Lập luận ủng hộ cho hợp tác học thuật với Trung Quốc

William C. Kirby là Giáo sư Trung Quốc học mang tên T.M. Chan, và Giáo sư Quản trị Kinh doanh mang tên Family Spangler tại Đại học Harvard. Email: wkirby@hbs.edu

Tóm tắt: Trong giáo dục cũng như trong những lĩnh vực khác, chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc ưu tiên lợi ích riêng hơn những mối quan tâm chung. Sự nghi ngờ lẫn nhau được đặt cao hơn lợi ích của cả đôi bên. Điều này đe dọa sự hợp tác sâu rộng và thành công giữa các trường đại học Trung Quốc và Hoa Kỳ, vốn là một động lực tích cực mạnh mẽ cho cả hai nước. Đây là lúc chúng ta cần duy trì – thực ra là tăng cường sự hợp tác với các đối tác Trung Quốc, vì lịch sử đã cho thấy sự nguy hiểm của việc tự cô lập về học thuật.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các trường đại học liên kết với nhau. Những tổ chức được coi là trường đại học có nguồn gốc từ thời trung cổ, nhưng trường đại học nghiên cứu hiện đại là khá mới về mặt lịch sử, và đều mang tính quốc tế. Các trường đại học đã mô phỏng lại, đầu tiên là ở Đức, sau đó là theo những mô hình của Đức, trên toàn cầu vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Vì sao khẩu hiệu của Stanford lại bằng tiếng Đức? (Die Luft der Freiheit weht— “Ngọn gió tự do thổi”). Và theo cách nào mà Cai Yuanpei, vị hiệu trưởng vĩ đại của Đại học Bắc Kinh, người được đào tạo ở Đức, đã biến “Beida” thành một pháo đài khoa học và nghệ thuật khai phóng trong thời kỳ phục hưng văn hóa của Trung Quốc trong 25 năm đầu thế kỷ 20?

Cuốn sách mới của tôi – “Empires of Ideas (Vương quốc của những ý tưởng) đặt ra câu hỏi sau: nếu các trường đại học Đức đã xác định những tiêu chuẩn toàn cầu vào thế kỷ 19; và nếu các trường đại học Hoa Kỳ – xây dựng vượt xa kinh nghiệm của Đức – dẫn đầu tất cả các bảng xếp hạng toàn cầu vào cuối thế kỷ 20; thì các trường đại học Trung Quốc – khi đã học được các bài học từ cả châu Âu và châu Mỹ – có sẵn sàng dẫn đầu thế kỷ 21 không?

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Ngày nay, khi Đức tái hiện lại những trường đại học của mình thông qua chương trình Sáng kiến xuất sắc, và khi Hoa Kỳ rút vốn đầu tư, ít nhất là khỏi những trường công của mình, Trung Quốc đã thể hiện một tham vọng không ai sánh kịp là xây dựng nhiều trường đại học đẳng cấp thế giới hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Để làm việc này, các trường đại học Trung Quốc được tiếp cận nguồn nhân lực tốt nhất – các học giả Trung Quốc ở trong nước hoặc ở nước ngoài – nhiều hơn bất kỳ hệ thống đại học nào trên Trái Đất. Trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS năm 2023, Đại học Beida (tức Đại học Bắc Kinh) chỉ đứng sau một trong những trường đại học thuộc nhóm “Ivy League” của Hoa Kỳ, với Đại học Thanh Hoa ở vị trí tiếp theo; 5 trong số 50 trường đại học hàng đầu của bảng xếp hạng là các trường của Trung Quốc. Trong những năm tới, những trường đại học sáng tạo như Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, Đại học Westlake và Đại học ShanghaiTech dường như đã sẵn sàng để ghi dấu ấn của mình. Ở Trung Quốc, việc hợp tác với các trường Hoa Kỳ đã tạo ra những doanh nghiệp đầy tham vọng như NYU-Shanghai, Đại học Duke Kunshan và Quỹ học bổng Schwarzman Scholars tại Đại học Thanh Hoa.

