Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trên thị trường giáo dục quốc tế?

Qiang Zha

Qiang Zha là Phó Giáo sư tại Khoa Giáo dục, Đại học York, Toronto, Canada. Email: qzha@edu.yorku.ca.

Tóm tắt

Nhiều sinh viên Trung Quốc vẫn muốn đi du học, tuy nhiên, sau 5 năm nữa hoặc khoảng đó, số lượng này có thể giảm đi. Nguyên nhân chủ yếu là suy thoái kinh tế, điều kiện trong nước thay đổi, và chia rẽ địa chính trị.

———-

Cho đến gần đây, Trung Quốc là quốc gia nguồn cung hàng đầu trên thị trường giáo dục quốc tế, cung cấp hàng trăm nghìn du học sinh cho các trường đại học phương Tây. Ở một số quốc gia, học phí thu từ sinh viên

Trung Quốc trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều trường đại học. Đại dịch COVID-19 bùng phát và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Trung Quốc, những thay đổi trong các dòng địa chính trị và khuynh hướng thiên tả của ý thức hệ Trung Quốc, tất cả những điều này dẫn đến câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục là một quốc gia hàng đầu cung cấp du học sinh hay không – đặc biệt ở bậc đại học.

Sinh viên Trung Quốc vẫn mong muốn đi du học

Trong một bài báo năm 2011, “Cơn sốt du học trong giới sinh viên Trung Quốc”, tôi đã đề cập đến những lý do quan trọng đằng sau hiện tượng này: nhằm thoát khỏi sự cạnh tranh quá gay gắt được tạo ra bởi hệ thống phân cấp khắc nghiệt giữa các trường đại học Trung Quốc, và kèm theo đó là sự bất tương xứng giữa trải nghiệm học tập và lợi ích nhận được; tìm cách tối ưu hóa lợi ích lâu dài do giáo dục đem lại nhằm thúc đẩy sự phát triển cả con người và sự nghiệp, thay vì chỉ có được bằng cấp; và “theo trào lưu” một cách mù quáng, đặc biệt trong giới tinh hoa xã hội và quan chức chính phủ của Trung Quốc – là những người tạo ra mô hình gửi con cái ra nước ngoài du học từ những năm 1980.

Có thể cho rằng, những động lực này liên quan đến sự không hài lòng với chất lượng tổng thể của giáo dục đại học Trung Quốc và mong muốn đạt được lợi ích lớn hơn từ giáo dục, hoặc nhận thức về những khía cạnh đó. Kể từ khi bài báo của tôi được xuất bản, giáo dục đại học của Trung Quốc có thể đã cải thiện, nhưng vẫn chưa có những thay đổi cơ bản. Đến nay, sáng kiến “hạng nhất kép” đã thay thế cho Dự án 985 và 211, và số lượng những trường đại học ưu tú được tài trợ tăng lên gần bằng 150 (từ khoảng 110 thuộc Dự án 985 và 211). Tuy nhiên, chúng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 1.270 trường đại học của Trung Quốc, và do đó, là những trường cực kỳ chọn lọc. Sự cách biệt về nguồn lực giữa các trường đại học ưu tú và những trường khác vẫn rất lớn như trong quá khứ. Trong số những trường đại học khác, khoảng một nửa được thành lập từ những năm 2000, và nhiều trường vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng đi cho mình và hầu như không thể cung cấp một nền giáo dục chất lượng. Học thuyết Darwin xã hội tiếp tục thịnh hành ở Trung Quốc, và những sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học ưu tú được đặc biệt ưu ái trong thị trường việc làm. Nhiều chính quyền địa phương đưa ra những chính sách ưu tiên và tìm cách thu hút sinh viên tốt nghiệp từ những trường ưu tú bằng những ưu đãi, những điều này đến lượt chúng lại quảng cáo cho giá trị biểu tượng và kinh tế của tấm bằng tốt nghiệp từ một trường đại học ưu tú.

