Giáo dục đại học giữa cơn khủng hoảng ở Sri Lanka

Raveenthiran Vivekanantharasa và Gerardo Blanco

Qi Wang là Trợ lý nghiên cứu tại Viện Giáo dục, Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc, và là Thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Quốc tế Giáo dục Đại học, Boston College, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Tóm tắt

Khủng hoảng kinh tế xã hội ở Sri Lanka gây ra nhiều thách thức cho hệ thống giáo dục đại học của quốc gia này. Mặc dù đã thực hiện nhiều nỗ lực và đầu tư, mọi lĩnh vực của giáo dục đại học, bao gồm dạy và học, tài chính, cơ sở vật chất, tuyển sinh, đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và sẽ tạo ra bất ổn lớn trong tương lai.

———

Tuy là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Sri Lanka rất chú trọng đến giáo dục đại học và đã đạt được những tiến bộ đáng kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Hệ thống giáo dục đại học Sri Lanka bao gồm 17 trường  đại học quốc gia, 20 học viện thuộc đại học, 5 trường đại học công độc lập, 11 học viện công nghệ tiên tiến, 7 tiểu ban công nghệ tiên tiến và 10 trường đại học/ học viện tư thục. Sri Lanka phân bổ ngân sách khá lớn cho giáo dục. Ngân sách năm 2022 dành cho giáo dục là hơn 157,6 tỷ LKR (khoảng 436 triệu USD), tăng cao so với mức 126,5 tỷ LKR năm 2020.

Kế hoạch quốc gia nhằm cải thiện hệ thống giáo dục đại học gần đây đã hoàn toàn thất bại cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế. Kinh tế Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng, nợ nần chồng chất, lạm phát cao cùng với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men. Những áp lực này dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc và hệ thống chính trị thiếu ổn định gây ra suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh đó, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, cao đẳng kỹ thuật, học viện công nghệ tiên tiến và trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng chưa từng thấy.

Đóng cửa các cơ sở giáo dục đại học

Sri Lanka tạm thời đóng cửa các trường đại học công lập và các cơ sở giáo dục đại học khác ở thủ đô Colombo và những thành phố lớn, do khủng hoảng nhiên liệu và kinh tế suy sụp. Ngay cả sau khi tổng thống và thủ tướng bị lật đổ, chính phủ lâm thời được thành lập, Ủy ban Tài trợ Đại học cũng chỉ cho phép các trường đại học mở cửa hoạt động ba ngày mỗi tuần, do chi phí nhiên liệu tăng cao. Sự gián đoạn hoạt động học thuật ở hầu hết các trường đại học làm trầm trọng thêm tác hại của đại dịch. Khoảng 70% hoạt động học thuật trong các cơ sở giáo dục đại học vẫn được tiến hành trực tuyến. Việc đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần đã ảnh hưởng đến số sinh viên tuyển mới. Những thí sinh trúng tuyển thậm chí phải nhập học trái ngành đã đăng ký.

Sri Lanka duy trì chính sách giáo dục miễn phí từ năm 1945. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, tiếp cận giáo dục đại học bị hạn chế do thiếu cơ sở vật chất hoặc thiếu truy cập Internet để học trực tuyến. Ngoài ra, giá xăng (tăng 33,1%) và dầu diesel (64,2%) tăng chưa từng có khiến cho phần lớn giảng viên và sinh viên không kham nổi chi phí đi lại. Chính phủ Sri Lanka đã ngừng các giao dịch xuất nhập khẩu để giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại. Kết quả là trường học phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung và thiết bị cho hoạt động học tập. Ví dụ, giấy in phải phân phối. Sinh viên bị ảnh hưởng nặng nề do giá thực phẩm, thuốc men, chỗ ở và phương tiện đi lại tăng cao.

Sinh viên trong các cơ sở đại học tư thục trong nước đối mặt với nhiều thách thức do học phí tăng chóng mặt. Trong khi số lượng sinh viên đi du học tăng cao trong những năm gần đây, gần gấp đôi 5 năm trước đại dịch và đạt hơn 30 ngàn vào năm 2019 – bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt ngoại tệ và đồng rupee Sri Lanka mất giá (hơn 30% tính đến tháng 4/2022). Những khó khăn này khiến một số đại học tư thục đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do không tuyển được sinh viên, và du học nước ngoài cũng trở thành vượt quá khả năng tài chính.

Tác động của cuộc khủng hoảng đối với việc dạy và học trực tuyến

Sau hơn một năm đóng cửa do đại dịch COVID-19, các trường đại học đã quay lại hoạt động với quy mô hạn chế, tuân thủ những quy định hướng dẫn về sức khỏe. Thế rồi, cuộc khủng hoảng kinh tế buộc tất cả các trường đại học, trường phổ thông và những cơ sở giáo dục khác phải đóng cửa lần nữa và chỉ hoạt động trực tuyến. Đối với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đây là một hạn chế lớn vì sinh viên ở xa không đủ điều kiện để học tập trực tuyến. Kết nối Internet kém, lưới điện không ổn định và thiếu thiết bị truy cập là những trở ngại chính. Ở một đất nước mà hơn 70% sinh viên không có thiết bị hoặc không có mạng Internet thì học tập trực tuyến không phải là một giải pháp khả thi. Hơn nữa do thiếu nhiên liệu, các nhà cung cấp mạng tạm thời ngừng hoạt động và việc truy cập mạng thường xuyên bị gián đoạn.

Viện trợ nước ngoài và cuộc khủng hoảng giáo dục đại học đang diễn ra

Theo UNICEF, hơn 5,7 triệu người ở Sri Lanka cần hỗ trợ nhân đạo. Trong khi khủng hoảng kinh tế khiến viện trợ nước ngoài trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, các cuộc biểu tình và bất ổn xã hội lại khiến cho nhiều chương trình nhân đạo phải đóng cửa. Phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và những đối tác phát triển khác, Ngân hàng Thế giới đang tư vấn cho chính phủ Sri Lanka những chính sách phù hợp để khôi phục sự ổn định kinh tế, nhưng vẫn chưa có kế hoạch cung cấp nguồn vốn mới cho Sri Lanka cho đến khi có khung chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng và bất ổn chính trị, nhiều thành phần trong xã hội Sri Lanka, bao gồm cả giảng viên và sinh viên, đã xuống đường và lật đổ chính phủ. Sau khi lựa chọn một tổng thống mới và thành lập một chính phủ lâm thời, Sri Lanka vẫn cần cân nhắc những bước tiếp theo để phục hồi đất nước sau đại dịch và khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh này, giáo dục đại học tư thục gánh chịu nhiều rủi ro cùng với những khu vực kinh tế khác, và dòng chảy du học của sinh viên Sri Lanka có thể sẽ dừng lại, ngoại trừ một số có điều kiện kinh tế rất tốt. Chiến lược mới về quản lý giáo dục đại học sẽ là chìa khóa để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị trong dài hạn.