COIL – một phương pháp tăng cường sự toàn cầu hóa, sự cân bằng hiệu quả và mức độ phổ biến

Maia Gelashvili là nghiên cứu sinh tiến sĩ và trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: [email protected]. Gerardo Blanco là phó giáo sư và giám đốc học thuật tại CIHE. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Hợp tác học tập trực tuyến toàn cầu (COIL) là một hình thức trao đổi trên không gian ảo mà các cơ sở giáo dục có thể sử dụng. Người ta thưởng sử dụng hình thức này nhằm quốc tế hóa các chương trình giảng dạy cũng như phát triển quá trình này tại quốc gia sở tại. COIL hứa hẹn mang đến những phương thức công bằng và toàn diện hơn nhằm giúp học sinh, sinh viên có thể học tập từ bất kỳ nơi nào trên toàn cầu, góp phần giúp các cơ sở đào tạo đạt được mục tiêu quốc tế hóa. Dù đã tồn tại được hơn 20 năm, COIL mới chỉ được biết đến rộng rãi trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Để khám phá toàn diện được tiềm năng của mô hình này, cần có những bước triển khai chuẩn xác, cũng như nhiều chứng cứ khoa học hơn.

Trong một thỏa thuận Hợp tác học tập trực tuyến toàn cầu (COIL – Collaborative Online International Learning), các giảng viên và sinh viên từ các tổ chức giáo dục đại học ở khắp các quốc gia với đa dạng các nền văn hóa đã tiến đến việc hợp tác và thiết lập một chương trình học tập. Một khóa học đầy đủ có thể được thực hiện thông qua COIL, chúng thường kéo dài từ 5 đến 8 tuần. Trong một mô hình COIL điển hình, các sinh viên chia sẻ nội dung khóa học, cùng tham gia vào các cuộc thảo luận trong lớp và cùng nhau tham gia các dự án. Các nhóm được sắp xếp cố ý để chúng có thể bao gồm nhiều các các sinh viên đến từ các tổ chức, văn hóa khác nhau giúp thúc đẩy việc đối thoại và phát triển khả năng kết nối văn hóa.

Việc thiết kế và triển khai các mô hình COIL phụ thuộc nhiều vào các yếu tố công nghệ, vì mô hình này không yêu cầu các giảng viên và sinh viên phải di chuyển từ nơi này tới nơi khác để tham dự các khóa học. Do vậy, các mô hình này tốn ít chi phí hơn, linh hoạt hơn, và sản sinh ra ít carbon – do vậy mà thân thiện với môi trường hơn so với các hoạt động di chuyển truyền thống. Mô hình này có thế cung cấp các hình thức học tập cả đồng bộ cũng như không đồng bộ, có thể dùng để tính tín chỉ cho sinh viên hoặc tham gia như các khóa học bổ trợ. Nó có tính ứng dụng ở bất kỳ chuyên ngành học thuật nào ở cấp đại học hoặc sau đại học.

Sự nhân rộng của COIL

Đại học bang New York (SUNY) được biết tới là đơn vị đầu tiên khởi xướng COIL vào khoảng 20 năm về trước. Tuy vậy, mô hình này không thực sự được biết đến rộng rãi tại thời điểm đó. Việc đóng cửa các biên giới và hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19 không chỉ thúc đẩy việc sử dụng, cũng như đẩy mạnh tầm quan trọng của COIL mà còn giúp COIL được tái định nghĩa. Một danh sách trực tuyến tổng hợp các tổ chức giáo dục tham gia COIL, đã liệt kê hơn 258 cơ sở giáo dục đại học tại 40 quốc gia khác nhau trên thế giới có cung cấp các mô-đun COIL. Số liệu này rất có thể còn chưa phải là đầy đủ. Dù cho một vài trong số các tổ chức giáo dục trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng COIL từ đầu những năm 2006, khoảng 2/3 lượng cơ sở giáo dục đang áp dụng COIL (160) mới chỉ bắt đầu làm việc này từ 2019 hoặc muộn hơn.

