Philip G. Altbach là giáo sư nghiên cứu và là thành viên xuất sắc tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Đại học Boston College, Hoa Kỳ. Email: altbach@bc.edu. Xiaofeng Wan là phó trưởng khoa về tuyển sinh và điều phối viên tuyển sinh quốc tế, Amherst College, Hoa Kỳ. E-mail: xwan@amherst.edu. Hans de Wit là giáo sư danh dự và là thành viên xuất sắc tại CIHE. Email: dewitj@bc.edu.
Tóm tắt: Nhiều người trên thế giới nhìn nhận Hoa Kỳ là một xã hội thiếu sự ổn định với một tương lai không chắc chắn. Chủ nghĩa Trump, tình trạng mất an ninh, phân biệt chủng tộc và chính trị hóa nền giáo dục đại học Hoa Kỳ là những mối lo ngại chính. Nhận thức này, chủ yếu dựa trên thực tế, đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của nền giáo dục đại học Hoa Kỳ và các mối quan hệ với phần còn lại của thế giới.
Tại hội nghị năm 2022 tại San Diego của Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA – Association of International Educators, tên cũ National Association for Foreign Student Affairs) đã có nhiều cuộc thảo luận về sự bất ổn toàn cầu và điều này có ý nghĩa gì đối với giáo dục đại học liên quốc gia. Rõ ràng là, những căng thẳng địa chính trị, đại dịch COVID-19 giảm đi nhưng không có nghĩa là mọi hệ lụy đã chấm dứt, khủng hoảng khí hậu, và gần đây nhất là lạm phát toàn cầu, và những thách thức kinh tế liên quan – tất cả đều ảnh hưởng nặng nề đến sự dịch chuyển của du học sinh và học giả và những khía cạnh rộng lớn hơn của quốc tế hóa. Nhưng một khía cạnh dường như không nhận được nhiều sự chú ý từ phần lớn công chúng Hoa Kỳ là thách thức chính từ sự bất ổn của Hoa Kỳ trong một môi trường giáo dục đại học toàn cầu đa dạng và cạnh tranh hơn.
Thực tế là nhiều người trên thế giới nhìn nhận Hoa Kỳ là một xã hội thiếu sự ổn định với một tương lai không chắc chắn. Nhận thức này, chủ yếu dựa trên thực tế, đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của nền giáo dục đại học Hoa Kỳ và các mối quan hệ với phần còn lại của thế giới.
Cần xem xét bản chất và những tác động có thể có của sự bất ổn này. Lập luận ở đây không phải là giáo dục đại học Hoa Kỳ đang sụp đổ, hay Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục thu hút số lượng sinh viên quốc tế lớn nhất thế giới, hoặc sẽ không tiếp tục là một môi trường hấp dẫn đối với các nghiên cứu sinh sau tiến sỹ hoặc giảng viên quốc tế – mà đúng hơn là Hoa Kỳ đang có, và sẽ có những trở ngại đáng kể và sự thu hẹp mức độ tham gia và thị phần. Rất đáng để xem xét những thách thức nghiêm trọng đang bị bỏ qua, nhưng lại ngày càng rõ ràng đối với sinh viên và học giả bên ngoài Hoa Kỳ.
Thực tế là nhiều người trên thế giới nhìn nhận Hoa Kỳ là một xã hội thiếu sự ổn định với một tương lai không chắc chắn.
Quá khứ và tương lai dự đoán của chủ nghĩa Trump
Tác động trực tiếp của chính quyền Trump và những ý tưởng và thực tiễn tạo nền tảng cho nó đã có ảnh hưởng, và hiện tại là một phần trong cách toàn thế giới nhìn nhận về nền giáo dục đại học và xã hội Hoa Kỳ.
Toàn bộ hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và dân túy đặc trưng trong những năm Trump cầm quyền và vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đáng kể đến một bộ phận lớn dân chúng Mỹ, đặc biệt là Đảng Cộng hòa – cũng đóng một vai trò nào đó. Nhiều người ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới lo ngại về nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump – hoặc một người như ông ta sẽ được bầu làm tổng thống, mặc dù kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cho thấy một số dấu hiệu tích cực theo hướng ngược lại. Những quyết định rất bảo thủ gần đây của Tòa án Tối cao, cấm phá thai và mở rộng quyền sử dụng súng, và những tranh cãi xung quanh những quyết định này, cũng nhận được nhiều nhận xét tiêu cực bên ngoài Hoa Kỳ. Tất cả những xu hướng này đặc biệt rõ ràng ở các bang “đỏ” (bảo thủ), và các trường đại học ở những bang đó có thể phải gánh chịu thiệt hại. Chính tại những bang đó khu vực giáo dục đại học công lập phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách nghiêm trọng và số lượng sinh viên địa phương và quốc tế thấp hơn. Ở những bang đỏ, khu vực giáo dục đại học tư nhân, phi lợi nhuận ít được biết đến với danh tiếng và chất lượng quốc tế hơn so với những bang “xanh” (Dân chủ).
Hoa Kỳ có an toàn không?
Những vụ xả súng hàng loạt (khoảng 300 vụ vào năm 2022) và bạo lực súng khác, và những tin tức truyền thông thường xuyên về tội phạm khiến học sinh và gia đình họ phải lưu tâm khi cân nhắc các lựa chọn điểm đến học tập. Nó trở thành vấn đề đặc biệt liên quan khi sinh viên quốc tế trở thành nạn nhân của bạo lực súng đạn.
