Andrée Sursock là cố vấn cấp cao của Hiệp hội Đại học châu Âu. Email: andree.sursock@eua.eu.
Tóm tắt: Pháp đã đưa ra một chương trình tài trợ vào năm 2010 nhằm đảm bảo đưa từ 5 đến 10 trường đại học Pháp lên đầu bảng xếp hạng quốc tế. Mục tiêu ban đầu này đã thay đổi theo thời gian để bao quát một tập hợp lớn hơn các trường và các mục tiêu. Bài viết này thảo luận về việc mở rộng xuất sắc đã thách thức vai trò hoạch định chính sách của nhà nước như thế nào, năng lực hành động chiến lược của các trường đại học, mối quan hệ giữa nhà nước và các trường đại học cũng như bối cảnh giáo dục đại học ở Pháp.
Năm 2010, Pháp đã đưa ra một chương trình nhằm hỗ trợ tài chính cho một số trường đại học của mình nhằm đáp lại kết quả kém cỏi của đất nước trên bảng xếp hạng quốc tế. Mục tiêu ban đầu của Chương trình Đầu tư cho Tương lai (Programme d’Investissements d’Avenir – PIA) là đảm bảo rằng có 5 đến 10 trường đại học Pháp sẽ lọt vào top đầu bảng xếp hạng quốc tế. Mục tiêu ban đầu này đã thay đổi theo thời gian để bao quát một tập hợp lớn hơn các trường và các mục tiêu chính sách bằng cách mở rộng định nghĩa về xuất sắc.
Bài viết thảo luận về việc mở rộng này thách thức cả nhà nước lẫn các trường đại học như thế nào, trong đó nhà nước với vai trò hoạch định chính sách của mình và các trường đại học với tư cách là các tổ chức chiến lược. Cả hai đều phải điều chỉnh lại mối quan hệ của mình trong bối cảnh quyền tự chủ của trường đại học tiếp tục bị hạn chế, và nhà nước gặp khó khăn trong việc định hình lại vai trò của mình, từ vai trò thúc đẩy các hoạt động của tổ chức sang vai trò tài trợ và hoạch định chính sách.
PIA đã giải ngân khoảng 9.6 tỷ USD trong thời gian 13 năm qua 4 vòng. Trong thời gian đó, định nghĩa về xuất sắc đã thay đổi để bao quát nhiều hơn các trường đại học đẳng cấp thế giới. Nó mở rộng đến các loại hình tổ chức khác nhau, từ các trường đại học tổng hợp, trường chuyên nghiên cứu, đến những trường chuyên sâu; từ những trường có khát vọng quốc tế đến những trường có trọng tâm chính là khu vực. Ngoài tài trợ nghiên cứu, PIA còn được sử dụng để thúc đẩy xuất sắc trong dạy và học, đào tạo tiến sĩ, đời sống sinh viên, liên kết với các bên liên quan, quốc tế hóa, quản trị và quản lý.
Từ Xuất sắc đến Các Xuất sắc
Việc mở rộng khái niệm về xuất sắc đã lên đến đỉnh điểm trong chương trình tài trợ gần đây nhất có tên “ExcellenceS – Excellence in All Its Forms” (Các Xuất sắc – Tất cả các hình thức của Xuất sắc), trong đó chữ “s” trong từ xuất sắc được viết hoa để nhấn mạnh rằng các tiêu chí lựa chọn đủ linh hoạt để mỗi trường đại học đều có thể đặt ra chiến lược riêng của mình để đạt được xuất sắc cụ thể và nhà nước sẽ hỗ trợ họ xác định năng lực của riêng mình. Đối với nhiều người bên ngoài nước Pháp, điều này có vẻ không theo lẽ thường. Đối với Pháp, với truyền thống lâu đời về chủ nghĩa tập trung của nhà nước và nhấn mạnh chính trị về bình đẳng, việc khuyến khích các trường đại học nâng cao năng lực của chính trường mình và chiến lược của họ đã thực sự mang lại sự thay đổi.
PIA nhấn mạnh sự khác biệt giữa các trường đại học, một xu hướng bắt đầu từ thế kỷ 20 và chứng kiến sự ra đời của các loại hình trường đại học mới trong suốt ba vòng. PIA là nỗ lực mới nhất dẫn đến việc thành lập các trường đại học mới, mặc dù thông qua quá trình sáp nhập các trường đại học (đôi khi là giữa các trường đại học lớn và các tổ chức nghiên cứu) chứ không phải thông qua việc thành lập các trường đại học hoàn toàn mới.
Những sự phát triển này – luôn âm ỉ trong thế kỷ 20 và tăng tốc trong thế kỷ 21 – đã dẫn đến sự không đồng nhất ngày càng tăng trong lĩnh vực này. Nó đã khuyến khích cả những trường đại học không nhận được tài trợ của PIA cải thiện năng lực của họ và phát triển dựa trên các lĩnh vực thế mạnh của họ.
Theo báo cáo Kiểm toán, sự không đồng nhất này đặt ra ba lớp thách thức đối với nhà nước Pháp: một là tìm ra các công cụ phù hợp giúp chính phủ hiểu được sự đa dạng này; hai là thiết lập các tiêu chí minh bạch để phân bổ nguồn lực, và ba là giám sát cả chất lượng cũng như mức độ phù hợp trong hiệu suất của các trường đại học.
Trong khi nhà nước bị đẩy ra ngoài vùng an toàn của mình, thì một số trường đại học đã cố gắng trở nên chiến lược hơn, bất chấp những hạn chế lâu dài đối với quyền tự chủ của trường. Quả thực, thẻ điểm về quyền tự chủ đại học do Hiệp hội Đại học châu Âu đưa ra vài năm một lần tiếp tục báo hiệu hiệu quả hoạt động rất kém của các trường đại học Pháp. Họ thiếu quyền kiểm soát đối với các cơ chế quản trị (được pháp luật quy định) và quản lý nhân viên của họ (hầu hết là công chức), và cả các hoạt động nghiên cứu của họ (một phần phụ thuộc vào các tổ chức nghiên cứu hùng mạnh); tất cả những điều này có nghĩa là không gian để họ hành động là vô cùng hẹp.
