Chynarkul Ryskulova là giảng viên tại Bộ môn Nghệ thuật, Nhân văn và Truyền thông của Đại học Mỹ tại Trung Á, Kyrgyzstan. Email: ryskulova_ch@auca.kg.
Bài này đã được viết cho Hội nghị “Thế hệ mới: Suy ngẫm và góc nhìn tương lai về giáo dục đại học tại Liên Xô cũ” do UNESCO IESALC và Trường Kinh tế thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia (Moscow, Nga) tổ chức vào ngày 14-15 tháng 2 năm 2022.
Tóm tắt: Trong năm 2016 Kyrgyzstan đã triển khai mô hình kiểm soát chất lượng giáo dục mới thông qua các tổ chức kiểm định độc lập. Thách thức đến từ sự yếu kém trong quản lý quy trình kiểm định, khâu đào tạo đội ngũ giảng viên còn hạn chế và khái niệm văn hóa chất lượng còn bị hiểu sai. Căn nguyên chính cho những thách thức này là sự thiếu hụt các tổ chức kiểm định chuyên nghiệp, đặc thù cũng như mô hình tổ chức nghiên cứu bài bản tại các trường đại học.
Hệ thống giáo dục đại học hiện tại ở Cộng hòa Kyrgyz được hình thành trong bối cảnh Liên Xô cũ tan rã, đồng thời cũng là lúc Tiến trình Bologna tại châu Âu và các tổ chức tài trợ quốc tế đang vươn tầm ảnh hưởng tại nơi này. Trong thời điểm hiện tại, có 73 cơ sở giáo dục đại học (gồm 33 trường công lập và 40 trường tư thục) với 219 ngàn sinh viên trên toàn quốc. Hệ thống đang đối mặt với sự bất ổn về kinh tế-chính trị và bị đánh giá là có chất lượng khá thấp, đi kèm với vấn nạn tham nhũng tràn lan.
Kyrgyzstan tuy không đạt chuẩn các điều kiện về lãnh thổ để gia nhập Tiến trình Bologna nhưng vẫn tuân thủ một số nguyên tắc trong đó. Bộ Giáo dục và Khoa học đã đưa ra các thay đổi trong hệ thống giáo dục đại học. Một số điểm quan trọng trong những thay đổi này là việc đưa vào thiết lập cấu trúc ba bậc về bằng cấp, hệ thống tín chỉ châu Âu, hê thống giáo dục dựa trên năng lực – nơi đặt sinh viên làm trung tâm, sự kiểm định độc lập đối với các cơ sở giáo dục dựa trên các tài liệu pháp lý và sửa đổi trong Luật Giáo dục Cộng hòa Kyrgyz. Luật được thông qua lần đầu năm 1992 và sửa đổi vào các năm 1997, 2003 và 2013. Trong khoảng thời gian này, nhiều khái niệm, quy định và chính sách đã được thông qua trong suốt 30 năm qua. Theo quy định của pháp luật, nhà nước chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Những thành tựu và thách thức trong kiểm định độc lập
Kyrgyzstan đã triển khai hệ thống kiểm soát chất lượng mới bằng việc kiểm định một cách độc lập các cơ sở giáo dục đại học, nhằm đảm bảo chất lượng cũng như hướng tới việc tham gia vào Khu vực Giáo dục Đại học chung châu Âu. Quá trình này cho tới nay đã tiến hành được sáu năm. Hội đồng Kiểm định Quốc gia thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Cộng hòa Kyrgyz đã công nhận và cấp quyền cho năm đơn vị kiểm định độc lập trong nước và một đơn vị từ Kazakhstan trong việc kiểm soát chất lượng giáo dục. Các đơn vị kiểm định độc lập trong nước hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Mạng lưới Kiểm soát Chất lượng châu Âu (EQA – European Network for Quality Assurance), TEMPUS (Liên minh châu Âu), Mạng lưới Kiểm soát Chất lượng Trung Á (CAQA – Central Asian Network for Quality Assurance), Tổ chức Kiểm soát Chất lượng Giáo dục Kỹ thuật Trung Á (QUEECA – Quality of Engineering Education in Central Asia), và Tổ chức Hợp tác Quốc tế của Đức trong Lĩnh vực Giáo dục (GIZ). Tất cả tổ chức quốc tế nêu trên đều chung tay hỗ trợ các đơn vị trong nước triển khai kiểm định độc lập tại Kyrgyzstan. Việc này cũng giúp các cơ sở giáo dục có nền tảng để liên tục cải thiện chất lượng trong tương lai.
Quá trình chuyển đổi từ mô hình kiểm soát chất lượng của Liên Xô cũ sang mô hình mới được dùng tại Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu đã diễn ra không suôn sẻ. Thách thức đến từ sự quản lý yếu kém trong quá trình kiểm định, khâu đào tạo đội ngũ giảng viên còn hạn chế và khái niệm “văn hóa chất lượng” đã bị hiểu sai lệch. Hệ thống chứng nhận quốc gia của Liên Xô cũ dựa trên việc đánh giá dữ liệu thuần túy, còn hệ thống kiểm định độc lập mới dựa trên việc đánh giá kết quả cốt lõi, tập trung phần nhiều vào quá trình học tập của sinh viên. Quá trình chuyển dịch này là khúc mắc cần giải trước khi có thể đánh giá chất lượng đào tạo một cách chính xác hơn.
