Angela Yung Chi Hou là giáo sư và là phó hiệu trưởng tại Trường Sư Phạm – Đại học Quốc Gia Chengchi, Đài Loan. Email: yungchi@nccu.edu.tw. I-Jung Grace Lu là trợ lý giáo sư tại Viện Giáo dục Sau đại học, Đại học Tunghai, Đài Loan. Email: Gracelu@thu.edu.tw.
Tóm tắt: Nhân khẩu học thay đổi, số lượng sinh viên nhập học giảm sút, COVID bùng phát và căng thẳng địa chính trị gia tăng đặt ra nhiều thách thức đối với khu vực giáo dục đại học tư thục (PHE- Private Higher Education) ở Đài Loan. Bài viết này thảo luận về mô hình quản trị của nhà nước liên quan đến khu vực PHE đang thiếu hụt sinh viên, và phân tích những chiến lược định hướng thị trường đa ngành được thông qua bởi những tổ chức tư thục bán ưu tú, trong bối cảnh địa phương và cạnh tranh toàn cầu.
Giáo dục đại học của Đài Loan đã trải qua những thay đổi đáng kể trong định hướng chính sách suốt vài thập kỷ qua. Giống như ở những nước Đông Á khác, hệ thống này được nhà nước quản lý chặt chẽ. Trong những năm 1980, sau quá trình dân chủ hóa chính trị và phát triển kinh tế, chính phủ Đài Loan buộc phải cung cấp cho sinh viên nhiều cơ hội học tập cao hơn.
Giáo dục đại học tư thục của Đài Loan
Kết quả là, hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là khu vực tư nhân, đã được mở rộng đáng kể và nhanh chóng cả về số lượng cơ sở giáo dục và số lượng sinh viên nhập học. Vào cuối những năm 2000, các cơ sở giáo dục đại học tư thục (PHE) ở Đài Loan đã vượt xa số lượng các cơ sở công lập. Vào năm 2020, 102 trong số 149 cơ sở giáo dục đại học là tư thục, với 1.244.822 sinh viên, bằng 68,5% tổng số sinh viên.
Các cơ sở PHE của Đài Loan rất đa dạng và tuân theo những mô hình được quan sát thấy ở Đông Á và rộng hơn thế. Như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi PHE cũng chiếm phần lớn số lượng sinh viên, các loại hình trường tư nhân bao gồm từ liên kết tôn giáo, do doanh nhân tài trợ (liên kết với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp) và tổ chức từ thiện (các nhà tài trợ gia đình). Trường đại học tư nhân đầu tiên, Đại học Tunghai, liên kết với tôn giáo, được tái lập ở Đài Loan bởi Ủy ban Giáo dục Cơ đốc giáo ở Trung Quốc vào năm 1953. Hiện nay, hầu hết các trường đại học và cao đẳng tư thục ở Đài Loan đều là những tổ chức giáo dục “hấp thụ nhu cầu”. Họ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu nhập từ học phí, và tập trung chủ yếu vào những chương trình nặng về giảng dạy, trong khi chỉ nhận được những khoản tài trợ hạn chế. Trên thực tế, khoảng một nửa những cơ sở “hấp thụ nhu cầu” này tập trung vào các chương trình dạy nghề.
Chỉ một phần nhỏ các trường đại học tư thục của Đài Loan—chẳng hạn như Đại học Chang Gung, Đại học Y khoa Đài Bắc và Đại học Y khoa Trung Quốc—có thể được xếp vào loại bán ưu tú. Những cơ sở này kết nối tốt với ngành công nghiệp, thường sở hữu một trường y, và cung cấp một số chương trình STEM. Nhìn chung, họ được đánh giá cao hơn so với những trường công cấp hai.
Mô hình quản trị do nhà nước chỉ đạo ở PHE Đài Loan
Sự khác biệt giữa khu vực giáo dục đại học công lập và tư thục ở Đài Loan là không đáng kể. Theo Luật Giáo dục Đại học Tư thục 1974 và Luật Đại học 1994, các cơ sở tư thục và công lập phải tuân theo những quy định giống nhau liên quan đến những khía cạnh quan trọng khác nhau, bao gồm cả việc thành lập, bổ nhiệm hiệu trưởng, phát triển chương trình, quản lý tài chính, tuyển dụng giảng viên và nhân viên, tuyển sinh, chế độ học phí, v.v… Ví dụ, sau khi được hội đồng trường bầu chọn, hiệu trưởng của một trường đại học tư thục vẫn cần được Bộ Giáo dục (MOE) phê chuẩn. Thủ tục này về cơ bản giống như trong khu vực công lập. Theo cách tương tự, Luật Giảng viên hầu như không phân biệt hai khu vực này khi đề cập đến việc bổ nhiệm, đề bạt, đình chỉ, cách chức giảng viên. Hơn nữa, cả trường đại học công và tư đều phải được kiểm định dựa trên cùng một tiêu chuẩn chất lượng, bởi cùng một cơ quan đảm bảo chất lượng.
