Yuzhuo Cai là giảng viên cao cấp và giáo sư trợ giảng tại Bộ môn Giáo dục Đại học thuộc Khoa Quản lý và Kinh doanh tại Đại học Tampere, Phần Lan. E-mail: [email protected].
Tóm tắt: Căng thẳng địa chính trị và những thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học, điều này đặc biệt thể hiện rõ ràng trong hợp tác giáo dục đại học giữa EU và Trung Quốc. Bài viết này sẽ xem xét những thách thức đang nổi lên trong sự hợp tác này, được xác định là những nghịch lý trong mục tiêu hợp tác, những sự hiểu lầm lẫn nhau và những rủi ro tiềm ẩn đối với sự hợp tác bền vững. Thông qua việc xem xét kỹ lưỡng các yếu tố đó, tác giả đề xuất các khuyến nghị cho các nhà hoạch định và những người thực hiện chính sách trong lĩnh vực này nhằm biến những thách thức này thành các cơ hội tiềm năng để tăng cường hợp tác.
Căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây đã định hình lại đáng kể cán cân quyền lực toàn cầu, ảnh hưởng đến hợp tác học thuật quốc tế – một yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy kiến thức khoa học toàn cầu. Ban đầu, những thay đổi này thể hiện trong hợp tác Mỹ-Trung, nhưng những tác động lan tỏa đã mở rộng sang mối quan hệ EU và Trung Quốc. Ví dụ, một số nước châu Âu đã công bố các hướng dẫn chính sách về hợp tác học thuật với Trung Quốc. Cảm giác thận trọng ngày càng tăng đối với ảnh hưởng của Viện Khổng Tử đang trở nên rõ ràng trên khắp châu Âu. Ở một số quốc gia, các trường đại học đang ngày càng tỏ ra lưỡng lự trong việc chấp nhận nghiên cứu sinh tiến sĩ do Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC – China Scholarship Council) tài trợ. Hơn nữa, nhiều thỏa thuận hợp tác học thuật giữa các tổ chức châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa được gia hạn. Những lo ngại cũng đã nảy sinh về việc các tổ chức châu Âu tiếp nhận các học giả và nghiên cứu sinh Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Những thay đổi đột ngột này đã đẩy trách nhiệm lên vai các nhà hoạch định và những người thực hiện chính sách ở cả hai bên, trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp trong hợp tác giáo dục đại học giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Bài viết này đi sâu vào những nghịch lý, những hiểu lầm và rủi ro ảnh hưởng đến những động lực này. Bằng cách xác định các yếu tố cốt lõi dẫn đến những thách thức này, các bên liên quan có thể xây dựng các chiến lược và cách tiếp cận phù hợp để điều hướng sự hợp tác giáo dục đại học giữa EU và Trung Quốc trong bối cảnh phức tạp hiện tại.
Những nghịch lý trong mục tiêu của EU trong hợp tác học thuật với Trung Quốc
Để giải quyết vấn đề địa chính trị đang thay đổi trong hợp tác học thuật, EU sử dụng một chiến lược rõ ràng hơn so với Trung Quốc. Cả EU và các quốc gia thành viên đều đồng ý rộng rãi rằng, mặc dù việc duy trì quan hệ đối tác với Trung Quốc là rất quan trọng nhưng việc đề cao cảnh giác cũng quan trọng không kém. Một mặt, EU tìm cách duy trì hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt xem xét những bước tiến đáng kể của Trung Quốc trong khoa học và công nghệ. Mặt khác, EU đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn để đảm bảo rằng sự hợp tác với Trung Quốc sẽ không làm suy yếu quyền tự do học thuật, quyền sở hữu trí tuệ hoặc an ninh của các trường đại học châu Âu.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng cường hợp tác với Trung Quốc và bảo vệ tự do và an ninh học thuật đôi khi có thể tạo ra một nghịch lý, do lợi ích và động cơ khác nhau của các chủ thể khác nhau. Hợp tác với Trung Quốc mang lại những con đường mới cho đổi mới học thuật và khoa học, tuy nhiên nó cũng có thể khiến các trường đại học gặp rủi ro liên quan đến các chính sách và thực tiễn của Trung Quốc về tự do học thuật và sở hữu trí tuệ. Do đó, những bên tham gia vào quan hệ đối tác học thuật với Trung Quốc có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc đạt được sự cân bằng giữa lợi ích của sự hợp tác và nhu cầu bảo vệ tự do và an ninh học thuật. Sự không chắc chắn này khiến các học giả phải suy ngẫm về tương lai.
