Hợp tác quốc tế với Nga và Trung Quốc: các nhà nghiên cứu đứng trước những lựa chọn khó khăn

Jonathan Adams là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Chính sách, King’s College London, Vương quốc Anh và là giám đốc khoa học tại Viện Thông tin Khoa học tại Clarivate. Email: jonathan.adams@clarivate.com. Jonathan Grant là cựu hiệu trưởng King’s College London, và hiện là giám đốc sáng lập của công ty tư vấn Other Angles. Email: jgrant@differentangles.co.uk. Jo Johnson là thành viên cao cấp tại Trường Harvard Kennedy, President’s Professorial Fellow tại King’s College London, và là cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Đại học của Vương quốc Anh. Email: jojohnsonft@gmail.com. Daniel Murphy là giám đốc điều hành của Trung tâm Kinh doanh và Chính phủ Mossavar-Rahmani (M-RCBG) tại Trường Harvard Kennedy, Hoa Kỳ. Email: daniel_murphy@hks.harvard.edu.

Bài viết này dựa trên báo cáo “Stumbling bear, soaring dragon: Russia, China and the geopolitics of global science” – Jo Johnson, Jonathan Adams, Jonathan Grant và Daniel Murphy (2022).

Tóm tắt: Mạng lưới nghiên cứu toàn cầu đã phát triển vượt bậc trong bốn thập kỷ qua, nhưng hệ thống ngày càng hợp tác và cởi mở hơn này có thể bị đe dọa bởi những thay đổi chính trị gần đây. Những ví dụ tương phản về Nga và Trung Quốc minh họa một tình thế tiến thoái lưỡng nan cần được tháo gỡ và các nhà nghiên cứu trong giáo dục đại học không thể nhắm mắt làm ngơ. Các tổ chức giáo dục đại học cần xác định rõ và thống nhất định hướng của mình một cách cẩn thận nếu muốn tiếp tục thu hoạch thành quả của sự đổi mới và chia sẻ tri thức.

Các mạng lưới nghiên cứu toàn cầu ngày nay đã phát triển từ những hệ thống mang nhiều tính “quốc gia” hơn. Thế giới nghiên cứu năm 1980 do G7 và Liên Xô thống trị thay đổi tương đối chậm và duy trì sự cân bằng rộng rãi từ năm này sang năm khác. Điều đó đã thay đổi nhờ thông tin liên lạc tốt hơn, đi lại rẻ hơn và Internet. Nhận thức ngày càng tăng về vai trò trung tâm của R&D (nghiên cứu và phát triển) trong việc kích thích khả năng cạnh tranh kinh tế và năng lực công nghệ dẫn đến việc nhiều quốc gia đầu tư lớn hơn cho nghiên cứu. Những cường quốc nghiên cứu mới xuất hiện ở châu Á và sự phát triển phi thường của cơ sở hạ tầng nghiên cứu của Trung Quốc đã phá vỡ hệ thống nghiên cứu xuất sắc phân bậc.

Thông tin liên lạc được cải thiện cũng có tác động sâu sắc khác. Vào những năm 1980, những quốc gia có hợp tác quốc tế chỉ chiếm 5% số bài báo được đăng tải trên những tạp chí thuộc danh mục Science Citation Index khi đó. Đến năm 2010, con số đó đã vượt qua 50% số bài báo được được đăng tải trên những tạp chí thuộc danh mục của Web of Science và vẫn tiếp tục tăng lên. Đỉnh cao của nghiên cứu đã chuyển từ công việc học thuật thông qua ưu tiên quốc gia sang nỗ lực quốc tế. Nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất chính là hoạt động được chia sẻ giữa những trường đại học hàng đầu của nhiều quốc gia.

Những thách thức

Một tin tuyệt vời là các quốc gia sẽ cùng chia sẻ gánh nặng ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, đại dịch, dân số già, an ninh lương thực và nước, cũng như nguồn cung cấp năng lượng. Nền tảng của văn hóa nghiên cứu từ trước tới giờ là tri thức được chia sẻ cởi mở, với dữ liệu được cung cấp thông qua những ấn phẩm rõ ràng, đầy đủ và trung thực. Những quy ước như vậy tạo thành nền tảng “bất thành văn” trong đào tạo nghiên cứu.

Do đó, sẽ là một thách thức đáng kể đối với cách suy nghĩ và cách làm việc truyền thống khi những kết nối toàn cầu bị căng thẳng bởi những chế độ hà khắc ở những quốc gia tham gia hợp tác. Báo cáo mới của chúng tôi “Stumbling Bear, Soaring Dragon/ Gấu sẩy chân, Rồng cất cánh” (ngụ ý Nga và Trung Quốc) – phần thứ tư trong loạt bài của Viện Chính sách King’s College London và các chi nhánh của Trung tâm Kinh doanh và Chính phủ Mossavar-Rahmani tại Trường Harvard Kennedy – tập trung vào nội dung này. Chúng tôi thảo luận cụ thể về Nga và Trung Quốc, nhưng phạm vi của vấn đề là thách thức toàn cầu rộng lớn hơn.

