Barbara M. Kehm là thành viên tại Trung tâm Khoa học và Xã hội Leibniz, Đại học Hannover, Đức. Email: bmkehm@t-online.de.
Tóm tắt: Số lượng bằng tiến sĩ được cấp tại Đức vốn đã cao, nhưng vẫn đang tiếp tăng lên. Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này là nhờ vào chương trình Những Sáng Kiến Xuất Sắc của Đức (German Excellence Initiative). Dù số lượng các bằng tiến sĩ được cấp tại các trường đại học khoa học ứng dụng (UASs) chưa thực sự gây ảnh hưởng rõ rệt, hay ít nhất là chưa gây ra sự khác biệt nào trong số liệu thống kê, các trường đại học truyền thống đã dần mất đi vị thế độc quyền trong việc cấp bằng tiến sĩ. Trước tiến trình phổ cập học vị tiến sĩ đang diễn ra, nước Đức vẫn muốn hướng đến sự đa dạng hóa được trải đều cho các nhóm, thay vì phân cấp theo các tầng.
Một bài báo được đăng gần đây (02/02/2023) trên Times Higher Education (THE) lấy tiêu đề là “Liệu rằng châu Âu có đang ghi nhận tiến trình phổ cập tiến sĩ?”. Trong số các vấn đề được nhắc tới, bài báo này xoáy sâu vào việc một vài trường đại học khoa học ứng dụng (UAS – Universities of Applied Sciences, tiếng Đức là Fachhochschulen) được cấp quyền đào tạo và cấp bằng cho các nghiên cứu sinh bất chấp sự phản đối đến từ các trường đại học nghiên cứu, vốn từng giữ vai trò độc quyền trong việc trao bằng tiến sỹ.
Các UAS – nơi chủ yếu tập trung vào các chương trình giáo dục đại học chuyên môn (thay vì các chương trình giáo dục đại học hàn lâm), được thành lập tại Đức vào đầu những năm 1970. Sự xuất hiện này đưa ra một lựa chọn khác ngoài các trường đại học nghiên cứu truyền thống. Các giảng viên tại các UAS, bao gồm cả các giáo sư, không được yêu cầu phải thực hiện các nghiên cứu, nhưng có khối lượng giảng dạy lớn hơn những người đồng cấp tại các trường đại học nghiên cứu. Họ đồng thời cũng cần có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm chuyên môn bên ngoài giới hàn lâm. Những kinh nghiệm này thường có sự liên hệ sâu sắc hơn với thị trường, nơi gắn chặt với nhu cầu ứng dụng nghiên cứu. Trong những năm gần đây, lãnh đạo Sở Giáo dục và Nghiên cứu tại một vài bang của Đức đã quyết định trao quyền cấp bằng tiến sĩ cho một vài UAS – với điều kiện các trường này có thể chứng minh về năng lực nghiên cứu chuyên sâu của họ, ít nhất là năng lực này phải được thể hiện trong một vài chương trình hoặc một số khoa. UAS sẽ phải trình các dự thảo nghiên cứu của họ, sau đó họ sẽ được đánh giá bởi một cơ quan độc lập. Cơ quan này sẽ đưa ra nhận định về việc có thể xét duyệt cho họ để họ nhận được quyền cấp bằng tiến sĩ hay là không.
Đây vẫn chưa phải bức tranh toàn cảnh. Sự gia tăng tiến sĩ tại Đức là hệ quả của ít nhất hai tiến trình khác, chưa kể tới việc nước này vốn đã có số lượng tiến sĩ rất lớn từ trước tới nay.
