Đại dịch: Cuộc sống học tập và COVID-19 trước, trong và sau đó

Richard Watermeyer

Richard Watermeyer là Giáo sư giáo dục tại Trung tâm Chuyển đổi Giáo dục Đại học, Đại học Bristol, Vương quốc Anh. Email: Richard.watermeyer@bristol.ac.uk.

Nhiều lập luận đưa ra trong bài viết này được Watermeyer, R. và các đồng tác giả mở rộng trong bài “Pandemia: A reckoning of UK universities’ corporate response to COVID-19 and its academic fallout” (2021), British Journal of So- ciology of Education, 42(5–6), 651–666.

Tóm tắt

Đối với các học giả trên toàn thế giới, đại dịch COVID-19 đã và vẫn đang là nguyên nhân gây ra sự gián đoạn sâu sắc và lâu dài. Tuy nhiên, người ta có thể cho rằng tác động tàn phá lớn nhất của nó là làm trầm trọng thêm, và do đó buộc phải xem xét lại, những vấn đề sâu xa từ trước đó đã khiến các học giả đặt câu hỏi về tương lai của giáo dục đại học. Bài viết này trình bày kết quả cuộc khảo sát các học giả ở bốn quốc gia và phản ánh về tình trạng xấu đi của đời sống học thuật dưới ảnh hưởng của COVID-19.

———-

Cuộc khảo sát giới học thuật được thực hiện tại Australia, Ireland, Nam Phi và Vương quốc Anh cho thấy cách ứng phó của các trường đại học trước đại dịch tác động mạnh mẽ đến đời sống và công việc của giới học thuật. Từ

những nghiên cứu này, khái niệm về “pandemia” – đại dịch học thuật – xuất hiện, một trạng thái phổ biến đối với tất cả mọi người: trải nghiệm làm việc trong các trường đại học trong thời kỳ COVID-19, cũng như những thiệt hại cá nhân và nghề nghiệp.

“Pandemia” – đại dịch học thuật

Đại dịch học thuật mô tả và lý giải tác động của những phản ứng của các trường đại học trước đại dịch đến giới học thuật, và cung cấp một lăng kính khái niệm giúp hiểu được cuộc khủng hoảng toàn cầu đã gây ra những tác động có khả năng biến đổi đối với cộng đồng giáo dục đại học và giá trị của giáo dục đại học.

Trải nghiệm trong đại dịch học thuật của các học giả ở bốn quốc gia nói trên có nhiều điểm tương đồng và trùng lặp. Những người trả lời khảo sát thường cho biết các trường đại học nơi họ làm việc đã theo đuổi cách tiếp cận quyết liệt như trong kinh doanh để quản lý đại dịch, mà bỏ qua những lo ngại về an toàn và phúc lợi của cán bộ giảng viên. Thông qua những câu trả lời khảo sát bằng văn bản mở, đa số những người được hỏi đều cho rằng việc chuyển đổi khẩn cấp sang làm việc trực tuyến đã khiến họ bị quá tải nghiêm trọng trong công việc. Tuy nhiên, họ đã phải thực hiện khối lượng công việc tăng lên quá nhiều như vậy mà không có sự đồng thuận hoặc phản hồi thích hợp từ bên trong các trường đại học, điều đó được coi là vấn đề thuộc trách nhiệm cá nhân. Việc các trường đại học thiếu sự quan tâm thích đáng đến việc cán bộ giảng viên phải liên tục làm việc với cường độ cao để đối phó với đại dịch – theo ý kiến của những người trả lời khảo sát – có liên quan đến tình trạng suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần phổ biến trong giới học thuật, dù ở mức độ khác nhau:

“COVID-19 đã làm gia tăng sự bất bình đẳng liên quan đến khối lượng công việc, như một vấn đề cá nhân. Do thiếu phản ứng sáng tạo trước cuộc khủng hoảng này, chúng tôi đang gắng sức làm cùng một công việc với ít nguồn lực hơn thay vì suy nghĩ lại, lùi lại và làm lại. Thiếu tinh thần cạnh tranh là một vấn đề lớn”.

Đó có phải là chủ nghĩa tư bản thảm họa?

Phản ứng của các trường đại học trước đại dịch học thuật cũng thường được so sánh với “chủ nghĩa tư bản thảm họa – disaster capitalism”, với cảm giác rằng các nhà lãnh đạo trường đại học đang tận dụng cuộc khủng hoảng để thúc đẩy chương trình nghị sự của nhà trường. Chẳng hạn, những người được hỏi đã nói về cách đại dịch được giới quản lý tinh hoa trong các trường đại học sử dụng để biện minh cho việc mở rộng cơ sở quyền lực của họ và loại bỏ đội ngũ giảng viên khỏi các quy trình ra quyết định. Tương tự, các điều kiện khủng hoảng đã được thảo luận để hợp pháp hóa những yêu cầu làm việc mang tính ép buộc.

