Bài toán “chính sách tiên tiến” trong giáo dục đại học Armenia

Susanna Karakhanyan là chủ tịch sáng lập và thành viên hiện tại của Ủy ban Cấp chứng chỉ ANQA, Armenia. Email: s.karakhanyan@gmail.com. Robert Khachatryan là một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Yerevan, Armenia. Email: robert_khachatryan@yahoo.com. Bài này được viết cho Hội nghị “Thế hệ mới: Suy ngẫm và góc nhìn tương lai về giáo dục đại học tại Liên Xô cũ” do UNESCO IESALC và Trường Kinh tế thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia (Moscow, Nga) tổ chức vào ngày 14-15 tháng 2 năm 2022.

Tóm tắt: Armenia đã có tầm nhìn và mục tiêu tạo nên một hệ thống giáo dục đại học cạnh tranh, dân chủ với những “chính sách tiên tiến” kiểu phương Tây, tuy nhiên quá trình cải cách thiếu nhất quán và thiếu liên kết đã cản bước tham vọng này. Sự cố gắng của Armenia đã được thể hiện qua những nỗ lực cải cách, nhưng vẫn chưa có những thay đổi thật sự ý nghĩa trong hệ thống đại học hiện tại – vốn vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ di sản của Liên Xô cũ – thể hiện rằng quyết tâm cải cách còn chưa đủ lớn. Việc Armenia sát nhập vào Khu vực Đại học châu Âu (EHEA) đã thể hiện là không có tính thực tiễn, ảnh hưởng xấu tới chất lượng giáo dục nơi đây.

Trong thời đại mà việc giáo dục đại học được phổ cập rộng rãi hơn, một yếu tố phát triển vô cùng quan trọng là khả năng chuyển đổi và phổ biến những chính sách tiên tiến giữa những bối cảnh khác nhau, với mục tiêu hội nhập và ghi nhận ở phạm vi toàn cầu. Mặc dù mục tiêu này xuất phát từ lý tưởng đáng trân trọng, nhưng việc chuyển đổi và phổ cập nó lại gặp nhiều rào cản từ những khác biệt to lớn trong bối cảnh xã hội, văn hóa và hệ giá trị trong từng khu vực.

Vay mượn “sự tiên tiến”

Việc phổ cập các chính sách tiên tiến từ hệ thống của các nước phát triển phụ thuộc nhiều vào yếu tố đa dạng trong đó bao gồm: các nhu cầu kinh tế và xã hội, các tác nhân thay đổi, các cơ chế tiềm ẩn, các yếu tố cố định tại nước sở tại, và các giá trị cốt lõi thúc đẩy phát triển ở các nước đang mong muốn áp dụng các chính sách này. Việc thực hành vay mượn chính sách có khả năng cao sẽ thất bại nếu không được đặt trong đúng bối cảnh hay đáp lại đủ nhu cầu thiết thực của hệ thống.

Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ được ảnh hưởng bởi các mô hình tiên tiến trong giáo dục đại học, và do đó đã bắt đầu phổ cập các chính sách tiên tiến dựa trên hệ giá trị và tư tưởng phương Tây. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa và phổ cập giáo dục đại học, các quốc gia trên phải giải quyết bài toán cân đối giữa hệ di sản Liên Xô cũ vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh mẽ với hiện thực của thời đại. Họ cũng đồng thời cố gắng phục hồi bản sắc văn hóa của riêng mình. Giáo dục đại học Armenia đã trải qua hàng loạt các thay đổi ngày một tăng dần đối với mô hình đại học, chủ yếu được khởi xướng bởi các trường đại học hàng đầu cho đến năm 2005, khi Armenia chính thức cam kết tuân theo Tiến trình Bologna. Kể từ đó, chính phủ Armenia đã tiên phong trong công cuộc cải cách. Tuy vậy, sau 18 năm, dường như các thay đổi ở tầm vĩ mô và vi mô đều chưa thực sự đáng kể. Cùng lúc đó, hệ thống giáo dục Armenia đã trở nên đa dạng và phân nhánh hơn theo cả bề rộng lẫn bề sâu, với nhiều nhân tố mới. Môi trường giáo dục đại học hiện tại bao gồm các trường đại học tổng hợp và đại học chuyên môn, các mô hình học viện, các định danh pháp lý khác nhau từ công lập tới tư thục, liên chính phủ tới liên quốc gia. Bản thân các đại học cũng đổi mới với mô hình quản trị dựa trên sự tự chủ kết hợp với trách nhiệm, triển khai các hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ (IQA – Internal Quality Assurance), và các đổi mới trong giáo trình.

