Yingyi Ma và Chongmin Yang
Yingyi Ma là Giáo sư ngành Xã hội học, Chongmin Yang là Nghiên cứu sinh tiến sĩ về Xã hội học tại Đại học Syracuse,Hoa kỳ. Email: yma03@syr.edu và cyang09@syr.edu.
Tóm tắt
Trung Quốc vẫn là quốc gia gửi số lượng du học sinh lớn nhất đến Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là sau khi hoàn thành chương trình học, bao nhiêu sinh viên Trung Quốc sẽ ở lại làm việc tại Hoa Kỳ. Ở cấp độ vi mô, câu trả lời phụ thuộc vào trình độ học vấn và lĩnh vực nghiên cứu. Ở cấp độ vĩ mô, điều này phụ thuộc vào chính sách nhập cư của Hoa Kỳ và cơ cấu cơ hội của thị trường nội địa Trung Quốc.
———
Vào ngày 26/5/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã có bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Biden. Không giống như chính quyền Trump vốn xem xét cấm tất cả sinh viên Trung Quốc đến học tập tại Hoa Kỳ, chính quyền Biden đã chuyển từ việc coi sinh viên Trung Quốc là mối đe dọa sang việc đánh giá cao họ như những nhân tài, như tuyên bố sau đây trong bài phát biểu của Blinken: “Chúng tôi may mắn khi những tài năng toàn cầu xuất sắc nhất không chỉ học ở đây mà còn ở lại đây – như hơn 80% sinh viên Trung Quốc theo học tiến sĩ khoa học và công nghệ ở Hoa Kỳ đã làm trong những năm gần đây”. Nhưng liệu tỷ lệ ở lại cao có áp dụng cho tất cả du học sinh Trung Quốc tại Hoa Kỳ hay không? Câu trả lời là không. Trong bài viết này, chúng tôi lập luận rằng mặc dù Hoa Kỳ vẫn giữ được sức hút đối với du học sinh Trung Quốc, nhưng sức hấp dẫn này đang bị mai một, đặc biệt đối với du học sinh trong những lĩnh vực không phải là STEM.
Hoa Kỳ không có thống kê quốc gia về tỷ lệ ở lại hoặc về nước của du học sinh Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ở những trình độ thấp hơn tiến sĩ. Theo báo cáo của Cục Thống kê Trung Quốc, tỷ lệ về nước của du học sinh Trung Quốc tăng từ 14% năm 2002 lên 82% năm 2019. Nói cách khác, trong hai thập kỷ qua, vấn đề chảy máu chất xám của Trung Quốc đã giảm đáng kể. Con số này không được phân loại theo quốc gia đào tạo hoặc loại bằng cấp. Vậy điều gì đã xảy ra với những sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp với bằng cấp thấp hơn Tiến sĩ và không phải STEM?
Trình độ học vấn và lĩnh vực nghiên cứu
Trong cuốn sách “Tham vọng và lo ngại: Cách sinh viên Trung Quốc ở bậc đại học thành công và tranh đấu trong nền giáo dục đại học Mỹ”, tác giả Yingyi Ma phân tích làn sóng sinh viên Trung Quốc ở bậc đại học bắt đầu gia nhập các trường cao đẳng và đại học Mỹ khoảng năm 2006 và từ năm 2014 vượt trội về số lượng so với nghiên cứu sinh sau đại học. Chương khảo sát ý định ở-lại- hay-về-nước ghi nhận rằng khoảng 60% sinh viên được khảo sát dự định trở về Trung Quốc sau khi hoàn thành chương trình học của mình. Ngoài ra, động lực chính của sinh viên Trung Quốc đến học tập tại Hoa Kỳ là củng cố trình độ của họ, để có thể trở lại thị trường lao động Trung Quốc với lợi thế cạnh tranh.
Lĩnh vực học tập cũng đóng vai trò quan trọng. Sinh viên Trung Quốc trong những ngành STEM có nhiều cơ hội ở lại ở Hoa Kỳ hơn so với các bạn đồng khóa của họ trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Sinh viên quốc tế đáp ứng được nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ đang phát triển nhanh chóng ở Hoa Kỳ. Thêm nữa, kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực STEM ít phụ thuộc vào bối cảnh xã hội và văn hóa hơn, điều này giải thích tỷ lệ về nước của sinh viên tốt nghiệp những ngành không phải STEM cao hơn.
Yingyi Ma đã hoàn thành nghiên cứu và cuốn sách nói trên trước khi chính quyền Trump kết thúc. Đã có những thay đổi nào xảy ra sau đó? Điều gì vẫn giữ nguyên như trước?
Giai đoạn đại dịch ảm đạm
Đại dịch COVID-19 mang lại thay đổi quan trọng nhất: Hạn chế hoạt động dịch chuyển của sinh viên quốc tế và rộng hơn là mọi hoạt động dịch chuyển xuyên quốc gia. Đối với sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ, giai đoạn đại dịch ảm đạm càng trầm trọng hơn do quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi và chính sách COVID-19 nghiêm ngặt hạn chế các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi số lượng sinh viên Trung Quốc đến học tập tại Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm. Nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; ngoài ra, tình trạng phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á gia tăng, và, trong một số trường hợp, bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ làm lu mờ sự hấp dẫn của việc học tập ở đó.
