Suy ngẫm về sự tiến hóa của khái niệm quốc tế hóa trong giáo dục đại học

Hans de Wit là Nghiên cứu viên ưu tú và Giáo sư danh dự, Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College. Email: dewitj@bc.edu.

Bài viết này dựa trên de Wit, Hans (2023). Quốc tế hóa trong và của giáo dục đại học: Những suy ngẫm phê phán về sự tiến hóa khái niệm của nó. Chương 2 trong Engwall, Lars và Börjesson, Mikael (Eds.). Quốc tế hóa các tổ chức giáo dục đại học. Cham: Springer (sắp xuất bản).

Tóm tắt: Quốc tế hóa là một hiện tượng đa diện và đang tiến hóa, các lý thuyết và định nghĩa của nó tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với những hiểu biết mới ngày càng phát triển. Với môi trường toàn cầu phức tạp hiện nay, quan trọng là cần thách thức những nhận thức chủ yếu theo định hướng thị trường trước đây và xác định các hướng đi mới phù hợp cho việc quốc tế hóa trong giáo dục đại học.

Từ năm 1995, Jane Knight và tôi đã viết là không có một định nghĩa nào đơn giản, duy nhất hay bao hàm toàn diện về việc quốc tế hóa của các cơ sở giáo dục đại học, và sẽ không hữu ích gì nếu quốc tế hóa trở thành một cụm từ “tổng quát” cho mọi thứ và bất kỳ thứ gì mang tính quốc tế. 23 năm sau, vào năm 2018, chúng tôi đã viết rằng lúc bấy giờ quan niệm đó thậm chí còn đúng hơn và quốc tế hóa đã trở thành một khái niệm rất rộng và đa dạng, bao gồm các cơ sở lý luận, cách tiếp cận và chiến lược mới trong những bối cảnh khác nhau và liên tục thay đổi. Những người khác cũng nhấn mạnh rằng quốc tế hóa trong giáo dục đại học là một hiện tượng đa diện và đang tiến hóa, khái niệm của nó tiếp tục được hoàn thiện và sửa đổi, đồng thời các lý thuyết và định nghĩa được điều chỉnh để phù hợp với những hiểu biết mới và đang phát triển.

Hai khía cạnh này – đa diện và đang tiến hóa – là những đặc điểm chính của việc quốc tế hóa giáo dục đại học. Người ta cũng có thể nói như vậy về một số thành phần của nó, chẳng hạn như du học, sinh viên quốc tế, quốc tế hóa tại chỗ, giáo dục xuyên quốc gia hoặc xuyên biên giới, số hóa, các mục tiêu phát triển bền vững, việc sử dụng những thuật ngữ như “công dân toàn cầu” và v.v…

Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu sau đại dịch và tình hình địa chính trị phức tạp hiện nay, quan trọng là thách thức những nhận thức trong quá khứ và xác định những hướng đi mới phù hợp cho quốc tế hóa trong giáo dục đại học.

Sự cẩu thả khó hiểu

Tuy nhiên, người ta có thể lập luận rằng trong 5 thập kỷ qua, có một sự cẩu thả khó hiểu trong việc sử dụng thuật ngữ “quốc tế hóa” trong bối cảnh giáo dục đại học, trộn lẫn và gây hiểu nhầm giữa “tại sao” (các cơ sở lý luận cho quốc tế hóa), “cái gì” (chương trình và hành động của nó), “như thế nào” (tổ chức của nó), “tác động” (kết quả của nó) và “ai” (quan hệ đối tác), và bỏ qua “ở đâu” (bối cảnh của nó). Người ta cũng có thể lập luận rằng nhận thức về việc quốc tế hóa của các nhà lãnh đạo giáo dục đại học, cả ở mức trường và mức quốc gia, đã hướng tới việc cạnh tranh, dịch chuyển cho nhóm nhỏ tinh hoa và tạo doanh thu nhiều hơn so với hướng tới việc hợp tác và học tập toàn cầu cho tất cả mọi người.

