Không gian mở rộng của giáo dục sau trung học

Dirk van Damme là nhà tư vấn giáo dục độc lập, ông từng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Giáo dục tại OECD, Paris, Pháp. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Đại chúng hóa các đối tượng tham gia vào giáo dục sau trung học chủ yếu được đáp ứng bằng cách mở rộng các cơ sở giáo dục đại học. Nhưng nguy cơ về học quá mức (over-schooling) và yêu cầu ngày càng tăng về kỹ năng đa dạng hiện nay đòi hỏi hệ thống giáo dục sau trung học mở rộng các chương trình dạy nghề và không cấp bằng. Đồng thời việc xây dựng cầu nối giữa giáo dục đại học và những phân khúc giáo dục nâng cao sẽ dẫn đến một bức tranh giáo dục sau phổ thông trung học được tích hợp nhưng đa dạng hơn.

Một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trong thế giới công nghiệp hóa, với những hệ quả to lớn đối với tương lai của các quốc gia và các nền kinh tế của chúng ta. Năm 2020, tỷ lệ những người trẻ trong khoảng tuổi từ 25 đến 34 có bằng cấp đại học ở các nước OECD đã vượt quá đỉnh điểm là 50%. Điều này có nghĩa là ở những quốc gia có thu nhập cao, hơn một nửa số thanh niên hiện đang có bằng cấp của một tổ chức đào tạo sau phổ thông trung học. Tỷ lệ phần trăm này sẽ tiếp tục tăng lên, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại.

Sự trôi dạt học thuật

Cuộc cách mạng thầm lặng này đang ngày càng thách thức cấu trúc của những hệ thống giáo dục sau trung học được thiết lập vài thập kỷ trước trong những điều kiện hoàn toàn khác. Ở hầu hết các quốc gia, các trường đại học nghiên cứu được kỳ vọng sẽ tiếp nhận số lượng sinh viên tiếp tục tăng, tạo ra những thách thức lớn liên quan đến kinh phí, cơ sở hạ tầng, khối lượng công việc của cán bộ giảng viên, và thực hành giảng dạy và học tập. Bất chấp những áp lực đó, rất ít trường đại học nghiên cứu công khai hoài nghi về ý tưởng rằng đại chúng hóa giáo dục sau trung học nghĩa là nhất thiết cung cấp giáo dục đại học cho mọi người. Đặt dấu hỏi về ý tưởng đó được coi là mâu thuẫn với công bằng và bình đẳng.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy trình độ đại học cao không chỉ toàn là những tác động tích cực đến xã hội và nền kinh tế. Tình trạng thiếu việc làm của những người tốt nghiệp đại học, tình trạng thừa năng lực, sự không phù hợp, và những hiệu ứng thế chỗ là ví dụ về những tác động tiêu cực đó. Thay thế những công việc yêu cầu kỹ năng trung bình bằng trình độ chuyên môn cao, ngay cả khi nhiệm vụ đầu vào không tăng đáng kể – góp phần làm phân cực thị trường lao động, loại bỏ tầng lớp trung bình và gia tăng mức độ bất bình đẳng xã hội. Ở một số quốc gia, các nhà hoạch định chính sách bắt đầu đặt câu hỏi liệu chúng ta có thực sự cần tăng không ngừng số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hay không.

 

Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy trình độ đại học cao không chỉ toàn là những tác động tích cực đến xã hội và nền kinh tế.

 

Ở những nền kinh tế phát triển, sự thay đổi công nghệ đang đòi hỏi những kỹ năng cao hơn trình độ mà giáo dục trung học cung cấp. Tuy nhiên, yêu cầu về kỹ năng thay đổi không phải là yêu cầu “nhiều kỹ năng như vậy hơn”, mà là yêu cầu những bộ kỹ năng ngày càng đa dạng hơn. Cảnh quan giáo dục sau phổ thông trung học sẽ cần phải chuyển đổi để đáp ứng những yêu cầu về kỹ năng đang thay đổi.

