Suy nghĩ lại về giáo dục đại học ở châu Phi: cải cách và thực hiện chính sách

Wondwosen Tamrat là phó giáo sư, người sáng lập kiêm chủ tịch của Đại học St. Mary, Ethiopia, và là thành viên của PROPHE. Ông cũng là giám đốc điều hành của Mạng lưới quốc tế Giáo dục đại học ở châu Phi, và điều phối tiểu cụm giáo dục đại học trong tổ chức Chiến lược Giáo dục lục địa châu Phi của Liên minh châu Phi (CESA). E-mail: wonderwosentamrat@gmail.com hoặc preswond@smuc.edu.et.

Tóm tắt: Sự cần thiết đáp ứng những vấn đề giáo dục chưa được giải quyết trong quá khứ và những thực tế mới như công bằng, chất lượng và mức độ phù hợp, sử dụng lao động và số hóa đang trở thành một phần của chiến lược phát triển quốc gia và cải cách chính sách của ngành giáo dục đại học trên khắp châu Phi. Bài viết này tìm hiểu nhu cầu học hỏi từ những điểm yếu trong quá khứ và hiểu bản chất của nhu cầu phát triển, những thứ là chìa khóa để chuẩn bị cho hệ thống giáo dục đại học châu Phi sẵn sàng đối mặt với một tương lai thách thức và phức tạp.

Trong một thập kỷ rưỡi qua châu Phi đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, với một nửa những nền kinh tế phát triển nhanh nhất nằm ở châu lục này. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn không tạo ra đủ việc làm cho dân số thanh niên tăng vọt. Tạo việc làm cho 10–12 triệu thanh niên hoàn thành hệ thống giáo dục ở những bậc khác nhau đã trở thành một nhiệm vụ khó khăn đối với nhiều quốc gia châu Phi.

Nhu cầu tập trung vào đào tạo kỹ năng và tạo việc làm

Không giống như trong quá khứ, ngày nay những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp phải mất nhiều năm mới có được việc làm. Kỹ năng không phù hợp và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật thấp là trình trạng phổ biến. Nỗi thất vọng sau đó dẫn đến sự tự ti, tuyệt vọng, tình trạng di cư ra nước ngoài nhằm tìm kiếm những triển vọng tốt đẹp hơn, và tỷ lệ tội phạm gia tăng – những điều này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự gắn kết xã hội và ổn định quốc gia.

Hệ quả là, việc đào tạo những kỹ năng phù hợp và tạo việc làm nhất thiết trở thành một phần của những chiến lược phát triển quốc gia và cải cách chính sách của ngành giáo dục đại học. Điều này phần lớn được phản ánh trong những chiến lược phát triển kỹ năng của mỗi chính phủ và trong những sáng kiến khu vực như Chiến lược TVET lục địa và Chiến lược giáo dục lục địa cho châu Phi 2016–2025, được phát triển bởi Liên minh châu Phi (TVET là viết tắt của Giáo dục và Đào tạo kỹ thuật và dạy nghề – Technical and Vocational Education and Training). Các chính phủ châu Phi được kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu về một hệ thống giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và có thể ngăn chặn thất nghiệp gia tăng trên khắp lục địa.

 

Việc đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học ngày càng tăng của thanh niên đòi hỏi những nỗ lực to lớn từ các chính phủ, các tổ chức và các bên liên quan khác.

 

Dân số châu Phi dự kiến sẽ tăng từ 1,4 tỷ hiện nay lên 2,5 tỷ vào năm 2050 và 4,3 tỷ vào năm 2100. Ước tính 364 triệu người từ 15 tuổi đến 35 tuổi tạo ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho việc đầu tư vào giáo dục đại học, vốn là chìa khóa để phát triển kinh tế xã hội thông qua phát triển nguồn nhân lực và tạo ra và phổ biến tri thức. Hiện tại, 9,4% nhóm tuổi phù hợp ở châu Phi cận Sahara được tiếp cận giáo dục đại học, so với mức trung bình toàn cầu là khoảng 38%. Châu Phi đang dành 21% chi tiêu giáo dục của chính phủ cho giáo dục đại học, 27% cho giáo dục trung học và 43% cho giáo dục tiểu học.