Những tổ chức nghiên cứu hàng đầu ở châu Âu và Bắc Mỹ, cùng với những đối tác lịch sử của họ ở những khu vực khác, vẫn duy trì một mạng lưới cộng tác cởi mở. Những quốc gia không đầu tư vào quan hệ đối tác quốc tế, hoặc bị gạt ra ngoài – sẽ mất đi cơ hội tiếp cận với nghiên cứu hàng đầu và những cơ hội liên quan để chuyển giao tri thức. Đỉnh cao của sự đổi mới không chỉ phụ thuộc vào những nguồn lực hữu hình (vì nghiên cứu như vậy vượt quá khả năng của bất kỳ nhóm nào), mà còn phụ thuộc vào sự hiệp lực tập thể về ý tưởng và năng lực.

Khi mạng lưới nghiên cứu toàn cầu mở rộng và đa dạng hóa, thu hút những đối tác mới có lịch sử nghiên cứu ngắn hơn, nó cũng tiếp xúc với những chế độ không có cùng quan điểm chính trị, và trong một số trường hợp, những chế độ nuôi dưỡng cách tiếp cận rất khác với văn hóa nghiên cứu truyền thống mang tính tập thể. Chúng ta nên duy trì và thúc đẩy hợp tác quốc tế thế nào khi những cách tiếp cận này xung đột với nhau?

Nga và Trung Quốc

Cách thức đơn giản nhất là chỉ tập trung vào Nga và cuộc chiến của họ ở Ukraine. So với thời hoàng kim của bộ máy nghiên cứu Xô Viết, hệ thống khoa học Nga đương thời khá yếu kém, thoái hóa và ngày càng bị gạt ra bên lề. Trong những năm 1980, Liên Xô là nhà xuất bản nghiên cứu nhiều thứ năm trên thế giới, ngay cả khi không tính những tạp chí bằng tiếng Nga. Nga ngày nay đứng thứ 16 về sản lượng nghiên cứu trong số 30 quốc gia hàng đầu, với chỉ 3% bài báo được được đăng tải trên những tạp chí thuộc danh mục của Web of Science. Họ chỉ đầu tư 1% GDP cho R&D, so với mức trung bình của OECD năm 2020 là 2,7%; lực lượng nghiên cứu của họ đã giảm 20% kể từ năm 2000; một nửa hợp tác quốc tế của họ tập trung vào những chương trình đa quốc gia về thiên văn học và vật lý hạt nhân/ vật lý hạt cơ bản.

Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã trở nên quan trọng hơn nhiều đối với Nga và hiện có khả năng sẽ vượt qua Hoa Kỳ và Đức để trở thành đối tác quan trọng nhất của Nga.

Điều này có nghĩa là, có lẽ ngoại trừ trong những lĩnh vực vừa nhắc đến, phương Tây có thể gạt Nga ra ngoài mà không làm suy yếu nền khoa học của mình. Ngay cả ở Trung và Đông Âu, Nga là đối tác thường xuyên nhất chỉ với Belarus và được xếp hạng trong số 10 đối tác nghiên cứu hàng đầu với chỉ 4 đối tác khác. Ở Trung Á, Nga đã bị Thổ Nhĩ Kỳ thay thế trong quan hệ đối tác với Kyrgyzstan và bị Trung Quốc thay thế trong hợp tác với Uzbekistan.

Tuy nhiên, Nga chỉ là đối tác quan trọng thứ 19 của Trung Quốc, một vị trí mà nước này đã duy trì trong 10 năm qua. Nói một cách đơn giản, trong 20 năm qua, Trung Quốc đã trở nên quan trọng hơn nhiều đối với Nga và hiện có khả năng sẽ vượt qua Hoa Kỳ và Đức để trở thành đối tác quan trọng nhất của Nga, nhưng Nga vẫn không quan trọng đối với khoa học Trung Quốc hơn nhiều quốc gia khác trong Sáng kiến Vành đai & Con đường.