Những con đường khác nhau

Những hệ thống giáo dục có sự đa dạng về thể loại thể chế, như ở Hoa Kỳ, có thể giải quyết thách thức này tốt hơn, nhưng sự sụt giảm đầu vào gần đây của cộng đồng các trường đại học gợi ý rằng điều này không xảy ra một cách tự động. Một số quốc gia, như Vương quốc Anh, sau năm 1992 đã thống nhất hệ thống giáo dục sau trung học của mình, nhưng chịu tổn hại vì sự trôi dạt trong học thuật tổng quát và sự thiếu tầm nhìn cho những trường đại học không thuộc tốp đầu về nghiên cứu. Những hệ thống như vậy chỉ bám chặt vào một nguyên mẫu thành công trong học thuật. Những quốc gia khác, như Hà Lan hoặc Thụy Điển, phản đối việc thống nhất hệ thống giáo dục sau trung học, và duy trì một hệ thống nhị phân (xem thêm bài viết của H.F. de Boer, “Từ mở rộng tới trôi dạt học thuật và giảm sút số lượng sinh viên: Trường hợp Hà Lan”, cũng trong số tạp chí này). Trái với tất cả những lời chỉ trích, những hệ thống nhị phân dường như nắm giữ lợi thế ở chỗ ít nhất có sự đa dạng hóa cảnh quan ở mức độ thấp.

Những quốc gia như Đức đi theo một con đường khác. Tỷ lệ đại chúng hóa đối tượng tham gia đại học ở Đức thấp hơn nhiều; đây là một quốc gia châu Âu có tỷ lệ đạt trình độ đại học vẫn tương đối thấp. Nhiều người coi đây là một thiếu sót lớn của hệ thống giáo dục Đức. Tuy nhiên, yêu cầu về kỹ năng của cơ sở hạ tầng công nghiệp phát triển cao – được đáp ứng tốt bởi một hệ thống đào tạo nghề xuất sắc mở rộng vững chắc trong không gian giáo dục sau trung học. Bằng cấp cao nhất hiện nay của đào tạo nghề được công nhận tương đương với bằng thạc sĩ học thuật. Trong khi ở nhiều quốc gia, những chương trình và bằng cấp chuyên nghiệp và dạy nghề vẫn được coi là lựa chọn thứ hai, thì nước Đức đã thành công trong việc lấp đầy khoảng cách danh tiếng giữa những chương trình học thuật và đào tạo nghề nghiệp sau trung học. Lấy cảm hứng từ trường hợp của Đức, các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia hiện bắt đầu nhận ra rằng mắt xích còn thiếu trong không gian giáo dục sau trung học là khu vực dạy nghề chất lượng cao.

Nới rộng thang trình độ

Sau Bologna, thang cử nhân/thạc sĩ/tiến sĩ đã trở thành khung trình độ chung cho không gian giáo dục sau trung học. Tuy nhiên, điều này ngụ ý rằng toàn bộ không gian giáo dục sau trung học được xác định bởi bậc giáo dục đại học. Kết quả là, một khoảng cách lớn đã hình thành giữa trình độ giáo dục trung học và trình độ sau trung học gần nhất – bằng cử nhân bốn hoặc ba năm. Do đó, tất cả những học sinh có nguyện vọng học tiếp sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đều buộc phải thi vào chương trình cấp bằng cử nhân, và quá nhiều người đã thất bại. Tham vọng của hệ thống giáo dục đại học nhằm áp đặt một định nghĩa hàn lâm về không gian giáo dục sau trung học đã vô tình gây ra rất nhiều khó khăn xã hội.

Thật thú vị khi thấy nhiều quốc gia phát triển theo hướng mở rộng những chương trình dưới bằng cấp cử nhân, những chương trình “ngắn hạn”, chẳng hạn như “bằng cấp liên kết” thường chỉ gồm 120 tín chỉ ECTS (Hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ của châu Âu). Khung trình độ châu Âu (EQF) may mắn đón trước sự phát triển này bằng cách đưa vào cấp độ EQF5, nhằm lấp đầy khoảng cách giữa trình độ học vấn trung học và trình độ cử nhân. Tuy nhiên, thiếu danh tiếng, sự dè dặt của các nhà tuyển dụng, có rất ít tổ chức cung cấp những chương trình này, mối liên kết quá mạnh đến những chương trình cấp bằng cử nhân, và nhu cầu sinh viên thấp vẫn ngăn cản phân khúc này đột phá trong không gian sau trung học.