Giữa hai khu vực chỉ có một khía cạnh khác biệt thú vị liên quan đến chính sách học phí. Một mặt, MOE cung cấp những khoản tài trợ dựa trên số lượng sinh viên cho các trường đại học tư thục để đảm bảo sinh viên không phải nhận một nền giáo dục chất lượng thấp, cũng như để đảm bảo trách nhiệm giải trình của các tổ chức tư thục. Từ năm 2014 đến 2019, tổng giá trị của quỹ này tăng từ 750 lên 877 triệu USD—tương đương 17%. Hiện tài trợ từ MOE chiếm hơn 1/5 thu nhập thường xuyên của các cơ sở giáo dục tư thục. Mặt khác, mọi cơ sở tư thục, cho dù nhận được tài trợ từ MOE hay không, đều bị cấm tăng học phí và lệ phí. Mặc dù đan xen với sự phức tạp về chính trị, chính sách trần học phí này đặt ra mối đe dọa đối với quản trị thể chế, sự bền vững tài chính, duy trì chất lượng và khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Trong khu vực PHE của Đài Loan, mô hình quản lý đã thay đổi từ “nhà nước chỉ đạo” sang “thị trường nhiều thành phần”. Ví dụ, Luật Giáo dục Tư thục sửa đổi năm 1997 quy định các trường đại học, cao đẳng tư thục được tự chủ trong hoạt động của hội đồng quản trị trường và thăng cấp giảng viên. Tuy nhiên, MOE vẫn kiểm soát chặt chẽ chất lượng thông qua nhiều đánh giá và đánh giá bên ngoài.
Trong khu vực PHE của Đài Loan, mô hình quản lý đã thay đổi từ “nhà nước chỉ đạo” sang “thị trường nhiều thành phần”.
Vai trò của nhà nước trong kỷ nguyên thay đổi nhân khẩu học
Năm 2022, tỷ lệ sinh ở Đài Loan giảm xuống mức thấp lịch sử là 0,89. Năm mươi mốt trường đại học, trong đó có 29 trường đại học tư thục, thiếu tổng cộng 14 ngàn sinh viên, trong khi tỷ lệ chấp nhận nhập học, ở mức 98,94%, là mức cao nhất được ghi nhận. Thay đổi nhân khẩu học và thiếu sinh viên nhập học dường như đã gây ra phản ứng kép từ nhà nước.
Một mặt, MOE đã thông qua “Đạo luật quản lý việc đóng cửa các cơ sở giáo dục đại học tư thục” với mục đích bảo vệ quyền học tập của học sinh và lợi ích của giảng viên. Thông qua “kế hoạch rút lui” này, MOE dự định khôi phục quyền kiểm soát của mình đối với những trường đại học tư thục không đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Chẳng hạn, vào năm 2022, 12 cơ sở tư thục đạt dưới 60% chỉ tiêu tuyển sinh của họ đã buộc phải đóng cửa. Trên thực tế, trong một thời gian dài trước khi ban hành kế hoạch “rút lui”, MOE đã giám sát chặt chẽ những khía cạnh học thuật và quản lý của những tổ chức tư thục có mức tuyển sinh thấp hơn chỉ tiêu.
Mặt khác, để có thể đối phó với sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng sinh viên địa phương nhập học, các cơ sở tư thục bán ưu tú được khuyến khích thúc đẩy và củng cố hướng tuyển sinh quốc tế và đồng thời trở nên nhạy bén hơn với thị trường lao động. Một vài trường đại học tư thục có lịch sử lâu đời hơn (do đó, có đủ nguồn lực và mạng lưới quan hệ), tập trung mạnh mẽ vào học thuật và hoạt động chuyên môn, hoặc điều hành một trường y khoa (nhằm theo đuổi thứ hạng toàn cầu bằng những nghiên cứu và công bố tiên tiến) – bắt đầu chuyển đổi thành những trường đại học định hướng nghiên cứu tìm kiếm sự xuất sắc trong học thuật. Hai trường tư thục, Đại học Chang Gung và Đại học Yuan Ze, đã được MOE trao tặng giải thưởng Research Academic Excellence Initiatives (AEI) từ năm 2005 đến 2016. Một số trường tư thục bán ưu tú được trao giải AEI Giảng dạy đã cố gắng tăng cường liên kết ngành và thu hút sinh viên thông qua việc cung cấp nhiều loại chương trình thực tập. Sự hợp tác giữa Đại học Yuan Ze, một trường tư thục, và Far Eastern Group, một tập đoàn sản xuất và viễn thông quốc tế – là một trường hợp tiêu biểu. Một chiến lược khác, hiện đang được Đại học Feng Chia, Đại học I-Shou và Đại học Công giáo Fu Jen áp dụng là tìm kiếm các đối tác quốc tế nhằm cung cấp những chương trình hợp tác xuyên biên giới và tuyển nhiều sinh viên quốc tế trả phí hơn. Nói chung, “kế hoạch rút lui” cùng với AEI đã tạo ra cả hai yếu tố kéo và đẩy giúp chuyển đổi nhiều trường đại học tư thục bán tinh hoa, một số trong đó vượt trội so với các trường đại học công lập trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Bất chấp thái độ phân biệt đối xử dai dẳng của công chúng, các tổ chức PHE của Đài Loan đã nỗ lực rất nhiều để chứng tỏ trách nhiệm giải trình của họ và để đạt được niềm tin của công chúng. Tuy nhiên, những thay đổi về nhân khẩu học, tình trạng thiếu hụt sinh viên đăng ký mới, sự bùng phát COVID và tình trạng căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng trong khu vực đã đặt ra nhiều thách thức đối với khu vực này. Trong bối cảnh đó, nhà nước Đài Loan đã rời bỏ mô hình nhà nước chỉ đạo để chuyển dần sang mô hình thị trường nhiều thành phần.