Những hiểu lầm trong hợp tác giáo dục đại học giữa EU và Trung Quốc
Tình trạng hợp tác giáo dục đại học hiện nay giữa EU và Trung Quốc đang bị hủy hoại bởi sự hiểu lầm lẫn nhau. Trong EU, nhiều người tin rằng hệ thống độc tài của Trung Quốc đan xen rất nhiều diễn ngôn chính trị vào hoạt động của các tổ chức giáo dục đại học hợp tác với châu Âu. Tuy nhiên, thực tế ở Trung Quốc lại kể một câu chuyện khác; trong khi chính phủ Trung Quốc tham gia vào các cuộc đối thoại gay gắt với EU, họ dự đoán rằng các quan điểm thể hiện trong các diễn ngôn chính trị có mối liên hệ lỏng lẻo với các hoạt động liên quan đến sự hợp tác giữa các trường đại học Trung Quốc và các đối tác châu Âu của họ. Mặc dù vậy, điều quan trọng phải thừa nhận rằng các trường đại học Trung Quốc đang vật lộn với việc làm sao để duy trì quan hệ đối tác châu Âu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Ở Trung Quốc, người ta cho rằng các tổ chức giáo dục đại học châu Âu, nhờ truyền thống tự chủ học thuật lâu đời, sẽ duy trì sự độc lập đáng kể khỏi các cuộc thảo luận chính trị liên quan đến hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế ở EU lại cho thấy một kịch bản khác. Thái độ của các tổ chức giáo dục đại học châu Âu đối với việc hợp tác với Trung Quốc lại phù hợp với quan điểm của chính phủ. Tuy nhiên, tình hình không chỉ đơn giản là mối tương quan trực tiếp giữa chính sách của nhà nước và vị thế của trường đại học; mà mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc xét rộng ra và những trải nghiệm đáng tiếc nhất định với sự hợp tác cùng Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của các cá nhân tại các trường đại học châu Âu về đất nước này.
Đáng tiếc, những hiểu lầm này không chỉ che mờ đi thực tế sự thật mà còn dẫn đến những hành động sai lầm, cản trở tiến trình hợp tác. Trung Quốc đã lựa chọn những cách tiếp cận khác nhau một cách chiến lược khi hợp tác với EU và Hoa Kỳ, do nhu cầu vượt qua những thách thức địa chính trị phức tạp. Mặc dù Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận căng thẳng trong quan hệ với Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng họ dự đoán rằng các trường đại học Trung Quốc có thể duy trì sự hợp tác với các đối tác châu Âu, độc lập với những tuyên bố chính trị giữa EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, kỳ vọng này là sai lầm, vì hành động của các tổ chức giáo dục đại học ở châu Âu lại phù hợp với các diễn ngôn chính sách ở cấp quốc gia và EU hơn những gì họ nghĩ. Do đó, các trường đại học Trung Quốc có thể gặp phải những trở ngại và hoang mang bất ngờ trong hoạt động hàng ngày của họ trong EU. Ví dụ như các thỏa thuận hợp tác với các đối tác châu Âu có thể không được gia hạn khi hết hạn và các sáng kiến mới có thể nhận được sự đón nhận hững hờ từ các đối tác châu Âu.
