Cải cách trong các trường đại học tư thục Nhật Bản

Jeremy Breaden là giáo sư cộng sự ngành Nhật bản học, tại Đại học Monash, Úc. E-mail: [email protected]. Roger Goodman là Giáo sư của Nissan về Nhật bản học và là Giám thị trường St Antony’s College, Đại học Oxford, Vương quốc Anh. E-mail: [email protected]

Tóm tắt: Giáo dục đại học tư thục ở Nhật chiếm gần 80% tổng số các trường đại học, và những cuộc tranh luận gần đây về phương thức quản trị của khu vực này thể hiện sự căng thẳng thú vị giữa những mô hình quản trị giáo dục đại học “toàn cầu” và những tập quán “địa phương”. Chìa khóa để hiểu những cuộc tranh luận này là thực tế rằng khoảng 40% các trường đại học tư thục của Nhật Bản được định nghĩa như những gì mà Altbach và các đồng tác giả gọi là FOMHEI (những cơ sở giáo dục đại học do gia đình sở hữu và điều hành).

Giáo dục đại học tư thục là khu vực phát triển nhanh nhất của giáo dục đại học trên toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng đặc biệt nhanh chóng của những trường mà Altbach và các đồng tác giả (2019) gọi là FOMHEI (“Family-Owned and -Managed Higher Education Institutions” – Những cơ sở giáo dục đại học do gia đình sở hữu và điều hành). Như được tóm tắt trong một bài viết trước trong tạp chí này (IHE số 107), mặc dù những trường như vậy luôn đối mặt với những rủi ro đáng kể (lạm dụng quỹ, gia đình trị và đấu đá nội bộ), họ cũng có những điểm mạnh tiềm năng đáng kể (tính linh hoạt, đầu tư cá nhân và tính liên tục). Những sự kiện gần đây ở Nhật Bản – nơi có hai thứ nhất thế giới: khu vực giáo dục đại học tư thục lớn nhất thế giới, và trong khu vực đó, số lượng FOMHEI lớn nhất thế giới – đã dẫn đến một số căng thẳng, đặc biệt liên quan đến việc làm sao để những trường như vậy được quản lý tốt nhất.

Vào tháng 12 năm 2021, một nhóm công tác do Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản (MEXT) ủy quyền đã công bố một báo cáo ấn tượng bất thường nhằm xem xét nhu cầu cải cách lớn trong những tập đoàn đang quản lý các trường đại học tư thục ở Nhật Bản. Một bản tóm tắt của báo cáo mở đầu như như sau: “Trong những năm gần đây, một số bê bối quản lý xảy ra trong các tập đoàn điều hành các trường đại học đã dẫn đến việc Chủ tịch Hội đồng quản trị phải vào tù và các thành viên hội đồng quản trị khác bị bắt vì tội vi phạm lòng tin; điều này tạo ra một vấn đề xã hội lớn… Những bất cập trong hệ thống quản trị của các tập đoàn trường học – được hệ thống thuế ưu đãi như một khoản tài trợ trực tiếp lớn từ nhà nước – đã nhiều lần được chỉ ra”.

Chỉ bốn tháng sau, vào tháng 3 năm 2022, Ủy ban MEXT thứ hai đã đưa ra một báo cáo riêng của họ về cùng chủ đề cải cách các tập đoàn trường học, và được trình bày khá trái ngược: “Các cơ sở giáo dục tư nhân giúp củng cố giáo dục công lập ở Nhật Bản, và để họ có được sự tin tưởng của xã hội và tiến xa hơn, điều cần thiết là phải theo đuổi những “cải cách khả thi” hệ thống tập đoàn trường học. Điều này phải được thực hiện theo cách phù hợp với lịch sử và sự đa dạng của các tổ chức trường học và đáp ứng nhu cầu của xã hội, cũng như (bằng cách) kết hợp với những biện pháp ngăn chặn sự tái diễn của những bê bối đã xảy ra cho đến nay”.

