Abdul Aziz Mohibbi là cựu hiệu trưởng của Đại học Bamiyan. Hiện tại, ông là thành viên của Quỹ Cứu hộ Học giả IIE, giáo sư thỉnh giảng tại Trinity College Dublin và là nhà nghiên cứu tại Khoa Địa lý, Đại học Maynooth, Ireland. Noah Coburn là hiệu trưởng trường Goddard College, Hoa Kỳ và là đối tác của Đại học Mỹ tại Afghanistan.
Tóm tắt: Chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủi, các trường đại học ở Afghanistan đã ghi nhận số lượng tuyển sinh giảm mạnh do lệnh cấm phụ nữ theo học đại học của chính quyền Taliban, cũng như ảnh hưởng từ một nền văn hóa dựa trên giám sát và sự sợ hãi. Cùng lúc đó, Taliban đã bắt đầu tự cơ cấu lại chương trình giảng dạy cũng như chính các trường đại học để áp đặt phiên bản tôn giáo bảo thủ của riêng họ lên các thiết chế này. Điều này trái ngược hoàn toàn với việc mở rộng các trường đại học dưới thời chính phủ trước đó.
Khi Hoa Kỳ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm 2021, chính phủ và quân đội của Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan đã bị họ bỏ lại trong tình trạng không có khả năng chống lại sự bành trướng nhanh chóng của Taliban. Mảng giáo dục đại học, dù đang phát triển rực rỡ một cách đáng ngạc nhiên, cũng là nạn nhân của sự lãng quên trong cuộc “chia tay” này. Trong vòng 20 năm kể từ 2001 khi Hoa Kỳ đổ bộ vào, số lượng các trường đại học, bao gồm cả công lập và tư thục, đã được tăng lên nhanh chóng. Dù chất lượng của các cơ sở giáo dục này không được đồng đều, tầng lớp những người trẻ tuổi tại Afghanistan vẫn sẵn sàng đón nhận hệ thống các trường đại học này như một phương tiện để thăng tiến trong xã hội. Trong khoảng thời gian này, ngày càng nhiều người Afghanistan theo đuổi các chứng chỉ cấp cao cả trong và ngoài nước. Từ năm 2001 đến năm 2021, số lượng sinh viên đại học ở Afghanistan đã tăng từ 8 ngàn lên 400 ngàn ở 39 trường công lập và 128 trường tư thục. Thế nhưng, kể từ sau mốc thời gian này, nhiều giảng viên đã bỏ trốn, các quỹ quốc tế trước đây từng hỗ trợ các sáng kiến giáo dục đại học đã bị đóng băng, nhiều trường tư thục bị đóng cửa và số lượng sinh viên ở cả trường công lẫn trường tư đều giảm mạnh.
Các phương tiện truyền thông quốc tế chủ yếu tập trung đưa tin về các lệnh cấm mang nặng tính phân biệt giới tính của Taliban đối với phụ nữ và bé gái. Các lệnh cấm này được áp dụng đầu tiên là từ bậc trung học và sau đó là cho các bậc sau trung học. Tuy nhiên, mọi việc không chỉ dừng lại ở đó. Khi được phỏng vấn, các quản trị viên, giảng viên và sinh viên, bao gồm cả những người đã chạy trốn khỏi Taliban và những người ở lại trong nước, đã cho hay chính quyền Taliban đã bắt đầu ngầm tháo dỡ một cách chậm rãi các thành tựu phát triển và tiêu chuẩn của ngành giáo dục đã đạt được trong 20 năm qua. Quá trình này bao gồm việc sửa đổi và thay thế các chương trình giảng dạy trước đó thành các chương trình đặt trọng tâm vào một phiên bản nhà nước Hồi giáo bảo thủ, trái ngược với tín ngưỡng của nhiều giáo dân trong nước. Họ cũng áp đặt phiên bản giáo dục tôn giáo này vào các trường đại học thông qua các thủ đoạn gây sợ hãi và độc tài.