“Trong khoa của tôi, ‘mệnh lệnh đạo đức’ là giúp đỡ nhau trong bối cảnh COVID-19 đã được sử dụng để lôi kéo người lao động chấp nhận những yêu cầu vô lý về khối lượng công việc và thời hạn đặt ra. Kết quả là, sức khỏe của tôi sa sút đến mức tôi phải nghỉ việc, và không còn việc gì khác để làm. Tôi cho rằng không chỉ mình tôi lâm vào tình cảnh như vậy”.

Gia tăng sự bấp bênh

Nhìn chung, những người được hỏi đã mô tả họ cảm thấy dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trong một lĩnh vực mà sự bấp bênh trong công việc vẫn là vấn đề mang tính hệ thống. Tuy nhiên, điều quan trọng là đại dịch được coi là bộc lộ rõ xu hướng tiếp tục đi xuống hiện nay của các học giả.

“Cuộc khủng hoảng COVID-19 không tạo ra nhiều vấn đề mới, mà nó đang phơi bày những vấn đề đã có từ trước – tình trạng mất an ninh, bóc lột lao động, chủ nghĩa quản lý, kỳ vọng vô lý, lương và điều kiện làm việc bị xói mòn, những mối đe dọa đối với tự do học thuật – và đang gia tăng đều đặn trong nhiều năm”.

Trải nghiệm về cuộc sống làm việc của nhà trường dưới thời COVID-19 được mô tả chỉ như một chương tiếp theo của cuộc đấu tranh và sự thất bại trong học thuật, của nghề hàn lâm đang dần teo tóp và phai nhạt sức hấp dẫn.

“COVID-19 và nhu cầu làm việc kỹ thuật số đã làm nổi bật những gì đã bị phá vỡ trước đó. Và sau tất cả những điều này, bên chịu thiệt hại không phải là sinh viên và cũng không phải là số dư ngân hàng của trường đại học. Bên chịu thiệt hại là những học giả bị đánh giá thấp và làm việc quá sức mà không có sự đảm bảo về công việc và hợp đồng làm việc”.

Sự thờ ơ của chính phủ và chủ nghĩa quản lý tăng cường – intensified managerialism
Những người được hỏi đều nhắc đến cảm giác bị bỏ rơi và phàn nàn về tình trạng lạm dụng quyền lực. Những người tham gia khảo sát từ Úc cho biết về sự thờ ơ và đối lập của chính phủ đối với các trường đại học, và việc chính phủ không hỗ trợ hệ thống giáo dục đại học vốn phụ thuộc tài chính vào dòng sinh viên quốc tế:

“Ở Úc, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã được chính phủ Liên bang sử dụng để biện minh cho những thay đổi (thực tế là cắt giảm) ngân sách dành cho trường đại học, trong khi tại trường tôi, nó được sử dụng để ‘che đậy’ những vấn đề quản lý yếu kém trước đây và vẫn đang diễn ra”.

Những người được hỏi đều nhắc đến cảm giác bị bỏ rơi và phàn nàn về tình trạng lạm dụng quyền lực.

Sự thờ ơ của chính phủ trong việc này được xem là lý do khiến các trường đại học Úc được quản lý theo cách cứng rắn như các tổ chức kinh doanh; và các nhà lãnh đạo trường đại học ít khi quan tâm đến phúc lợi của cán bộ giảng viên.

Ở Ireland, đại dịch được coi là một phần của “quỹ đạo khủng hoảng” lâu đời, theo đó các trường đại học ưu tiên hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh thị trường hơn là phúc lợi của cán bộ giảng viên. Tình trạng của các học giả ở Nam Phi có lẽ còn thê thảm hơn. Trong một quốc gia có tỷ lệ nghèo đói lớn và lưới điện không hoạt động, tác động của đại dịch đặc biệt nghiêm trọng, nhưng nội dung các câu trả lời khảo sát không có gì khác biệt so với thông tin thu được từ Úc, Ireland và Vương quốc Anh, nơi “pandemia” được cho là do sự gia tăng bất bình đẳng tại nơi làm việc, chủ nghĩa quản lý tăng cường và những biện pháp cắt giảm chi phí khiến giới học thuật chịu nhiều rủi ro hơn bao giờ hết.

