Giáo dục đại học và vấn đề nhập cư: Cạnh tranh thu hút tài năng

Daniel C. Kent

Daniel C. Kent hiện là Cộng tác viên chương trình nghiên cứu tại một quỹ từ thiện ở New York, Hoa Kỳ. E-mail: dk@mellon.org.

Tóm tắt

Các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau đối với những sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp mong muốn ở lại làm việc. Một số nước gia hạn một khoảng thời gian đáng kể để sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm, hoặc cung cấp một khoản tài trợ hạn chế; nhưng không phải nước nào cũng hào phóng như vậy. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp, sinh viên tốt nghiệp tại những quốc gia này đều thu được những kinh nghiệm thực tế mang lại lợi thế nếu họ muốn ở lại sau khi hoàn thành chương trình học tập.

Khi vốn con người trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong nền kinh tế toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi công nghệ, đào tạo sau phổ thông cũng trở nên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của cả cá nhân và quốc gia.

Đồng thời, gần như ở tất cả các nền kinh tế giàu có trên thế giới, tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ hoặc thậm chí suốt một thế kỷ. Ở những quốc gia giàu có, do tỷ lệ sinh tại địa phương giảm xuống trong một thời gian khá dài, hệ thống giáo dục đại học ngày càng có ít sinh viên nội địa hơn để đào tạo và cung cấp cho nền kinh tế.

Nhu cầu nhập cư

Do đó, để duy trì khả năng cạnh tranh về kinh tế, một yếu tố quan trọng đối với nhiều nước phát triển là nhập cư. Mặc dù di cư quốc tế là một chủ đề được thảo luận nhiều, nhưng vai trò trực tiếp của giáo dục đại học đối với dòng người nhập cư và việc giáo dục đại học tìm cách thích ứng với thực tế này như thế nào lại ít được xem xét. Dòng nhân tài kỹ thuật được săn đón này sẽ ngày càng trở nên cần thiết đối với sự thành công của các nền kinh tế phát triển trên khắp thế giới. Nhưng trong số nhiều quốc gia có hệ thống giáo dục đại học đang tuyển số lượng lớn sinh viên quốc tế, những quốc gia nào có chính sách khuyến khích nhập cư, và điều này đang thay đổi như thế nào? Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu toàn diện nào về cách các quốc gia tiếp cận những chính sách có tính hệ quả này. Các nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục đại học nên lưu ý đến những xu hướng toàn cầu mới nổi nhằm thích ứng với bối cảnh chính sách và dòng chảy sinh viên đang thay đổi.

Lợi thế từ chính sách

Nhiều quốc gia có chính sách cho phép sinh viên quốc tế ở lại làm việc sau khi học xong. Một số nước có chính sách chính thức gia hạn thời gian cư trú làm việc hợp pháp cho sinh viên tốt nghiệp những chương trình cấp bằng đại học, hoặc cung cấp lộ trình cư trú dài hạn cụ thể cho sinh viên tốt nghiệp. Trong hệ thống nhập cư cấp bang của Canada (một trong ba chương trình nhập cư của Canada), chính quyền bang có thể cấp phép cư trú dài hạn nhằm thu hút người lao động tiềm năng thuộc những ngành có nhu cầu cao, bao gồm cả sinh viên đang học đại học. Điều này có nghĩa là sinh viên theo học những lĩnh vực như kỹ thuật có lợi thế đặc biệt nếu họ quyết định đăng ký cư trú dài hạn khi nhập học. Đáng chú ý là hệ thống nhập cư cấp bang là hệ thống xử lý quy trình cấp phép cư trú dài hạn hoặc vĩnh viễn nhanh nhất toàn quốc.

Nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu, bao gồm Áo, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển và những quốc gia khác gia hạn cư trú 1 năm cho sinh viên ngoài EU sau khi họ tốt nghiệp để tìm công việc có thể đảm bảo được ở lại.

