Ngoại giao tri thức: những phát hiện, nhầm lẫn và thách thức

Jane Knight là giáo sư trợ giảng tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario, Đại học Toronto, Canada. Email: jane.knight@utoronto.ca. Bài viết này dựa trên ấn phẩm của chính tác giả đăng trên Springer Nature: Knight, J. (2022) “Ngoại giao tri thức trong quan hệ quốc tế và giáo dục đại học”.

Tóm tắt: Ngoại giao tri thức được cho là một dạng hợp tác có qua có lại, trên cơ sở hai bên cùng có lợi, hướng tới tăng cường quan hệ giữa các quốc gia thông qua hoạt động giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới. Ngoại giao tri thức đôi khi bị nhầm lẫn với quyền lực mềm và những hình thức ngoại giao khác như văn hoá, khoa học và công chúng. Bài viết này nhằm làm rõ những tương đồng và khác biệt giữa những phương thức ngoại giao này, và chỉ ra những thách thức trong ngoại giao tri thức.

Không ai hoài nghi rằng bức tranh giáo dục đại học quốc tế (IHE) đang thay đổi, cùng với sự thay đổi của bối cảnh quan hệ quốc tế (IR). Nhưng những tác động qua lại của hai hiện tượng này chưa được nghiên cứu một cách sâu rộng. Một đánh giá toàn diện và liên ngành những nghiên cứu về vai trò của IHE trong việc xây dựng mối quan hệ song phương và đa phương giữa các quốc gia, cũng như trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu – có thể cho thấy một số phát hiện, những nhầm lẫn và thách thức quan trọng.

Rối rắm thuật ngữ

Chỉ riêng về tên gọi đã có hàng tá thuật ngữ được sử dụng không chính xác khi đề cập đến mối liên hệ giữa IHE và IR. Quyền lực mềm, quan hệ văn hoá, ngoại giao khoa học, ngoại giao công chúng, ngoại giao giáo dục, ngoại giao văn hoá, ngoại giao trao đổi công dân – là một số ví dụ. Nhiều thuật ngữ mang nghĩa hẹp và không diễn đạt đầy đủ quy mô phát triển của IHE đương đại, hoặc thực tế là những chủ thể phi nhà nước như trường đại học, trung tâm nghiên cứu và nhóm chuyên gia cố vấn đóng vai trò chính trong quan hệ quốc tế. Ví dụ: những hoạt động của IHE được đề cập thường xuyên nhất trong IR vẫn là những hoạt động truyền thống như du học, học bổng và những sự kiện/thỏa thuận song phương giữa các tổ chức giáo dục. Những loại hình phát triển gần đây như thành phố và trung tâm tri thức, trung tâm xuất sắc, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, những mô hình đại học liên kết quốc tế, quan hệ đối tác giáo dục – công nghiệp, v.v… – chưa được nhắc đến. Một đánh giá toàn diện những tài liệu học thuật từ nghiên cứu cả hai lĩnh vực IHE và IR cho thấy vai trò nghiên cứu và đổi mới của IHE trong IR chưa được thừa nhận một cách thỏa đáng, ngoại trừ khái niệm ngoại giao khoa học, và hầu như chỉ được nhắc đến trong ngữ cảnh khoa học – công nghệ.

Ngoại giao tri thức

Một bước tiến trong việc mở rộng thuật ngữ IHE (International Higher Education) thành IHERI (Giáo dục đại học quốc tế, Nghiên cứu và Đổi mới – International Higher Education, Research, and Innovation) để thừa nhận tầm quan trọng của “nghiên cứu” và “đổi mới” trong việc tăng cường quan hệ quốc tế và giải quyết những thách thức toàn cầu. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuật ngữ ngoại giao tri thức, để diễn đạt được phạm vi và tầm quan trọng của IHERI trong IR. Định nghĩa rằng ngoại giao tri thức là “quá trình tăng cường quan hệ song phương và đa phương giữa các quốc gia thông qua giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới quốc tế” – có thể áp dụng được cho nhiều tình huống, vấn đề và lĩnh vực địa chính trị đa dạng. Định nghĩa này không bao gồm những lý lẽ, hoạt động và giá trị được sử dụng có chủ đích trong một mô tả chẳng hạn như “ngoại giao tri thức liên quan đến những chủ thể nhà nước và phi nhà nước khác nhau tham gia vào những sáng kiến hợp tác về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới, dựa trên lợi ích chung, có đi có lại và được thiết kế nhằm xây dựng và củng cố quan hệ giữa các quốc gia, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giải quyết những vấn đề toàn cầu”.

 

Cần phải làm rõ sự khác biệt về mục đích, giá trị và kết quả giữa quyền lực mềmngoại giao, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học.

 

Nhầm lẫn giữa ngoại giao tri thức và quyền lực mềm

Cần phải làm rõ sự khác biệt về mục đích, giá trị và kết quả giữa quyền lực mềmngoại giao, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học. Thuật ngữ quyền lực mềm về cơ bản được hiểu là việc sử dụng khả năng thuyết phục và sức hấp dẫn trong quan hệ quốc tế để đạt được lợi ích và lợi thế cạnh tranh thông qua sự tuân thủ hoặc hợp tác.