Làn sóng căng thẳng chủng tộc và những sự cố thù ghét liên quan đến chủng tộc, một phần được kích thích bởi chủ nghĩa Trump – khiến các sinh viên và giảng viên quốc tế tiềm năng đặt câu hỏi liệu họ có được hoan nghênh tại Hoa Kỳ. Bạo lực đối với người da đen và người châu Á, bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở vụ bắn chết sáu phụ nữ châu Á một cách vô nghĩa ở Atlanta – đã được đưa tin rộng rãi và có liên quan đặc biệt đến số lượng vượt trội của sinh viên đến từ Đông Á, vẫn là khu vực gửi nhiều sinh viên và học giả nhất đến Mỹ.
Chính trị hóa giáo dục đại học
Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến các sinh viên sau đại học, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và giảng viên quốc tế tiềm năng nhiều hơn là đến sinh viên đại học. Liên tục xảy ra hàng loạt những câu chuyện về sự can thiệp của chính quyền tiểu bang vào các vấn đề của trường đại học, bao gồm cả việc cấm giảng dạy về lý thuyết chủng tộc phê phán ở một số bang “đỏ”; các cuộc tranh luận về “chủ nghĩa giác ngộ”(“wokeism”); và “văn hóa hủy bỏ” (“cancel culture”); và những vấn đề chính trị khác có thể làm chùn bước một số sinh viên tốt nghiệp và chuyên gia, đặc biệt những người muốn thoát khỏi chế độ độc đoán và thiếu tự do học thuật ở quốc gia của họ (ví dụ như sinh viên và giảng viên Nga sau cuộc tấn công Ukraine và những hạn chế liên quan đến học thuật ở Nga).
“Vấn đề Trung Quốc”
Sinh viên Trung Quốc từ lâu đã coi Hoa Kỳ là điểm đến học tập chính. Tổng số sinh viên từ Trung quốc tại Hoa Kỳ đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2000–2001 và 2021–2022. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những năm gần đây, trong đó các sinh viên và nghiên cứu sinh người Trung Quốc đã nhiều lần bị sử dụng như những “con tốt chính trị” – đã khiến Hoa Kỳ trở thành một điểm đến học tập và làm việc không thân thiện. Làn sóng thù hận chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương (Asian American and Pacific Islanders – AAPI), và bạo lực súng tràn lan làm tăng thêm mối lo ngại của các gia đình Trung Quốc. Số lượng sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ giảm đi 15% trong đại dịch là một tín hiệu rõ ràng rằng sinh viên Trung Quốc đã giảm đáng kể mối quan tâm đến Hoa Kỳ như một điểm đến học tập và làm việc. Dữ liệu về du học của năm 2022 cho thấy một sự suy giảm sâu hơn. Nhận thức của sinh viên Trung Quốc rằng họ đơn giản chỉ được coi như “những con bò sữa” không khiến cho các tổ chức giáo dục đại học Hoa Kỳ tạo ra một môi trường hòa nhập. Một mặt, các gia đình Trung Quốc vẫn coi Hoa Kỳ là điểm đến lý tưởng để con cái họ theo học đại học; mặt khác, họ ngày càng thận trọng cân nhắc việc gửi con cái đến một đất nước mà chúng có thể gặp nguy hiểm. Một kết quả trực tiếp của tình trạng tiến thoái lưỡng nan này là xu hướng gần đây của sinh viên Trung Quốc nộp đơn vào các trường đại học ở nhiều quốc gia thay vì chủ yếu ở Hoa Kỳ. Điều này đe dọa trực tiếp đến tương lai du học của sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học Hoa Kỳ, có khả năng làm suy yếu sức mạnh đổi mới và khả năng cạnh tranh toàn cầu của giáo dục đại học Hoa Kỳ.
Những mối lo ngại khác
Khó khăn trong việc xin thị thực (càng trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng COVID-19) cũng khiến các sinh viên và học giả tiềm năng bận tâm. Nghiên cứu gần đây lưu ý rằng Hoa Kỳ nằm trong số những quốc gia điểm đến chính mất nhiều thời gian nhất trong việc cấp thị thực cho sinh viên quốc tế và các nhà nghiên cứu. Lạm phát cao ở Hoa Kỳ cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Học phí cao đã là một rào cản, nhưng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng còn là một thách thức lớn hơn đối với sinh viên quốc tế. Và trong khi châu Âu, Trung Quốc, và Nga đang xem châu Phi như một nguồn cung cấp sinh viên và giảng viên quốc tế mới, Hoa Kỳ lại hầu như vắng mặt trong khu vực đó.
Kết luận
Một số thách thức và mối lo ngại được đề cập ở đây (tình trạng phân biệt chủng tộc, chi phí gia tăng, căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc, chính trị hóa) cũng tồn tại ở những quốc gia hàng đầu khác, đặc biệt là Vương quốc Anh và Úc, nhưng đó không phải là lý do để Hoa Kỳ làm ngơ chúng. Hoa Kỳ sẽ vẫn là quốc gia có số lượng lớn nhất các trường đại học được xếp hạng cao, một hệ thống giáo dục đại học hiệu quả tổng thể phục vụ nhiều khu vực khác nhau, và một hệ thống nghiên cứu tinh vi, hiệu quả và được tài trợ hợp lý. Nhưng sự bất ổn và những thách thức được thảo luận ở trên đang đẩy nhanh tốc độ suy yếu của Hoa Kỳ trong vai trò nhà lãnh đạo học thuật toàn cầu tuyệt đối.