Số lượng sinh viên Trung Quốc ở Hoa Kỳ giảm đi và mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai nước dẫn đến kết luận rằng thời kỳ hoàng kim của việc sinh viên Trung Quốc ở lại Hoa Kỳ làm việc sau khi tốt nghiệp – đã hết.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Trung Quốc, tỷ lệ về nước của du học sinh Trung Quốc tăng từ 14% năm 2002 lên 82% năm 2019.
Chính sách thị thực và nhập cư tại Hoa Kỳ
Tuy nhiên, những thay đổi đối trọng tiềm năng đang xuất hiện từ những chính sách nhập cư của chính quyền Biden liên quan đến nhân tài STEM. Chính phủ Hoa Kỳ đã mở rộng danh sách những lĩnh vực STEM bằng cách cho phép sinh viên của 22 lĩnh vực bổ sung được đào tạo thực hành tùy chọn (OPT – Optional Practical Training) trong ba năm. Sinh viên không thuộc STEM chỉ được đào tạo OPT một năm. OPT không phải là sự đảm bảo để được nhập cư, nhưng nó cho phép sinh viên quốc tế làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ sau khi hoàn thành chương trình học, điều này có thể kéo giảm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp về nước. Quan trọng hơn, nó giúp sinh viên quốc tế có thêm thời gian để có được thị thực H-1B, loại thị thực làm việc cho phép người sử dụng lao động bảo lãnh nhập cư cho những người đang làm việc để trở thành thường trú nhân.
Hiện tại, danh sách mở rộng các ngành học STEM kết hợp nhiều lĩnh vực đa ngành mới nổi – chẳng hạn như phân tích dữ liệu và phân tích kinh doanh – đang thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế. Điều này có thể khuyến khích nhiều sinh viên Trung Quốc hơn theo đuổi nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các trường sau đại học của Hoa Kỳ và ở lại Hoa Kỳ với tư cách là người nhập cư. Sinh viên Trung Quốc trong ngành khoa học xã hội và nhân văn không được hưởng lợi từ sự thay đổi chính sách này và số lượng đối tượng này trở về Trung Quốc được dự báo sẽ cao hơn.
“Thoái triển” ở Trung Quốc
Điều không thay đổi là tầng lớp trung lưu Trung Quốc tiếp tục cảm thấy bất mãn với nền giáo dục trong nước khiến nhu cầu du học vẫn không giảm xuống. Một từ mới gây xôn xao dư luận – thoái triển (involution) – bắt đầu lan truyền trên Internet Trung Quốc vào khoảng cuối năm 2020, thể hiện cảm xúc về nhiều căn bệnh xã hội và cuối cùng là nỗi thất vọng trước sự cạnh tranh bất tận trong cuộc sống ở trường học và nơi làm việc. Thuật ngữ này bắt nguồn từ nhân chủng học và đề cập đến hiện tượng trong đó đầu vào lớn hơn không tạo được đầu ra một cách tương xứng. Khái niệm này phù hợp để mô tả xã hội Trung Quốc hiện nay, nơi mà sự cạnh tranh gay gắt trong giáo dục và nền kinh tế đòi hỏi đầu vào khổng lồ của nỗ lực và tiền bạc, nhưng không tạo được đầu ra tương xứng, chẳng hạn như cơ hội tiếp cận các trường đại học tốt và việc làm (xem thêm bài viết của Qiang Zha “Nền học thuật của Trung Quốc trúng đòn thoái triển” trong IHE #107). Sự “thoái triển” của xã hội Trung Quốc thúc đẩy những người có đủ nguồn lực cải thiện trình độ học vấn và triển vọng nghề nghiệp của họ bằng cách theo đuổi những bằng cấp nước ngoài được đánh giá cao. Kết quả là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thu hút sinh viên Trung Quốc vì có những trường cao đẳng và đại học tốt nhất trên thế giới; nhưng ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc hướng đến những quốc gia khác, chẳng hạn như Vương quốc Anh, do lo ngại trước những rủi ro địa chính trị và rủi ro khác đang gia tăng tại Hoa Kỳ.
Về lâu dài, việc sinh viên Trung Quốc có bằng cấp của Hoa Kỳ về nước hay ở lại Hoa Kỳ phụ thuộc phần lớn vào cấu trúc cơ hội của nền giáo dục nội địa và thị trường lao động của Trung Quốc, cũng như vào chính sách nhập cư của Hoa Kỳ. Trong khi đó, bản chất siêu cạnh tranh hiện tại của xã hội Trung Quốc không mang lại điềm báo tốt cho tài năng cây nhà lá vườn, những người sẽ tiếp tục tìm cách thoát khỏi hệ thống này và tìm kiếm cơ hội.