Với Trung Quốc, áp dụng những phản ứng đơn giản như với Nga – là sai lầm. Việc gạt khoa học Trung Quốc ra ngoài lề dẫn đến những hệ quả tiêu cực nghiêm trọng, như những người đề xuất điều này sau đó đã nhận ra. Trung Quốc đã trở thành quốc gia chi lớn nhất thế giới cho R&D; sản lượng nghiên cứu của Trung Quốc được đăng tải trên những tạp chí bằng tiếng Anh vượt qua sản lượng của Hoa Kỳ; Trung Quốc hiện là đối tác nghiên cứu thường xuyên thứ nhất hoặc thứ hai với hầu hết các quốc gia G7; và là đối tác hàng đầu ở những nơi xa xôi như các quốc gia Bắc Âu, Baltic, Úc, Singapore và Hàn Quốc.

Nghiên cứu của Trung Quốc không xuất hiện từ nền tảng trống rỗng, mà từ sự chuyển đổi của một nền kinh tế theo nhu cầu với những tổ chức chuyên biệt đặt ra mục tiêu nghiên cứu là những lĩnh vực công nghiệp và quân sự cụ thể. Các tổ chức đã hợp nhất thành các trường đại học đa khoa, và việc đào tạo nghiên cứu theo mô hình phương Tây đã được mở rộng rất nhiều. Quá trình chuyển đổi đã diễn ra nhanh chóng một cách đột phá so với bối cảnh nghiên cứu toàn cầu (số lượng ấn phẩm tạp chí đã tăng gấp 25 lần kể từ năm 2000), và trong khi những cấu trúc nghiên cứu ấn tượng đã được thiết lập, văn hóa nghiên cứu lại không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Ví dụ như không giống như hầu hết các quốc gia, Trung Quốc ít hợp tác hơn và những quan hệ hợp tác mà họ đang có thường mang tính song phương. Khoảng ba phần tư những bài báo trên tạp chí tiếng Anh của Trung Quốc được viết bởi những tác giả trong nước, không có đồng tác giả quốc tế và chỉ 7% là hợp tác đa phương so với khoảng 30% là hợp tác song phương với hầu hết các nước G7. Trung Quốc có mô hình lựa chọn riêng, liên quan đến cả quan hệ đối tác và những công nghệ quan trọng về kinh tế mà họ tập trung xây dựng sự hợp tác, điều này đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà quản lý nghiên cứu và làm hạn chế dòng kiến thức mới nổi.

Khi thừa nhận đây là một vấn đề, chúng ta cần hiểu rõ rằng Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã chậm trễ không chỉ trong việc giám sát những mối quan hệ này mà còn trong việc tăng cường sự hiểu biết của chính họ về nghiên cứu của Trung Quốc. Có bao nhiêu nhà khoa học phương Tây có thể nói hoặc đọc một từ ngôn ngữ phổ thông của Trung Quốc? Cần nhiều hơn những người có thể làm được như vậy. Dòng chảy thông tin đòi hỏi một kênh hai chiều và cái giá của việc cô lập Trung Quốc sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc cấm vận Nga.

Mạng lưới toàn cầu rộng lớn hơn

Địa chính trị khắc nghiệt hơn có thể làm gián đoạn quá trình mở rộng quốc tế hóa khoa học. Những sự kiện gần đây sẽ là bài học cho phương Tây về sự hợp tác, không chỉ với Trung Quốc, mà còn với những chế độ độc tài khác đang theo đuổi những chính sách mâu thuẫn với sự trao đổi tri thức, và mâu thuẫn với một xã hội cởi mở, hòa nhập.

Không chỉ Nga và Trung Quốc đặt ra những vấn đề như vậy. Gần đây, Ai Cập, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, vì những lý do khác nhau, đều nêu ra những câu hỏi về đạo đức của hợp tác nghiên cứu và văn hóa. Những câu trả lời thường lẫn lộn và không nhất quán. Trung Đông là một mạng lưới mở rộng đầu tư khoa học, và thường thông qua sự hợp tác với Trung Quốc và Nga, được thúc đẩy bởi những chế độ độc tài. Tất cả những điều này có thể tạo ra thách thức đối với sự hợp tác bình đẳng.

Chúng ta không thể giới hạn hợp tác chỉ trong một nhóm đáng tin cậy và áp dụng những chính sách tránh rủi ro một cách không cần thiết – điều này sẽ làm tê liệt khoa học. Các mạng lưới toàn cầu hóa sẽ khô héo nếu các quốc gia quay lại với những ưu tiên trong nước. Chúng ta cũng không thể mộng du trong việc cung cấp bí quyết, tính hợp pháp và hỗ trợ năng lực công nghệ cho những quốc gia có lợi ích về cơ bản trái ngược với lợi ích của chúng ta. Không có quy tắc nào phù hợp với tất cả; với những biện pháp bảo vệ phù hợp, chúng ta có thể theo đuổi một số quan hệ hợp tác; nhưng để làm bất cứ điều gì chúng ta đều cần có thông tin đầy đủ, cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định cụ thể cho từng tình huống.