Nhiều quốc gia sử dụng IHEIR như một chiến lược tiếp cận của quyền lực mềm, nhưng điều đó không nên được mô tả là cách xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, điều mà các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và thiết kế chính sách của IHE tin tưởng và thúc đẩy. Mặc dù những chủ thể và hoạt động của IHEIR có vẻ giống với cách tiếp cận của quyền lực mềm và ngoại giao tri thức, những giá trị, phương thức vận hành và kết quả là hoàn toàn khác nhau. Ngoại giao nói chung và ngoại giao tri thức nói riêng là tìm tiếng nói chung, hợp tác, hóa giải mâu thuẫn, đảm bảo các bên đều đạt được lợi ích – tuy khác nhau – của mình, đồng thời vẫn hướng tới mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia – dân tộc. Điều này khác hẳn với quyền lực mềm. Mặc dù cả hai cách tiếp cận đều sử dụng IHERI trong IR, cần phải nhận ra rằng chúng có động cơ, giá trị, chiến lược và kết quả rất khác nhau.

Ngoại giao tri thức có giống với ngoại giao văn hóa, khoa học và công chúng không?

Sự khác biệt trong cách thức quyền lực mềm và ngoại giao tri thức sử dụng IHERI là khá rõ ràng, nhưng sự khác biệt giữa ngoại giao tri thức và những hình thức ngoại giao khác như ngoại giao văn hóa, khoa học và công chúng lại khó phân biệt hơn.

Ngoại giao văn hóa thường bao gồm những sự kiện quốc tế về nghệ thuật, giáo dục, thể thao và những thể hiện văn hóa khác. Mục tiêu của ngoại giao văn hóa là nâng cao nhận thức, lòng tin và mối quan hệ đa văn hóa giữa các quốc gia. Khi IHE được sử dụng trong ngoại giao văn hóa, những hoạt động được đề cập bao gồm trao đổi sinh viên/học giả, học ngôn ngữ, đồng tổ chức hội nghị và các sự kiện văn hóa. Mặc dù ngoại giao văn hóa bao gồm nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và giáo dục giữa người với người, nhưng nó không đủ rộng để bao gồm những yếu tố then chốt của IHERI như nghiên cứu và đổi mới.

Một vấn đề đáng được nêu ra là liệu ngoại giao khoa học và ngoại giao tri thức có phải là một hay không. Câu hỏi này cần được xem xét phụ thuộc vào mức độ mà khoa học được định nghĩa và sử dụng rộng rãi. Nếu khoa học được hiểu theo nghĩa rộng có nghĩa là kiến thức như trong từ tiếng Latinh – scientia, thì giữa ngoại giao khoa học và ngoại giao tri thức có mối liên hệ chặt chẽ. Nhưng, theo truyền thống, ngoại giao khoa học vẫn được nhìn dưới góc độ khoa học tự nhiên và gần đây, được hiểu là khoa học và công nghệ. Hiển nhiên là điều này phản ánh vai trò trung tâm của khoa học và công nghệ trong nền kinh tế tri thức ngày nay và những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch, đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước, cùng nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, người ta phải đặt câu hỏi liệu sự tập trung vào khoa học và công nghệ có loại trừ hầu hết những lĩnh vực và vấn đề khác hay không. Ví dụ, những sáng kiến hoặc đàm phán ngoại giao khoa học khó có thể bao gồm những vấn đề xã hội hoặc nhân đạo như di cư, lão hóa, người tị nạn, giới tính, công bằng xã hội, hòa nhập, nghèo đói hoặc sáng kiến về nhân quyền. Vì vậy, sự thừa nhận đầy đủ tầm quan trọng và vai trò của ngoại giao khoa học (và công nghệ) cũng không loại trừ sự cần thiết của ngoại giao tri thức – một khái niệm bao quát hơn về sản xuất và ứng dụng tri thức cho hàng loạt vấn đề toàn cầu.

Ngoại giao công chúng được hiểu là nỗ lực của một quốc gia nhằm tạo ra và duy trì mối quan hệ với công chúng ở những xã hội khác nhằm thúc đẩy các chính sách và hành động. Nó thường gắn với việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Điều này liên quan đến các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước và có thể được áp dụng cho nhiều lĩnh vực rộng. Dễ thấy rằng ngoại giao công chúng bao gồm những chủ thể, vấn đề và hoạt động liên quan đến IHERI nhưng bao quát hơn, còn thuật ngữ ngoại giao tri thức sẽ tập trung hơn vào những chủ thể nhà nước/phi nhà nước cụ thể và những hoạt động liên quan đến giáo dục đại học quốc tế, nghiên cứu, và đổi mới.

Những thách thức hiện tại

Kiến thức theo nghĩa rộng nhất là nguồn lực quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề đa dạng của các quốc gia, khu vực và toàn cầu. Nhưng nó đi kèm với nhiều thách thức. Ngày càng nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh tri thức, như đảm bảo để tri thức nhạy cảm và công nghệ không bị chuyển giao và sử dụng theo cách không mong muốn, bao gồm cả hoạt động gián điệp quốc tế. Một mối quan tâm khác là chính trị hóa tri thức nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của các chính trị gia, học giả và nhà nghiên cứu. Tạo dựng một nền dân chủ tri thức, cũng như việc mở rộng và tôn trọng các loại hình và nhà sản xuất tri thức khác nhau, là một thách thức khác mà các quốc gia ở Bắc và Nam toàn cầu phải đối mặt. Nguy cơ ngoại giao tri thức biến thành sự “tẩy rửa xã hội”, cũng như thiếu sự kết nối giữa cam kết với hành động thực sự, và sự tương hỗ – phải được giám sát chặt chẽ.

IHERI đang đối mặt với thực tế khắc nghiệt của một thế giới ngày càng cạnh tranh, mang tính dân tộc chủ nghĩa và hỗn loạn. Tuy nhiên, chúng ta cần đặt câu hỏi liệu có thể bỏ qua tiềm năng sử dụng cách tiếp cận ngoại giao tri thức đối với IHERI để góp phần giải quyết những thách thức quốc gia, khu vực và toàn cầu cũng như tăng cường quan hệ giữa các quốc gia hay không.