Siêu xu hướng trong dịch chuyển học thuật: các khu giáo dục và cấu trúc đa cực mới của du học quốc tế

Chris R. Glass là giáo sư về thực hành tại Khoa lãnh đạo giáo dục và Giáo dục đại học, và là giảng viên cộng tác tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. Email: glassch@bc.edu. Natalie I. Cruz là trợ lý giám đốc về chiến lược toàn cầu và sáng kiến tại Đại học Emory, Hoa Kỳ. Email: natalie.cruz@emory.edu.

Tóm tắt: Một phân tích mạng lưới dữ liệu của UNESCO về du học sinh quốc tế từ 210 quốc gia, trong khoảng thời gian 20 năm (2000–2019) cho thấy hình thức du học quốc tế có những chuyển dịch cơ cấu dài hạn, với nhóm những quốc gia cốt lõi có ảnh hưởng đa dạng hơn. Số lượng du học sinh quốc tế đã tăng gần gấp ba lần, từ 2 triệu vào năm 1999 lên 6 triệu vào năm 2019. Năm 2020, du học quốc tế bị đình trệ do đại dịch COVID-19, khiến chúng ta khó đoán chắc về tương lai của du học xuyên biên giới. Những chỉ số tốt nhất giúp hình dung tương lai sắp tới của du học quốc tế có thể tìm thấy không phải ở sự gián đoạn của đại dịch, mà ở những thay đổi dài hạn đã xảy ra trong 20 năm trước đó. Những xu hướng dài hạn này cho thấy một cấu trúc đa cực mới của du học quốc tế, khi các khu giáo dục tập trung mới bắt đầu có ảnh hưởng lớn hơn.

Phân tích mạng lưới dữ liệu của UNESCO về du học sinh quốc tế từ 210 quốc gia trong khoảng thời gian 20 năm gợi ý rằng trong cấu trúc – không chỉ đơn giản là quy mô – của du học quốc tế đã diễn ra những chuyển dịch căn bản. Trong khi động lực trung tâm – ngoại vi của du học quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại, hơn 20 quốc gia đã tham gia vào nhóm quốc gia trung tâm, hiện bao gồm một tập hợp những điểm đến lớn hơn và đa dạng hơn về mặt địa lý, khi các khu giáo dục tập trung (education hub) phát huy ảnh hưởng ngày càng lớn. Cấu trúc đa cực mới đánh dấu một sự chuyển hướng cơ bản khỏi mô hình Đông-Tây truyền thống đã tồn tại nhiều thập kỷ. Cấu trúc turng tâm – ngoại vi mới có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của du học quốc tế.

Mạng lưới dày đặc hơn

Việc phân tích mạng lưới của chúng tôi cho thấy không chỉ số lượng sinh viên quốc tế tăng gấp ba lần; mà mạng lưới đã trở nên dày đặc gấp ba lần. Mặc dù vào năm 1999–2000 có lẽ liên kết quốc-gia-với-quốc-gia chỉ chiếm khoảng 14% tổng số mọi liên kết, đến năm 2018–2019, số lượng liên kết thực tế quốc-gia-với-quốc-gia chiếm gần một nửa (48%) trong mọi liên kết có thể có giữa các quốc gia. Một mạng lưới dày đặc hơn có nghĩa là không chỉ có nhiều sinh viên quốc tế hơn, mà còn nhiều quốc gia đang trao đổi nhiều sinh viên hơn với nhiều điểm đến hơn, và tương đương về số lượng trao đổi. Du học sinh quốc tế được phân bổ đồng đều hơn bao giờ hết trong lịch sử phát triển của hoạt động này, khi tỷ lệ sinh viên quốc tế đến những điểm mới tăng nhanh hơn so với tỷ lệ tăng trưởng của những điểm đến truyền thống. Ví dụ, vào năm 1999, những quốc gia có truyền thống gửi nhiều sinh viên đi du học như Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – có rất ít hoặc hoàn toàn không có sinh viên quốc tế đến học, vào năm 2019, mỗi quốc gia trong số này đã tiếp nhận hơn 150 ngàn sinh viên quốc tế.

 

Động lực trung tâm – ngoại vi vẫn còn, nhưng thành phần của nhóm những quốc gia trung tâm vừa mở rộng hơn vừa đa dạng hơn.

 

