Khủng hoảng xuất bản giả mạo trong không gian hậu Xô Viết

Ikboljon Qoraboyev là giáo sư cộng tác tại Trường Kinh tế quốc tế, Đại học M. Narikbayev KAZGUU, Kazakhstan. Email: [email protected], Bài viết này phục vụ hội nghị Thế hệ Tiếp theo: Những phản ánh và viễn cảnh tương lai của Giáo dục đại học ở Liên Xô cũ, được tổ chức bởi UNESCO IESALC và Đại học nghiên cứu Quốc gia, Trường Đại học Kinh tế (Moscow) vào ngày 14 và 15 tháng 2 năm 2022.

Tóm tắt: Trước đây chúng ta vẫn tin rằng hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu thông qua quốc tế hóa là yếu tố chính tạo ra sự chuyển đổi trong hệ thống giáo dục đại học ở những quốc gia hậu Xô Viết. Và quá trình định hình lại và chuyển đổi từng được coi là những kiểu mẫu chính, qua đó chúng ta phân tích những diễn biến trong giáo dục đại học. Thay vào đó, chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của hai nền văn hóa nghiên cứu song song. Vấn đề xuất bản giả mạo giúp chúng ta thấy hiện tượng này rõ hơn. Xuất bản giả mạo đang chuyển đổi thành một thứ văn hoá tự thân.

Những gì chúng ta đang chứng kiến, hơn 30 năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, có thể là sự xuất hiện và hợp nhất của hai nền văn hóa nghiên cứu song song, trong đó cái cũ và cái mới dường như cùng tồn tại lâu hơn chúng ta mong đợi. Vấn đề xuất bản giả mạo giúp chúng ta nhìn rõ hơn hiện tượng tồn tại song song hai nền văn hóa nghiên cứu này.

Mặc dù đây là hiện tượng toàn cầu, xuất bản giả mạo có phạm vi rất lớn ở những nước hậu Xô Viết, nơi chúng ta chứng kiến sự gia tăng của những công xưởng sản xuất hoạt động thông qua các trang web và ngày càng nhiều ứng dụng nhắn tin trực tuyến như Telegram. Thay vì chỉ là một vấn đề nhất thời và một phần của “cái giá của sự chuyển đổi”, xuất bản giả mạo đang biến thành một nền văn hóa tự thân. Với sự xuất hiện của những công cụ dựa trên AI như ChatGPT được sử dụng để viết các bài báo hoặc để vượt qua các kỳ thi vào trường luật, vấn đề xuất bản giả mạo ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm cả những quốc gia hậu Xô Viết, sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Một trong những đặc điểm giúp phân biệt liệu một văn bản có phải là giả mạo hay không là thứ “tiếng Anh hỏng”, chất lượng thấp được sử dụng trong đó. Với ChatGPT, các doanh nhiệp xuất bản giả mạo chắc chắn trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà nghiên cứu đang vật lộn để có được công bố quốc tế.

Sự trỗi dậy của xuất bản giả mạo trong những quốc gia Liên Xô cũ

Ở những nước hậu Xô Viết, số lượng kết quả nghiên cứu chất lượng thấp (những bài báo này chủ yếu được đăng trên các tạp chí Q3 và đặc biệt là Q4 trong Scopus) chiếm ưu thế (xem Một bức tranh lớn: Nghiên cứu thư mục các ấn phẩm học thuật từ các nước hậu Xô Viết). Xuất bản giả mạo là một hiện tượng toàn cầu. Theo Nature, xuất bản giả mạo, bao gồm cả việc thuê đồng tác giả, đã trở thành một ngành kinh doanh trị giá hàng triệu đô la và đang lan rộng ra toàn cầu. Xuất bản giả mạo đã có phạm vi rất rộng và có ảnh hưởng lớn ở những nước hậu Xô Viết.

