Ethiopia: đưa quan điểm địa phương vào chính sách quốc tế hóa

Wonderwosen Tamrat là giáo sư cộng tác, và là chủ tịch sáng lập của Đại học St. Mary, Ethiopia, và thành viên liên kết của PROPHE. Ông điều phối tiểu ban Giáo dục đại học tư thục châu Phi thuộc Liên minh Chiến lược Giáo dục lục địa Châu Phi (CESA). E-mail: wonderwosentamrat@gmail.com hoặc preswond@smuc.edu.et

Tóm tắt: Khi phát triển chính sách quốc tế hóa vào năm 2020, Ethiopia đã gia nhập nhóm một số quốc gia châu Phi cùng có chính sách như vậy. Hướng tới quốc tế hóa toàn diện, những mục tiêu và thành phần của tài liệu này thể hiện những nỗ lực có ý thức kết hợp những quan điểm và đặc tính địa phương vào chính sách quốc tế hóa. Quá trình áp dụng sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết những thiếu sót trong quá khứ, những thách thức đang nổi lên, và những mục tiêu đầy tham vọng của chính sách mới.

Ở Ethiopia, quốc tế hóa giáo dục đại học được nhìn nhận là một cam kết quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giảng dạy và nghiên cứu, trao đổi sinh viên và giảng viên, huy động các nguồn lực quốc tế, và nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn học thuật.

Cho đến gần đây, Ethiopia vẫn không có một chính sách quốc gia để hướng dẫn lập kế hoạch, chỉ đạo, hỗ trợ và thực hiện hoạt động trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục đại học. Với việc ban hành lần đầu tiên chính sách như vậy vào năm 2020, Ethiopia đã vạch ra rõ ràng những nguyên tắc, cơ sở lý luận và lĩnh vực trọng tâm làm chỗ dựa để quốc tế hóa giáo dục đại học định hướng phát triển. Như được thảo luận dưới đây, những nỗ lực có chủ ý đã được thực hiện để kết hợp lợi ích địa phương và lợi thế của hệ thống vào chính sách quốc tế hóa.

Các mục tiêu

Chính sách quốc tế hóa xác định bốn nhóm mục tiêu lớn đặt ra là học thuật, kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội. Mục tiêu học thuật, được xác định là nhóm mục tiêu chính – tập trung vào việc nâng cao chất lượng, sự phù hợp, tạo ra tri thức và tiến bộ trong ngành. Sự nhấn mạnh vào cơ sở lý luận học thuật là một dấu hiệu rõ ràng về cách quốc tế hóa có thể được sử dụng như một công cụ quan trọng để giải quyết những thiếu sót của hệ thống giáo dục đại học ở Ethiopia và có lẽ ở hầu hết những nước đang phát triển.

Nhóm mục tiêu kinh tế của chính sách này là mới và kỳ vọng tạo ra thu nhập bằng cách khai thác những hoạt động như chương trình chất lượng, bằng sáng chế khoa học và đổi mới. Nếu theo đuổi mục tiêu này vì lợi ích thương mại quá mức, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực và gợi ý sự cần thiết có một cơ chế giải quyết mối lo ngại này.

Mục tiêu chính trị tập trung vào việc sử dụng quốc tế hóa giáo dục đại học như một thành phần của quyền lực ngoại giao mềm của Ethiopia và củng cố sự chung sống hòa bình trong và ngoài khu vực; trong khi mục tiêu văn hóa xã hội tập trung vào việc thúc đẩy sự hiểu biết và trao đổi văn hóa với thế giới bên ngoài và giải quyết những thách thức toàn cầu và Những Mục tiêu Phát triển Bền vững. Những nhóm mục tiêu cơ bản này phù hợp với vai trò của Ethiopia là trụ sở của Liên minh châu Phi, và cam kết của nước này trong việc giải quyết những thách thức quốc gia, khu vực và toàn cầu. Những định hướng và chiến lược chính sách chính sẽ được trình bày dưới đây.

Quốc tế hóa nghiên cứu và hợp tác quốc tế

Chính sách quốc tế hóa của Ethiopia nhấn mạnh rằng nghiên cứu và hợp tác quốc tế sẽ thúc đẩy việc truyền bá những phương pháp dạy và học mới, phát triển chương trình giảng dạy, truyền đạt kiến thức, tiếp thu và sử dụng cơ sở vật chất và thiết bị, và nâng cao chất lượng giáo dục—điều này một lần nữa tương ứng với những mục tiêu học thuật đã xác định ở trên.