 

Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ được ảnh hưởng bởi các mô hình tiên tiến trong giáo dục đại học, và do đó đã bắt đầu phổ cập các chính sách tiên tiến dựa trên hệ giá trị và tư tưởng phương Tây.

 

Cơ cấu quản lý và hệ thống bằng cấp

Một sự thay đổi rõ rệt đối với các thông lệ của Liên Xô cũ đã diễn ra vào những năm 1990, khi Liên Xô đã quyết định trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường đại học và giao quyển lãnh đạo cho các ban quản trị, bao gồm các bên liên quan khác nhau. Bất chấp những khát vọng đầy tham vọng của đất nước trong việc thiết lập một hệ thống giáo dục đại học bền vững, tự chủ, với độ tin cậy cao, nhưng những thành quả đạt được vẫn còn khá hạn chế, kết quả chỉ giới hạn ở những hành động được thực hiện như một phần của cam kết hội nhập châu Âu hơn là những thay đổi mang tính hệ thống có ý nghĩa. Điều này thể hiện rõ nhất trong trường hợp khi khung pháp lý 2014-2018 đã chấp nhận tư cách pháp nhân cho đại học tư thục, đồng nghĩa với chuyển dịch từ trường công lập phi lợi nhuận sang tư nhân. Dù được đưa ra với mục đích tăng tính tự chủ và cải thiện năng lực điều hành của các trường, việc ban hành này vẫn chưa có những thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy dân chủ hóa và tăng tính cạnh tranh ở 11 trường công lập thí điểm. Đến 2019-2022, chính quyền Armenia đã đưa ra dự thảo luật giáo dục đại học và khoa học theo hướng trao trả sự ảnh hưởng cho chính phủ, một lần nữa giảm tính tự quyết của các trường đại học. Điều này đã làm sâu sắc thêm những thách thức đối với tính dân chủ của hệ thống. Và từ đó, các chính sách tiên tiến chuẩn quốc tế đã lại dần bị thay thế.

Hệ thống bằng cấp đại học đã thay đổi so với “tiêu chuẩn quốc gia” điều đã được áp dụng ở Moscow trước đây. Từ 2011, Hệ thống Văn bằng Armenia (ANQF – Armenian National Qualifications Framework) dựa trên Hệ thống Văn bằng châu Âu (EQF – European Qualifications Framework) đã được đưa vào lưu hành, làm thay đổi tính chất và các cấp độ của các loại bằng cấp được cung cấp bởi các cơ sở giáo dục đại học. Việc ứng dụng EQF – một hệ thống khuyến khích tự do học thuật – mà không cần hiểu rõ tính logic và các yếu tố dẫn tới sự thành công của hệ thống giáo dục phương Tây, đã tạo nên thực trạng là bằng cấp Liên Xô cũ và châu Âu tồn tại song song. Bất chấp việc đưa vào sử dụng hệ thống ANQF, các tiêu chuẩn nhà nước – di sản từ thời Liên Xô cũ – thời mà nhà nước còn hoàn toàn quyết định giáo trình – vẫn không ngừng được sử dụng. Hệ thống hai cấp được đưa vào từ ANQF bao gồm bằng cử nhân và bằng thạc sĩ song song cùng tồn tại với hệ thống bằng cấp từ thời Liên Xô cũ, với bằng chuyên gia có thời lượng đào tạo là năm năm, cộng thêm hai cấp tiến sĩ sau đại học (bằng thạc sĩ khoa học và bằng tiến sĩ khoa học). Điều này là lợi bất cập hại. Hệ quả là một số ngành đặc thù như y tế thường không thừa nhận tính chính danh của các bằng cấp theo hệ thống mới và thị trường cũng không chấp nhận những cử nhân theo hệ thống này, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