Theo Andrei Rostovtsev – người sáng lập Dissernet, một dự án khoa học nổi tiếng của Nga chuyên phát hiện và công khai những trường hợp đạo văn học thuật ở Nga – việc tìm đến xuất bản giả mạo đã trở nên phổ biến và có hệ thống sau khi mục tiêu tăng số lượng những nghiên cứu của các học giả người Nga trên những tạp chí được lập chỉ mục trong Scopus và Web of Science – được đặt ra vào năm 2012. Hàng ngàn học giả Nga bắt đầu xuất bản trên các tạp chí giả mạo theo logic “có thể trả tiền để công bố bất cứ thứ gì”. Thông thường, đó là những bản dịch tiếng Anh (sử dụng hình thức dịch trực tuyến) từ những bài báo của người khác viết và đã được xuất bản trước đó bằng những ngôn ngữ khác, và những tác giả ăn bám này mời đồng nghiệp khác tham gia với tư cách là đồng tác giả để chia sẻ chi phí xuất bản. Rostovtsev và những đồng nghiệp gọi hiện tượng này là “một thảm họa đã được bình thường hóa”. Vào năm 2021, một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu người Uzbekistan đã phát hiện ra rằng sự ra đời của logic công-bố-hay-là-chết đã dẫn đến tình huống trong đó Uzbekistan dẫn đầu danh sách những quốc gia có tỷ lệ công bố cao nhất trên những tạp chí bị chặn lập chỉ mục trong Scopus -những tạp chí này sau đó thường được xác định là giả mạo. Theo Bulat Kenessov, giáo sư tại Đại học Quốc gia Kazakhstan, xuất bản giả mạo còn trở nên tồi tệ hơn trong năm 2022: Kazakhstan chiếm vị trí thứ hai về tỷ lệ những bài báo học thuật xuất hiện trên những tạp chí đáng ngờ bị chặn lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus.

 

Liệu chúng ta có nên xem sự trỗi dậy của xuất bản giả mạo là một hiện tượng nhất thời do quá trình chuyển đổi mang lại và hy vọng nó sẽ biến mất cùng với sự hội nhập thành công của các nhà nghiên cứu hậu Xô Viết vào bối cảnh nghiên cứu toàn cầu?

 

Xuất bản giả mạo có phải là hiện tượng nhất thời liên quan đến quá trình chuyển đổi hay không?

Trong bối cảnh này, liệu chúng ta có nên xem sự trỗi dậy của xuất bản giả mạo là một hiện tượng nhất thời do quá trình chuyển đổi mang lại và hy vọng nó sẽ biến mất cùng với sự hội nhập thành công của các nhà nghiên cứu hậu Xô Viết vào bối cảnh nghiên cứu toàn cầu? Theo quan điểm này, sự gia tăng những ấn phẩm giả mạo được giải thích là do các nhà nghiên cứu thời hậu Xô Viết thiếu kinh nghiệm trong việc xuất bản trên các tạp chí quốc tế. Sự thiếu hụt kinh nghiệm này là hậu quả của việc trước đây nghiên cứu của Liên Xô bị cô lập với cộng đồng khoa học toàn cầu. Rào cản ngôn ngữ cũng làm trầm trọng thêm vấn đề. Phần lớn những tạp chí của WoS và Scopus được xuất bản bằng tiếng Anh, trong khi tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ chung của khu vực hậu Xô Viết, bao gồm cả trong giáo dục đại học.

Do đó, các nhà nghiên cứu ở những nước hậu Xô Viết cần thời gian và nguồn lực để tiếp thu kiến thức, kỹ năng và sự hòa nhập xã hội cần thiết để có thể xuất bản trên những tạp chí quốc tế chất lượng cao. Trong quá trình này, nhiều nhà nghiên cứu tham vọng bị dụ vào mạng lưới tiếp thị rầm rộ của những nhà xuất bản giả mạo là điều dễ hiểu. Như vậy, xuất bản giả mạo có thể được coi là một trong những cái giá phải trả của quá trình chuyển đổi hậu Xô Viết.

Xuất bản giả mạo có phải là một nền văn hóa phổ biến tự thân?

Một cách tiếp cận khác là coi xuất bản giả mạo là một hiện tượng lâu dài, không tránh khỏi, đã thâm nhập vào khu vực hậu Xô Viết do sự tiếp xúc với toàn cầu hóa, và phần lớn được những nhân tố địa phương đón nhận và thực hành rộng rãi.

