Hợp tác toàn cầu Bắc – Nam trong giáo dục đại học: Xem xét lại các luồng viện trợ quốc tế

Francesc Pedró

Francesc Pedró là Giám đốc Học viện Quốc tế về Giáo dục Đại học của UNESCO. Email: f.pedro@unesco.org.

Bài viết này dựa trên “Exploring international aid for tertiary education: recent developments and current trends” của Galán-Muros, Chacón và Escribens. VCaracas, UNESCO International Institute for Higher Education, 2022.

Tóm tắt

Bài nghiên cứu trình bày tổng thể về viện trợ quốc tế dành cho giáo dục đại học, tầm ảnh hưởng và mối tương quan với các loại viện trợ khác, những đặc điểm chính, mô hình phân phối địa lý, các nhà viện trợ chính, các quốc gia nhận viện trợ và kênh triển khai. Bài báo thiết lập một cơ sở chung toàn cầu có thể đóng góp vào những dẫn chứng, những cuộc tranh luận của các bên liên quan xung quanh chủ đề này, và góp phần thay đổi mô hình.

———

Việc giáo dục đại học vắng bóng trong các chương trình nghị sự về phát triển quốc tế cho thấy lĩnh vực này dường như không còn vai trò quan trọng đối với viện trợ phát triển quốc tế, và không phản ánh những ưu tiên chính sách của các nước đang phát triển. Theo truyền thống, viện trợ quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho những sáng kiến phát triển ở những quốc gia bị nhiều hạn chế về cơ cấu. Viện trợ nước ngoài, đặc biệt dưới hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA), vẫn được những quốc gia giàu sử dụng để hỗ trợ những nước kém phát triển nhất bằng cách kích thích tăng trưởng kinh tế, cải thiện mức sống và xây dựng những trường đại học vững mạnh hơn. Nhưng gần đây không có nhiều thông tin về những luồng viện trợ cho giáo dục đại học hay tầm quan trọng của chúng.

Vắng bóng giáo dục đại học trong chương trình nghị sự về phát triển quốc tế
Vài thập niên gần đây đã hình thành sự đồng thuận về ưu tiên phát triển giáo dục phổ thông cơ bản và tăng cường cho giáo dục mầm non. Điều này xuất phát từ cam kết của cộng đồng quốc tế nhằm đẩy mạnh quyền được giáo dục, căn cứ vào những bằng chứng về vai trò của giáo dục phổ thông cơ bản trong sự phát triển. Ưu tiên hàng đầu này đã đẩy giáo dục đại học ra bên lề các cuộc thảo luận chính sách phát triển quốc tế.

Mặc dù vậy, số liệu cho thấy giáo dục đại học được hưởng lợi nhiều nhất từ viện trợ quốc tế, vượt xa giáo dục cơ bản và trung học. Trong năm 2019, 1/3 viện trợ ODA cho giáo dục là dành cho giáo dục sau trung học. Thực tế này thoạt nhìn có thể gây ngạc nhiên, vì các cuộc thảo luận quốc tế chủ yếu tập trung vào giáo dục cơ bản, tuy nhiên điều đó cũng nói lên sự hội tụ của thực tiễn đa dạng.

Một mặt, ở những nước có thu nhập thấp, tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học hàng năm của nhóm trong độ tuổi đại học giao động từ 9% ở châu Phi cận Sahara đến 52% ở châu Mỹ La-tinh và Caribe, theo dữ liệu của UNESCO về mục tiêu 4.3 trong Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 4 năm 2018. Những con số này cho thấy giáo dục đại học dịch chuyển từ tinh hoa sang đại chúng. Tỷ lệ 50% được nhận vào đại học chỉ ra rằng một quốc gia đang bước vào giai đoạn phổ cập giáo dục đại học – điều này được UNESCO coi là một khía cạnh của quyền được giáo dục và cơ hội học tập suốt đời.

Mặt khác, những bằng chứng gần đây cho thấy lợi ích nhận được từ việc đầu tư vào giáo dục đại học là tương đối cao không chỉ đối với người học, mà còn đối với xã hội và nền kinh tế nói chung. Một số nhà nghiên cứu cho rằng lợi ích mà cá nhân và xã hội thu được có quy mô tương đương. Đầu tư công vào giáo dục đại học tạo ra những hiệu ứng có thể nhận thấy rõ, cùng những tiến bộ khác góp phần vào phát triển kinh tế xã hội thông qua những tiến bộ về sức khỏe và dân sự; chưa kể đến những tác động trực tiếp của chúng đến thị trường lao động, và góp phần tạo ra môi trường thúc đẩy phát triển nền kinh tế định hướng tri thức.

Tuy nhiên, những phân tích kinh tế này không thể hiện được bức tranh toàn cảnh. Không phân ngành giáo dục nào có nhiều tiềm năng đóng góp cho Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) như giáo dục đại học, thông qua ba sứ mệnh mà các trường đại học theo đuổi: giảng dạy, nghiên cứu và đóng góp vào phát triển kinh tế và xã hội. Hơn nữa, những nước có thu nhập thấp càng có nhu cầu mở rộng năng lực chuyên môn và khoa học – trong khu vực công và tư – để xây dựng và quản lý lộ trình phát triển kinh tế xã hội. Một lần nữa, không phân ngành giáo dục nào khác có vị thế tốt hơn để làm việc này so với giáo dục đại học. Điều này được phản ánh thế nào trong các dòng viện trợ quốc tế hiện nay?

Dòng viện trợ quốc tế trong những năm qua nghiêng nhiều về các trường đại học, chỉ dành phần nhỏ cho những chương trình kỹ thuật sau trung học, bất chấp vai trò đặc biệt quan trọng của đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET) ở những nền kinh tế đang phát triển.

