Cộng đồng học thuật hải ngoại và quốc tế hóa: giới học thuật Thổ Nhĩ Kỳ tại Vương quốc Anh

Tugay Durak là nghiên cứu sinh tiến sĩ và là trợ lý giảng dạy sau đại học tại Viện Giáo dục IOE, Khoa Giáo dục và Xã hội, University College London, Vương quốc Anh. Email: t.durak@ucl.ac.uk.

Tóm tắt: Khi số lượng các học giả quốc tế ngày càng tăng, những cuộc thảo luận về những lợi ích mà họ có thể cung cấp cho đồng bào và đất nước quê hương của họ được ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của lực lượng hải ngoại đối với đồng nghiệp trong nước có vai trò thế nào trong việc củng cố quốc tế hóa giáo dục đại học lại ít được chú ý đến. Lấy các học giả Thổ Nhĩ Kỳ tại Vương quốc Anh làm ví dụ, bài viết này làm sáng tỏ mối liên hệ giữa cộng đồng học thuật hải ngoại và quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học.

Trong những thập kỷ gần đây, Vương quốc Anh đã trở thành một trung tâm toàn cầu thu hút các học giả từ khắp nơi trên thế giới. Thống kê cho thấy, vào năm 2021, hơn 70 ngàn học giả quốc tế đã được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục đại học của Vương quốc Anh, chiếm gần một phần ba lực lượng lao động học thuật ở quốc gia này. Trong khi Vương quốc Anh được hưởng lợi đáng kể từ lực lượng học thuật quốc tế nhập cư, quê hương của những học giả quốc tế này phải trả giá đắt vì để mất những bộ óc tài năng như vậy cho Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, có nhiều cách để cải thiện hiệu ứng của sự chảy máu chất xám này và thậm chí thu lợi từ cộng đồng học thuật hải ngoại. Trong bài viết này, tôi sử dụng bằng chứng từ nghiên cứu về cộng đồng học thuật Thổ Nhĩ Kỳ ở Vương quốc Anh để cho thấy sự tham gia của cộng đồng các học giả hải ngoại đã hỗ trợ quốc tế hóa giáo dục đại học ở cả nước gửi và nước nhận. Trường hợp này làm sáng tỏ vô số cách mà cộng đồng học thuật hải ngoại chủ đích hỗ trợ những người đồng hương (ví dụ như bằng cách thiết lập sự hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia và tiếp đón những người đồng hương), và bằng cách đó, củng cố quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học ở cả nước sở tại và quê hương của họ.

Cộng đồng học giả Thổ Nhĩ Kỳ tại Vương quốc Anh

Từ trước tới nay, Hoa Kỳ luôn là điểm đến phổ biến nhất của du học sinh và các nhà nghiên cứu từ Thổ Nhĩ Kỳ (mặc dù lục địa châu Âu, đặc biệt là Đức, là ngôi nhà của hàng triệu lao động nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ, lại ít hấp dẫn hơn đối với những người di cư học thuật). Tuy nhiên, điều này đã bắt đầu thay đổi. Trong những năm gần đây, Vương quốc Anh đang nhanh chóng trở thành một trung tâm học thuật thời thượng mới, thu hút hàng nghìn sinh viên và học giả Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 5 năm qua, số lượng sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ tại Vương quốc Anh tăng 30% và đạt mức cao nhất là 4135, số học giả Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học (HEI) của Vương quốc Anh đã tăng hơn gấp đôi, đạt 815 vào năm 2021.

            Cộng đồng học thuật hải ngoại này hỗ trợ quốc tế hóa theo nhiều cách.

Cộng đồng học thuật hải ngoại là một nguồn kiến thức

Cộng đồng học thuật hải ngoại này hỗ trợ quốc tế hóa theo nhiều cách. Nhiều học giả Thổ Nhĩ Kỳ định cư tại Vương quốc Anh đã tổ chức hội thảo tại các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí cung cấp các khóa đào tạo thạc sĩ tại các trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian hè. Do COVID-19, sự tham gia ảo của các học giả Thổ Nhĩ Kỳ định cư tại Vương quốc Anh trong những hoạt động như vậy đã tăng vọt. Trong hầu hết các trường hợp, nhờ những đóng góp như vậy, sinh viên và các nhà nghiên cứu cấp thấp ở Thổ Nhĩ Kỳ liên hệ với các học giả Thổ Nhĩ Kỳ đang sống tại Vương quốc Anh để nhờ họ giúp đỡ, chẳng hạn như phản hồi về đề tài đăng ký nghiên cứu tiến sĩ của họ hoặc các bài báo học thuật. Các học giả Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Vương quốc Anh còn cung cấp những hiểu biết ngầm về hệ thống giáo dục đại học của Vương quốc Anh. Hiểu biết ngầm này bao gồm những chiến lược để sinh viên cải thiện cơ hội nhận được học bổng từ các trường đại học Vương quốc Anh và các tổ chức tài trợ, và chiến lược để các nhà nghiên cứu cấp thấp nổi trội trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng vào các HEI của Vương quốc Anh. Cộng đồng học giả Thổ Nhĩ ở hải ngoại coi việc cung cấp những hiểu biết ngầm như vậy là trách nhiệm của họ đối với đồng bào.