Học vị tiến sĩ là một phần của hệ thống học hàm
Việc số lượng học vị tiến sĩ được cấp luôn ở mức rất cao trong một thời gian dài có thể được lý giải bởi điều kiện xét học hàm giáo sư. Mỗi giáo sư cần đào tạo ít nhất là một nghiên cứu sinh, và thường là hai hoặc thậm chí nhiều hơn để được xét học hàm. Trong giáo dục đại học tại Đức, những người theo đuổi học vị tiến sĩ không được coi là sinh viên mà được gọi là các ứng viên tiến sĩ hoặc là các nhà nghiên cứu tập sự. Lý do đến từ việc phần lớn (khoảng 60%) các cá nhân này đều đã và đang nắm các vị trí cán bộ học thuật cấp thấp với định hướng thăng tiến lên vị trí giáo sư. Một nguyên nhân khác đến từ việc hầu hết các dự án nghiên cứu được tài trợ từ nước ngoài đều được quy định phải có một hoặc nhiều hơn các vị trí tiến sĩ để điều hành việc nghiên cứu. Do đó, nếu giáo sư tương đối thành công trong việc kêu gọi nguồn tài trợ thì thường sẽ có thêm ngân sách cho các vị trí ứng viên tiến sĩ. Một nguyên nhân khác đến từ việc hiện đang có tối thiểu 10 quỹ tài trợ lớn cộng thêm Hiệp Hội Nghiên Cứu Đức (DFG) cùng đang cung cấp các học bổng tiến sĩ dành cho các cá nhân hoặc tài trợ cho các chương trình sau đại học. Số lượng là từ 5 đến 12 học bổng tiến sĩ (chiếm khoảng 20 đến 25% chi phí tài trợ cho các ứng viên tiến sĩ).
Học vị tiến sĩ là một phần của chương trình những Sáng kiến Xuất sắc
Chương trình những Sáng kiến Xuất sắc của Đức (2005-2019) là một trong những thành tố khác góp phần vào sự gia tăng số lượng tiến sĩ tại Đức. Trong hai vòng tổ chức đầu tiên (2005-2012) và vòng tổ chức thứ ba (2012-2017). đã có tổng cộng 85 trường – cấp sau đại học – được thành lập và tài trợ. Trong hai vòng tổ chức đầu tiên, số tiền tài trợ đã lên đến 1 triệu Euro mỗi năm trong suốt thời kỳ kéo dài 5 năm. Ở vòng tổ chức thứ ba con số này dao động từ 1 đến 2.5 triệu Euro mỗi năm trong suốt 5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó còn có một giai đoạn chuyển tiếp cũng được cấp tài trợ (2017 đến 2019). Mỗi trường bậc sau đại học này đều có học bổng cho từ 6 đến 12 hoặc 6 đến 15 ứng viên tiến sĩ, với hầu hết các ứng viên này đều hoàn thành chương trình và lấy bằng chỉ trong 3 đến 5 năm. Sự gia tăng số lượng tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục sau đại học tại Đức được thống kê chi tiết theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức. Kể từ năm 2000, có khoảng 25 đến 26 ngàn bằng tiến sĩ được trao mỗi năm. Các trường dạy sau đại học được hỗ trợ bởi chương trình những Sáng kiến Xuất sắc đã thể hiện tầm ảnh hưởng rõ nhất vào năm 2015 – với gần 30 ngàn (29.218) bằng tiến sĩ được trao trong năm này.
Bằng tiến sĩ được trao bởi các trường đại học khoa học ứng dụng
Yếu tố thứ 3 được nhấn mạnh trong bài báo trên THE, cụ thể là việc các bằng tiến sĩ được cấp bởi các UAS không phải – hoặc ít nhất là chưa phải – là yếu tố chính dẫn đến việc số lượng tiến sĩ tại Đức gia tăng đáng kể. Cần phải nhớ rằng UAS chỉ có thẩm quyền cấp bằng tiến sĩ ở một số bang của Đức, và thẩm quyền này không được cấp cho cả trường mà chỉ có một số ít các khoa nghiên cứu chuyên sâu tại trường được trao thẩm quyền đó. Các đơn vị này phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định để có thể được cấp quyền trao bằng tiến sĩ, và thẩm quyền này cũng chỉ mang tính tạm thời. Sau vài năm, thẩm quyền này sẽ được một cơ quan độc lập đánh giá lại để quyết định xem liệu có nên tiếp tục gia hạn cho các đơn vị được cấp quyền hay không. Thống kê hằng năm của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho thấy đến nay chỉ có một UAS được cấp một bằng tiến sĩ duy nhất vào năm 2021.