Khi xây dựng chiến lược hợp tác giáo dục đại học với Trung Quốc, EU và các quốc gia thành viên thường tham khảo thực tiễn của Hoa Kỳ và đôi khi là Úc. Họ có xu hướng thấy trước những thách thức tương tự như những thách thức trong hợp tác học thuật giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là khi hợp tác với EU, các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc phải đối mặt với ít ràng buộc của chính phủ hơn, điều này trái ngược hoàn toàn với khi họ hợp tác với Hoa Kỳ. Kết quả là, cách tiếp cận của châu Âu trong hợp tác giáo dục đại học với Trung Quốc có thể đã quá thận trọng. Mặc dù những lo ngại về an ninh và tự do học thuật thực sự có cơ sở, nhưng các nhà hoạch định chính sách và những người thực thi có thể đã quá nghiêm khắc trong việc giải thích và thực thi những nguyên tắc này. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ lỡ các cơ hội hợp tác thực sự cùng có lợi, đóng góp cho các nỗ lực bền vững toàn cầu và thúc đẩy lợi ích của châu Âu.
Những rủi ro tiềm ẩn trong hợp tác giáo dục đại học giữa EU và Trung Quốc
Không thể phủ nhận, những hiểu lầm hiện nay giữa EU và Trung Quốc đã có tác động tiêu cực đến hợp tác giáo dục đại học giữa họ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là những hiểu lầm này có thể gây ra một vấn đề sâu sắc hơn và đáng lo ngại hơn nhiều – đó là một vòng luẩn quẩn trong đó sự hiểu lầm (và mất lòng tin) ngày càng gia tăng và sự hợp tác thì suy yếu. Một mặt, việc thiếu hiểu biết lẫn nhau làm trầm trọng thêm những thách thức vốn có trong hợp tác giáo dục đại học, tạo thành rào cản đối với giao tiếp hiệu quả và theo đuổi các mục tiêu chung. Mặt khác, khi sự hợp tác xấu đi, nó làm giảm đáng kể động lực và cam kết của mọi người trong việc học hỏi và thấu hiểu lẫn nhau, càng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ. Sự xuất hiện của một chu kỳ hủy diệt như vậy ngày càng trở nên rõ ràng và nếu không được giải quyết, nó sẽ cản trở triển vọng dài hạn của hợp tác giáo dục đại học giữa EU và Trung Quốc một cách nghiêm trọng. Ngay cả khi cả hai bên đều mong muốn tăng cường quan hệ đối tác trong tương lai, việc khôi phục mối quan hệ về trạng thái cũ sẽ vô cùng khó khăn do lòng tin và năng lực bị xói mòn.
Những đề xuất
Để giải quyết những thách thức nói trên trong hợp tác giáo dục đại học giữa EU và Trung Quốc, các khuyến nghị sau đây được đưa ra cho các bên liên quan, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo/quản trị viên trường đại học và các học giả. Đầu tiên, năng lực thấu hiểu lẫn nhau và hợp tác giải quyết vấn đề, là những yếu tố cần thiết để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn nói trên, cần được cải thiện liên tục. Thứ hai, cả hai bên nên thúc đẩy một cách có ý thức một môi trường cởi mở và minh bạch trong các cuộc thảo luận hợp tác, đặc biệt là khi giải quyết tác động của những thách thức địa chính trị hiện tại. Thứ ba, cần có sự nhạy cảm cao hơn (tự ý thức/tự phản ánh) trong việc điều chỉnh hợp tác học thuật với các chương trình nghị sự chính trị và kinh tế của EU và Trung Quốc. Thứ tư, cần ưu tiên phát triển bền vững trong hợp tác để tạo nền tảng chung nhằm dung hòa các lợi ích đa dạng trong bối cảnh hợp tác giữa EU và Trung Quốc. Cuối cùng, cần phát triển những quan điểm mới để đánh giá rủi ro và lợi ích, đặc biệt những điều đó cần liên quan đến những gì giáo dục đại học châu Âu và EU nói chung có thể đạt được từ việc hợp tác với Trung Quốc bất chấp rủi ro. Mặc dù những khuyến nghị này có thể đã được đưa vào ở một mức độ nào đó trong nhiều thực tiễn khác nhau, do sự cạnh tranh và căng thẳng giữa EU và Trung Quốc ngày càng leo thang, thì chúng lại trở nên phù hợp hơn bao giờ hết.