Cộng đồng học giả hải ngoại trong tư cách chủ nhà

Ngoài ra, hầu hết các học giả Thổ Nhĩ Kỳ đang định cư tại Vương quốc Anh đóng vai trò chủ nhà đối với các đồng hương, đặc biệt là sinh viên và các nhà nghiên cứu cấp thấp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Một khi họ giữ những vị trí cố định hoặc có vai trò quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học của Vương quốc Anh, họ chào đón và thậm chí khuyến khích khách tham quan học thuật đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một số trường hợp, những chuyến tham quan học thuật này biến thành quan hệ đối tác nghiên cứu dài hạn.

Cộng đồng học thuật hải ngoại với tư cách là đối tác nghiên cứu xuyên quốc gia

Các học giả Thổ Nhĩ Kỳ đang định cư tại Vương quốc Anh, đặc biệt các nhà khoa học xã hội, dễ dàng tham gia vào những dự án nghiên cứu song phương/ đa quốc gia với các đồng nghiệp trong nước, nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông, và việc đi lại dễ dàng hơn. Những cơ hội tài trợ hào phóng của Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác với những quốc gia có thu nhập thấp được các học giả Thổ Nhĩ Kỳ đang sống tại Vương quốc Anh khai thác rộng rãi để hợp tác với các học giả đồng hương tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vì hầu hết những quỹ nghiên cứu, chẳng hạn như Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu, đều yêu cầu sự lan tỏa kiến thức, cộng đồng học giả Thổ Nhĩ Kỳ ở hải ngoại tạo ra những kiến thức quan trọng có khả năng hỗ trợ sự phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt, quỹ hợp tác nghiên cứu song phương hàng đầu của Vương quốc Anh với những quốc gia có thu nhập thấp – Quỹ Newton – là một công cụ hiệu quả để các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Vương quốc Anh xây dựng quan hệ đối tác song phương với các nhà nghiên cứu trong nước, bởi vì quỹ này vượt qua được những thách thức quan liêu, và được độc quyền hỗ trợ quan hệ đối tác song phương với những quốc gia cụ thể, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Trong hầu hết các trường hợp, những quan hệ đối tác nghiên cứu này dẫn đến những bài báo khoa học có đồng tác giả là những học giả Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Vương quốc Anh và những học giả trong nước (điều đáng chú ý là việc thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu xuyên quốc gia khi không có tài trợ là một nhiệm vụ gần như bất khả thi do các học giả tại các trường đại học ở Vương quốc Anh đều phải thực hiện một khối lượng công việc nặng nề). Cuối cùng, những học giả Thổ Nhĩ Kỳ làm việc theo hợp đồng lâu dài tại các cơ sở nghiên cứu chuyên sâu của các trường đại học Vương quốc Anh dễ dàng xây dựng quan hệ đối tác xuyên quốc gia, vì vị trí của họ yêu cầu họ tập trung nhiều hơn vào những dự án quốc tế hơn là giảng dạy, và họ không phải dành thời gian tìm kiếm việc làm.

Kết luận và khuyến nghị

Sự tham gia của lực lượng học giả hải ngoại này trực tiếp và gián tiếp củng cố quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học ở Vương quốc Anh, vì họ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên và các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ dịch chuyển quốc tế, thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu xuyên quốc gia và đồng tác giả với các học giả quốc tế (tại Thổ Nhĩ Kỳ). Chính vì vậy mang lại lợi ích to lớn cho các tổ chức ở Vương quốc Anh để hỗ trợ các dự án nghiên cứu song phương/ đa quốc gia và các chương trình trao đổi, trong đó cộng đồng học thuật hải ngoại đóng vai trò tích cực xây dựng cầu nối – do đó, hỗ trợ quốc tế hóa giáo dục đại học.

Ngoài ra, sự tham gia của họ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của quê hương họ (trong trường hợp này là Thổ Nhĩ Kỳ), chẳng hạn bằng cách thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu xuyên quốc gia, chuyển giao kiến thức và đón tiếp các đồng nghiệp đồng hương, mặc dù những lợi ích này bị hạn chế do thiếu kinh phí song phương, do những thách thức quan liêu, do khối lượng công việc học thuật nặng nề ở Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh, và do sự thiếu vắng một mạng lưới chính thức của cộng đồng học thuật hải ngoại.

Một thách thức đặc biệt trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia này không có chương trình chính thức tạo ra một mạng lưới để cộng đồng học thuật hải ngoại có thể đóng góp như nguồn thông tin thiết yếu cho cả mục đích học thuật và hoạch định chính sách. Sự cẩu thả này trái ngược với những quốc gia khác đã đặc biệt xem xét sự hiện diện của công dân của họ ở nước ngoài như một sức mạnh cần được duy trì và nuôi dưỡng. Thổ Nhĩ Kỳ có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cộng đồng học giả hải ngoại của mình bằng cách thiết lập một mạng lưới tri thức chính thức có thể tạo điều kiện hợp tác với các cộng đồng học thuật hải ngoại khác, và tìm kiếm quan hệ đối tác nghiên cứu quốc tế với các cơ quan tài trợ của Vương quốc Anh, do đó giảm thiểu hậu quả của sự thất thoát tài năng của mình.

Như một nhận xét cuối cùng, nhiều học giả Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Vương quốc Anh đang chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiệm và chỉ trích sự thu hẹp tự do học thuật ở Thổ Nhĩ Kỳ; trên thực tế, điều này là một trong những lý do chính khiến họ quyết định ở lại làm việc tại Vương quốc Anh. Tuy nhiên, họ phân biệt rõ người dân Thổ Nhĩ Kỳ với chính phủ, và tiếp tục hỗ trợ đồng bào của họ vì mục đích đoàn kết.