Lee Rensimer là nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Trung tâm giáo dục đại học toàn cầu, Viện Giáo dục, University College London, Vương quốc Anh. Email: L.rensimer@ucl.ac.uk. Rachel Brooks là giáo sư ngành xã hội học và là phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và đổi mới, Khoa nghệ thuật và khoa học xã hội, Đại học Surrey, Vương quốc Anh. E-mail: R.brooks@surrey.ac.uk.
Tóm tắt: Sáng kiến các trường đại học châu Âu là chiến lược đầy tham vọng của Ủy ban châu Âu nhằm hợp nhất các trường đại học trong toàn khu vực thành những liên minh xuyên quốc gia tập trung vào những nhiệm vụ chung về mặt tổ chức, theo chủ đề hoặc sứ mệnh giải quyết các thách thức. Qua những vòng lựa chọn liên tiếp bắt đầu từ 2019, hiện có 44 liên minh đang xây dựng quan hệ đối tác sâu sắc giữa các thành viên, được hỗ trợ thông qua mức tài trợ không đồng đều từ Ủy ban, chính phủ quốc gia, và từ chính các tổ chức trong liên minh, điều mà dường như đang làm tăng thêm sự bất bình đẳng trong toàn cảnh giáo dục đại học ở châu Âu, khi đặt mục tiêu xuất sắc đối lập với sự hòa nhập.
Sáng kiến Đại học châu Âu (European Universities Initiative – EUI), là một công cụ chính sách mới được Ủy ban châu Âu ủng hộ nhằm thiết lập những liên minh tích hợp chặt chẽ giữa các trường đại học. Ban đầu chỉ giới hạn ở những trường đại học trong những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Erasmus+, giờ đây mở rộng tới 49 quốc gia thành viên của Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu (European Higher Education Area – EHEA), EUI đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và hoạt động dân sự của các trường đại học bằng cách tài trợ để hình thành tổ chức “Các trường đại học châu Âu”, thường bao gồm từ 6 đến 10 trường đại học châu Âu. Thông qua các vòng lựa chọn cạnh tranh riêng biệt từ năm 2019 đến năm 2022, hiện có 44 liên minh bao gồm tổng cộng 340 trường đại học, bên cạnh một số lượng lớn các tổ chức dân sự, tư nhân và phi lợi nhuận, và chính quyền của 31 quốc gia.
Mục tiêu của EUI là thúc đẩy “sự xuất sắc, đổi mới và hòa nhập trong giáo dục đại học trên khắp châu Âu” – được coi là phần mở rộng của những sáng kiến hội nhập giáo dục đại học trước đây của khu vực bao gồm Quy trình Bologna (dẫn đến việc thành lập EHEA) và Erasmus+ (cơ chế chính cho phép sinh viên quốc tế và giảng viên di chuyển trong châu Âu). Cả hai sáng kiến trước đây đều đặt nền móng cho chính sách này; với Bologna tăng tính tương thích quốc tế của các bằng cấp và tín chỉ được cấp bởi các tổ chức trên khắp châu Âu, và cho phép hợp tác chặt chẽ hơn và tăng lưu lượng sinh viên và giảng viên xuyên biên giới. EUI tăng cường hiệu quả sự hợp tác này – thường thông qua những quan hệ đối tác Erasmus+ đã có hoặc hiệp hội các trường đại học – bằng cách nhóm các tổ chức theo chủ đề (ví dụ Liên minh các trường khoa học xã hội và kinh doanh), theo hình thức tổ chức (ví dụ Những trường đại học nghiên cứu chuyên sâu “trẻ”), hoặc liên quan đến một thách thức liên ngành (ví dụ Những trường đại học tập trung vào tính bền vững khu vực duyên hải). Những trường đại học tham gia liên minh đều ưu tiên hoạt động du học, trao đổi và hợp tác trong liên minh của họ, củng cố các nguồn lực trong khi thực hiện đổi mới và định hình lại bộ mặt của giáo dục đại học châu Âu thông qua việc liên kết đào tạo, tạo cơ hội trao đổi học thuật và tạo ảnh hưởng với tư cách là chủ thể chính sách.
