Dana Abdrasheva là thành viên, và Emma Sabzalieva là trưởng nhóm nghiên cứu và dự báo của UNESCO IESALC. Email: [email protected] và [email protected].
Bài báo này được viết phục vụ hội nghị Thế hệ Tiếp theo: Những phản ánh và viễn cảnh tương lai của giáo dục đại học ở Liên Xô cũ, được tổ chức bởi UNESCO IESALC và Đại học Nghiên cứu Quốc gia, Trường Đại học Kinh tế (Moscow), ngày 14 và 15 tháng 2 năm 2022.
Tóm tắt: Theo nghiên cứu toàn cầu về tương lai của giáo dục đại học do Viện quốc tế về Giáo dục Đại học UNESCO (UNESCO IESALC) thực hiện năm 2021–2022, trong tương lai, giáo dục đại học sẽ lấy sinh viên làm trung tâm và đặt mục tiêu là phục vụ xã hội. Bài viết này tập trung vào ý nghĩa của những phát hiện này trong không gian hậu Xô Viết, nơi những chuyển đổi như vậy không diễn ra trong thực tế.
Được tiến hành trong khuôn khổ sáng kiến Tương lai rộng lớn hơn của Giáo dục của UNESCO, một dự án nghiên cứu gần đây của UNESCO IESALC đã nghiên cứu những lộ trình phát triển giáo dục đại học trong tương lai. Dự án hai năm đã thu thập thông tin bằng cách tham vấn với 25 chuyên gia về giáo dục đại học làm việc tại 22 quốc gia, một cuộc tham vấn cộng đồng được thực hiện với 1199 cá nhân ở 97 quốc gia và những cuộc hội thảo với 150 thanh niên ở 43 quốc gia. Trong khi không có con đường duy nhất nào để đạt được nền giáo dục đại học tốt hơn cho tất cả mọi người, hai trong số những phát hiện chính của nghiên cứu này củng cố một kịch bản trong tương lai, đó là một mặt lấy sinh viên làm trung tâm và mặt khác phục vụ xã hội.
Bài viết này thảo luận về những thay đổi có thể cần phải xảy ra để hai sự dịch chuyển then chốt này trở thành hiện thực trong những quốc gia hậu Xô Viết, một khu vực mà dấu ấn của Liên Xô trong giáo dục đại học vẫn còn rất rõ ràng sau hơn ba thập kỷ sau sự sụp đổ của nó.
Liên Xô là một quốc gia rộng lớn với nhiều nền văn hóa, kinh tế xã hội và bối cảnh chính trị dẫn đến một cấu trúc cai trị với quyền lực trung tâm và một hệ tư tưởng bao trùm. Những nguyên tắc quản trị chia sẻ theo chiều dọc và quyền lực tập trung trong tay một người như vậy đã được tích hợp vào nội dung giáo dục, dẫn đến kiểu tổ chức tri thức nơi giảng viên có thẩm quyền tuyệt đối. Nguyên tắc báo cáo cứng nhắc với các cấp chính quyền hầu như không cho phép xã hội tham gia, bởi vì giáo dục đại học chủ yếu đáp ứng kỳ vọng từ trên xuống.
Cơ quan quản lý sư phạm có dành chỗ cho việc lấy sinh viên làm trung tâm không?
Nền giáo dục Xô Viết được định hình dựa vào thẩm quyền không thể nghi ngờ của giảng viên. Các quốc gia hậu Xô Viết kế thừa hệ thống giáo dục đại học lấy giảng viên làm trung tâm đã được thiết lập vững chắc này, trong đó các nhà giáo dục là nguồn thông tin chính.
Ngược lại, từ khắp nơi trên thế giới, những người tham gia vào cuộc tham vấn cộng đồng của UNESCO IESALC đều cho rằng cần thiết đặt sinh viên, mà không phải giảng viên, làm trung tâm; và cần phản ánh nhiều ý kiến khác nhau trong các lớp học ở trường đại học. Những người tham gia giải thích lấy sinh viên làm trung tâm sẽ khiến sinh viên trở thành người đồng sáng tạo việc học của chính họ, cho phép họ phát triển quỹ đạo của riêng mình tùy thuộc vào kỳ vọng cá nhân của mỗi người.
Phát hiện này đã nhận được sự hưởng ứng của những người tham gia khảo sát từ những nước hậu Xô Viết. Như một người từ Tajikistan đã lưu ý, giáo dục đại học vào năm 2050 có thể “linh hoạt và ít cứng nhắc hơn”, và một người từ Kazakhstan nói thêm rằng giáo dục đại học nói chung có thể “toàn diện hơn, dựa trên những phương pháp giảng dạy đa dạng.”
Trong tương lai, giáo dục đại học lấy sinh viên làm trung tâm cũng sẽ làm cho giáo dục đại học trở nên phù hợp với việc làm và phúc lợi cá nhân/xã hội. Như một người Nga đã trả lời trong cuộc tham vấn cộng đồng: “Tôi mong đợi giáo dục đại học không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết, mà ở một mức độ lớn hơn, giúp sinh viên có được kinh nghiệm thực hành”.