Chúng ta nên hiểu như thế nào về hai quan điểm hoàn toàn khác nhau này về sự cần thiết cải cách hệ thống quản lý giáo dục đại học tư thục ở Nhật Bản, xuất hiện cách nhau chỉ vài tháng, dưới sự bảo trợ của cùng một bộ?

Điều rõ ràng nhất là sự khác biệt trong báo cáo của hai ủy ban có thể được giải thích bởi thành phần của họ. Ủy ban đầu tiên bao gồm các nhà quản lý doanh nghiệp, các luật sư, và các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, và hầu như không có thành viên nào từ khu vực giáo dục đại học tư thục. Thành phần của Ủy ban thứ hai bị chi phối bởi đại diện của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kết hợp hai báo cáo này lại sẽ làm nổi bật sự căng thẳng giữa những mô hình quản trị giáo dục đại học “toàn cầu” (sử dụng tiếng Anh, tân khai phóng) và những thực tiễn “địa phương” (bị ràng buộc về mặt lịch sử, được thúc đẩy bởi văn hóa) đang diễn ra ở Nhật Bản, và cũng phản ánh trong một số tranh luận tương tự ở nhiều nơi trên thế giới.

 

Trường hợp của Nhật Bản đặc biệt thú vị, vì xét về tổng đầu tư tài chính, Nhật Bản có hệ thống giáo dục đại học lớn thứ hai trên thế giới.

 

Tăng cường tập trung vào giáo dục đại học tư thục

Trường hợp của Nhật Bản đặc biệt thú vị, vì xét về tổng đầu tư tài chính, Nhật Bản có hệ thống giáo dục đại học lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, trong lịch sử, hệ thống giáo dục đại học của Nhật Bản tập trung đầu tư vào các trường đại học quốc gia. Đã có một số lượng lớn tài liệu viết về quá trình cải cách quản trị của họ vào đầu những năm 2000 (xem Goodman, 2005), nhưng thực tế những tổ chức như vậy chỉ chiếm 10% tổng số các trường đại học ở Nhật Bản.

Khu vực tư thục, hoạt động dưới tên gọi là các “tập đoàn trường học” (gakkō hōjin), chiếm gần 80% tổng số các trường đại học, đào tạo số lượng rất lớn sinh viên, nhưng hầu như chưa được nghiên cứu như một hệ thống theo đúng nghĩa của nó, điều mà cuốn sách năm 2020 của chúng tôi – “Family-Run Universities in Japan” (Những trường đại học do gia đình điều hành ở Nhật Bản) – đã cố gắng khắc phục. Nhan đề của cuốn sách phản ánh thực tế là khoảng 40% các trường đại học tư thục (và là hơn 30% tổng số các trường đại học) ở Nhật Bản có thể được định nghĩa là doanh nghiệp gia đình.

Những vụ bê bối khơi lại cuộc tranh luận về các mô hình quản trị

Những tranh luận về cải cách quản trị các tập đoàn trường học đã nổ ra ở Nhật Bản trong nhiều năm, nhưng bối cảnh cụ thể dẫn đến việc thành lập Ủy ban đầu tiên là một loạt vụ bê bối lớn đã làm lung lay nghiêm trọng niềm tin của công chúng vào khả năng tự điều hành của những tập đoàn này. Vụ bê bối liên quan đến Đại học Nihon vào năm 2021 là một khoảnh khắc thay đổi lớn trong nhận thức của công chúng về vấn đề quản trị các tập đoàn trường học, vì nó liên quan đến việc lạm dụng số tiền khổng lồ tại trường đại học lớn nhất Nhật Bản xét theo số lượng sinh viên (77 ngàn) và cựu sinh viên (hơn 1,2 triệu). Phần lớn những phân tích vụ việc tập trung vào thực tế là mặc dù tất cả mọi người đều nhận thức được rằng vi phạm của chủ tịch hội đồng quản trị, người chịu trách nhiệm cho hầu hết các vấn đề – là nghiêm trọng, nhưng trong trường dường như hoàn toàn thiếu sự kiểm tra và thiếu sự cân bằng quyền lực khiến những thành viên khác của tổ chức không thể làm bất cứ điều gì để giải quyết vấn đề.

