Bảo vệ hợp tác quốc tế lành mạnh

Ingrid d’Hooghe là nghiên cứu viên cao cấp tại Leiden Asia Centre và Viện Clingendael, Hà Lan. Email: [email protected]. Jonas Lammertink là nghiên cứu viên tại Leiden Asia Centre. Email: [email protected].

Tóm tắt: Nhiều nước trên thế giới đã triển khai những cách tiếp cận quốc gia để giải quyết rủi ro trong hợp tác học thuật quốc tế. Dựa vào việc phân tích 9 cách tiếp cận, chúng tôi thấy rằng việc thu hút cộng đồng nghiên cứu và giáo dục đại học, tạo điều kiện hỗ trợ và phối hợp giữa khu vực này và chính phủ, xác định những cơ hội hợp tác an toàn là rất quan trọng. Điều này cho phép giảm thiểu rủi ro đồng thời bảo vệ giá trị học thuật của quyền tự chủ và tự do, giúp thu hút cộng đồng tham gia vào hợp tác tri thức quốc tế.

Những diễn biến địa chính trị đặt ra những thách thức mới và ngày càng gia tăng đối với hoạt động hợp tác quốc tế mở trong khoa học và công nghệ. Đặc biệt, sự ganh đua về mặt công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và ở mức độ thấp hơn giữa những nước OECD khác và Trung Quốc, khiến chúng ta ngày càng nhận thức rõ về những rủi ro tiềm tàng của sự hợp tác đó. Những rủi ro này bao gồm chuyển giao kiến thức và công nghệ không mong muốn, vi phạm quyền tự do học thuật và sử dụng nghiên cứu một cách phi đạo đức, chẳng hạn như cho mục đích giám sát quân sự hoặc chính trị. Mặc dù thường bị lấn át bởi những lo ngại liên quan đến Trung Quốc, những rủi ro như vậy vẫn tồn tại trong hợp tác học thuật với mọi quốc gia trên khắp thế giới.

Kết quả là ngày càng có nhiều quốc gia cảm thấy cần bảo vệ khoa học và công nghệ của mình và xây dựng những phương pháp giảm thiểu rủi ro. Nghiên cứu mới đây của Leiden Asia Centre về việc Các Chính phủ Quốc gia và các Viện Nghiên cứu Bảo vệ Sự Phát triển Tri thức trong Khoa học và Công nghệ như thế nào (https://leidenasiacentre.nl/publication-how-national-governments-and-research-institutions-safequard-knowledge-development-in-science-and-technology/), đã tìm hiểu 9 cách tiếp cận quốc gia nhằm tăng cường an ninh tri thức và những lực lượng thúc đẩy chúng. Những cách thức này không phải lúc nào cũng được các nhà nghiên cứu hoan nghênh, nhiều người trong số họ cảm thấy bị hạn chế bởi những quy tắc và quy định mới. Do đó, họ cảm thấy cần phải bảo vệ một môi trường học thuật cởi mở và tính độc lập của cộng đồng nghiên cứu và phản đối an ninh hóa hoạt động hợp tác nghiên cứu. Những người khác cho biết họ sẽ hoan nghênh sự phối hợp nhiều hơn với chính phủ, hoặc với những hướng dẫn rõ ràng hơn từ chính phủ – thông qua những tổ chức trung gian.

Điều này đặt ra câu hỏi làm thế nào để tìm ra một cách tiếp cận cân bằng có thể khuyến khích hợp tác quốc tế lành mạnh và an toàn, đồng thời nhận diện được và giải quyết mối lo ngại của các nhà nghiên cứu liên quan đến giá trị học thuật của sự cởi mở và độc lập. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi đã xác định được một số thực tiễn truyền cảm hứng trong 9 cách tiếp cận quốc gia. Những thực tiễn tốt nhất này là: sự tham gia tích cực của khu vực nghiên cứu; hỗ trợ của chính phủ trong việc thực hiện đánh giá và giảm thiểu rủi ro; và sự chú trọng đến quản lý cơ hội.

Sự tham gia của khu vực nghiên cứu

Hầu hết những phương pháp tiếp cận quốc gia chủ yếu là do chính phủ khởi xướng với mức độ tham gia khác nhau của khu vực nghiên cứu và giáo dục đại học. Trong một số trường hợp, chính phủ đã chọn cách tiếp cận từ trên xuống bao gồm những hướng dẫn, quy định và đôi khi là pháp chế. Tuy nhiên, ở những quốc gia khác, khu vực này đóng vai trò tương đối lớn trong việc định hình cách tiếp cận quốc gia. Ví dụ như ở Đức, nơi chính phủ liên bang không có thẩm quyền trong lĩnh vực giáo dục, những hiệp hội lớn các trường đại học hoặc viện nghiên cứu đi đầu trong việc triển khai hướng dẫn và quảng bá thông tin về an ninh tri thức và tích cực tham gia vào việc nâng cao nhận thức.

