghiên cứu của họ theo các tư tưởng triết học Mác.

Vai trò của ngành khoa học xã hội hiện nay chính là nhằm diễn giải các thực tiễn và kinh nghiệm của Trung Quốc, cũng như lý thuyết hóa một phiên bản hiện đại hóa của riêng quốc gia này theo một cách tích cực và chắc chắn. Việc nhấn mạnh vào tính đúng đắn trong ý thức hệ có thể sẽ gây ra lo ngại về việc liệu giới học thuật phương Tây có dễ dàng chấp nhận các bài báo học thuật từ Trung Quốc, trong bối cảnh các học giả phương Tây từ trước tới giờ luôn coi trọng tư duy phê phán trong việc nêu lên các vấn đề của khoa học xã hội.

Kết luận

Tóm lại, việc xuất bản quốc tế dường như ngày càng trở thành một gánh nặng cho các học giả thuộc khối ngành khoa học xã hội tại Trung Quốc, khi mà họ phải đối diện với việc tự mình hoàn thành những ấn phẩm này mà không có sự hỗ trợ một cách có hệ thống và những động lực như trước kia đã từng. Dù là trong bối cảnh như vậy, những học giả với mục tiêu hướng tới trao đổi và hợp tác quốc tế vẫn sẽ tiếp tục khai thác lĩnh vực quốc tế. Những đối tượng này thường bao gồm những người trở về nước từ các cơ sở nghiên cứu quốc tế và vẫn giữ được mạng lưới quan hệ quốc tế của họ, cũng như những người đang giảng dạy tại các trường đại học tốp đầu Trung Quốc, nơi mà các quá trình xét duyệt viên chức cũng như sự thăng tiến có quan hệ mật thiết với các nhà thẩm định quốc tế. Ngược lại, một số lượng đang dần tăng lên gồm các học giả khác có thể sẽ lựa chọn từ bỏ con đường này khi phải đối diện với những thử thách nêu trên. Trong khi đó, hiện tại các ngành khoa học xã hội cũng đang được giao cho vai trò đưa ra tiếng nói, câu chuyện và các ý tưởng của Trung Quốc đến với quốc tế. Có vẻ như những thực tại này đang đem đến một nghịch lý.