Một chương trình giảng dạy mới
Taliban là một phong trào chính trị phát triển từ các trường tôn giáo ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan, và họ luôn khẳng định tầm nhìn riêng của họ về giáo dục. Tầm nhìn này được dựa trên các giá trị Hồi giáo và Pashtun bảo thủ. Các giá trị này không chỉ trái ngược một cách rõ rệt với cách tiếp cận giáo dục của phương Tây mà còn trái ngược cả với các chế độ Hồi giáo ôn hòa hơn được phổ biến ở những khu vực còn lại của Afghanistan. Cách tiếp cận này nhấn mạnh việc ưu tiên các nam sinh – những đối tượng chính được tuyển dụng cho bộ máy Taliban với tư cách một lực lượng nòng cốt trong một thời kỳ dài. Trong 10 năm qua, cùng với việc Taliban liên tục mở rộng lãnh thổ, các trường madrassas mới cũng được xây dựng để đáp ứng tầm nhìn của họ về việc giáo dục tôn giáo. Từ trước tới giờ Taliban đã luôn có những người ủng hộ trong một vài trường đại học, đặc biệt là ở khu vực phía đông, và kể từ khi giành được quyền kiểm soát Kabul và bộ máy chính phủ của chế độ cũ, lực lượng này đã hướng đến việc định hình lại toàn bộ nền giáo dục đại học. Công cuộc này bao gồm việc thay thế các quan chức đại học, gieo rắc nỗi sợ hãi trong sinh viên và buộc Bộ Giáo dục Đại học phải sửa đổi chương trình và chuyển đổi cách giảng dạy. Những thay đổi trong chương trình giảng dạy nói riêng có thể ảnh hưởng đến nền giáo dục của Afghanistan trong nhiều thế hệ tiếp nối.
Ví dụ, các khóa học về nhân quyền, nghiên cứu về phụ nữ và phúc lợi xã hội đều đã bị loại khỏi chương trình giảng dạy khoa học xã hội trong hai năm qua. Các khoa triết đã được thay thế bằng các khoa triết học và tín ngưỡng; hơn nữa, thay vì được nghiên cứu các khái niệm triết học khác nhau, các sinh viên tham gia các khóa học về lĩnh vực này giờ đây tập trung vào việc phê phán những triết lý mà Taliban coi là đi ngược lại với hệ tư tưởng của họ. Nhiều thay đổi được đưa ra có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung khóa học. Đơn cử, âm nhạc và nghệ thuật múa đã trở thành các chủ đề văn hóa bị cấm bàn luận. Một vài thay đổi khác thì âm thầm và bất thường hơn. Ví dụ như môn xã hội học về chiến tranh đã bị loại khỏi chương trình giảng dạy. Điều này là do Taliban ngầm định rằng họ sẽ tiếp cận theo hướng tập trung vào chiến tranh trong bối cảnh thánh chiến jihad bạo lực (cuộc đấu tranh chống lại những kẻ ngoại giáo và thiếu đức tin).
Dù nghiên cứu tôn giáo cũng đã từng là một phần của chương trình giảng dạy ngay cả dưới thời chính phủ tiền nhiệm, các loại hình tôn giáo được giảng dạy cũng đã bị thay đổi đáng kể. Trọng tâm đã từng là các biến thể ôn hòa hơn của Hồi giáo, ví dụ như các hoạt động hướng thiện và truyền đạo đến những người ngoại đạo. Chương trình giảng dạy của Taliban truyền tải một hình thức Hồi giáo bảo thủ hơn, dựa trên nghiên cứu của các học giả Hồi giáo bảo thủ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành thánh chiến.