Không có mô hình hoặc cách tiếp cận quốc tế hóa nào phù hợp với tất cả mọi người; tính đa dạng của nó được xác định theo từng trường, từng địa phương, từng quốc gia và từng khu vực, và đã thay đổi và tiến hóa theo thời gian để đáp ứng các bối cảnh thay đổi và thách thức phát sinh. Sự thích ứng với bối cảnh lịch sử và địa lý này là một trong những điểm mạnh của nó. Đồng thời, cùng với tính đa diện, đây cũng chính là vấn đề của nó, bởi vì ý nghĩa của từ “quốc tế hóa” đã được các bên liên quan sử dụng rất đa dạng – thậm chí trong một số trường hợp khá là đối lập – trong phạm vi ngữ nghĩa và chính sách chung theo xu hướng cạnh tranh và thị trường hóa; nói một cách khác là hướng tới quốc tế hóa như một ngành công nghiệp.

Hệ quả về ý nghĩa của quốc tế hóa

Định nghĩa quốc tế hóa trong giáo dục đại học là “một quá trình tích hợp các khía cạnh quốc tế, liên văn hóa hoặc toàn cầu vào mục đích, chức năng và cung cấp giáo dục sau bậc trung học” của Knight năm 2004 được chấp nhận rộng rãi như một định nghĩa có hiệu quả và đã có nền tảng từ năm 1993 khi bà xác định việc quốc tế hóa của tổ chức như một quá trình. Nó thách thức các khía cạnh quốc tế của lĩnh vực giáo dục đại học so với cách tiếp cận tĩnh, đối phó và rời rạc trước đây, vốn dựa vào các hoạt động và thủ tục hành chính liên quan, chủ yếu được ẩn sau các văn phòng quốc tế của các tổ chức giáo dục đại học và thường liên quan đến sự quan liêu của chính phủ, được gọi là giáo dục quốc tế.

Thay vào đó, định nghĩa của Knight nhấn mạnh cách tiếp cận theo quy trình có sự tham gia của nhiều bên liên quan cả trong trường (giới học thuật, sinh viên, quản trị viên) và ngoài trường (chính quyền trung ương và địa phương, khu vực tư nhân, cơ quan quốc tế). Định nghĩa quốc tế hóa như một quá trình của Knight là một bước tiến quan trọng, nhưng nó đặt ra những thách thức mới vì nó liên quan đến một số khái niệm sai lầm và những hậu quả không lường trước được, đồng thời để lại một khoảng rộng cho các cách hiểu khác nhau về quốc tế hóa, với những hình thức mang tính cạnh tranh và định hướng kinh doanh hơn, chiếm ưu thế hơn so với các hình thức hợp tác và trao đổi truyền thống. Về mặt đó, sự chuyển dịch dần từ thuật ngữ “giáo dục quốc tế” sang “quốc tế hóa giáo dục đại học” đã không tạo được sự rõ ràng đầy đủ về mặt ý nghĩa và trọng tâm của nó, thậm chí còn chuyển nó sang một hướng kinh tế hẹp.

Phản ứng ngược

Vào đầu thế kỷ này, những người ủng hộ những ý tưởng như “quốc tế hóa tại chỗ” ở châu Âu năm 1999, “quốc tế hóa chương trình giảng dạy” ở Úc và Vương quốc Anh, và “quốc tế hóa toàn diện” ở Hoa Kỳ bắt đầu chỉ trích việc chỉ tập trung riêng vào tính di động và các lý do kinh tế như là đồng nghĩa với quốc tế hóa. Để giải quyết mối lo ngại to lớn này, người ta đã cập nhật định nghĩa năm 2004 của Knight một cách kịp thời, làm rõ rằng quá trình quốc tế hóa cần phải có chủ ý và đưa ra định hướng và tập trung rõ ràng hơn vào tính bao gồm và trách nhiệm xã hội. Theo đó, một định nghĩa mới về quốc tế hóa đã xuất hiện vào năm 2015, nhấn mạnh đến những yếu tố này. Mặc dù những khái niệm này và định nghĩa năm 2015 đã trở thành một phần của diễn ngôn chung, nhưng trên thực tế, chúng được sử dụng với mục đích khoa trương hơn là làm cơ sở cho các hành động cụ thể.