Dòng viện trợ quốc tế cho giáo dục đại học hiện nay

ODA dành cho giáo dục đại học (HED) chiếm 2,7% tổng dòng vốn ODA của năm 2019; con số này là 5,2 tỷ USD, như được nêu trong báo cáo của Viện Giáo dục Đại học Quốc tế UNESCO tại Hội nghị Giáo dục Đại học Thế giới lần thứ ba (Barcelona, tháng 5/2022). Phân tích này dựa trên dữ liệu của OECD và những nguồn khác để ước tính số lượng và các dòng viện trợ chảy từ những nước tài trợ đến nơi nhận viện trợ.

Dòng viện trợ quốc tế trong những năm qua nghiêng nhiều về các trường đại học, chỉ dành phần nhỏ cho những chương trình kỹ thuật sau trung học, bất chấp vai trò đặc biệt quan trọng của đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET) ở những nền kinh tế đang phát triển. Xu hướng này thúc đẩy những cuộc thảo luận xem xét lại việc cân bằng nhu cầu của những quốc gia nhận viện trợ quốc tế trong môi trường toàn cầu.

Các dòng viện trợ chủ yếu theo mô hình toàn cầu chảy từ Bắc xuống Nam, trong đó Đức và Pháp là những nhà tài trợ chính. Tổng quan về những quốc gia chính nhận HED ODA cho thấy những nước có thu nhập trung bình cao nhận phần lớn nguồn tài trợ, mặc dù họ có khả năng huy động nguồn lực trong nước. Trung Quốc (với tư cách là một quốc gia) và châu Á – Thái Bình Dương (với tư cách là một khu vực) đứng đầu danh sách. Trong năm 2019, những quốc gia có thu nhập trung bình đã nhận khoảng 70% nguồn viện trợ, nhiều hơn nhiều so với những quốc gia có thu nhập thấp nhất (12%). Riêng Trung Quốc đã nhận 8% viện trợ ODA cho giáo dục đại học, mặc dù bản thân nước này đang trở thành một nhà tài trợ lớn.

Gần 3/4 viện trợ ODA được giải ngân cho HED là dành cho học bổng và chi phí sinh viên. Chú trọng vào học bổng có thể cải thiện mục tiêu 4.b của SDG kêu gọi tăng cường dòng vốn ODA dưới dạng học bổng HED, đặc biệt cho những quốc gia kém phát triển nhất, các đảo nhỏ và quốc gia châu Phi. Cụ thể hơn, tỷ lệ ODA dành cho giáo dục đại học dành cho châu Phi chưa đến 1/5 (18%) vào năm 2019, giảm so với 31% năm 2002. Tỷ trọng ODA dành cho châu Phi – nơi có những chỉ số phát triển con người thấp nhất và có số lượng thanh thiếu niên lớn nhất thế giới vào năm 2050 – đang giảm đi, đặt ra một tình huống cấp bách đòi hỏi cộng đồng quốc tế tăng cường những cơ chế hợp tác dựa trên bằng chứng, hướng đến đúng đối tượng là những người bị bỏ lại phía sau.

Sự phụ thuộc vào những loại viện trợ có liên quan chặt chẽ đến hoạt động du học quốc tế này làm nảy sinh câu hỏi về tác động của viện trợ đối với sự phát triển hệ thống HED của quốc gia/ khu vực nhận, vì nguồn lực đó lại được tái đầu tư vào chính những quốc gia tài trợ. Nói cách khác, phần lớn số viện trợ tài chính đó được chi tiêu ở những nước cấp tài trợ. Nghịch lý này mở ra một không gian tranh luận quan trọng về mục đích, cam kết, chuẩn mực và tiêu chuẩn chung được thiết lập trong cách cung cấp viện trợ, làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc cung cấp cơ hội tiếp cận cho những nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất không hiện thực được quyền được phổ cập giáo dục.

Đề xuất

Dù dữ liệu liên quan đến giáo dục đại học khá hạn chế, vẫn có thể nói rằng nguồn vốn ODA chưa được phân bổ một cách hiệu quả, do đó không có nhiều tác động mạnh mẽ đến HE. Luồng viện trợ quốc tế hiệu quả và tác động của nó có thể tạo cơ hội cho các trường đại học toàn cầu phía Nam gia tăng tuyển sinh và giữ chân sinh viên, tăng cường chất lượng và hiệu quả đào tạo, mang lại cho sinh viên trải nghiệm học tập quốc tế, cải thiện tiến trình và kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, sẽ không thể đạt được đầy đủ những điều đó nếu viện trợ tài chính được phân phối theo cách đơn phương từ trên xuống, bởi lẽ cách này tạo ra sự lệ thuộc và duy trì hệ thống phân cấp toàn cầu – là thứ cản trở quan hệ hợp tác quốc tế cùng có lợi trong giáo dục đại học.

Đại dịch chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến viện trợ quốc tế dành cho phát triển giáo dục, và dẫn đến bối cảnh thậm chí khó khăn hơn khi giáo dục đại học có thể không còn là chủ đề ưu tiên trong các cuộc thảo luận và các chương trình chiến lược – nếu nhìn thoáng qua. Tuy nhiên, cách tiếp cận sâu sắc hơn nên xem xét kỹ những tác động tiềm ẩn của việc không đưa giáo dục đại học vào chương trình nghị sự về phát triển quốc tế – không chỉ đối với phục hồi và phát triển kinh tế mà còn đối với công bằng trong giáo dục đại học sau đại dịch.