Nhóm quốc gia trung tâm lớn hơn và đa cực hơn

Ảnh hưởng cũng được phân bổ rộng rãi hơn và đồng đều hơn giữa một số lượng lớn hơn những quốc gia trung tâm trong mạng lưới. Động lực trung tâm – ngoại vi vẫn còn, nhưng thành phần của nhóm những quốc gia trung tâm vừa mở rộng hơn vừa đa dạng hơn. Năm 1999, 5 quốc gia tạo thành tập hợp những quốc gia trung tâm trong mạng lưới (Hoa Kỳ ở Bắc Mỹ; Pháp, Đức, và Vương quốc Anh ở châu Âu; và Úc) chiếm hơn 50% tổng số du học sinh quốc tế. Phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng một cấu trúc mạng lưới đa cực hơn đã xuất hiện trong 20 năm qua, với những khu giáo dục tập trung đang phát huy ảnh hưởng ngày càng tăng trong mạng lưới ở châu Phi (ví dụ Nam Phi), ở châu Á (ví dụ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), ở lục địa Á-Âu (ví dụ Nga và Ukraine), Mỹ La-tinh (ví dụ Argentina và Brazil), Trung Đông (ví dụ Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) và Bắc Mỹ (ví dụ Canada). Mặc dù những điểm đến hàng đầu vẫn chiếm ưu thế nhưng sức hấp dẫn tương đối của chúng trong nhóm trung tâm đã suy yếu, vì sức hấp dẫn được phân tán đồng đều hơn trong một nhóm nhiều quốc gia hơn. Giờ đây có tới 20 quốc gia là điểm đến chính đối với ba phần tư tổng số du học sinh quốc tế.

Dự báo cho 10 năm tới

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, số lượng sinh viên quốc tế dự kiến sẽ đạt 12 triệu vào năm 2030. Chúng tôi tin rằng sự thay đổi quan trọng nhất định hình tương lai của du học quốc tế không phải là quy mô, mà là cấu trúc của nó. Một cấu trúc mạng lưới đa cực hơn tác động thế nào đến tương lai của du học quốc tế?

  • Có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều quốc gia sẽ trở thành điểm đến nhờ năng lực gia tăng, cơ sở hạ tầng quốc gia, và sự gần gũi về văn hóa và khu vực đối với sinh viên quốc tế. Sinh viên quốc tế sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn, và mọi dấu hiệu đều cho thấy họ sẽ tận dụng lợi thế đó. Mức học phí phù hợp và cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp là động lực thúc đẩy các quyết định của thế hệ sinh viên quốc tế thuộc giới trung lưu, họ là những người sẵn sàng cân nhắc những điểm đến thay thế. Những quốc gia điểm đến truyền thống đắt đỏ nếu không có chính sách nhập cư lao động rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là khi sinh viên có nhiều lựa chọn gần gũi hơn về mặt địa lý và văn hóa. Tập hợp những quốc gia trung tâm được mở rộng và mật độ mạng lưới dày đặc hơn chỉ ra rằng các quốc gia sẽ trao đổi nhiều sinh viên hơn với tỷ lệ đồng đều hơn trong những năm tới.

 

  • Xây dựng năng lực giáo dục đã trưởng thành. Nhiều nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã đầu tư vốn đáng kể để xây dựng năng lực giáo dục và khẳng định họ là điểm đến hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế. Phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng đầu tư của chính phủ để xây dựng các khu giáo dục tập trung (ví dụ Education City ở Qatar, Incheon Global Campus ở Hàn Quốc, EduCity ở Malaysia) như một phần của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia đã dẫn đến việc tái cấu trúc các mô hình du học truyền thống. Sức hấp dẫn của những điểm đến này sẽ được nâng cao bởi sự gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ và địa lý của họ, cũng như ngày càng nhiều trường đại học được xếp hạng quốc tế. Sự tăng trưởng và đa dạng hóa của nhóm những quốc gia trung tâm trong mạng lưới sẽ diễn ra đồng thời với kế hoạch mở rộng các khu giáo dục tập trung, trong khi du học toàn cầu tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm sẽ dẫn đến sự trao đổi lớn hơn trong nội khu và giữa các khu vực.

 

  • Trong tương lai, hình thức giảng dạy có lẽ cũng quan trọng như điểm đến. Sự phát triển của học tập từ xa và trực tuyến sẽ đòi hỏi một định nghĩa rộng hơn về những người được coi là “sinh viên quốc tế”. Và cũng đòi hỏi những định nghĩa và thực hành dữ liệu tốt hơn để dữ liệu có thể được phân tách và so sánh. UNESCO định nghĩa sinh viên quốc tế là “những sinh viên đã vượt qua biên giới quốc gia hoặc lãnh thổ vì mục đích giáo dục và hiện đang được ghi danh bên ngoài quốc gia nguồn gốc của họ”. Tuy nhiên, định nghĩa này không thể áp dụng đối với số lượng sinh viên du học ảo gia tăng trong và sau đại dịch. Nó hạ thấp ảnh hưởng của những quốc gia có ít sinh viên đi du học quốc tế theo các chương trình cấp bằng, nhưng lại có số lượng lớn sinh viên theo học trực tuyến các khóa học quốc tế cấp tín chỉ hoặc các chương trình trao đổi ngắn hạn.

Ngay cả khi đại dịch khiến hoạt động du học quốc tế tạm thời bị đình trệ, vẫn không có lý do gì để cho rằng số lượng du học sinh quốc tế sẽ không tiếp tục tăng tại các điểm đến truyền thống. Tuy nhiên, phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng một sự thay đổi đáng kể đang diễn ra, trong đó những khu giáo dục đã được lên kế hoạch và mới nổi có ảnh hưởng lớn hơn trong một cấu trúc mạng lưới đa cực hơn.