 

Nền tảng lý thuyết đằng sau khái niệm quốc tế hóa giáo dục đại học đã tiến hóa trong bốn thập kỷ qua.

 

Nền tảng lý thuyết

Nền tảng lý thuyết đằng sau khái niệm quốc tế hóa giáo dục đại học đã tiến hóa trong bốn thập kỷ qua. Năm 1996, Teichler mô tả việc nghiên cứu giáo dục quốc tế là không thường xuyên, ngẫu nhiên, rời rạc và theo giai đoạn. Trong những năm tiếp theo, một sự thay đổi trong tư duy khái niệm về quốc tế hóa trong giáo dục đại học đã diễn ra. Tạp chí Nghiên cứu về Giáo dục Quốc tế, được thành lập vào năm 1997, là một yếu tố quan trọng trong quá trình đó, nhưng quốc tế hóa cũng đã trở thành một trong những chủ đề chính trong các tạp chí giáo dục đại học khác và cũng có nhiều sách, blog và hội thảo trực tuyến hơn về quốc tế hóa. Đồng thời, khái niệm quốc tế hóa giáo dục đại học – vốn là một mô hình phương Tây do các tác giả phương Tây thống trị – ngày càng bị thách thức và được đề cập tới bởi một cộng đồng học giả đa dạng hơn trên toàn cầu, mặc dù nền tảng lý thuyết tổng thể của nó vẫn còn khá yếu.

Những suy ngẫm quan trọng cho tương lai

Chúng ta không nên bỏ qua tiềm năng tích cực của việc quốc tế hóa trong giáo dục đại học, nhưng cũng cần nhận thức được sự bất bình đẳng ngày càng lớn trong mọi khía cạnh của nó, điều mà gần đây mới gia tăng. Quốc tế hóa như một quá trình giáo dục đại học đòi hỏi phải rõ ràng hơn về mặt ý nghĩa, lý do đằng sau nó, các chương trình và tổ chức cũng như kết quả/tác động của nó. Chấp nhận và mô tả tính đa diện cũng như bối cảnh lịch sử và địa lý của nó là điểm khởi đầu thiết yếu.

Do cẩu thả trong việc sử dụng thuật ngữ này, nên quốc tế hóa giáo dục đại học và trong giáo dục đại học đã trở thành một trở ngại hơn là một giải pháp cho tương lai giáo dục đại học và quá dễ để đổ lỗi cho các yếu tố và tác nhân bên ngoài. Các học giả lẫn các nhà hoạch định chính sách đều cần hiểu rõ hơn về điều họ muốn nói và về bối cảnh mà trong đó họ sử dụng nghĩa này hay nghĩa kia của quốc tế hóa và các khía cạnh khác nhau của nó. Trong thập kỷ tới, quan trọng vẫn là nhu cầu chuyển từ cách tiếp cận tân tự do ngắn hạn sang lợi ích xã hội dài hạn, từ giáo dục quốc tế chỉ như một lợi ích cho nhóm nhỏ tinh hoa sang việc học tập toàn cầu cho tất cả mọi người, và từ một mô hình phương Tây sang một khái niệm toàn cầu và bình đẳng Điều này đúng hơn bao giờ hết trong môi trường địa chính trị hiện tại và hãy nhớ rằng những chính phủ và tổ chức vốn hay chỉ nói suông về sự hòa nhập và bình đẳng, vẫn đang tiếp tục ưu tiên lấy tính di động và doanh thu làm động lực quốc tế hóa.