Ủy ban MEXT đầu tiên đề xuất cách giải quyết những vấn đề này bằng khuyến nghị cấm hoàn toàn các thành viên gia đình và “những người có lợi ích đặc biệt” khác tham gia vào Hyōgiin-kai (Hội đồng ủy viên), và trao cho hội đồng này quyền phủ quyết cuối cùng đối với Rijikai (Ban điều hành) hiện tại đang có nhiều quyền lực hơn. Mục đích là để tách quy trình ra quyết định hàng ngày khỏi những lợi ích cá nhân, đặc biệt là lợi ích tài chính, của chủ sở hữu và làm cho chúng phù hợp hơn với thông lệ quản trị tốt nhất ở nơi khác.

Ủy ban thứ hai được thành lập sau sự phản đối từ nhóm vận động hành lang đầy quyền lực của các trường đại học tư thục vốn không có đại diện trong Ủy ban đầu tiên. Nhóm này lập luận rằng Ủy ban đầu tiên đã không hiểu lịch sử phát triển của giáo dục đại học tư thục ở Nhật Bản, hoặc những thế mạnh đặc biệt của nó về mặt đầu tư dài hạn (tài chính, cá nhân, tình cảm). Chúng tôi đã mô tả những điểm mạnh này trong đề mục của cuốn sách của mình là “nguồn gốc của khả năng phục hồi sẵn có”, những điểm mạnh giúp các trường đại học tư thục tồn tại, bất chấp mọi dự đoán, bất chấp sự sụt giảm nghiêm trọng (40% trong giai đoạn 1992–2010) của sinh viên trong độ tuổi 18 và 19 – chiếm 95% thí sinh đăng ký mới.

Để bảo vệ nguyên trạng quyền lực của những người sáng lập, Ủy ban thứ hai khẳng định những điểm mạnh của những cấu trúc hiện có, khuyến nghị rằng Rijikai và Hyōgiin-kai nên hoạt động trong “sự hợp tác mang tính xây dựng” để giải quyết mọi xung đột. Ủy ban thứ hai đề xuất rằng khi đặt ra bất kỳ giới hạn nào về số lượng thành viên gia đình trong hội đồng ủy viên cũng cần tính đến “những quá trình dẫn đến việc thành lập tập đoàn và tinh thần sáng lập của nó.” Tổng cộng, báo cáo này sử dụng thuật ngữ “tinh thần sáng lập” (keng aku no seishin) không dưới 7 lần.

Đánh giá lại những mô hình quản trị giáo dục đại học toàn cầu

Hầu hết những nghiên cứu về quản trị đại học dường như coi việc tách biệt trách nhiệm chiến lược khỏi điều hành, chuyên môn hóa các kỹ năng của người được ủy thác, và sự tham gia của những thành viên bên ngoài không có lợi ích riêng – là cách duy nhất để bảo vệ lợi ích của khách hàng, của cán bộ giảng viên và nhà đầu tư. Như Austin và Jones (2016) chỉ ra, mặc dù cách tiếp cận này có nguy cơ bóp méo những đặc điểm độc đáo phân biệt các tổ chức giáo dục đại học với các tổ chức khác trong xã hội, rất ít người tỏ ra sẵn sàng chống lại những tuyên bố mang tính áp đảo này vì sợ bị coi là lạc lõng với thông lệ tốt nhất hiện nay. Do đó, báo cáo của Ủy ban thứ hai có thể là một trong những báo cáo đầu tiên ở cấp quốc gia (chắc chắn là một quốc gia lớn của OECD) thách thức mô hình quản trị tân khai phóng.