Chúng tôi cho rằng đáng lo ngại khi EUI làm tăng thêm sự bất bình đẳng giữa các trường đại học mà hai sáng kiến trước đó đã tạo ra. Sự chuyển đổi của hệ thống giáo dục đại học ở Đông Âu và vùng ngoại vi châu Âu bắt nguồn từ Bologna đã dẫn đến những kết quả khó xác định, mặc dù dữ liệu cho thấy sự mất cân bằng rõ ràng giữa hai chiều du học đến và đi từ những nước Tây Âu lớn. Sự xuất hiện của các hiệp hội hoặc mạng lưới đại học tiếp tục phân tầng các trường đại học thành các cấp tương ứng, thông qua việc củng cố hồ sơ và danh tiếng của các thành viên. Những bất bình đẳng trong toàn ngành nhắc nhở chúng ta rằng toàn cảnh giáo dục đại học châu Âu là một địa hình rất không bằng phẳng, với nhiều mức độ khác nhau cả về nguồn lực và kinh nghiệm hội nhập khu vực. Nếu những mục tiêu do Ủy ban về EUI đặt ra bao gồm cả xuất sắc và hòa nhập, thì câu hỏi đặt ra là liệu sáng kiến này có thể thúc đẩy đồng thời cả hai hay không. Với mô hình đấu thầu tài trợ cạnh tranh và một-kích-thước-chung-cho-tất-cả, EUI dường như sẵn sàng thúc đẩy những trường đã có sẵn lợi thế, củng cố vị trí của họ trong hệ thống phân tầng các trường đại học châu Âu và làm rộng hơn khoảng cách giữa những trường đại học chọn lọc và ít chọn lọc hơn.
Những bất bình đẳng trong toàn ngành nhắc nhở chúng ta rằng toàn cảnh giáo dục đại học châu Âu là một địa hình rất không bằng phẳng, với nhiều mức độ khác nhau cả về nguồn lực và kinh nghiệm hội nhập khu vực.
Mất cân bằng địa lý
Trừ một số ít ngoại lệ, các liên minh thường bao gồm một trường đại học từ mỗi quốc gia. Tuy nhiên, với trung bình 8 trường đại học trong mỗi liên minh, thành phần của họ là sự phản ánh những quyết định chiến lược ban đầu – hoặc những quyết định đã có từ trước trong trường hợp liên minh bắt nguồn từ các hiệp hội trường đại học. Mặc dù các thành viên trong liên minh đều có thẩm quyền ngang nhau về mặt địa lý, có thể thấy trước được là thành phần tập thể chủ yếu trong cả 44 liên minh là những trường đại học và các quốc gia Tây Âu, đặc biệt các trường đại học của Đức và Pháp – hai quốc gia có mặt trong hầu hết các liên minh. Trường đại học chịu trách nhiệm phối hợp, định hình và lãnh đạo trong mỗi liên minh, đặc biệt ở giai đoạn khởi đầu, cũng thường là một trường của Tây Âu. Sự thiếu cân bằng giữa đại diện của các hệ thống quốc gia trong liên minh củng cố tình trạng mất cân bằng hiện có trong giáo dục đại học của châu Âu, trong đó những quốc gia ở ngoại vi địa lý và chính trị của châu Âu có ít trường đại học tham gia sáng kiến hơn đáng kể và ít được hưởng những lợi ích của nó.
Mức hỗ trợ tài chính và chính trị khác nhau
Một yếu tố quan trọng trong cấu trúc tài trợ của EUI là yêu cầu những trường đại học trong liên minh đồng tài trợ cho các hoạt động của liên minh. Mức độ tài trợ tùy thuộc vào quy mô và phạm vi của liên minh, nhưng có thể quá sức đối với nhiều trường đại học cấp thấp hơn và ít nguồn lực hơn. Trong những vòng lựa chọn thử nghiệm năm 2019 và 2020, Ủy ban đã cấp cho mỗi liên minh được phê duyệt cùng một số tiền cố định là 5 triệu EUR cho những hoạt động xây dựng quan hệ đối tác, và thêm 2 triệu EUR cho nghiên cứu chung trong thời gian 3 năm. Một số nhà lãnh đạo liên minh mà chúng tôi phỏng vấn bày tỏ mối lo ngại của họ về gánh nặng tài chính mà các thành viên phải chịu theo cách khác nhau, và về việc điều này quyết định sự lựa chọn đối tác tham gia vào liên minh, quy mô của liên minh, và phạm vi tham gia của mỗi thành viên.