Dưới chế độ tiền nhiệm, những sửa đổi nêu trên sẽ được tiến hành nội bộ tại Bộ Giáo dục Đại học với sự tham vấn của các chuyên gia học thuật, nhưng hiện tại những thay đổi này sẽ cần cả sự phê duyệt của Bộ Tuyên truyền đức hạnh và Ngăn ngừa suy đồi đạo đức (Ministry for the propagation of virtue and the prevention of vice – tên địa phương Amr bil Maroof). Amr bil Maroof là bộ chịu trách nhiệm thực thi các quy tắc đạo đức của Taliban trong thời kỳ cai trị của Taliban trước đó, bao gồm cả việc quy định độ dài râu của nam giới và các yêu cầu che mặt đối với phụ nữ. Bộ này đã được chế độ Taliban mới khôi phục và được tiếp quản trên danh nghĩa các văn phòng của Bộ các vấn đề phụ nữ hiện đã không còn hoạt động. Ngoài ra, khoa luật Shariah đã được trao quyền xem xét những thay đổi trong chương trình giảng dạy, và tất cả các quan chức có liên quan hiện được yêu cầu tham gia các hội thảo kéo dài hàng tuần do Bộ Đức hạnh (Ministry of vice and virtue) chủ trì.
Nhiều thay đổi khác tác động đến sinh viên ở tất cả các khoa. Ví dụ, sinh viên hiện được yêu cầu phải lấy đủ 24 tín chỉ của môn nghiên cứu tôn giáo – trước đây yêu cầu này chỉ là 8. Điều này làm giảm lượng tín chỉ của các môn khác trong chương trình.
Chính phủ Taliban không chỉ tái cơ cấu chương trình giảng dạy mà còn gieo rắc một nền văn hóa sợ hãi nhằm dập tắt các bất đồng chính kiến trong khuôn viên của các trường đại học.
Áp đặt bằng gieo rắc nỗi sợ
Chính phủ Taliban không chỉ tái cơ cấu chương trình giảng dạy mà còn gieo rắc một nền văn hóa sợ hãi nhằm dập tắt các bất đồng chính kiến trong khuôn viên của các trường đại học. Các giảng viên và sinh viên đã tường thuật lại rằng các quan chức Taliban tại các trường học đã áp đặt các quy định bảo thủ về trang phục và quấy rối các sinh viên và giảng viên được cho là có vấn đề. Việc Bộ Đức hạnh – một cơ quan thường bị chỉ trích vì phủ định quyền cá nhân và quyền miễn trừ – hiện được can thiệp vào các trường đại học đã gây ra tác động đáng sợ, khiến sinh viên và giảng viên phải tự khắc kỷ hơn trong mọi hoạt động.
Một nam sinh viên kinh tế muốn phản đối việc cấm phụ nữ cho hay: “Chúng tôi không thể làm gì, cũng không thể biểu tình khi họ cấm phụ nữ vào trường đại học vì sợ bị chỉ điểm”.
Nhiều giảng viên và sinh viên cũng đề cập đến nỗi sợ khi bị đồng nghiệp hoặc bạn học chỉ điểm. Một nền văn hóa ngờ vực đã được hình thành và do đó, như một số người đã báo cáo, việc dạy và học đã thực sự trở nên bất khả thi.
Tái định hình xã hội Afghanistan
Sự tái cấu trúc chương trình giảng dạy đại học một cách lặng lẽ của Taliban cho thấy về mức độ mà chính quyền hiện tại muốn tái định hình xã hội Afghanistan. Họ muốn tạo ra một thế giới nơi phụ nữ không có sự hiện diện bên ngoài gia đình, nơi không chấp nhận bất đồng chính kiến và nơi phân tích học thuật bị thay thế bằng niềm tin tôn giáo, điều mà thực sự chỉ có một phần nhỏ dân số Afghanistan theo đuổi. Thế hệ người Afghanistan được giáo dục trong các trường đại học, tuy chưa hoàn hảo, điều đã được liên tục mở rộng trong giai đoạn 2001–2021, đang bị thay thế bằng một thế hệ mới. Thế hệ mới này bị tiêm nhiễm hệ tư tưởng độc tài thông qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ. Hệ quả là hy vọng về việc các vấn đề học thuật và bất đồng chính kiến được đem ra tranh luận, cũng như hy vọng về nhân quyền, đang dần biến mất.