Việc đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học ngày càng tăng của thanh niên đòi hỏi những nỗ lực to lớn từ các chính phủ, các tổ chức và các bên liên quan khác. Tuy nhiên, lịch sử cải cách chính sách của ngành này đầy rẫy những thăng trầm, quan niệm sai lầm và những ảnh hưởng không lành mạnh làm ảnh hưởng đến nhiều giả định và định hướng do chính phủ đặt ra. Học hỏi từ những điểm yếu trong quá khứ và hiểu bản chất của những nhu cầu đang thay đổi là chìa khóa để hệ thống giáo dục đại học châu Phi sẵn sàng đối mặt với một tương lai thách thức và phức tạp.

Ảnh hưởng và bài học trong quá khứ

Lịch sử thuộc địa của châu Phi được biết đến với một số thiệt hại, bao gồm tình trạng giới trẻ xa lánh nguồn gốc lịch sử, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của họ. Tác động của chủ nghĩa thực dân vẫn thể hiện rõ trong xu hướng đẳng lập và sự phụ thuộc của các tổ chức giáo dục đại học (HEI) châu Phi vào các tổ chức ở những quốc gia thực dân cũ của họ.

Trong thời kỳ hậu độc lập của những năm 1960 và 1970, các cơ sở giáo dục đại học châu Phi đảm nhận những trách nhiệm to lớn trong việc xây dựng quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quy hoạch hệ thống của châu Phi, nhưng thành công của họ rất hạn chế. Trong suốt những năm 1980 đến những năm 1990, những thách thức bổ sung về nhân khẩu học, chính trị xã hội và kinh tế đã khiến nguồn hỗ trợ từ chính phủ giảm đi, dẫn đến tình trạng các hệ thống không được quản lý và điều hành hiệu quả, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, chất lượng ngày càng giảm, và kết quả nghiên cứu ít ỏi. Những thách thức này còn trở nên trầm trọng hơn bởi quy định chính sách từ những nhà tài trợ có ảnh hưởng như Ngân hàng Thế giới; một trong số những biện pháp họ đưa ra là ưu tiên giáo dục tiểu học hơn giáo dục đại học, thúc đẩy tư nhân hóa và thị trường hóa trong một hệ thống chủ yếu là công lập, và đa dạng hóa chiến lược tài trợ, bao gồm những chương trình chia sẻ chi phí. Hầu hết những quyết sách này không phù hợp với nhu cầu và thực tế của châu Phi, dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau.

Việc tái nhấn mạnh vào giáo dục đại học châu Phi kể từ giữa những năm 1990 đang thúc đẩy các trường đại học châu Phi tái định vị mình là động cơ phát triển kinh tế và tăng trưởng. Ngoài những hành động rời rạc của chính phủ, châu Phi đã tham gia vào nhiều cam kết và sáng kiến khu vực và toàn cầu nhằm tăng cường phục hồi và tái sinh hệ thống giáo dục đại học của mình. Nhu cầu cải cách chính sách hiện nay tiếp tục được thúc đẩy bởi những mục tiêu đã đặt ra từ trước và gần đây, bao gồm việc làm, số hóa, chất lượng và sự phù hợp, và công bằng và bất bình đẳng.

Số hóa

Châu Phi cần được hưởng lợi từ việc sử dụng những công nghệ kỹ thuật số, thường được mô tả là sự thay đổi phương thức nhanh chưa từng thấy trong giáo dục. Việc cấp thiết là đầu tư và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, vốn đang cản trở khả năng tiếp cận Internet đáng tin cậy. Chi phí quá cao, thiếu kỹ năng và nhận thức, và sự chấp nhận từ khía cạnh văn hóa cũng là những rào cản lớn cần được giải quyết.

Các tổ chức giáo dục cần đưa chuyển đổi kỹ thuật số vào kế hoạch chiến lược, cơ cấu tổ chức và quy trình hoạt động của họ. Nếu không có sự thay đổi trong chính sách, thực tiễn và tầm nhìn sẽ không thể giải quyết những thách thức sắp xảy ra của quá trình số hóa.