Do khâu đào tạo khá hạn chế, dẫn đến việc các giáo viên và cán bộ đại học chưa hiểu rõ bản chất của tiêu chuẩn kiểm định. Trong khi đó, một số tiêu chuẩn và tiêu chí kiểm định còn khá mơ hồ, khó hiểu và bị lặp lại một cách máy móc. Việc hướng dẫn tự nghiên cứu còn sơ sài và dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Nga còn nhiều sai sót dẫn đến sự khó hiểu cho người đọc. Ví dụ, từ faculty (giảng viên) đã được dịch sang tiếng Nga là “khoa” (vì từ “khoa” trong tiếng Nga là “fakultet”), hay việc cụm từ “văn hóa chất lượng” đã được hiểu sai là “đạo đức ứng xử” của giáo viên trên lớp đã gây nhầm lẫn cho các nhà kiểm định và người làm giáo dục.
Sự yếu kém trong quá trình quản lý kiểm định từ cấp đơn vị cho tới các trường đại học đã gây ra nhiều hiểu lầm về mục đích và tiêu chuẩn kiểm định. Toàn bộ quá trình đã tiêu tốn nhiều thời gian công sức của giảng viên và các thành viên trong các ban. Không phải tất cả những nhà kiểm định đều làm tốt việc đánh giá nghiên cứu, phương pháp giảng dạy và thực hành quản lý giáo dục đại học, bởi các đơn vị kiểm định chỉ tổ chức được các khóa đào tạo chuyên gia ngắn hạn với thời lượng từ một đến ba ngày – hoàn toàn không đủ để đảm bảo đầu ra. Các chuyên gia được đào tạo trong thời gian ngắn cũng không có đủ uy tín về năng lực và hiểu biết về chất lượng kiểm định. Điều đó dẫn tới tất cả các chương trình giáo dục đều được thông qua sau quá trình kiểm định này không có sự cải thiện đáng kể. Trước đó, các cơ sở này vốn đã sẵn điều tiếng về chất lượng thấp cũng như việc tham nhũng tràn lan giai đoạn hậu Liên Xô. Một ví dụ cho vấn đề này là việc chính phủ đã phải mở một cuộc điều tra trong bộ máy nhà nước để nhận diện các cán bộ đã tham gia mua bán bằng đại học.
Quá trình chuyển đổi từ mô hình kiểm soát chất lượng của Liên Xô cũ sang mô hình mới được dùng tại Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu đã diễn ra không suôn sẻ.
Các vấn đề hiện tại trong kiểm soát chất lượng
Hiện tại, việc kiểm định đang được diễn ra nhưng còn thiếu các thiết chế nghiên cứu tại cơ sở (ví dụ các phòng ban nghiên cứu cấp cơ sở), thiếu đơn vị kiểm định độc lập chuyên nghiệp đặc thù, hay thiếu các cơ chế tân tiến giúp các trường cập nhật dữ liệu học tập của sinh viên. Các phòng ban nghiên cứu cấp cơ sở vốn được sử dụng với mục đích hỗ trợ, đánh giá, thu thập phân tích dữ liệu việc dạy học và chính sách kiểm soát chất lượng nội bộ tại các trường. Vì vậy, khi thiếu đi các phòng ban này, các trường chỉ bắt đầu thu thập dữ liệu vài tháng trước khi thanh tra thực hiện kiểm định. Đây là tàn dư của văn hóa kiểu Liên Xô cũ, với thiên hướng muốn gây ấn tượng với thanh tra bằng các bản báo cáo đẹp và trau chuốt. Ngoài ra, việc hệ thống kiểm định nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Giáo dục và Khoa học khiến cho Kyrgyzstan không xây dựng các đơn vị kiểm định độc lập chuyên nghiệp đặc thù. Không một tổ chức kiểm định nào có thể kiểm định tất cả mọi chương trình trong mọi lĩnh vực giảng dạy một cách đồng thời. Các trường đại học cũng không thể quảng bá hiệu quả chương trình giảng dạy hay thông cáo cho các bên liên quan về chất lượng chương trình khi thiếu đi các phòng ban cấp cơ sở. Các phòng ban này có chức năng thu thập dữ liệu một cách bài bản để giúp bản thân trường duy trì việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Kết luận
Kyrgyzstan cần thành lập các đơn vị kiểm định chuyên nghiệp để tiến hành ngoại kiểm với đa dạng lĩnh vực. Việc thành lập các phòng ban nghiên cứu cấp cơ sở nằm trong các trường đại học, nhằm tổng hợp và phân tích dữ liệu về quy trình đào tạo cũng như chính sách nội kiểm của mỗi trường cũng rất quan trọng. Cần xét lại và cải thiện những tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định hiện còn đang mơ hồ. Các trường đại học và các đơn vị kiểm định đều cần tinh chỉnh hệ thống quản lý giúp cho việc tăng cường đào tạo cán bộ và đẩy mạnh chất lượng giáo dục nơi đây.