Đúng là Hoa Kỳ vẫn là nơi có nhiều trường đại học đẳng cấp thế giới hơn bất kỳ nơi nào khác. Đó là nhờ vào những phương thức tốt để tuyển dụng giảng viên và sinh viên toàn cầu. Các trường đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ có rất nhiều nghiên cứu sinh Trung Quốc. Các khoa cũng tuyển dụng những học giả Trung Quốc xuất sắc. Năm 2018, 26% những bài báo quốc tế của Hoa Kỳ về khoa học và kỹ thuật có đồng tác giả là những nhà nghiên cứu từ Trung Quốc.

Thách thức đối với Hoa Kỳ

Tuy nhiên, vị thế của Hoa Kỳ với tư cách là điểm đến ưa thích của những tài năng nước ngoài hiện rất mong manh. Như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với người đồng cấp Hoa Kỳ, Donald Trump “Nếu hạn chế sinh viên Trung Quốc đến Hoa Kỳ, thì các vị đang làm một việc rất có lợi cho châu Âu”. Báo cáo năm 2022 của nhóm chuyên gia cố vấn Bắc Kinh từ Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, đã dự đoán rằng “có thể nhiều sinh viên Trung Quốc sẽ chuyển sang các nước ở châu Âu và châu Á hơn, vì ở đó có môi trường học tập và chính sách thị thực thân thiện hơn”. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng sinh viên Trung Quốc được cấp thị thực vào Hoa Kỳ giảm hơn 50% so với giai đoạn trước COVID-19.

Việc hạn chế sinh viên và đồng nghiệp Trung Quốc sẽ gây hại cho chính Hoa Kỳ. Nhưng, như Philip Altbach, Xiaofeng Wan và Hans de Wit đã chỉ ra, các trường đại học ở Hoa Kỳ ngày càng bị coi là bạo lực, bị chính trị hóa và không chào đón sinh viên nước ngoài. Chủ nghĩa Trump và đại dịch đã làm bộc lộ những mặt tồi tệ nhất của sự bất ổn và phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang xấu đi và những vụ bắt giữ những nhà khoa học nổi tiếng gốc Hoa ở Hoa Kỳ khiến dư luận phải chú ý, và gây lo lắng cho cả hai bờ Thái Bình Dương.

Một thách thức nữa đối với Hoa Kỳ là việc giảm đầu tư có tính hệ thống vào giáo dục đại học công lập ở 44 trong số 50 bang của Hoa Kỳ. Tôi viết bài này từ khuôn viên của Đại học California, Berkeley, lá cờ đầu của hệ thống Đại học California, nơi vẫn là hệ thống giáo dục đại học công lập lớn nhất trên thế giới. Trong cuốn sách của tôi, chương về Berkeley có tiêu đề “Giáo dục công, tài trợ tư nhân”. UC-Berkeley là một trường hợp điển hình về việc các trường đại học công lập lớn của Hoa Kỳ đang trong tình trạng nguy nan về tài chính một cách có hệ thống. Còn các trường đại học tư nhân được tài trợ tốt hơn của chúng ta đang khổ sở không phải vì sự cạnh tranh với Trung Quốc, mà vì điều mà Richard Brodhead, cựu hiệu trưởng của Đại học Yale và Chủ tịch danh dự của Duke, gọi là “quán tính của sự xuất sắc”.

Các trường đại học công hoặc tư của Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới bằng cách học hỏi từ những trường khác. Nhưng lần cuối bạn thấy một hiệu trưởng hoặc trưởng khoa của trường đại học Hoa Kỳ tìm kiếm mô hình nghiên cứu, giảng dạy mới hay bất cứ điều gì đó ở nước ngoài là khi nào? Chúng ta cần phải nhớ, lãnh đạo là một khái niệm so sánh: câu chuyện ở đây không chỉ về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực đại học, mà còn là về khả năng suy tàn của Hoa Kỳ.

 

Trong giáo dục cũng như trong những lĩnh vực khác, dường như ngày nay Hoa Kỳ và Trung Quốc ưu tiên lợi ích riêng hơn những mối quan tâm chung.