Công bằng và bất bình đẳng

Mặc dù có những tiến bộ đáng kể ở cấp tiểu học, nhưng tỷ lệ nhập học đại học ở châu Phi vẫn tụt hậu so với phần còn lại của thế giới. Đặc trưng của hệ thống giáo dục đại học tại lục địa này không chỉ là tỷ lệ tham gia thấp nhất, mà còn là sự thất bại đáng kể trong việc giải quyết vấn đề công bằng trong cơ hội tiếp cận cho sinh viên từ những nhóm có thu nhập thấp, nữ giới, sinh viên khuyết tật và người tị nạn.

Trong khi các quốc gia châu Phi cần cải thiện chính sách của mình hướng tới tăng trưởng toàn diện, các tổ chức giáo dục đại học châu Phi cũng phải đặt vấn đề bình đẳng và bất bình đẳng là ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sự gắn kết xã hội và tăng trưởng chung.

Chất lượng và sự phù hợp

Giáo dục đại học ở châu Phi đang đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về chất lượng tổng thể và hiệu suất. Sự gia tăng quy mô sinh viên là một yếu tố chính góp phần dẫn đến chất lượng giáo dục đại học ngày càng giảm sút. Các chương trình đào tạo chưa phù hợp vẫn còn là vấn đề, thể hiện rõ qua những thất bại trong việc liên kết TVET và giáo dục đại học với sự phát triển kinh tế xã hội, và sự không phù hợp dai dẳng giữa giáo dục đại học và đòi hỏi của thị trường việc làm.

Tỷ lệ trung bình của các học giả có bằng tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục đại học công lập ở châu Phi được ước tính là dưới 20%. Các giáo sư cao cấp rất hiếm và nghỉ hưu sớm. Giảng viên được trả lương thấp, thiếu kinh phí nghiên cứu và thiết bị, cũng như các trường đại học bị hạn chế quyền tự chủ khiến nhiều học giả rời khỏi đất nước để tìm đến những đồng cỏ xanh tươi hơn.

Nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp đồng nghĩa với việc tạo thuận lợi trong môi trường học tập và làm việc, tăng cường cơ sở hạ tầng sẵn có, và phát triển những hệ thống đảm bảo chất lượng chính thức để nâng cao những sáng kiến mới trong khu vực.

Kết luận

Hệ thống giáo dục đại học ở châu Phi đang cung cấp nhiều cơ hội để chuyển biến sự gia tăng dân số của lục địa thành lợi thế về nhân khẩu học. Giáo dục đại học thường được coi là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo, phát triển công nghệ và gắn kết xã hội và chính trị. Những Tuyên bố và Kế hoạch hành động của Hội nghị thượng đỉnh giáo dục đại học châu Phi đầu tiên được tổ chức tại Dakar, Senegal, vào tháng 3 năm 2015, dự báo toàn cảnh giáo dục đại học châu Phi vào năm 2050 sẽ là một hệ thống được cải tiến ngang bằng với phần còn lại của thế giới. Điều này được cho là sẽ đạt được thông qua việc tăng cường tiếp cận giáo dục đại học; xây dựng một hệ thống tài chính bền vững, hiệu quả và cạnh tranh toàn cầu; một hệ thống toàn diện với những nét đặc trưng là sự đa dạng, khác biệt, hài hòa, phù hợp, linh hoạt và khả năng phục hồi; và đủ năng lực đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng cao, sáng tạo, có năng lực, có đạo đức và có tinh thần công dân.

Để đạt được những tham vọng này, quá trình hoạch định chính sách cần chuẩn bị đầy đủ để xem xét lại khả năng đáp ứng của khu vực đại học trước những thách thức hiện tại và thực tế mới nổi. Các tổ chức giáo dục đại học châu Phi cần đặc biệt chứng tỏ sự phù hợp của họ với nền kinh tế và nhu cầu của xã hội và cộng đồng địa phương. Cụ thể cần chú ý đến những yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi từ chính sách sang kết quả mong muốn, vì đây là một nút thắt cổ chai nghiêm trọng trên khắp lục địa và là vấn đề then chốt trong việc giải quyết những thách thức to lớn và thực tế luôn thay đổi trong lĩnh vực giáo dục đại học.