Janet Ilieva là người sáng lập và giám đốc của Education Insight, Vương quốc Anh. E-mail: janet.ilieva@educationinsight.uk. Vangelis Tsiligiris là phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Nottingham, Đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh. Email: vangelis.tsiligiris@ntu.ac.uk.
Tóm tắt: Giáo dục xuyên quốc gia (TNE) trở thành một hoạt động chính yếu của nhiều trường đại học Anh, trong bối cảnh các yếu tố của hai bên cung cầu tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng. Vòng đời của TNE bắt đầu từ thị trường giáo dục đại học của nước sở tại trước khi dịch chuyển trọng tâm sang đáp ứng đa dạng nhu cầu sở tại, nâng cao chất lượng và phát triển năng lực trong các lĩnh vực chuyên môn thích hợp. Kết quả, TNE tạo ra tác động đáng kể và rõ ràng đáp ứng hoạch định phát triển bền vững của quốc gia sở tại.
Đối với nhiều trường đại học Vương quốc Anh, giáo dục xuyên quốc gia (TNE – Transnational Education) đã trở thành hoạt động cốt lõi. Từ năm 2016 đến năm 2021, số cơ sở giáo dục đại học của Vương quốc Anh tham gia vào TNE đã tăng 22% (từ 138 lên 168 trường) và số sinh viên TNE tăng 30%. TNE đang dần được phân bổ đồng đều hơn: 94 trường đại học có 1000 sinh viên TNE trở lên vào năm 2021, so với 74 trường vào năm 2016.
Tổng quan xu hướng giáo dục xuyên quốc gia các đại học Vương quốc Anh
TNE của Vương quốc Anh liên tục tăng trưởng, đạt hơn 530 ngàn sinh viên vào năm 2021. Trong cùng năm đó, các trường đại học đã thu hút khoảng 680 ngàn sinh viên quốc tế đến Vương quốc Anh. Mức tăng 30% của sinh viên TNE trong 5 năm chủ yếu là do sự tăng trưởng của hợp tác TNE.
Cụ thể, hình thức hợp tác TNE hiện chiếm 67% tổng hoạt động TNE, so với 64% cách đây 5 năm. Trong bài viết này, thuật ngữ “hợp tác TNE” bao gồm quan hệ đối tác giữa hai hoặc nhiều trường đại học với các thỏa thuận nhượng quyền hoặc công nhận, sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng kép hoặc bằng liên kết.
Trong bối cảnh này, các hoạt động của phân hiệu đại học quốc tế lại không tăng trưởng và chỉ chiếm 7% tổng hoạt động TNE. Tỷ lệ các chương trình đào tạo online và hybrid giảm từ 29% năm 2017 xuống còn 25% vào năm 2021.
TNE sẽ tiếp tục mở rộng?
Bằng chứng thu thập được trong 30 năm qua phác thảo nên vòng đời của TNE. Ban đầu, TNE phát triển để đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học chưa được đáp ứng của nước sở tại. Nhiệm vụ chính của nó là hỗ trợ cung ứng giáo dục đại học ở đó. Khi hệ thống giáo dục đại học địa phương mở rộng, TNE giúp cải thiện khả năng tiếp cận bằng cấp quốc tế và hướng đến một số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc nhờ sự dịch chuyển toàn cầu của các chương trình giáo dục đại học giúp chống chảy máu chất xám và tạo ra tác động tích cực cho quốc gia sở tại.
Trong vài thập kỷ, nhu cầu giáo dục đại học gia tăng mạnh, TNE đồng hành phát triển phục vụ các hệ thống giáo dục đại học địa phương đang liên tục thay đổi. Trung Quốc là một ví dụ điển hình về sự thay đổi đó, bằng chứng là tỷ lệ nhập học đại học đã tăng gấp 8 lần – từ 8% năm 2000 lên 64% vào năm 2021. Trong quá trình mở rộng, trọng tâm chính của TNE đã chuyển từ gia tăng số lượng sang tăng cường chất lượng và phát triển các ngành chuyên sâu thích hợp. Một điển hình khác của các chương trình TNE là Malaysia, quốc gia đã thu hút nhiều đại học quốc tế danh tiếng đến thành lập phân hiệu. TNE đã giúp nâng cao sức hấp dẫn toàn cầu của giáo dục đại học và tăng cường khả năng cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học của nước sở tại. TNE ở Trung Quốc và Malaysia đang tiếp tục mở rộng và họ là những nước hợp tác TNE hàng đầu của Vương quốc Anh trong hơn một thập kỷ.
Một vòng đời tương tự của TNE cũng diễn ra ở Hy Lạp, ở đó xuất hiện TNE vào đầu những năm 1990 để đáp ứng sự thiếu hụt của giáo dục đại học địa phương. Hiện tại, Hy Lạp là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhập học đại học cao nhất, và TNE vẫn tiếp tục phát triển.
Trên toàn cầu, TNE sẽ tiếp tục phát triển nhiều năm nữa để thúc đẩy sự đa dạng của giáo dục đại học địa phương và nâng cao cơ hội theo đuổi các chương trình quốc tế của sinh viên địa phương. Đối với các trường đại học trên toàn cầu, TNE tạo ra cầu nối tiếp cận sinh viên vùng sâu vùng xa mà ít tác động tới môi trường. Các mô hình phụ thuộc nhiều vào việc dịch chuyển của học giả và quản trị được thay thế bằng mô hình giảng dạy và hỗ trợ sinh viên bằng dịch vụ tại địa phương. Sau này có thêm hình thức Trung tâm Giáo dục Quốc tế (Global Education Hub), nơi nhiều trường đại học nước ngoài sử dụng chung cơ sở hạ tầng của địa phương để cung cấp các chương trình TNE một cách hữu hiệu và hiệu quả. Một ví dụ là Metropolitan College Global University Hub ở Hy Lạp.