Từ sự thiếu vắng lãnh đạo, tinh thần đồng nghiệp trỗi dậy

Mặc dù, nếu không nói là nhờ vào, tâm lý hoài nghi phổ biến về sự “thiếu vắng” lãnh đạo, chúng tôi nhận thấy các học giả ở cả bốn quốc gia đều khẳng định về sự trỗi dậy của tinh thần đồng nghiệp và tình bạn thân thiết. Việc củng cố bản sắc và sứ mệnh tập thể – còn gọi là “ubuntu” ở Nam Phi – được hợp lý hóa như một phản ứng và liều thuốc bổ trong đại dịch. Trong giai đoạn không được các nhà lãnh đạo “quan tâm” đến, các học giả cho biết đã tìm thấy sự hỗ trợ và cách giải quyết bằng việc trước tiên nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của họ đối với nhau, điều này được một người mô tả là cứu cánh.

“Tôi đã suy sụp tinh thần và có ý định tự tử. Trường đại học không hề quan tâm chút nào. Họ chỉ biết áp đặt. Nếu không có những đồng nghiệp tuyệt vời của tôi, tôi không chắc chuyện gì đã xảy ra”.

Do mọi hoạt động trực tiếp tại trường đều tạm ngừng, những người tham gia khảo sát đều công nhận rằng các nền tảng kỹ thuật số đã tạo điều kiện thuận lợi để hình thành những hình thức tương tác thay thế và rộng hơn giữa các đồng nghiệp, mà không bị hạn chế cả về thời gian hoặc địa điểm.

Đại dịch toàn cảnh

Nhìn chung, “pandemia” cho thấy rõ những vấn đề nghiêm trọng đa dạng của giáo dục đại học và tính cấp bách của việc khắc phục chúng. Chúng tôi tìm thấy thêm bằng chứng cho thấy tình trạng bấp bênh của các học giả đặc biệt liên quan đến sự thiếu ổn định của nghề nghiệp và sự căng thẳng của thị trường lao động học thuật vốn vẫn có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, điều gần như là nghịch lý, đã diễn ra tình trạng tiêu hao lực lượng động. Đặc biệt ở Vương quốc Anh, hiện tượng các tài năng học thuật di cư sang những cơ sở giáo dục đại học quốc tế khác “thuận lợi hơn” (cũng liên quan đến Brexit). Đại dịch cũng liên quan đến sự gia tăng bất bình đẳng tại nơi làm việc, khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong sinh viên và nhân viên, và sự suy giảm niềm tin vào các nhà lãnh đạo trường đại học.

Tuy nhiên, đại dịch học thuật cũng được nhìn nhận như một lời kêu gọi rõ ràng về một kiểu lãnh đạo khác, kiểu lãnh đạo dựa trên các giá trị, tham vấn và chia sẻ, kêu gọi những nhà lãnh đạo cấp cao nhất không ngại đối đầu

với sự thù địch chính trị của những chính phủ dân túy. Theo ý kiến của một người được hỏi, đại dịch đặt ra một yêu cầu mạnh mẽ về đổi mới.

“Cũng như trong lĩnh vực chính trị, lãnh đạo cấp cao rất yếu kém (vốn chỉ tập trung vào thương mại hoá/ quan liêu hóa giáo dục đại học một cách hạn hẹp và thô thiển) và trong trường tôi COVID-19 đã khiến sự yếu kém đó bộc lộ rõ. Mặc dù lãnh đạo trường đang rất lúng túng, tôi hy vọng điều này sẽ dẫn đến một sự thay đổi trong cách lãnh đạo (và các nhà lãnh đạo) và một khởi đầu mới”.

Con đường xa hơn sẽ thế nào?

Vào thời điểm vẫn còn nhiều tranh cãi về sự đóng góp của giáo dục đại học, việc cấp bách cần thực hiện là tập trung thay đổi cách đối xử với những người tạo thành động cơ của giáo dục đại học, và thay đổi sự vô cảm của các nhà lãnh đạo đại học. Sự bỏ bê trong suốt 2 năm qua và từ rất lâu trước đó, nếu vẫn tiếp diễn chắc chắn sẽ dẫn đến sự xuống cấp hơn nữa của đội ngũ giảng viên, một kết cục mà ngay cả những nhà tư bản thảm họa cũng sẽ không thu được lợi nhuận từ đó. Tuy nhiên, sự gián đoạn của đại dịch có thể được tận dụng để gây dựng một quá trình thiết lập lại tích cực đối với giáo dục đại học, trong đó đổi mới quy tắc đạo đức về chăm sóc trong các trường đại học và khuyến khích sự lãnh đạo lấy con người làm trung tâm chỉ là bước khởi đầu.