Trong hơn 30 năm qua, với việc mở ra những quỹ đạo phát triển kinh tế và chính trị độc lập ở những quốc gia hậu Xô Viết khác, trong giáo dục đại học có thể nhận thấy sự dịch chuyển dần dần sang những phương pháp tiếp cận lấy sinh viên làm trung tâm hơn và xuất hiện nhiều nhóm đổi mới và sáng tạo. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sự chuyển đổi toàn hệ thống đã diễn ra: phần lớn, quyền lực và thẩm quyền trong và ngoài lớp học vẫn là từ trên xuống.
Hệ thống giáo dục đại học có sự tham gia của xã hội
Những người được hỏi trong cuộc tham vấn cộng đồng của UNESCO IESALC đều công nhận trách nhiệm xã hội của giáo dục đại học, tầm quan trọng của nó trong bối cảnh địa phương, và chức năng toàn cầu lớn hơn của nó là đóng góp kiến thức. Những người tham gia lưu ý rằng trong tương lai, các tổ chức giáo dục đại học nên trở thành những trung tâm sản xuất tri thức và nghiên cứu được hỗ trợ ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu thông qua sự tham gia tích cực để đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Những ý kiến xây dựng như vậy đều trái ngược với hệ thống Xô Viết mà mục đích giáo dục của nó là phục vụ nền kinh tế như sự kỳ vọng của chính quyền trung ương. Liên kết với cộng đồng, được hiểu như “sứ mệnh thứ ba” của giáo dục đại học, không được ưu tiên. Điều này được phản ánh, ví dụ như trong những chương trình giảng dạy được tiêu chuẩn hóa cao qua việc sinh viên từ khắp Liên Xô rộng lớn được dạy cùng một nội dung bất chấp những khác biệt xã hội rất lớn.
Tuy nhiên, những người trả lời nghiên cứu từ những nước hậu Xô Viết bày tỏ hy vọng rằng giáo dục đại học trong tương lai có thể đem lại nhiều lợi ích hơn bằng cách xem xét cả bối cảnh địa phương và rộng hơn – như một người từ Kazakhstan đã đề xuất, “bằng cách nâng cao vai trò của giáo dục đại học trong sự phát triển của xã hội địa phương; tăng cường tác động của các nghiên cứu và dự án vì lợi ích của mọi người; thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế giữa các cơ sở giáo dục đại học”. Tương tác nhiều hơn với cộng đồng cũng cần định hướng trong nước, như câu trả lời của một người từ Kyrgyzstan, rằng “giáo dục đại học nên bao hàm những khái niệm khắc phục tình trạng căng thẳng xã hội hiện tại”.
Hơn 30 năm đã qua kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhưng nhiều hệ thống giáo dục đại học trong những không gian hậu Xô Viết vẫn giữ nét đặc trưng là mức độ tập trung quyền lực và kiểm soát cao.
Để làm được điều này, giáo dục đại học cần phải là “nơi tự do tranh luận và trao đổi học thuật” theo ý kiến của một người tham gia khác từ Kazakhstan, và “hoàn toàn độc lập với Bộ Giáo dục,” theo lời của một người từ Tajikistan. Bởi vì nghiên cứu này được thực hiện trước xung đột Nga – Ukraine, chúng tôi cũng đưa vào đây quan điểm của một người từ Nga, người đã thừa nhận một cách sâu sắc vai trò của giáo dục đại học trong việc “truyền đạt những tư tưởng về cách đối xử với con người (và) bình đẳng bất kể (về) chủng tộc (hoặc) nguồn gốc”.
Kết luận
Hơn 30 năm đã qua kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhưng nhiều hệ thống giáo dục đại học trong những không gian hậu Xô Viết vẫn giữ nét đặc trưng là mức độ tập trung quyền lực và kiểm soát cao. Quyền tự do học thuật bị hạn chế, sinh viên thường bị hạn chế lựa chọn khóa học, và có nhiều lời phàn nàn về sự không phù hợp giữa những gì được dạy và những gì xã hội cần. Vì sinh viên bị coi như những người tiêu dùng thầm lặng thay vì những người tham gia học tập tích cực, họ mất khả năng kết nối thực tế bên ngoài với quá trình học tập.
Trước thực tế này, những lời kêu gọi về cách tiếp cận lấy sinh viên làm trung tâm hơn và gắn kết nhiều hơn với cộng đồng – bất kể nguyên nhân gốc rễ là gì – thể hiện rõ ràng mong muốn cải thiện trải nghiệm của con người, khi chúng ta cùng hướng tới năm 2050 và hơn thế nữa. Trong một khu vực nơi những thách thức địa chính trị có tác động toàn cầu, việc các hệ thống giáo dục đại học tìm cách kết hợp những thông điệp này và đáp ứng những hy vọng của mọi người về một thế giới tốt đẹp hơn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.