TNE cũng là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những thay đổi nhanh chóng liên quan đến nơi làm việc và những thách thức về nhân khẩu học ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Các hình thức TNE mới, chưa được nắm bắt trong dữ liệu hiện có, nhằm giải quyết nhu cầu phát triển chuyên môn liên tục và học tập suốt đời. Ví dụ như các khóa học chứng chỉ vi mô trực tuyến, giáo dục điều hành và kỹ thuật thu hút hàng nghìn sinh viên, đặc biệt là người học ở tuổi trưởng thành.
Nếu tính đến những hoạt động này, có thể nói TNE đã tạo ra động lực phát triển thị trường và đổi mới trong giáo dục đại học toàn cầu.
Để TNE mang lại lợi ích đầy đủ cho các bên trường đại học, sinh viên và cộng đồng địa phương, cần có khung chính sách hỗ trợ
Những diễn biến của bối cảnh pháp lý và chính sách
Để TNE mang lại lợi ích đầy đủ cho các bên trường đại học, sinh viên và cộng đồng địa phương, cần có khung chính sách hỗ trợ. Nghiên cứu gần đây ở nhiều quốc gia cho thấy những cải tiến liên tục trong môi trường chính sách và pháp lý đối với TNE. Ngày càng có nhiều quốc gia tự do hóa quy định pháp lý của mình để khuyến khích mở rộng TNE. Ví dụ về những thay đổi như vậy trong 5 năm qua bao gồm:
- Luật số 162 năm 2018 của Ai Cập về thành lập và tổ chức các phân hiệu đại học quốc tế.
- Quy định UGC của Ấn Độ về việc cung cấp các chương trình bằng đôi, bằng liên kết và bằng kép với các tổ chức giáo dục đại học nước ngoài năm 2022.
- Quy định của Indonesia đối với các trường đại học quốc tế tại Indonesia của Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học năm 2018.
- Chính sách của Pakistan đối với các cơ sở giáo dục đại học Pakistan cung cấp các chương trình cấp bằng hợp tác với các trường đại học nước ngoài.
- Đạo luật giáo dục đại học xuyên quốc gia ở Philippines năm 2019.
Năm quốc gia này chiếm 23% dân số giáo dục đại học trên thế giới, với hơn 54 triệu người học đại học.
Ngoài việc điều chỉnh sự tham gia của TNE, một số chính phủ còn tài trợ và chủ động hỗ trợ những loại TNE có lợi cho thanh thiếu niên của họ. Ví dụ về các sáng kiến của chính phủ bao gồm:
- Thành lập các khu vực được chỉ định cho các phân hiệu quốc tế, chẳng hạn như khu vực Thủ đô hành chính mới (New Administrative Capital Area) của Ai Cập, sáng kiến Thành phố Quà tặng (Gift City Initiative) của Ấn Độ và các Đặc khu kinh tế (Special Economic Zones) của Indonesia.
- Chương trình tài trợ, chẳng hạn như các chương trình được thực hiện với sự hợp tác giữa Ủy ban Giáo dục Đại học Philippines và Hội đồng Anh, ví dụ như Hợp tác Phát triển các Chương trình Thích hợp thông qua Liên kết PH-UK, Tiếp cận và Năng lực cạnh tranh thông qua Quốc tế hóa Giáo dục Đại học.
Kết luận
Ngày càng có nhiều trường đại học coi TNE là một trong những hoạt động cốt lõi của họ. Cả hai bên cung và bên cầu đều tiếp tục kích thích xu hướng này.
Các nhà hoạch định chính sách ngày càng ủng hộ bằng những chính sách và quy định mang tính tự do hóa. Tuy nhiên, một lĩnh vực tiếp tục gây tranh cãi là tiếp cận tinh hoa được chính phủ hậu thuẫn trong hợp tác quốc tế. Một số quốc gia đã gắn khuôn khổ quy định TNE của họ với thành tích của các trường đại học quốc tế trong bảng xếp hạng toàn cầu. Không rõ quy định này giúp ích gì cho mục đích hợp tác quốc tế. Tương tự, ở cấp trường đại học, chương trình hợp tác toàn cầu và lựa chọn đối tác thường bị giới hạn bởi các tiêu chí liên quan đến nguồn lực, điều này có thể gây bất lợi cho các tổ chức đối tác quốc tế nhỏ nhưng chất lượng tốt.
TNE tạo ra tác động đáng kể tại địa phương và rõ ràng đáp ứng hoạch định phát triển bền vững. Ví dụ như TNE đã phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhóm sinh viên không điển hình, chẳng hạn người đi làm, nội trợ, người lớn tuổi, khuyết tật hoặc hạn chế về tài chính. Kết quả là nó mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho những nhóm dân cư đã không thể tiếp cận giáo dục đại học. Đóng góp đáng kể này không được báo cáo đầy đủ và thường bị bỏ qua trong các hội thảo chính thức về TNE. Một cổng thông tin trực tuyến chuyên dụng gần đây đã được phát triển để nắm bắt tác động này
Những phát triển về thị trường, quy định và chính sách gần đây cho thấy giai đoạn trong vòng đời TNE đã chuyển trọng tâm sang chất lượng, tác động và hợp tác nhiều lớp. Với khung chính sách và đối tác phù hợp, sự tham gia của TNE tạo cơ hội cho các trường đại học phát triển sự hiện diện toàn cầu, tạo tác động mạnh mẽ và bền vững với môi trường.