Một yếu tố khác làm phức tạp hóa nguồn lực là cam kết chính trị không đồng đều của chính quyền quốc gia và địa phương trong việc hỗ trợ tài chính cho EUI; một số chính phủ quốc gia hỗ trợ những trường đại học của họ tham gia liên minh bằng những khoản hỗ trợ vô điều kiện. Trong trường hợp của Đức, chính phủ liên bang chỉ tài trợ những hoạt động mới hoặc hoạt động bổ sung trong những liên minh mà các trường đại học của Đức tham gia; trong khi một số chính quyền cấp bang cung cấp thêm tài trợ mà không đặt ra điều kiện. Một số quốc gia không cung cấp bất kỳ khoản tài trợ nào cho việc tham gia vào EUI, ví dụ Hà Lan cho rằng EUI là một “sáng kiến tinh hoa” thúc đẩy quốc tế hóa gây bất lợi cho nền giáo dục đại học của Hà Lan một cách tổng thể. Như chính phủ Hà Lan chỉ ra, sự đồng tài trợ với nhiều mức độ khác nhau này đang tạo ra đặc quyền cho một số trường đại học, củng cố sự bất bình đẳng tài chính hiện có trong hệ thống giáo dục quốc gia và khu vực nói chung.
Khao khát sự liều lĩnh?
Khi đưa ra cam kết đóng góp nguồn lực cần thiết để trở thành thành viên, các trường đại học trong liên minh tự đặt mình trước những rủi ro về tài chính và uy tín mà không có sự đảm bảo hỗ trợ thêm từ Ủy ban châu Âu. Đương nhiên, các trường đại học tính toán rủi ro khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh tài chính và vị thế của mình; trong những trường hợp cực đoan, chẳng hạn như các trường đại học ở Vương quốc Anh, việc tham gia vào một liên minh tạo ra một phương tiện có thể giảm thiểu rủi ro địa chính trị liên quan đến việc ở bên ngoài Liên minh châu Âu. Các nhà lãnh đạo liên minh trên khắp châu Âu mà chúng tôi phỏng vấn đã mô tả – theo những cách trái ngược – động cơ thành lập hoặc tham gia liên minh của họ, tầm quan trọng tương đối của liên minh đối với danh mục đầu tư quốc tế của họ và hậu quả của sự thất bại. Đối với một số hệ thống, EUI có vai trò như một “nơi để thử nghiệm những cách thức hợp tác mới”, và là một loại hoạt động diễn ra song song với những hoạt động hợp tác quốc tế lớn khác. Những liên minh khác coi đây là cơ hội sống còn để chuyển đổi thể chế và nâng cao vị trí của họ, với mục đích rõ ràng là cuối cùng hợp nhất nhiều cơ sở thành một trường đại học duy nhất của toàn khu vực. Trong khi thể hiện sự khao khát liều lĩnh khác nhau, những tuyên bố này cũng phản ánh khả năng chấp nhận rủi ro của các trường đại học cũng như năng lực và quyền tự chủ của họ để quyết định như vậy.
EUI là một sáng kiến mới và vẫn đang tiếp tục được triển khai; vòng lựa chọn gần đây nhất tạo ra 4 liên minh mới, và cung cấp cho mỗi liên minh đã có 14,4 triệu EUR trong 4 năm tiếp theo. Mặc dù Ủy ban nhấn mạnh đến cơ hội bền vững được cung cấp cho 340 trường đại học hiện tại đang là thành viên, cuối cùng thì sáng kiến này chỉ phục vụ khoảng 7% toàn bộ nền giáo dục đại học châu Âu. Việc tập trung nguồn lực chủ yếu vào những trường đại học Tây Âu đã có quan hệ đối tác quốc tế từ trước – chỉ càng củng cố thêm lợi thế của những trường đại học chọn lọc và có nguồn lực tương đối mạnh, và đặt mục tiêu xuất sắc của EUI cao hơn mục tiêu hòa nhập.