Thay đổi địa chính trị trong hoạt động du học: Tác động đối với sinh viên Trung Á

Yusuf Ikbal Oldac

Yusuf Ikbal Oldac là Nghiên cứu viên sau tiến sỹ thuộc Hội đồng tài trợ nghiên cứu Hong Kong, Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông, Trung Quốc. Email: yusufoldac@ln.edu.hk.

Tóm tắt

Bắt đầu từ những năm 2010, Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành những điểm đến hàng đầu thu hút du học sinh Trung Á, vượt xa những quốc gia nói tiếng Anh và phương Tây vốn là những điểm đến truyền thống. Trong bài viết này, ba quốc gia nói trên được gọi là những quốc gia “tam giác”, vì tạo thành một tam giác địa chính trị ở phía Đông, Bắc và Tây Trung Á. Ba quốc gia này đã đạt được thành công đáng kể trong việc tăng số lượng sinh viên quốc tế, nhưng do những thay đổi to lớn liên tục trong địa chính trị, những thành công này không tỏ ra chắc chắn trong tương lai.

———

Những nước nói tiếng Anh và phương Tây vẫn luôn là những điểm hấp dẫn du học quốc tế truyền thống. Tuy nhiên, mô hình dịch chuyển của du học quốc tế (ISM – International Student Mobility) không phải là bất biến. Những nguồn dữ liệu quốc tế như của UNESCO chỉ ra rằng ngày càng nhiều sinh viên quốc tế chọn học ở những quốc gia khác ngoài những nước nói tiếng Anh và phương Tây, mặc dù những điểm đến này vẫn rất nổi bật. Thế giới đang chứng kiến một quá trình đa dạng hóa các điểm đến du học.

Trung Á là khu vực bao gồm năm quốc gia: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan, theo phân loại của Liên Hợp Quốc – cung cấp một ví dụ minh họa cho xu hướng đa nguyên hóa này. Đối với du học sinh đi từ khu vực này, những quốc gia điểm đến truyền thống không phải là lựa chọn hàng đầu. Thay vào đó, ba điểm đến khác đã và đang vượt xa những điểm đến truyền thống về số lượng du học sinh, đặc biệt từ những năm 2010. Đó là Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây, Nga ở phía Bắc và Trung Quốc ở phía Đông của Trung Á, tạo thành một tam giác địa chính trị với Trung Á là trung tâm.

Trung Á và những quốc gia tam giác

Trung Á có tầm quan trọng về địa chính trị chiến lược, đặc biệt trong lục địa Á – Âu. Do vị trí trung tâm của nó, khu vực này theo truyền thống đóng vai trò chính yếu trong việc kết nối Đông và Tây – hãy nhớ về đến con đường tơ lụa lịch sử – và hiện nay vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa và ý tưởng, theo cả hai chiều. Do kết nối trực tiếp với phương Tây, khu vực này được Trung Quốc coi là một phần quan trọng của sáng kiến “Vành đai và Con đường” và được đầu tư đáng kể.

Trung Á cũng là những quốc gia hậu Xô Viết từng là một phần trong một cơ cấu quản trị chung với nước Nga – quốc gia ngày nay thừa kế di sản của Liên Xô. Tiếng Nga được sử dụng phổ biến trong khu vực. Do đó, những quốc gia này đóng vai trò quan trọng đối với Nga trong việc duy trì phạm vi ảnh hưởng của mình, một lý do họ được Nga xác định là Cộng đồng các quốc gia độc lập.

Khu vực này cũng rất quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vì đây là quê hương của (hầu hết) người Thổ Nhĩ Kỳ, những người có nhiều đặc điểm chung về dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Lập luận này càng được củng cố sau tuyên bố của Tổ chức các quốc gia Turkic vào tháng 11/2021 tại Istanbul, trong đó bao gồm nhiều thỏa thuận nhằm tích hợp khu vực này trong những lĩnh vực như giáo dục, kinh tế và hậu cần.

Trung Á có tầm quan trọng về địa chính trị chiến lược, đặc biệt trong lục địa Á – Âu.

Xu hướng du học quốc tế

So sánh những xu hướng du học dựa trên dữ liệu của UNESCO chỉ ra rằng Nga là điểm đến hàng đầu của sinh viên Trung Á kể từ năm 2000, theo số liệu có sẵn sớm nhất. Số liệu gần đây nhất cho thấy vào năm 2019 ở Nga có 172.449 sinh viên quốc tế đến từ Trung Á. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc chỉ gần đây mới trở thành những điểm đến của sinh viên Trung Á. Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một quốc gia điểm đến quan trọng bắt đầu từ khoảng năm 2010, khi số lượng sinh viên từ Trung Á tăng hơn 540%, lên 44.224 người trong 10 năm tính đến năm 2019.