Tuy nhiên, một diễn biến khác cũng cần được lưu ý. Kể từ 2010, các quy trình đào tạo và giáo dục tiến sĩ hợp tác đã liên tục được thành lập ở tất cả các bang tại Đức. Trong khuôn khổ của quy trình hợp tác đào tạo tiến sĩ, một giáo sư thuộc trường đại học nghiên cứu và một giáo sư thuộc UAS hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc hướng dẫn và giám sát các sinh viên tốt nghiệp có bằng UAS. Trước đó, những sinh viên này còn không được phép tham gia các chương trình sau đại học nếu không tham gia các khóa bổ túc tại một trường đại học nghiên cứu sau khi đã tốt nghiệp UAS. Với hệ thống đó, trường sẽ cấp bằng tiến sỹ cuối cùng sẽ là các trường đại học nghiên cứu chứ không phải UAS. Mỗi ba năm, Hội nghị Hiệu trưởng Đức sẽ thực hiện một cuộc khảo sát đại diện, để thu thập số liệu về các chương trình hợp tác đào tạo tiến sĩ. Kết quả mới nhất thu được cho thấy sự gia tăng liên tục số lượng các chương trình hợp tác đào tạo, từ 109 giai đoạn 1997-1999 lên 1575 giai đoạn 2015-2017. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế là các trường đại học nghiên cứu Đức cấp từ 25 đến gần 30 ngàn bằng tiến sĩ hàng năm, con số này không thể giải thích sự gia tăng số lượng tiến sĩ trong giáo dục bậc cao tại Đức. Trong khi đó, các học viện thuộc hội Max Planck và các học viện nghiên cứu cơ bản phi đại học cũng đang đòi hỏi quyền được cấp bằng tiến sĩ. Họ lập luận rằng các chương trình đạo tạo nghiên cứu của họ thậm chí còn tốt hơn của các trường đại học nghiên cứu. Trong tương lai, rất có thể các yêu cầu này sẽ được chấp thuận, và điều đó sẽ càng làm suy giảm rõ rệt vị thế độc quyền của các trường đại học nghiên cứu trong việc cấp bằng tiến sĩ.
Nếu có điều gì đáng để nói đến về thành quả của công cuộc “đại chúng hóa” nền giáo dục và đào tạo tiến sĩ trong giáo dục đại học tại Đức, thì đó chính là thành công trong việc đa dạng hóa các loại hình bằng cấp tiến sĩ.
Kết luận
Hai kết luận chính có thể được đúc kết từ những điểm đã được đề cập. Đầu tiên, yếu tố chính đằng sau sự gia tăng số lượng tiến sĩ tại Đức là chương trình những Sáng kiến Xuất sắc. Dù vậy cần lưu ý rằng số lượng tiến sĩ tại Đức vốn đã tương đối cao trong một khoảng thời gian khá dài từ trước khi chương trình này được bắt đầu. Ngược lại, việc các UAS được cấp bằng tiến sĩ chưa thực sự tạo nên bất cứ ảnh hưởng nào rõ rệt được thể hiện trên số liệu. Kết luận thứ hai là các trường đại học nghiên cứu tại Đức đang dần mất đi vị thế độc quyền lâu đời trong việc trao bằng bất chấp sự phản đối của họ. Tiến trình này có vẻ sẽ không dừng lại. Điều này là bởi các nhà hoạch định chính sách giáo dục đại học Đức đều có chung quan điểm rằng cần phải có nhiều con đường hơn thay vì chỉ có một cách để lấy được bằng tiến sĩ.
Nếu có điều gì đáng để nói đến về thành quả của công cuộc “đại chúng hóa” nền giáo dục và đào tạo tiến sĩ trong giáo dục đại học tại Đức, thì đó chính là thành công trong việc đa dạng hóa các loại hình bằng cấp tiến sĩ. Một số ví dụ bao gồm bằng tiến sĩ nghiên cứu, bằng tiến sĩ chuyên môn, bằng tiến sĩ theo công trình nghiên cứu, bằng tiến sĩ hợp tác, bằng tiến sĩ công nghiệp, và còn nhiều loại bằng tiến sĩ khác nữa. Như thường lệ, đi cùng quá trình đại chúng hóa là nhu cầu cải tổ lại các hệ thống đang tồn tại. Quá trình cải tổ này có thể thông qua việc phân tầng chuyên sâu (theo danh tiếng hoặc xếp hạng), hoặc dàn trải theo hướng đa dạng hóa (theo các loại bằng cấp). Mặc dù thực tế là nỗ lực đầu tiên nhằm cải tổ hệ thống thông qua việc phân tầng chuyên sâu đã được thể hiện qua chương trình những Sáng kiến Xuất sắc tại Đức, thông lệ tại Đức vẫn thiên về đa dạng hóa dàn trải các loại bằng cấp và học viện.