Xuất bản giả mạo, kết hợp với những hình thức gian dối khác (đạo văn, ngụy tạo dữ liệu, thuê người viết, v.v…), được sử dụng rộng rãi để thổi phồng hiệu quả nghiên cứu của các học giả, để giúp các cá nhân có được bằng tiến sĩ mà họ sẽ sử dụng như một biểu tượng địa vị, hoặc để giảng viên thăng tiến trên nấc thang nghề nghiệp. Ví dụ, bằng tiến sĩ hấp dẫn giới tinh hoa chính trị Nga như một biểu tượng địa vị, điều này tạo áp lực khiến một số lượng lớn quan chức, chính trị gia và các nhà điều hành theo đuổi bằng tiến sĩ (Abalkina & Libman, 2020).

Việc những ấn phẩm học thuật và bằng cấp được khai thác linh hoạt như vậy trong các xã hội hậu Xô Viết dẫn đến sự xuất hiện của một ngành công nghiệp đáng kể gồm những doanh nhân chuyên về xuất bản giả mạo. Chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng của những doanh nhân nối tiếp và những công ty trung gian cung cấp quyền tác giả và đồng tác giả cho những nhà khoa học và tác-giả-tương-lai của những bài báo được xuất bản trên những tạp chí được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu quốc tế. Anna Abalkina đã phân tích trường hợp của “Nhà xuất bản quốc tế”- một công ty cung cấp quyền tác giả cho các nhà nghiên cứu hậu Xô Viết trên những tạp chí được lập chỉ mục của WoS và Scopus, ước tính công ty này cung cấp hàng trăm quyền tác giả giả mạo, có doanh thu 6,5 triệu USD trong kỳ 2019–2021. Ngoài ra còn có nhiều kênh Telegram có tên như “Wos-Scopus,” “Bài báo quốc tế,” “Hội nghị, tạp chí,” v.v… tạo điều kiện cho các tác giả xuất bản công trình của họ với các chỉ mục giả mạo. Ngay cả khi chúng không được lập chỉ mục Scopus, chúng vẫn có thể đóng vai trò là thước đo đủ điều kiện để đảm bảo vị trí, danh hiệu và thăng chức.

Từ quan điểm này, xuất bản giả mạo nên được coi là một phần của thứ văn hóa gian dối trong học thuật, được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp xuất bản giả mạo. Việc đưa những mục tiêu khoa học vào các văn bản quy định đang tạo ra những chuỗi cung-cầu cụ thể trong đó quyền (đồng) tác giả trong các bài báo trên tạp chí quốc tế bị thương mại hóa, với giá cả có thể dao động từ vài trăm hoặc thậm chí hàng nghìn đô la Mỹ cho một bài báo trên Web of Science hoặc Scopus, nhưng chỉ vài chục đô la Mỹ cho một bài báo được công bố trên những tạp chí trực tuyến “quốc tế” tự xưng với các chỉ số giả mạo.

Kết luận

Sau khi Liên Xô tan rã, quá trình chuyển đổi trong nghiên cứu và giáo dục đại học kéo dài 30 năm đã dẫn đến sự xuất hiện của hai nền văn hóa nghiên cứu song song. Một mặt, một số lượng nhỏ các nhà nghiên cứu, chủ yếu được giáo dục và đào tạo ở phương Tây, tham gia vào những dự án hợp tác với các đối tác quốc tế (chủ yếu là phương Tây). Nhóm những nhà nghiên cứu này đạt tỷ lệ cao hơn về những ấn phẩm quốc tế chất lượng cao. Mặt khác, một nhóm lớn hơn những nhà nghiên cứu, thường là làm việc trong các trường đại học và viện nghiên cứu địa phương, cũng phải đối mặt với áp lực xuất bản tương tự; nhưng họ thiếu nguồn lực, ít được hướng dẫn và hỗ trợ hợp tác để xuất bản trên những tạp chí quốc tế uy tín. Thay vì những chuyển đổi thực sự, thứ chúng ta đang chứng kiến là các tổ chức và các nhà nghiên cứu đang thích ứng với những thực tế và áp lực mới do toàn cầu hóa mang lại, để tồn tại trước mối đe dọa “công bố hay là chết”.