 

Phản ứng và phản ứng ngược lại

Trong giáo dục cũng như trong những lĩnh vực khác, dường như ngày nay Hoa Kỳ và Trung Quốc ưu tiên lợi ích riêng hơn những mối quan tâm chung. Sự nghi ngờ lẫn nhau được đặt cao hơn lợi ích của cả đôi bên. Năm 2018, các giảng viên Đại học Cornell buộc phải đình chỉ một chương trình với trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, sau khi Đại học Nhân dân kỷ luật những sinh viên thành lập những nhóm độc lập đọc chủ nghĩa Mác và ủng hộ quyền của người lao động. Nhưng đội ngũ giảng viên tự cho mình là đúng của Cornell lại không biết rằng lãnh đạo trường Đại học Nhân dân đã cố gắng bảo vệ những sinh viên này – hoặc họ đã thực sự tự hào về những thanh niên có lý tưởng này. Bằng việc cắt đứt quan hệ với các trường đại học Trung Quốc, chúng ta đã làm tổn thương những người cùng chia sẻ giá trị của các nhà lãnh đạo đại học trên toàn thế giới. Đưa ra những “lệnh trừng phạt” dễ dàng hơn là cố gắng cảm thông.

Ở Trung Quốc cũng có những áp lực khiến các trường đại học phải tách ra. Chính sách zero-COVID ngăn cản việc gặp mặt trao đổi học thuật quốc tế ở Trung Quốc. Đại dịch toàn cầu này lẽ ra có thể là một cơ hội tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Kể từ khi hai nước ký kết Hiệp định Hợp tác Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ – Trung Quốc vào năm 1979, hợp tác khoa học giữa các học giả Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tạo ra những bước đột phá trong việc phát triển những phương pháp điều trị ung thư, nghiên cứu AIDS, theo dõi bệnh cúm và công nghệ biến đổi khí hậu. Phần lớn những hoạt động hợp tác này hiện đang bị đóng băng.

Lịch sử đan xen với nhau

Đại học Thanh Hoa được thành lập vào năm 1911 như một trường dự bị để gửi thanh niên Trung Quốc đến các trường đại học Hoa Kỳ. Nó trở thành trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc vào những năm 1930. Theo những từ được viết trên đài tưởng niệm nổi tiếng của trường, đó từng là ngôi nhà của “Tinh thần độc lập và Tâm trí không bị ràng buộc” (duli zhi jingsheng, ziyou zhi sixiang ). Cố vấn về lịch sử Trung Quốc của tôi – ông John K. Fairbank, cha đẻ ngành Trung Quốc học hiện đại ở Hoa Kỳ – đã học lịch sử Trung Quốc tại Thanh Hoa dưới sự hướng dẫn của nhà sử học vĩ đại và sau này là nhà ngoại giao Jiang Tingfu, người đã được đào tạo tại Oberlin và Columbia. Fairbank nói với tôi rằng một trong những điều ông thấy đáng tiếc nhất là việc Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ học thuật với Trung Quốc vào những năm 1950, trong thời đầu của chủ nghĩa biệt lập đối với nhau. Những mối quan hệ này đã phải mất nhiều thập kỷ để xây dựng lại.

Đầu năm nay, dưới áp lực chính trị to lớn, 3 trường đại học Trung Quốc rút khỏi bảng xếp hạng toàn cầu để theo đuổi “nền giáo dục đặc sắc Trung Quốc”. Nhưng không có cái gọi là “mô hình Trung Quốc” cho các trường đại học. Trong hơn một và một phần tư thế kỷ, các trường đại học Trung Quốc đã phát triển theo mô hình quốc tế và hợp tác với các đối tác châu Âu và Hoa Kỳ. Họ đã vươn lên hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, đồng thời – bất cứ khi nào hoàn cảnh chính trị cho phép – thúc đẩy giá trị của nghiên cứu mở vốn là dấu ấn nổi bật của những trường đại học hàng đầu thế giới. Họ đã chứng kiến các cuộc vận động chính trị đến rồi đi. Họ phải có tầm nhìn xa. Và chúng ta cũng nên như vậy.