Một ví dụ khác là trường hợp Phần Lan, nơi chính phủ tổ chức một cuộc họp bàn tròn về Trung Quốc như một phần của cách tiếp cận đối với từng quốc gia cụ thể. Đây là một cuộc họp thân mật, từ dưới lên, giữa đại diện văn phòng quốc tế của các trường đại học Phần Lan, các học giả Trung Quốc và nhiều bộ. Nói chung, các học giả đánh giá cao những cách tiếp cận từ dưới lên như vậy và đôi khi chỉ trích những quy định luật pháp mà một số người coi là quá rườm rà hoặc có động cơ chính trị.

Sự hỗ trợ và phối hợp giữa chính phủ và khu vực nghiên cứu

Việc phát triển và thực hiện những biện pháp bảo vệ hợp tác quốc tế là thách thức lớn đối với các trường đại học và viện nghiên cứu, nơi thường thiếu nhân lực và kiến thức cụ thể để đánh giá và giảm thiểu rủi ro. Một số quốc gia đã thành lập những tổ chức đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc và phối hợp trực tiếp giữa các cơ quan chính phủ và khu vực nghiên cứu. Điều này cho phép các học giả và các trường đại học tiếp cận kiến thức chuyên môn từ các cơ quan chính phủ (chẳng hạn như các dịch vụ an ninh) và tạo cơ hội để họ chứng minh cho chính phủ thấy khả năng tự điều chỉnh của mình.

Tại Vương quốc Anh, Nhóm tư vấn hợp tác nghiên cứu – một sự hợp tác giữa bộ phận chiến lược kinh doanh, năng lượng & công nghiệp và giới học viện – cung cấp cho khu vực nghiên cứu đầu mối liên hệ để được tư vấn chính thức về những rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến những dự án nghiên cứu quốc tế cụ thể, đồng thời cũng nâng cao sự hiểu biết của các cơ quan chính phủ về nhu cầu của các nhà nghiên cứu. Hà Lan cũng đã thành lập một tổ chức tương tự, gọi là Đầu mối liên lạc quốc gia về an ninh tri thức, có nhiệm vụ tư vấn về rủi ro và những vấn đề thực tiễn liên quan đến (kế hoạch) hợp tác nghiên cứu cụ thể. Tại Úc, Lực lượng đặc nhiệm phòng ngừa sự can thiệp của nước ngoài trong các trường đại học cho phép đại diện cấp cao của khu vực này liên lạc trực tiếp với chính phủ.

Hầu hết những phương pháp tiếp cận quốc gia đều chú trọng đến quản lý rủi ro, trong khi đó việc xác định những cơ hội hợp tác an toàn lại hầu như không được xem xét đến.

Quản lý cơ hội

Hầu hết những phương pháp tiếp cận quốc gia đều chú trọng đến quản lý rủi ro, trong khi đó việc xác định những cơ hội hợp tác an toàn lại hầu như không được xem xét đến. Đặc biệt trong trường hợp hợp tác với những quốc gia vừa được coi là đối tác học thuật quan trọng, vừa khó lường trước rủi ro, chẳng hạn như Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu kêu gọi chính phủ và các nhà hoạch định chính sách giáo dục đại học đầu tư nhiều hơn nữa vào việc tạo cơ hội và xác định những lĩnh vực nghiên cứu cũng như những hình thức hợp tác an toàn, ví dụ như thông qua việc cung cấp “danh mục xanh” những chủ đề nghiên cứu có rủi ro thấp. Việc tích hợp quản lý cơ hội và rủi ro vào một phương pháp tiếp cận có thể làm cho chính sách an ninh trở nên hấp dẫn hơn với khu vực này.

Thiết lập tiêu chuẩn quốc tế

Khoa học không có biên giới, và nhiều dự án hợp tác quốc tế thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia. Do đó, cần có những nguyên tắc, tiêu chuẩn và quy trình chung liên quan đến bảo mật tri thức. Nhiều nước đã tổ chức gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận cách tiếp cận, kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của mình. Đặc biệt, những quốc gia như Nhật Bản và Đức có nhiều nỗ lực đầu tư cho việc phối hợp toàn cầu để phát triển những nguyên tắc và biện pháp giải quyết hành vi xâm phạm an ninh nghiên cứu khoa học thông qua Nhóm công tác G7 về An ninh và Tính toàn vẹn của Hệ sinh thái Nghiên cứu Toàn cầu.

Kết luận

Nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã triển khai những phương pháp tiếp cận quốc gia để bảo vệ hoạt động hợp tác tri thức quốc tế. Trong số những cách tiếp cận này, chúng tôi nhận thấy rằng việc thu hút cộng đồng nghiên cứu và giáo dục đại học, tạo điều kiện hỗ trợ và phối hợp giữa ngành và chính phủ, chú ý tới việc xác định những cơ hội hợp tác an toàn là những khía cạnh rất quan trọng. Điều này cho phép giảm thiểu rủi ro đồng thời bảo vệ những giá trị học thuật của sự tự chủ và tự do, giúp thu hút cộng đồng tham gia vào hợp tác tri thức quốc tế.