Một trong những “chính sách tiên tiến” nổi bật trong chương trình cải cách bao gồm việc chuyển dịch trọng tâm giáo dục từ giảng viên sang sinh viên. Đi kèm theo đó là mục tiêu hiện đại hóa giáo trình thông qua việc đưa vào nguyên tắc về “kết quả dự kiến và kết quả đạt được”, cũng như các phương pháp đánh giá phù hợp hơn. Các sinh viên sẽ được trao quyền chủ động, được lắng nghe, được tự quyết định và lựa chọn quá trình học tập của riêng mình. Tuy nhiên quá trình triển khai đã bỏ qua những tiền đề quan trọng. Một trong số đó là những yêu cầu đến từ các nhân tố thúc đẩy thay đổi trong việc thực thi chính sách. Một ví dụ là việc đưa vào Hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ châu Âu. Việc ứng dụng hệ thống này không hề phát huy được những mục đích cơ bản của nó, và làm cho hệ thống này gần như bị vô hiệu kể cả ở cấp độ cơ sở, chứ chưa xét tới cấp độ vĩ mô toàn quốc.

Chặng đường trước mắt

Một trong các khía cạnh cải cách quan trọng đã tương đối thành công trong hệ thống giáo dục đại học Armenia là việc thiết lập một hệ thống kiểm soát chất lượng ngoại vi (QA) độc lập dựa trên Tiến trình Bologna. Trong suốt thời kỳ Liên Xô cũ, việc QA (cấp phép và kiểm định) hoàn toàn tập quyền và được xử lý tập trung bởi bộ giáo dục của Cộng hòa Armenia, điều được thực hiện bởi những thanh tra nhà nước theo đúng tiêu chuẩn quốc gia. Từ 2008, một cơ quan kiểm định độc lập cấp quốc gia đã được thành lập dựa theo chính sách tiên tiến của châu Âu, mang tới những thay đổi đáng kể về nội dung và quy trình kiểm định, để đảm bảo việc đánh giá các cơ sở giáo dục được độc lập, cũng như khách quan nhất. Trung tâm Quốc gia về Kiểm soát chất lượng và Phát triển Chuyên nghiệp (ANQA), được công nhận ở cấp châu Âu và cả cấp quốc tế với tư cách là một cơ quan kiểm soát chất lượng đang trên đà phát triển. Trung tâm này hoạt động với chất lượng đáp ứng theo các Tiêu chuẩn và Hướng dẫn châu Âu, và đã được công nhận bởi ENQA vào năm 2017, và EQAR vào năm 2022. Dù đã thành công thiết lập hệ thống kiểm soát ngoại vi, QA nội bộ ở các trường đại học nhưng chủ yếu chỉ để đáp ứng quy định, chứ chưa đạt mục tiêu thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục. Phần nào vì vậy văn hóa chất lượng còn chưa được thành hình.

Mục tiêu áp dụng và phổ cấp chính sách tiên tiến để dân chủ hóa giáo dục đại học giúp tăng khả năng cạnh tranh tại Armenia đã không đi được theo đúng lộ trình đã định. Những tác nhân thay đổi còn chưa được đầu tư đúng mực, và hơn cả là vai trò của bối cảnh văn hóa xã hội trong thiết kế cải cách còn chưa được nhận thức chính xác. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại. Để có thể phổ cấp các chính sách tiên tiến này thành công, cần hiểu sâu về mọi khía cạnh tác động, giúp cho việc thay đổi được diễn ra hiệu quả trong từng bối cảnh và nền văn hóa cụ thể. Đi cùng với điều đó là việc xác định tầm nhìn và hệ giá trị rõ ràng, đưa ra các chiến lược và ưu thế cạnh tranh, phân tích toàn diện nhu cầu của cả hệ thống xã hội, cam kết toàn diện của chính phủ và trao quyền nhiều hơn nữa cho những yếu tố giúp cho sự thay đổi.