Annette Bamberger là Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Golda Meir tại Hebrew University of Jerusalem, Israel. Email: Annette.bamberger@mail.huji.ac.il.
Tóm tắt: Một nghiên cứu về sinh viên Pháp gốc Do Thái ở Israel cho thấy họ đi du học không chỉ nhằm trang bị cho mình những kỹ năng quốc tế cần thiết trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu, mà còn do sự thôi thúc kết nối với dân tộc, với quê hương. Cộng đồng người di cư là một lăng kính giúp kịp thời hiểu biết về dòng chảy sinh viên quốc tế, những gì cần thực hiện trong nhiều bối cảnh và cấp độ khác nhau, để hiểu được ý nghĩa của cộng đồng này đối với giáo dục đại học quốc tế.
Hoạt động du học quốc tế có xu hướng được mô tả là sự theo đuổi có tính toán những lợi ích kinh tế thông qua việc đạt được trình độ học vấn, kỹ năng ngôn ngữ, mạng lưới xã hội quốc tế và thái độ đa văn hóa – là những gì được đánh giá cao trong thị trường lao động toàn cầu và địa phương. Những khía cạnh khác về sinh viên quốc tế như mong muốn tăng cường bản sắc dân tộc hoặc gắn kết với quê hương ít được chú ý đến. Tuy nhiên, dường như vẫn có một số quốc gia điểm đến là nơi mà du học sinh tìm thấy sự liên kết với bản sắc dân tộc, với cội nguồn/ lộ trình của cộng đồng người di cư. Những nghiên cứu gần đây cho thấy điểm đến du học của nhiều cộng đồng di dân là Trung Quốc, đảo Síp, Ireland, Israel, Hàn Quốc, Maroc và Nam Phi – điều này gợi ý rằng du học sinh mong muốn được kết nối và làm phong phú bản sắc dân tộc, và sự gắn kết với quê hương có thể góp phần tạo ra dòng chảy du học.
Sinh viên Pháp gốc Do Thái ở Israel
Từ trước tới nay sinh viên quốc tế ở Israel thường là những người gốc Do Thái có mối liên hệ sắc tộc – tôn giáo với đất nước. Phần lớn họ đến từ những quốc gia giàu có, phát triển hơn, có bằng cấp được đánh giá cao hơn, như Hoa Kỳ và châu Âu (đặc biệt là Pháp, Đức, Ý và Vương quốc Anh).
Dựa trên một nghiên cứu về sinh viên quốc tế người Pháp gốc Do Thái ở Israel, tôi đã tìm hiểu về vai trò và tác động qua lại giữa việc theo đuổi những kỹ năng và thái độ quốc tế, và ảnh hưởng của bản sắc dân tộc đối với bản chất, sự lựa chọn điểm đến và mục đích của du học quốc tế. Phân tích cho thấy những sinh viên này được thôi thúc bởi cả nhu cầu trang bị cho mình những kỹ năng quốc tế cần thiết trong nền kinh tế tri thức toàn cầu, và mong muốn hiểu biết sâu sắc hơn và kết nối với bản sắc dân tộc, với nơi họ coi là quê hương. Sự lựa chọn của du học sinh thể hiện qua chương trình học thuật, trường theo học, kỹ năng tiếng Anh, mạng lưới xã hội quốc tế và quốc gia họ chọn đến du học. Phân tích cho thấy một số hình thức du học không chỉ nhằm theo đuổi những kỹ năng và thái độ quốc tế vì lợi ích kinh tế, mà còn kết hợp với mục tiêu tìm hiểu bản sắc dân tộc và quốc tế trong khuôn khổ chương trình giáo dục đại học quốc tế – để đạt được lợi thế kinh tế và tăng cường bản sắc dân tộc. Điều này cung cấp một số hiểu biết quan trọng.
Thứ nhất, du học quốc tế thể hiện sự đa bản sắc và bản sắc lai. Việc theo đuổi những kỹ năng và thái độ quốc tế trong khuôn khổ chương trình đào tạo ở Israel khẳng định sự gắn kết không chỉ với một nhóm sắc tộc – tôn giáo xuyên quốc gia, với quê hương của cộng đồng di dân; mà còn với sinh viên quốc tế trên toàn cầu. Thứ hai, có thể thấy rằng việc theo đuổi mục tiêu kép này, trong một số trường hợp, có thể phá vỡ hệ thống phân cấp toàn cầu trong giáo dục đại học. Những sinh viên từ Pháp (quốc gia giàu có và ở vị trí “trung tâm”) lại du học ở Israel (ít giàu có hơn và ở “ngoại vi”). Thứ ba, nghiên cứu này minh họa cho nhận định rằng quỹ đạo của du học quốc tế đang đi theo những lộ trình của cộng đồng người di cư, và những mối liên hệ xã hội và tình cảm với quê hương – cho thấy cộng đồng người di cư quan tâm đến nhiều thứ hơn ngoài du học quốc tế và sản xuất tri thức. Điều này chứng minh rằng du học quốc tế chứa đựng vô số thực tiễn và danh tính không chỉ nhắm đến và kết hợp với những cân nhắc kinh tế thuần túy, mà đôi khi hướng đến những mục đích lớn hơn nhiều. Du học quốc tế nên được hiểu là một tập hợp phức tạp trong đó nhiều ý định và danh tính đan xen với những mối quan tâm về kinh tế, chính trị, xã hội, dân tộc và văn hóa. Cộng hưởng với yếu tố học thuật, điều này bác bỏ lý lẽ về lợi thế kinh tế vượt trội, và thay vào đó xem giáo dục đại học và du học là một quá trình “tự hình thành” hoặc “trưởng thành”.