Hơn nữa, chính sách này thừa nhận sự cần thiết phải tạo ra những cơ chế phù hợp để các nhà khoa học quốc tế tiếp cận các cơ hội và cơ sở nghiên cứu ở Ethiopia. Ngoài việc thu hút cộng đồng người Ethiopia hải ngoại tham gia vào quốc tế hóa nghiên cứu và hợp tác quốc tế, chính sách này tập trung ưu tiên cho quan hệ hợp tác với khu vực Nam bán cầu vốn thường bị bỏ quên do sự hợp tác với Bắc bán cầu vẫn chiếm ưu thế.

Trao đổi học thuật ở cấp thể chế và chương trình

Định hướng chính sách mới tái khẳng định cam kết của Ethiopia đối với việc đảm bảo tính phù hợp của những chương trình nước ngoài được cung cấp trong nước và ngăn chặn các nhà cung cấp vô đạo đức. Không giống như những quốc gia khác, nơi những nhà cung cấp như vậy tự tung tự tác và gây nhiều thiệt hại, kể từ năm 2012, Ethiopia đã nổi tiếng vì thiết lập một cơ chế quản lý nhằm kiểm soát giáo dục xuyên quốc gia, cơ chế này tiếp tục được duy trì trong chính sách mới.

Chính sách này cũng quy định rằng những chương trình do các tổ chức giáo dục đại học (HEI) của Ethiopia cung cấp ở nước ngoài phải được phê duyệt bởi Cơ quan kiểm soát Chất lượng &  Sự phù hợp của Giáo dục Đại học (nay là Cơ quan Giáo dục & Đào tạo). Điều này là chưa từng có trong quá khứ, bất chấp sự hiện diện của một số nhà cung cấp Ethiopia hoạt động ở những nước láng giềng. Bằng cấp nước ngoài và chứng nhận trình độ của Ethiopia được công nhận tương đương.

Chính sách này còn đề xuất thiết lập hệ thống quản lý thông tin và dữ liệu về IHE với cấu trúc, ngân sách và nguồn lực phù hợp. Đây vẫn là một trong những lỗ hổng phổ biến nhất trong hệ thống, cả ở cấp quốc gia và thể chế.

Trao đổi học thuật ở cấp cá nhân

Thông tin gần đây từ Viện Thống kê của UNESCO cho thấy số lượng sinh viên Ethiopia ra nước ngoài du học là 7626, phân tán với số lượng nhỏ hơn trên nhiều quốc gia. Hoa Kỳ là điểm đến phổ biến nhất, chiếm 29% tổng số sinh viên Ethiopia đang học tập ở nước ngoài. Ethiopia là một trong số những quốc gia có số lượng giảng viên và sinh viên đến châu Âu nhiều nhất theo chương trình Erasmus. Trong lục địa châu Á, Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp học bổng chính cho sinh viên Ethiopia. Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc gần đây đã gia nhập danh sách những điểm đến nước ngoài phổ biến.

Dữ liệu 2019–2020 của Bộ Giáo dục chỉ ra rằng trong các cơ sở giáo dục đại học của Ethiopia có 1816 sinh viên nước ngoài đang theo học chương trình đại học (76%), thạc sĩ (22%) và tiến sĩ (2%). Một số lượng đáng kể sinh viên nước ngoài theo học tại các cơ sở giáo dục đại học của Ethiopia nhờ vào học bổng dành cho người tị nạn từ những quốc gia như Congo Brazzaville, Eritrea, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Yemen.

 

Chính sách này cũng khuyến khích sự tham gia của công dân nước ngoài và cộng đồng hải ngoại người Ethiopia trong những hoạt động như chuyển giao tri thức, tạo ra tri thức và xây dựng năng lực.

 

Để tạo điều kiện trao đổi học thuật và nâng cao sự thành công của sinh viên trong nước, chính sách mới nhấn mạnh đến sự cần thiết đồng bộ những yêu cầu nhập cư quốc gia và thủ tục giấy phép học tập và lao động cho người nước ngoài làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Ethiopia, ưu tiên cho công dân từ những nước láng giềng và Nam bán cầu. Những thay đổi theo hướng này được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu sự hỗ trợ có tổ chức từ chính phủ cho sinh viên Ethiopia đi du học và sinh viên nước ngoài đến Ethiopia, những người cần nhiều hình thức trợ giúp khác nhau. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ phụ thuộc vào mức độ hợp tác nhận được từ các tổ chức chính phủ và các bộ liên quan đang chịu trách nhiệm và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ này.