Bối cảnh tuyển dụng đang thay đổi đối với sinh viên tốt nghiệp về nước

Những năm gần đây cho thấy nhiều thay đổi lớn ở Trung Quốc, chủ yếu liên quan đến những lo ngại kinh tế. Một mặt, những sinh viên tốt nghiệp về nước đang mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường việc làm trong nước. Mặt khác, các nhà tuyển dụng trong nước thích tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú của Trung Quốc hơn là sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài về, vì nhóm đầu dường như thích nghi tốt hơn với phong cách làm việc và những kỳ vọng về họ trong bối cảnh Trung Quốc, và họ thường mang theo mạng lưới xã hội rộng rãi từ trường cũ. Mặt khác nữa, bằng cấp đại học nước ngoài và sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài không còn được chào đón như của hiếm. Chỉ riêng trong năm 2021 đã có hơn 820 ngàn sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài trở về để tìm việc làm ở Trung Quốc. Họ thường được đề nghị mức lương thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, thậm chí nhiều khả năng không đủ để bù đắp chi phí du học. Trong khi đó, du học đã trở thành một gánh nặng đối với ngày càng nhiều các gia đình Trung Quốc. Những gia đình làm công ăn lương (thường có thu nhập tương đương 15 ngàn đến 45 ngàn USD/năm) là nhóm lớn nhất gửi con cái đi du học nước ngoài (chiếm 40%). Những gia đình có thu nhập trung bình (thu nhập 45 đến 75 ngàn USD/năm) là nhóm lớn thứ hai (16%). Nhìn chung, những hộ gia đình làm công ăn lương và thu nhập trung bình tạo thành lực lượng chủ chốt gửi con cái đi du học và họ phải xoay sở với ngân sách (khá eo hẹp trong nhiều trường hợp) để chu cấp cho con cái học tập ở nước ngoài, trong bối cảnh ở mọi nơi mức học phí áp dụng cho sinh viên quốc tế đều tăng. Những hộ gia đình này thường nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi sự trì trệ hoặc suy thoái kinh tế, và ngay bây giờ họ đã cảm thấy gánh nặng lớn hơn. Trong tương lai xa hơn, các gia đình Trung Quốc dự kiến sẽ có hai con trở lên do chính sách kế hoạch hóa gia đình đã được gỡ bỏ. Điều này sẽ khiến họ không còn nhiều khả năng chu cấp cho con cái đi du học.

Trong khi đó, du học đã trở thành một gánh nặng đối với ngày càng nhiều các gia đình Trung Quốc.

Những yếu tố gây bất lợi cho xu hướng du học

Có lẽ hầu hết những người đi du học “theo trào lưu” đều thiếu động cơ thực sự và không đủ năng lực, và có thể cần được hỗ trợ – chẳng hạn như đào tạo ngoại ngữ và tư vấn để chuẩn bị hồ sơ đăng ký học bởi những đại lý chuyên nghiệp như New Oriental – những tổ chức này hiện đang trải qua giai đoạn suy thoái và phải cắt giảm các dịch vụ của mình. Điều thú vị là những đại lý này không chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần thiết cho nhiều sinh viên du học ở nước ngoài, mà còn là những nhà tuyển dụng phổ biến của những sinh viên tốt nghiệp về nước. Như vậy, việc kinh doanh của họ đi xuống có thể có tác động đến sinh viên Trung Quốc du học.