Để duy trì khả năng cạnh tranh về kinh tế, một yếu tố quan trọng đối với nhiều nước phát triển là nhập cư.

Ở Đức, sinh viên ngoài EU sau khi tốt nghiệp được phép cư trú thêm 18 tháng để tìm việc làm. Tương tự như vậy, ở Thụy Điển sinh viên tốt nghiệp các chương trình tiến sĩ (có tính chất giống như công việc toàn thời gian) được tính thời gian học như thời gian làm việc để nộp đơn xin thường trú, điều này phản ánh tính chất kỹ thuật và trình độ cao trong chương trình học của họ. Ở hầu hết những quốc gia này, thị thực “tìm việc” sau khi tốt nghiệp cho phép sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ngắn hạn trong thời gian tìm kiếm công việc dài hạn.

Một số quốc gia có chính sách hào phóng nhất cho phép sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp được ở lại làm việc 2 năm hoặc lâu hơn, và là những điểm đến được sinh viên quốc tế tìm kiếm nhiều nhất. Vương quốc Anh cho phép sinh viên tốt nghiệp các chương trình đại học được cư trú và làm việc hợp pháp trong tối đa 2 năm sau khi tốt nghiệp thông qua Thị thực Lộ trình sau đại học (Graduate Route Visa). Sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ được thêm 1 năm là 3 năm. Cả hai lộ trình ở Vương quốc Anh đều cho phép sinh viên tốt nghiệp có thời gian để chuyển sang Visa Lao động Kỹ năng Cao (Skilled Worker Visa) – loại visa đòi hỏi một công việc được tài trợ để ở lại. Úc có một loại thị thực dành cho sinh viên quốc tế đã tốt nghiệp, cho phép họ ở lại từ 18 tháng đến 4 năm, tùy thuộc vào khu vực và bằng cấp mà họ có. Đối với một số ngành nghề có nhu cầu cao nhất ở Úc, đây có thể là con đường trực tiếp để được cư trú dài hạn. New Zealand cung cấp một chương trình tương tự, theo đó sinh viên tốt nghiệp nước ngoài có thể cư trú và làm việc hợp pháp tại quốc gia này trong khoảng thời gian từ 1-3 năm, tùy thuộc vào trường mà họ theo học và lĩnh vực nghề nghiệp của họ. Đối với một số sinh viên mong muốn ở lại, những lợi ích thị thực hào phóng này có thể bù đắp cho chi phí học đại học cực kỳ cao tại những quốc gia này.

Lợi thế ngẫu nhiên

Ngoài việc được gia hạn thời gian làm việc hoặc tìm việc, sinh viên tốt nghiệp các chương trình đại học tại địa phương còn có được những lợi thế ngẫu nhiên để nhập cư. Hầu hết các quốc gia trong Liên minh châu Âu đều yêu cầu người nhập cư thông thạo ngôn ngữ địa phương ở mức độ nhất định trước hoặc trong quá trình nhập cư, đặc biệt trước khi trở thành công dân chính thức. Trong thời gian học đại học, sinh viên quốc tế học ngôn ngữ địa phương thông qua sự hướng dẫn và hòa nhập toàn. Điều này giúp loại bỏ đáng kể rào cản tiềm ẩn đối với việc định cư lâu dài. Thời gian được gia hạn sau tốt nghiệp cũng cho phép sinh viên làm quen với những quy trình hành chính địa phương, tiếp cận các nguồn tài nguyên và phát triển mạng lưới bạn bè, đồng nghiệp và những người hỗ trợ (và các nhà tài trợ công việc tiềm năng) mà sẽ rất khó có được theo cách khác. Tất cả những điều này giúp cho lộ trình được phép cư trú dài hạn dễ dàng hơn nhiều.