Chính sách này cũng khuyến khích sự tham gia của công dân nước ngoài và cộng đồng hải ngoại người Ethiopia trong những hoạt động như chuyển giao tri thức, tạo ra tri thức và xây dựng năng lực. Có lẽ để phản ánh cam kết liên tục của Ethiopia đối với giáo dục dành cho người tị nạn, chính sách cũng đồng thời công nhận quyền tiếp cận giáo dục đại học của người tị nạn, dựa trên những quy định được nêu trong tuyên bố quốc gia về người tị nạn.

Quốc tế hóa tại chỗ (IaHInternationalization at Home)

Chính sách mới nhấn mạnh sự cần thiết đưa nội dung và quan điểm trọng tâm toàn cầu vào lớp học và các môn học, cũng như vào kết quả học tập, nhiệm vụ đánh giá, phương pháp giảng dạy, và những dịch vụ hỗ trợ của các chương trình học tập thông qua việc phát triển những chương trình giảng dạy phù hợp. Chính sách nhấn mạnh rằng sự thông thạo kiến thức bản địa phải được coi trọng ngang bằng với phát triển năng lực toàn cầu và kiến thức thông qua IaH.

Các cơ sở giáo dục đại học được khuyến khích đảm bảo giảng viên và sinh viên đánh giá cao sự đa dạng quốc tế và trao đổi liên văn hóa. Ngoài chương trình giảng dạy, chính sách coi việc học ngôn ngữ nước ngoài là một cơ chế để thúc đẩy IaH và khuyến khích việc giảng dạy ngoại ngữ. Những tham vọng này có vẻ phù hợp với những mục tiêu lớn hơn của ngành là tạo ra một hệ thống giáo dục đại học hướng đến đào tạo “những sinh viên tốt nghiệp đủ khả năng cạnh tranh quốc tế.”

Những thách thức trong thực hiện

Chính sách quốc tế hóa giáo dục đại học mới của Ethiopia phản ánh những nỗ lực có ý thức nhằm phát triển những kế hoạch và chiến lược định hướng giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của địa phương. Là một hiện tượng hiếm hoi trong bối cảnh châu Phi, chính sách cung cấp một mô hình thực tế để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa ở những nước có thu nhập thấp hơn.

Hướng đến quốc tế hóa toàn diện, chính sách này có thể tác động tức thì bằng cách thiết lập định hướng chiến lược cho các cơ sở giáo dục đại học của Ethiopia, là những nơi mà nỗ lực quốc tế hóa trong quá khứ không được hướng dẫn rõ ràng. Chính sách này cũng có thể thúc đẩy sức mạnh tổng hợp của các chiến lược và quy trình của thể chế, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, việc biến những mục tiêu chính sách thành hành động ngay lập tức có thể không dễ dàng, nếu xét đến những thành tựu trong quá khứ, những thách thức, và những kế hoạch dự kiến đầy tham vọng. Trong vài năm qua, hoạt động quốc tế hóa của các cơ sở giáo dục đại học ở Ethiopia đã bị chững lại do cần giải quyết nhiều tác động của COVID-19. Tình trạng này còn trầm trọng hơn bởi những bất ổn dân sự hiện nay trong nước, tiếp tục ảnh hưởng đến mọi hoạt động của các tổ chức giáo dục đại học. Vẫn chỉ có rất ít những cơ sở giáo dục đại học tự phát triển chính sách và chiến lược quốc tế hóa của riêng họ dựa trên chính sách quốc gia này.

Mặc dù những chính sách quốc gia sẽ luôn hữu ích để IHE định hướng trong mê cung, nhưng việc triển khai sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực, do những thách thức ở địa phương và quỹ đạo lịch sử phát triển của quốc tế hóa trong một thế giới bất bình đẳng, nơi mà việc giải quyết những nhu cầu và ưu tiên của địa phương có thể vấp phải vô vàn những phức tạp và thất vọng, đòi hỏi lập kế hoạch cẩn thận, đàm phán và đôi khi là thỏa hiệp.