Những quan điểm rộng hơn
Mối liên hệ giữa cộng đồng hải ngoại và du học quốc tế đáng được khám phá thêm. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu chỉ tập trung vào sinh viên quốc tế với động cơ/ kinh nghiệm của họ. Để có được sự hiểu biết toàn diện và phê phán về cộng đồng hải ngoại và giáo dục đại học quốc tế, cần khảo sát không chỉ ở cấp độ cá nhân mà cả ở cấp trường, quốc gia và siêu quốc gia. Trong một dự án nghiên cứu gần đây, tôi và các đồng nghiệp đã phân tích hoạt động tiếp thị trên mạng xã hội của các trường đại học Israel nhắm đến sinh viên quốc tế. Nó cho thấy một số trường đại học đang tích cực điều chỉnh những nỗ lực tiếp thị nhằm thu hút sinh viên từ các cộng đồng hải ngoại. Nhiều trường đại học điều chỉnh, thiết kế chương trình giảng dạy riêng cho du học sinh từ cộng đồng hải ngoại – trong một số trường hợp, như một phần của những chương trình chính trị xây dựng quốc gia từ xa. Ví dụ, Đại học Tế Nam, Trung Quốc cung cấp cho du học sinh Hoa kiều (thuộc sắc tộc Hán) một chương trình giảng dạy phong phú về lịch sử và ngôn ngữ Trung Quốc, tư tưởng Nho giáo và hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Những quốc gia xác định giáo dục đại học quốc tế là một cách để thu hút thanh niên kiều bào, và khơi dậy hoặc tạo ra sự gắn bó – thường nhằm mục đích củng cố các đồng minh hải ngoại để vận động cho quê hương và cung cấp hỗ trợ kinh tế và kiều hối. Với những mục đích này, Maroc đã mở chương trình Đại học mùa hè dành cho sinh viên gốc Maroc thế hệ thứ hai sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2019 của Rilke Mahieu tiết lộ rằng chương trình này đã phô trương quá lạc quan về đất nước đến mức nhiều thanh niên hải ngoại đã vỡ mộng sau trải nghiệm. Điều này cho thấy mặc dù mong muốn kết nối với bản sắc và quê hương có thể thúc đẩy du học quốc tế và định hình mong muốn được trải nghiệm của một số du học sinh (ví dụ, sinh viên thuộc cộng đồng hải ngoại có thể mong muốn có mối liên hệ sâu sắc hơn với cộng đồng ở quê hương, quan tâm nhiều hơn đến ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và thực hành tôn giáo tại địa phương), sinh viên cũng có thể chỉ trích quê hương của họ nhiều hơn, khi họ có nhiều kiến thức và hiểu biết hơn về xã hội – có thể được tích lũy từ những chuyến về thăm trước đây, từ những mối liên hệ gia đình và sự tiếp xúc với các nguồn truyền thông quốc tế đa dạng – khiến cho những nỗ lực xây dựng quốc gia thông qua du học quốc tế có thể kém hiệu quả.
Cộng đồng người di cư là một lăng kính kịp thời giúp hiểu biết về dòng chảy sinh viên quốc tế.
Nói một cách bài bản, sinh viên thuộc cộng đồng hải ngoại được các chương trình và chính sách quốc tế hóa quốc gia xác định là loại “quả dễ hái” trong một thị trường sinh viên quốc tế ngày càng cạnh tranh, với kỳ vọng rằng họ là mục tiêu tuyển sinh dễ dàng, nhờ vào khả năng hỗ trợ của đại gia đình ở quê hương và được cho là có mối liên hệ tích cực với đất nước (và có lẽ với cả hệ thống giáo dục đại học của quê hương). Những chính sách quốc tế hóa quốc gia gần đây của Israel và Hàn Quốc áp dụng cách tiếp cận này.
Tương tự như vậy, “lựa chọn cộng đồng người di cư” cũng được các tổ chức quốc tế như OECD, Ngân hàng Thế giới và UNESCO ủng hộ như một chiến lược phát triển khả thi – đặc biệt để chống chảy máu chất xám và thúc đẩy dòng chảy tri thức. Do đó, các trường đại học, các tổ chức ở cấp quốc gia và siêu quốc gia đều chú trọng đến lĩnh vực này với những quan điểm và lợi ích khác nhau. Cộng đồng người di cư là một lăng kính kịp thời giúp hiểu biết về dòng chảy sinh viên quốc tế, về những gì cần thực hiện trong nhiều bối cảnh và cấp độ khác nhau, để hiểu được ý nghĩa của cộng đồng này đối với giáo dục đại học quốc tế.