Điều tương tự cũng xảy ra với các trường phổ thông quốc tế ở Trung Quốc, chúng nở rộ trong hai thập kỷ qua và nhanh chóng phát triển lên đến 900 hoặc khoảng thế, với số lượng học sinh thường xuyên là 600 ngàn. Những trường này hình thành một lộ trình học tập thay thế cho các trường học thông thường, chuẩn bị trước ngay từ trung học cơ sở cho những học sinh trong tương lai sẽ đi du học. Hiện nay những trường này đang phải trải qua những cải cách, liên quan đến việc chuyển đổi thành trường tư thục thông thường và không được phép sử dụng từ “quốc tế” trong tên của họ, và không chỉ dành riêng cho học sinh dự định đi du học. Những tổ chức đã đăng ký là đại lý giáo dục/ đào tạo (cách này từng được sử dụng như một lối tắt hoặc một đường vòng để thành lập các trường quốc tế trong lãnh thổ Trung Quốc) đang bị đình chỉ. Và việc sử dụng giáo trình và sách giáo khoa nước ngoài trong những trường này cần được đệ trình để kiểm soát. Như hệ lụy của tình trạng thiếu giáo viên nước ngoài trầm trọng (do các chính sách COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc), các trường quốc tế dự báo sẽ tàn lụi, và điều này sẽ ảnh hưởng đến những học sinh định hướng đi du học từ khi còn nhỏ, những người được cho là quyết tâm nhất.

Ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị

Các trào lưu địa chính trị thay đổi nhiều khả năng ảnh hưởng đến định hướng du học của sinh viên Trung Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, một khảo sát của Pew Research Center cho thấy cách nhìn tiêu cực về Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong lịch sử ở nhiều quốc gia. Điều đáng chú ý là, những quốc gia điểm đến chính sau đây của du học sinh từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao về sự ác cảm đối với Trung Quốc: Nhật Bản (87%), Úc (86%), Hoa Kỳ (82%), Canada (74%), Đức (74%), Vương quốc Anh (69%) và Pháp (68%). Những đánh giá tiêu cực như vậy làm trầm trọng thêm tâm lý tiềm ẩn đề phòng Trung Quốc (hoặc thái độ chống Trung Quốc) trong những xã hội đó, do đó làm trầm trọng thêm tình trạng tách biệt và co cụm vốn có của sinh viên Trung Quốc, và tác động xấu đến trải nghiệm và kết quả học tập của họ. Chính phủ Hoa Kỳ hiện đã thực hiện những bước ngăn cản sinh viên Trung Quốc theo đuổi những chương trình nghiên cứu hoặc bằng cấp sau đại học được cho là liên quan đến những công nghệ nhạy cảm vì lý do an ninh quốc gia. Đó thường là những chương trình thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), và hứa hẹn lợi nhuận tốt hơn trong nền kinh tế dựa trên tri thức với vai trò bá chủ của STEM. Các đồng minh của Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ làm theo. Mặc dù những gợn sóng từ những “yếu tố thúc đẩy” như vậy lan truyền chậm, phụ huynh và học sinh Trung Quốc có thể đã bắt đầu cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của việc du học, trong bối cảnh lo ngại về sự chia rẽ nói chung giữa Trung Quốc và phương Tây.

Kết luận

Sinh viên Trung Quốc vẫn muốn đi du học, cơn sốt này có thể còn tiếp tục một thời gian nữa, nhưng – như đã giải thích ở trên – động lực của họ nhiều khả năng sẽ yếu đi. Một báo cáo nghiên cứu của China International Capital Corporation chỉ ra rằng hiện có khoảng 8,5 triệu hộ gia đình ở Trung Quốc có thu nhập hàng năm từ 30 ngàn USD trở lên, tạo thành xương sống của hiện tượng du học. Nếu đối chiếu với mức chuẩn là 1,6 triệu sinh viên Trung Quốc hiện đang du học ở nước ngoài, và tổng số sinh viên tốt nghiệp về nước là 3,8 triệu trong những năm 2009 – 2019, lĩnh vực này vẫn còn khả năng tăng trưởng. Ít nhất, những học sinh chuẩn bị đi du học từ khi còn nhỏ tuổi nhiều khả năng sẽ tiếp tục dự định của họ. Cơn sốt du học được dự đoán sẽ có bước ngoặt sau khoảng 5 năm nữa. Một số người có thể cho rằng những chính sách COVID-19 hà khắc hiện tại của Trung Quốc khiến nhiều người muốn rời khỏi đất nước, nhưng có lẽ đó chỉ là xu hướng ngắn hạn. Điều có thể khiến bước ngoặt đến sớm hơn là sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc.