Ayenachew A. Woldegiyorgis, Wondwosen Tamrat và Damtew Teferra
Ayenachew A. Woldegiyorgis là Thành viên nghiên cứu sau tiến sĩ, Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: woldegiy@bc.edu.
Wondwosen Tamrat là Phó Giáo sư, Người sáng lập – Chủ tịch của Đại học St. Mary’s, Ethiopia, và chi nhánh của PROPHE. Email: wonderwosentamrat@ gmail.com hoặc preswond@smuc.edu.et.
Damtew Teferra là Giáo sư ngành Giáo dục đại học tại Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi, và là Giám đốc nghiên cứu và chương trình tại Hiệp hội các trường đại học châu Phi, đồng thời là Giám đốc sáng lập của Mạng lưới quốc tế về giáo dục đại học ở châu Phi (INHEA). Email: teferra@ukzn.ac.za.
Tóm tắt
“Sự phù hợp – relevance” là một thuật ngữ phổ biến trong từ vựng về hợp tác học thuật quốc tế. Tuy nhiên, ý nghĩa thực tế thực sự của nó vẫn rất khó nắm bắt. Ai là người xác định điều gì là phù hợp? Sự phù hợp được đánh giá thế nào? Điều gì làm cơ sở cho khái niệm phù hợp trong những bối cảnh khác nhau? Đây là một số câu hỏi cho thấy đạt được sự hiểu biết chung về sự phù hợp trong hợp tác học thuật là một việc rất khó. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết thách thức này trước hết phải xem xét những yếu tố tạo ra thách thức.
———
Hợp tác quốc tế thường có nhiều hình thức và cơ chế thực hiện khác nhau. Mặc dù những động cơ và hoàn cảnh đa dạng có thể tạo thành nền tảng cho sự hợp tác giữa các đối tác phía Bắc (những nước phát triển) và phía Nam (những nước kém phát triển hơn), vấn đề về sự phù hợp vẫn nổi bật là một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của các thỏa thuận hợp tác. Một trong những vấn đề cơ bản trong hợp tác quốc tế là thiếu sự hiểu biết chung – ngoài định nghĩa học thuật – về những gì là phù hợp.
Nhìn chung, sự phù hợp nói đến cách thức hoạt động và kết quả của một can thiệp nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu và ưu tiên của bên thụ hưởng. Nó liên quan trực tiếp đến những mục tiêu của một dự án hợp tác, và thường là về mức độ phù hợp của mục tiêu với những ưu tiên và nhu cầu của người dùng. Và sự phù hợp cũng đề cập đến tính thiết thực – một nội dung điển hình được những bên liên quan chính quan tâm, đặc biệt là bên tài trợ.
Trong thực tế hợp tác học thuật, phù hợp có nghĩa là gì vẫn khá mơ hồ. Nhu cầu và lợi ích của ai được ưu tiên? Ai thiết lập các ưu tiên? Ai là người đặt ra những tiêu chí để đo lường mức độ phù hợp của một dự án hoặc chương trình? Ai là người đưa ra đánh giá (thường với những nhận xét giá trị)? Dữ liệu được thu thập bằng cách nào, do ai thu thập và từ những nguồn nào để đánh giá mức độ phù hợp? Thực tế về sự phù hợp theo thời gian và không gian được hiểu và xử lý như thế nào? Đây là một số câu hỏi nêu bật những khó khăn trong việc phát triển sự hiểu biết chung về sự phù hợp trong hợp tác học thuật.
Bất bình đẳng có phải là điều xấu phổ biến?
Một cách khoa trương, người ta thường lập luận rằng nhu cầu và ưu tiên của những nước phía Nam phải là cơ sở để thiết lập quan hệ đối tác hợp tác giữa Bắc và Nam. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng về nguồn lực và vị thế tương quan của những tổ chức tham gia hợp tác trong cấu trúc tạo lập và phổ biến tri thức toàn cầu được coi là nguyên nhân tạo ra một vấn đề cơ cấu, trong đó một bên sử dụng đòn bẩy đáng kể để gây ảnh hưởng – hoặc thậm chí áp đặt – đến những diễn biến trong quan hệ hợp tác.
Trên thực tế, những động lực sức mạnh kiểu định hướng nguồn cung như vậy thường dẫn đến việc những thể chế phía Bắc chiếm ưu thế trong cuộc đối thoại khi thiết lập chương trình nghị sự, và xác định những lĩnh vực chính được quan tâm và phù hợp, kể cả đối với những đối tác phía Nam. Quan hệ đối tác Bắc – Nam thường thất bại trong việc điều tiết nhiều tiếng nói để thiết lập những mục tiêu và chỉ số hoạt động dựa trên thực tế địa phương của tất cả các đối tác. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng sự phù hợp luôn là tương đối đối với nhiều bên ngay trong một khu vực, hoặc thậm chí trong một tổ chức.
Xếp hạng đặt ra những ranh giới
Sự chênh lệch quyền lực thể hiện ở vị thế tương quan của các tổ chức đối tác trong bảng xếp hạng toàn cầu, khu vực hoặc địa phương. Một mặt, các tổ chức có xu hướng hợp tác với những đồng nghiệp ngang hàng với họ, xác định theo vị trí trên bảng xếp hạng – những tổ chức thuộc top đầu thường hợp tác với những tổ chức trong cùng liên minh của họ. Mặt khác, những tổ chức có vị trí thấp hơn trong bảng xếp hạng có xu hướng tìm kiếm sự cộng tác với những tổ chức ở thứ hạng cao hơn, ngay cả khi họ có nguy cơ bị coi là đối tác “cấp dưới”. Điều này có thể bắt nguồn từ nhận thức về những lợi thế mà một đối tác được cho là “cấp cao” có thể mang lại cho quan hệ đối tác, như nguồn lực, chuyên môn, kinh nghiệm và danh tiếng.
Thành kiến và bất bình đẳng khắp nơi
Quan hệ quyền lực hình thành dưới tác động của nhận thức thực tế rằng một dạng tri thức được coi là vượt trội hơn so với dạng khác, cũng như dưới tác động của sự mất cân bằng kinh tế bắt nguồn từ sự bất bình đẳng về vật chất và tài chính giữa các bên đối tác. Vì nhiều lý do, bao gồm cả những lý do nêu trên, các cơ quan tài trợ dường như có khuynh hướng chọn những loại tổ chức cụ thể để dẫn dắt những sáng kiến hợp tác. Điều này bao gồm, nhưng không giới hạn, vai trò quản lý và giải ngân tài trợ và những nguồn lực khác. Quan hệ hợp tác thông thường được tổ chức theo cách các tổ chức của Bắc bán cầu chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và giải ngân vốn – một vai trò quan trọng trong mô hình hợp tác. Bằng cách sắp xếp này, các cơ quan cấp vốn đã tạo ra đặc quyền và – thông qua những quy trình quan liêu của họ – củng cố sự bất bình đẳng về cơ cấu trong hoạt động hợp tác học thuật, từ đó tạo ra quyền bá chủ.
Những hình thức/ nguồn gốc của sự bất bình đẳng này tạo ra sự mất cân bằng quyền lực giữa các đối tác, ảnh hưởng quyết định đến cách thức và ai sẽ là người định nghĩa, định hình và đo lường sự phù hợp trong một cam kết hợp tác.
Những ưu tiên được thiết lập
Hội nghị chuyên đề Diễn đàn Giáo dục đại học cho châu Phi, châu Á và châu Mỹ La-tinh (HEFAALA – Higher Education Forum for Africa, Asia and Latin America) lần thứ ba tại Addis Ababa vào tháng 4/2022 đã khám phá những xu hướng và con đường khác nhau trong tương lai có thể giảm bớt những trở ngại trong việc xác định sự phù hợp trong hợp tác học thuật. Ví dụ, những khu vực ưu tiên như Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi đưa ra khuôn khổ thiết lập ưu tiên trong những lĩnh vực trọng tâm riêng biệt được xếp theo thứ tự từ cấp lục địa xuống đến cấp địa phương.
Mạng lưới là trung gian hòa giải trong quan hệ đối tác
Quan hệ đối tác hợp tác giữa những mạng lưới gồm những tổ chức có nguyện vọng và mục tiêu tương đương được coi là một cách để giảm thiểu tác động của thứ hạng. Mạng lưới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức thành viên đa dạng và cung cấp một khuôn khổ hoặc một cấu trúc quản trị để xác định cách thức hợp tác. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là các mạng lưới cũng dễ bị tổn thương trước những thách thức về bất bình đẳng và động lực quyền lực đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, do tính chất dài hạn (trái ngược với những dự án thực hiện một lần) và cơ chế thể chế rộng hơn, chúng có xu hướng cung cấp một cấu trúc phù hợp hơn cho sự hợp tác cân bằng.
Điều chỉnh các mục tiêu nghiên cứu
Tích hợp các sáng kiến hợp tác với các mục tiêu nghiên cứu được coi là một cách tốt để tạo ra những hoạt động và kết quả phù hợp. Theo đó, phía nghiên cứu được kỳ vọng đưa ra bằng chứng về những vấn đề nào cần được giải quyết và những biện pháp thực tế nào nên được áp dụng trong những bối cảnh khác nhau. Tích hợp đã trở thành một lĩnh vực ngày càng được các đối tác tài trợ chú ý. Kết quả là, hình thành sự hợp tác theo cách xác định vấn đề/ mục tiêu, thực hiện và đánh giá dự án dựa trên bằng chứng giúp cho thực tế địa phương trở thành nền tảng của các sáng kiến hợp tác, và do đó giảm thiểu những thách thức liên quan đến sự phù hợp.
Cải cách các chế độ tài trợ
Cuối cùng, việc cải cách các cơ chế và công cụ tài trợ được đề xuất như một cách khả thi để giải quyết những bất bình đẳng và thiên vị cố hữu tồn tại trong những hoạt động hợp tác cung ứng và điều hành. Là một nền tảng cho đối thoại chính sách, hội nghị chuyên đề HEFAALA đã đặc biệt đề xuất nội dung này là một trong những chuyên đề trọng tâm trong tương lai. Ngoài ra, HEFAALA được khuyến khích tiếp tục khảo sát những cấu trúc toàn cầu hiện tại về việc tạo ra và phân phối tri thức, cũng như những phương pháp luận được sử dụng để xác định và đánh giá mức độ phù hợp trong hợp tác Bắc – Nam. Phát triển cơ sở dữ liệu về xuất bản/ trích dẫn hướng tới sản xuất và phổ biến tri thức ở khu vực Nam bán cầu cũng được đề cập đến như một dự án khả thi của HEFAALA, cũng như thúc đẩy các trung tâm xuất sắc, tri thức và văn hóa bản địa tại địa phương.