Trung Quốc là một điểm đến khác đang ngày càng hấp dẫn đối với sinh viên Trung Á. Dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ ra rằng Trung Quốc đã trở thành điểm đến phổ biến thứ ba đối với ISM từ khu vực này, với 18.450 sinh viên vào năm 2018. Để so sánh, năm 2019 Hoa Kỳ thu hút 5.827 sinh viên từ Trung Á, Vương quốc Anh 2.863 và Đức 6.355. Điều này cho thấy những quốc gia tam giác vượt qua đáng kể những điểm truyền thống là những quốc gia nói tiếng Anh và phương Tây trong việc thu hút ISM từ Trung Á.

Tương lai không chắc chắn

Mặc dù những quốc gia tam giác đã đạt được thành công đáng kể trong việc thu hút sinh viên quốc tế từ Trung Á, nhưng những thay đổi địa chính trị quan trọng hiện nay làm dấy lên sự hoài nghi về tương lai chắc chắn của xu hướng này.

Với cuộc chiến ở Ukraine, vị trí hàng đầu của Nga trong việc thu hút sinh viên Trung Á có thể bị đe dọa. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần thận trọng trước khi đưa ra kết luận. Những biện pháp cô lập nước Nga, đặc biệt từ thế giới phương Tây, dường như không được những khu vực khác của thế giới, bao gồm cả Trung Á, áp dụng nghiêm ngặt. Không quốc gia Trung Á nào ủng hộ đề nghị của Liên Hợp Quốc về Ukraine. Họ bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu. Những lệnh cấm vận gần đây, được tính toán sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga trong trung và dài hạn, có lẽ sẽ tác động mạnh hơn đến khả năng của Nga thu hút sinh viên từ khu vực Trung Á. Cùng với sự phổ biến của tiếng Nga và việc dễ dàng xin thị thực, học bổng toàn phần của Nga và triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp cho đến nay vẫn là những động lực mạnh mẽ khuyến khích sinh viên từ khu vực này. Những lệnh cấm vận có thể ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề này trong những năm tới.

Về Trung Quốc, điều đang gây ra sự hoài nghi về tương lai của du học quốc tế đến đây là nước này gần như đóng cửa với thế giới do chính sách không COVID-19. Sinh viên quốc tế bị chặn nhập cảnh trong hơn hai năm. Một số sinh viên đã phải tốt nghiệp mà không được tham gia lớp học trực tiếp tại trường trong nhiều năm. Và tại thời điểm bài viết này đang được thực hiện, những du học sinh trước đây không rời Trung Quốc vì sợ không được quay lại hiện đang bị hạn chế đi lại nếu họ ở những thành phố như Thượng Hải và Bắc Kinh. Các nước Trung Á không tuân theo những chính sách chống COVID-19 nghiêm ngặt như vậy. Trong số đó Turkmenistan có thể là quốc gia nghiêm ngặt nhất, nhưng cho đến nay vẫn chỉ đóng cửa đối với đi lại quốc tế, mà không có lệnh cấm di chuyển bên trong đất nước. Vào thời điểm bài viết này được thực hiện, dù đã có những dấu hiệu cải thiện trong việc nới lỏng thị thực sinh viên đến Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có bước tiến đáng kể nào. Bất kỳ sự thay đổi chính sách nào từ Trung Quốc trong vấn đề này cũng sẽ giúp nâng cao sức hấp dẫn của nước này đối với ISM.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, những khó khăn kinh tế khiến quốc gia này khó duy trì ổn định sức hấp dẫn ISM từ Trung Á. Học bổng toàn diện do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp là động lực quan trọng. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải đối mặt với sự mất giá nghiêm trọng của đồng tiền, với tỷ lệ lạm phát chạm mức 70% vào tháng 4/2022. Học bổng có thể trở nên kém hấp dẫn hơn sau những thay đổi này. Tuy nhiên, lúc này Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang ở vị trí tương đối tốt hơn so với Nga và Trung Quốc, nhờ việc không đóng cửa với ISM trong thời gian đại dịch và không phải đối mặt với những lệnh cấm vận khắc nghiệt từ phần lớn thế giới.

Kết luận

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trong việc duy trì sức thu hút ISM từ Trung Á, những quốc gia tam giác có thể vẫn giữ được vị trí là ba điểm đến hàng đầu của khu vực so với bất kỳ quốc gia nào khác. Điều này là do phần còn lại của thế giới không có chính sách cụ thể nào để thu hút thêm sinh viên từ khu vực địa chính trị quan trọng này. Nhiều khả năng sự cạnh tranh chỉ diễn ra giữa những quốc gia tam giác này.