Dù đầy tiềm năng, COIL vẫn chủ yếu chỉ được các khu vực có mức thu nhập cao biết đến và sử dụng. Dù rằng ở danh sách được đề cập trong phần trước không phân loại các đơn vị này theo khu vực một cách xuyên suốt, nó cũng thể hiện khá rõ ràng một vài xu hướng. Ví dụ, các trường đang áp dụng COIL bao gồm 115 trường tại Bắc Mỹ, 43 trường tại châu Âu, và chỉ 4 trường tại châu Phi. Trong khi đó châu Mỹ Latinh lại cho thấy số liệu ngược lại, với tổng 80 trường nếu như gộp cả Trung và Nam Mỹ. Tại khu vực này, các tổ chức như Hiệp hội các trường đại học Công giáo ở châu Mỹ Latinh và Caribe (ODUCAL) và Hiệp hội Giáo dục quốc tế Mexico (AMPEI) đã thúc đẩy hợp tác và đào tạo nhằm ứng dụng phương pháp này.

Với 92 trường, Hoa Kỳ đứng đầu trong số lượng chương trình COIL cùng với 258 trường được ghi nhận có triển khai những chương trình này. Việc Hoa Kỳ đứng đầu trong số lượng trường ứng dụng COIL không phải là điều đáng ngạc nhiên vì đây là nơi khai sinh ra hình thức này. Tuy vậy, những số liệu này cũng cho thấy lượng trường đại học áp dụng COIL tại các khu vực có nguồn lực hạn chế hơn vẫn còn khá khiêm tốn, điều này chỉ ra rằng không phải tất cả mọi quốc gia và khu vực đều có đủ nguồn tài nguyên để ứng dụng COIL.

Đi cùng sự tăng trưởng về mức độ phổ biến của các khóa học COIL, số lượng các tài liệu và nghiên cứu học thuật về tính hiệu quả cũng như các tác động của COIL cũng gia tăng. Nhìn chung các nghiên cứu đều đưa ra các kết luận tích cực, cho thấy COIL khích lệ sự phát triển năng lực liên văn hóa của các học sinh, sinh viên. COIL cũng hướng đến việc thúc đẩy nhiều học sinh hơn tham gia các hoạt động trao đổi học sinh, sinh viên cũng như du học. Nhìn chung, những học sinh, sinh viên có trải nghiệm tích cực với COIL sẽ sẵn sàng tham gia nhiều khóa học của COIL hơn. Tuy vậy, một điều đáng lưu ý là phần lớn các nghiên cứu được thực hiện về COIL đều ở phạm vi nhỏ lẻ và hoặc là các nghiên cứu của cá nhân.

 

Dù đầy tiềm năng, COIL vẫn chủ yếu chỉ được các khu vực có mức thu nhập cao biết đến và sử dụng.

 

COIL và sự toàn cầu hóa giáo dục đại học

Mặc dù COIL thường được sử dụng bởi các giảng viên ở mức độ cá nhân, mô hình này có thể được áp dụng một cách chiến lược hơn như một hình thức toàn cầu hóa một cách bài bản cho các trường. COIL có thể được tận dụng để thúc đẩy sự toàn cầu hóa ngay tại gia đình, trong các chương trình giảng dạy, và cho cả xã hội.

Những giới hạn trong khả năng di chuyển từ điểm này tới điểm khác là yếu tố hạn chế sự phát triển của toàn cầu hóa, do chỉ một bộ phận thiểu sổ (khoảng 1%) học sinh, sinh viên có đủ khả năng thực hiện điều này. Ngay cả ở Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, nơi tỷ lệ này chiếm khoảng 10%, vẫn có những đối tượng gặp nhiều hạn chế. Những sinh viên khuyết tật, những sinh viên phải làm việc để trang trải việc học, hoặc những sinh viên bị ràng buộc bởi gia đình không thể theo đuổi các mục tiêu học tập tầm cỡ quốc tế, nếu như những mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi họ phải di chuyển đến khu vực khác để học tập. Dù rằng những lợi ích mang lại bởi COIL vẫn còn được phân bổ không đồng đều, những sáng kiến giúp sinh viên có thể “đem toàn cầu hóa về nhà” như COIL góp phần phổ cập các chiến lược thúc đẩy quá trình này rộng rãi hơn cho tất cả mọi người.