Làm thế nào mà sự không đồng nhất về thể chế như vậy lại xuất hiện mặc dù có xu hướng đồng hình rất mạnh mẽ?
Tính không đồng nhất và đồng hình
Làm thế nào mà sự không đồng nhất về thể chế như vậy lại xuất hiện mặc dù có xu hướng đồng hình rất mạnh mẽ? Chìa khóa thành công của PIA là sự kết hợp của ba yếu tố đã mở ra không gian cho việc đàm phán và thay đổi kỹ thuật.
Thứ nhất, một số hiệu trưởng trường đại học đã đi đầu và cung cấp các mô hình lãnh đạo cho những người khác. Các hiệu trưởng này đã thể hiện khả năng lãnh đạo hiệu quả trong việc thuyết phục cộng đồng của họ áp dụng các chiến lược thể chế và chấp nhận khái niệm về xuất sắc – một khái niệm gây tranh cãi ở nước Pháp vốn theo chủ nghĩa bình quân.
Thứ hai, sự phụ thuộc vào các Hội đồng quốc tế và đáng chú ý nhất là vào sự ổn định của Hội đồng đã xem xét chương trình PIA quan trọng nhất (chương trình IDEX, tài trợ I-SITE), việc này đã đảm bảo tính nhất quán trong quá trình đưa ra quyết định. Hội đồng đó được bổ nhiệm vào năm 2010, giữ nguyên chủ tịch và gần như giữ nguyên số thành viên trong suốt 11 năm và cố gắng đưa ra quyết định một cách đồng thuận. Các nhà chức trách chính trị thừa nhận rằng Hội đồng không bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị và vận động hành lang cá nhân, cho dù từ các trường đại học hay các tổ chức chính trị. Tổng thống lúc bấy giờ là François Hollande lưu ý rằng chỉ có Hội đồng Hiến pháp ở Pháp mới có quyền ưu tiên hơn nhà nước, nhưng các cơ quan chính trị đã đưa ra một ngoại lệ và chấp nhận rằng Hội đồng hoạt động hoàn toàn độc lập như một điều kiện để được quốc tế công nhận các trường đại học Pháp.
Thứ ba, sự độc lập của Hội đồng không có nghĩa là nhà nước không có vai trò gì. Bộ chịu trách nhiệm về giáo dục đại học và nghiên cứu đã tác động đến các tiêu chí lựa chọn và là công cụ chuyển đổi định nghĩa về xuất sắc, từ việc tập trung vào các trường đại học riêng lẻ sang bao trùm các cụm khu vực, phù hợp hơn với các chính sách của bộ. Điều này có nghĩa là trọng tâm ban đầu hướng vào sức mạnh nghiên cứu đã được mở rộng để bao hàm các cấu trúc quản trị của các cụm này như một tiêu chí lựa chọn trọng tâm.
Tác động của PIA
PIA đã đạt được mục tiêu của mình chưa? Các kết quả khá là khác nhau.
Về mặt tiêu cực, mục tiêu ngầm trong việc tạo ra các cụm khu vực và thúc đẩy sáp nhập là nhằm làm giảm sự phân mảnh do sự hiện diện của các trường lớn gây ra. Sự tồn tại của chúng khiến hệ thống giáo dục đại học của Pháp trở nên khá độc đáo khi có các trường nhỏ đứng đầu hệ thống phân cấp quốc gia nhưng hầu như không xuất hiện trong bảng xếp hạng quốc tế, bao gồm cả những trường đang hoạt động nghiên cứu. Hầu hết các trường lớn phản đối chính sách này, khẳng định thương hiệu thể chế mạnh mẽ của họ và cảm giác ưu việt của họ so với các trường đại học. Những trường chấp nhận được việc sát nhập vào các trường đại học mới thành lập đã làm như vậy trong khi vẫn giữ được tên tuổi và quyền tự chủ của mình sau khi nhà nước thông qua sắc lệnh cho phép họ làm điều đó.
Hơn nữa, nguồn tài trợ bổ sung thu được thông qua PIA tương đối nhỏ và không đủ bù đắp được nguồn tài trợ cốt lõi tương đối thấp của các trường đại học Pháp so với các trường cùng ngành ở nhiều nước OECD. Tuy nhiên, nguồn tài trợ bổ sung của PIA sẽ tạo ra những thay đổi lớn. Việc quản lý sự thay đổi trong bối cảnh tương đối bần cùng đã khiến các nhân viên trường đại học châm biếm: “Chúng ta có nên tạo xuất sắc với ba dây cao su và hai chiếc kẹp giấy không?”
Tuy nhiên, nguồn tài trợ của PIA là công cụ thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Nó mang lại sự quản lý và lãnh đạo tốt hơn, cung cấp nguồn tài trợ rất cần thiết để tăng cường nghiên cứu, giảng dạy và gắn kết xã hội, đồng thời cải thiện cả mục đích chiến lược và quốc tế hóa có trọng tâm. Nó đã giúp một số trường đại học của Pháp đạt được vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng quốc tế và mang lại một bối cảnh thể chế đa dạng hơn.
Để củng cố những thành tựu đó, Nhà nước hiện phải tập trung vào việc đảm bảo quyền tự chủ lớn hơn về thể chế, tăng cường tài trợ cho giáo dục đại học và quan trọng là có sự gắn kết và nhất quán hơn về chính sách.