Sinh viên tốt nghiệp cũng có thể tích lũy những lợi thế ngẫu nhiên khác. Ví dụ, Hoa Kỳ gần đây đã kéo dài thời gian Đào tạo Thực hành Tùy chọn (OPT – Optional Practical Training) cho sinh viên tốt nghiệp các chương trình cấp bằng STEM từ 1 năm thành 3 năm, cho phép họ cư trú và làm việc hợp pháp tại quốc gia này mà không cần phải có tài trợ. Điều này vừa có lợi thế rõ ràng là thời gian làm việc dài hơn, vừa có lợi thế ngẫu nhiên lớn: Mỗi năm

sinh viên mới tốt nghiệp ở Hoa Kỳ đều có thể nộp đơn xin cư trú dài hạn thông qua thị thực H1-B, một loại thị thực tốn kém và quá trình phức tạp hiếm khi được các nhà tuyển dụng bảo lãnh nếu không có thông tin kỹ lưỡng về ứng viên. Người đã có thị thực H1-B có thể đăng ký tình trạng thường trú nhân, còn được gọi là thẻ xanh.

Điều chỉnh chiến lược

Trong những năm gần đây, các tổ chức giáo dục đại học và các quốc gia cũng đã điều chỉnh chiến lược của họ để thu hút sinh viên quốc tế, những người có thể mong muốn ở lại sau khi học xong. Tại Hoa Kỳ, sau khi chương trình OPT chính thức áp dụng sự thay đổi về thời gian, một loạt các chương trình MBA đã được cấp chứng chỉ STEM cần thiết để có thêm 2 năm trong OPT. Và sau giai đoạn tuyển sinh quốc tế sụt giảm do đại dịch COVID-19, chính phủ Úc gần đây đã đề xuất gia hạn thời gian lưu trú sau khi tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế, với hy vọng lôi kéo họ trở lại.

Tất nhiên, một số quốc gia cung cấp những lợi ích chính sách khiêm tốn hơn nhiều cho sinh viên tốt nghiệp đại học người nước ngoài. Thụy Sĩ cho phép người nước ngoài lưu trú 6 tháng để tìm việc làm toàn thời gian sau khi hoàn thành chương trình học. Trong thời gian này, người tìm việc chỉ được phép làm việc 15 giờ mỗi tuần. Và khi họ tìm được một nơi làm việc sẵn lòng bảo lãnh, người sử dụng lao động phải chứng minh rằng công việc hoặc cá nhân đó thuộc lĩnh vực kinh tế hoặc khoa học đặc biệt để được cấp giấy phép lao động. Đan Mạch đưa ra một loạt những điều kiện tương tự. Những chính sách như vậy có thể trở nên phổ biến hơn chỉ khi các cuộc khủng hoảng di cư kéo hệ thống nhập cư của nhiều quốc gia đến điểm gãy vỡ và gây ra phản ứng dữ dội trên diện rộng. Ví dụ, New Zealand gần đây đã đặt ra quy định giới hạn mỗi sinh viên tốt nghiệp chỉ được nhận 1 giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp, và hạn chế nhận sinh viên tốt nghiệp các chương trình không cấp bằng (non-degree) vào một số lĩnh vực có nhu cầu cao.

Kết luận

Nhập học và tốt nghiệp đại học là những trải nghiệm quan trọng đầu tiên của nhiều người nhập cư tại một quốc gia mới nơi họ hy vọng có thể định cư. Đối với hầu hết những người mới đến, nhận được bằng cấp là một bước tiến lớn trong quá trình bén rễ và cuối cùng định cư lâu dài ở một quốc gia mới, nếu họ chọn làm như vậy. Mặc dù cho đến nay chưa có những nghiên cứu đầy đủ, các chuyên gia chính sách nên tiếp tục xem xét và tìm hiểu hàng loạt những chính sách và chiến lược mà các quốc gia áp dụng đối với sinh viên tốt nghiệp tại địa phương có nguồn gốc nước ngoài – một chủ đề sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong những năm tiếp theo.