COIL giảm thiểu nhiều tác động đến môi trường vì hình thức này hỗ trợ quá trình trao đổi liên văn hóa mà không yêu cầu phải di chuyển, nhưng lại cho phép học sinh, sinh viên tiếp cận với nhiều khu vực và địa phương đa dạng. Không chỉ vậy, COIL cũng giúp bù đắp sự mất cân bằng trong luồng di cư toàn cầu từ Nam bán cầu đến Bắc bán cầu – điều tái lập vị thế thống trị của phương Tây cũng như của Anh ngữ. Những chuyển đổi công nghệ diễn ra trong việc dạy và học trong thời kì đại dịch đã không mang lại sự bình đẳng hơn cho nền giáo dục đại học trên toàn thế giới. Không chỉ tồn tại bất bình đẳng giữa các quốc gia khác nhau, mà ngay cả trong phạm vi nội địa, mỗi trường đại học tại mỗi quốc gia đều vô cùng khác biệt. Chúng không hề ngang bằng trong khả năng tiếp cận công nghệ, mức độ chuẩn bị cho việc dạy và học trực tuyến. Bên cạnh đó, những yêu cầu về nguồn lực phát triển chuyên môn, thời gian và tài chính cũng là những thách thức ảnh hưởng đến việc triển khai COIL. Những quốc gia và tổ chức giàu nguồn lực được trang bị tốt hơn bởi vì họ có hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực số, cũng như các yếu tố tài chính và nguồn nhân lực thiết yếu. Vì vậy, những đơn vị này thường sẵn sàng hơn trong việc cung cấp các trải nghiệm COIL cho học sinh, sinh viên.

Cân bằng các yếu tố

Trong khi nhiều trường đại học gấp rút khôi phục các hình thức triển khai toàn cầu hóa giáo dục thông qua trao đổi trực tiếp, tuy vậy cũng không nên bỏ qua những hình thức khác đầy tiềm năng và không kém phần quan trọng như COIL. Cách tiếp cận này có thể mang tới cho nhiều nhóm đối tượng học sinh sinh viên cũng như giảng viên khác nhau nhiều cơ hội để tiếp cận với những hiểu biết liên văn hóa hay liên quốc gia, cũng như giúp số lượng người tiếp cận lớn hơn. Điều này như giúp các cơ sở giáo dục tổ chức các chiến lược toàn cầu hóa của họ một cách toàn diện và bao quát hơn.

Có thể đoán trước được rằng những đối tượng hào hứng đón nhận COIL ngay từ thời điểm ban đầu và những nhà nghiên cứu về vấn đề này thường là cùng một nhóm. Dù vậy, việc nghiên cứu tính hiệu quả của COIL một cách có hệ thống và độc lập là vô cùng quan trọng. Với mức độ phổ biến của COIL, rất cần thiết phải tránh khỏi việc biến nó trở thành xu hướng hoặc mốt nhất thời. Vì vậy, việc triển khai và tách biệt COIL với các phương thức tiếp cận khác một cách thận trọng cũng cần được ưu tiên. COIL được xây dựng với nền tảng là nhu cầu quốc tế hóa các chương trình giảng dạy, nhưng kể cả khi không được gán vào bất kỳ khóa học nào, vẫn có những cách tiếp cận khác đối với việc trao đổi trên không gian ảo. Tương tự như vậy, đã và đang có nhiều hình thức quốc tế hóa trực tuyến khác cũng dần giành được sự chú ý. Tuy vậy, COIL không thể thế chỗ việc du học do điều này mang đến những trải nghiệm không thể bị thay thế bởi bất kì khóa học COIL nào. Thay vào đó, COIL có thể được kết hợp cùng với các hình thức du học để đạt được các kết quả tốt hơn. Đã có những chương trình du học hỗn hợp cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn khi kết hợp cả yếu tố COIL và du học trực tiếp.