Nhiều hứa hẹn hơn dường như là sự quan tâm ngày càng tăng nhanh đối với những chương trình ngắn hạn và những chứng chỉ phi truyền thống như chứng chỉ vi mô. Chứng chỉ phụ hầu như không mới đối với Hoa Kỳ, nhưng những công nghệ kiểu chứng nhận kỹ thuật số và chuỗi khối đã tạo ra cơ hội để giải quyết thách thức về sự công nhận và độ tin cậy. Ở châu Âu, với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu, chứng chỉ vi mô dường như là một phân khúc mới đầy hứa hẹn của không gian giáo dục sau trung học. Nhiều cơ sở giáo dục đại học, chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, đang thử nghiệm những chứng chỉ mới này.

Sau một thời gian dài khi giáo dục đại học chủ yếu quan tâm đến việc mở rộng bậc thang trình độ cao nhất là bằng tiến sĩ, ngày càng có nhiều mối quan tâm chính trị hướng tới việc mở rộng những nấc thang thấp hơn. Điều này trùng hợp với mối quan tâm chính trị mới hướng đến tạo sự bình đẳng hơn trong tiếp cận giáo dục sau trung học, đến những chương trình đào tạo ngắn hơn, tỷ lệ thành công cao hơn và đáp ứng yêu cầu về kỹ năng của những nghề tiệm cận với những nghề đòi hỏi kỹ năng cao.

Xây dựng cầu nối giữa giáo dục nâng cao và giáo dục đại học

Tuy nhiên, dù những phát triển như vậy nhiều hứa hẹn, sự chuyển đổi thực sự của không gian giáo dục sau trung học sẽ không xảy ra trừ khi các quốc gia sẵn sàng đối mặt với thách thức xây dựng cầu nối giữa giáo dục nâng cao và giáo dục đại học. Khu vực giáo dục nâng cao phục vụ phân khúc dân số trên 16 tuổi với những chương trình chủ yếu là hướng nghiệp, được thể chế hóa ở những quốc gia như Úc (với hệ thống Giáo dục Kỹ thuật và Nâng cao [TAFE), Ireland và Vương quốc Anh. Những chương trình như vậy cũng có ở nhiều quốc gia khác dưới những hình thức ít được thể chế hóa hơn, dưới nhãn hiệu “giáo dục tiếp theo”, “giáo dục dành cho người lớn”, hoặc thậm chí là “học tập suốt đời”. Tại các trường cao đẳng, trung tâm đào tạo, hoặc thông qua nhiều loại nhà cung cấp khác nhau, đôi khi thậm chí bên ngoài ngành giáo dục, các loại chương trình khác nhau được cung cấp cho sinh viên nhỏ tuổi hoặc lớn hơn.

Ở hầu hết các quốc gia, theo truyền thống, giáo dục nâng cao hoặc giáo dục cho người lớn không được coi là một phần của không gian giáo dục sau trung học. Nhưng điều này đang bắt đầu thay đổi. Tại Vương quốc Anh, chính phủ đã khởi xướng một số chính sách nhằm hiện đại hóa giáo dục nâng cao và đưa nó đến gần hơn với ngành giáo dục đại học. Tại Ireland, bộ trưởng giáo dục gần đây đã cho xuất bản sách trắng kêu gọi “một hệ thống đại học thống nhất cho học tập, kỹ năng và kiến thức” (xem Hazelkorn và Boland, “Ireland: Hướng tới hệ thống giáo dục đại học thống nhất” trong phần về nội dung này). Và ở Úc, những tiếng nói mạnh mẽ đã tranh luận về sự hội nhập của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thành một hệ thống giáo dục sau trung học tích hợp. Sự phát triển tương tự đang diễn ra ở nhiều quốc gia khác.

Tương lai

Cảnh quan của giáo dục sau trung học đang thay đổi và đó là sự thay đổi tích cực. Nhu cầu học tiếp sau khi tốt nghiệp phổ thông của học sinh tăng lên đã dẫn đến việc đại chúng hóa đối tượng gia nhập giáo dục nâng cao. Nhưng cả yêu cầu về kỹ năng thay đổi và nhu cầu đa dạng của học sinh hiện nay đòi hỏi một phản ứng giáo dục rộng rãi và đa dạng hơn. Dường như thách thức hiện nay là củng cố hệ thống giáo dục sau trung học bên ngoài giáo dục đại học.