Alma Maldonado-Maldonado
Alma Maldonado-Maldonado là Nhà nghiên cứu tại Departamento de Investigaciones Educativas del Centro de Investigación y de Estudios Avanzados , Mexico. Email: almaldo2@gmail.com.
Tóm tắt
Bài báo này phân tích quyết định của UNESCO giới thiệu tài liệu Lộ trình thay cho một bản tuyên bố, khi Hội nghị Giáo dục Đại học Thế giới lần thứ ba của UNESCO kết thúc. Bài viết phân tích những chủ đề khác nhau trong nội dung của tài liệu, đồng thời nêu bật những khía cạnh còn thiếu, chủ yếu là những hành động mà các quốc gia, các chính phủ và xã hội có thể thúc đẩy. Một mặt Lộ trình có thể được coi là dấu hiệu của sự cởi mở, mặt khác lại là biểu hiện của sự yếu kém.
———
Hội nghị Giáo dục Đại học Thế giới lần thứ ba của UNESCO diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 18/5/2022. Đây là lần đầu tiên Hội nghị không được tổ chức tại trụ sở chính của UNESCO ở Paris. Hội nghị này diễn ra 13 năm sau hội nghị lần thứ hai – được tổ chức vào năm 2009; còn hội nghị đầu tiên diễn ra vào năm 1998. Các đại biểu của hai hội nghị đầu đã thông qua những tuyên bố có tác động khác nhau ở tầm thế giới.
Kết thúc hội nghị gần đây nhất, UNESCO quyết định giới thiệu tài liệu Lộ trình thay cho một tuyên bố. Mặc dù những tuyên bố trước đây đã có tác động đáng kể trong một số khu vực, vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra về mức độ hiệu quả của những lời lẽ hoa mỹ và vô ích của chúng. Một số tuyên bố có thể tác động khá mạnh, số khác yếu ớt hơn. Tuy nhiên, quyết định đưa ra Lộ trình là một động thái thú vị. Khác với những tuyên bố chính thức và trang trọng trước đây được tất cả các quốc gia thành viên ký tên và kêu gọi hành động ở những cấp độ khác nhau, Lộ trình có những điểm khác biệt đáng kể.
Lộ trình được tổng hợp từ nhiều tài liệu chuyên sâu khác nhau do các nhóm chuyên gia trên khắp thế giới soạn thảo trước đó (ví dụ như “Hành động do tri thức thúc đẩy: Chuyển đổi giáo dục đại học vì sự bền vững toàn cầu”; “Cùng hình dung lại tương lai của chúng ta”; “Hợp đồng xã hội mới cho giáo dục”; và “Khuyến nghị của UNESCO về Khoa học mở”). Những tài liệu này, cũng như Công ước về Công nhận Văn bằng và những tài liệu chính thức khác về các Mục tiêu Phát triển Bền vững, được đề cập đến nhiều lần trong toàn bộ báo cáo. Phương pháp này thường được các tổ chức quốc tế áp dụng – UNESCO không bao giờ soạn thảo từ đầu.
Lộ trình bắt đầu bằng phần khái quát về tình trạng hỗn loạn hiện nay của thế giới, nhấn mạnh những thực tiễn như biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang và hệ quả của nó là sự gia tăng người tị nạn, bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn và nền dân chủ bị suy yếu trong nhiều xã hội. Hiển nhiên đại dịch COVID-19 có vị trí riêng trong tài liệu này. Sau đó, Lộ trình cho người đọc biết về đặc điểm của những thay đổi được thực hiện gần đây trong các hệ thống và thể chế. Tiếp theo, Lộ trình trình bày tầm nhìn của UNESCO đối với lĩnh vực này, rồi đến “Những nguyên tắc chia sẻ tương lai” và những đề xuất về cách thức đổi mới giáo dục đại học. Cuối cùng, Lộ trình đưa ra một loạt sáng kiến.
Trong số những chủ đề khác nhau trong 6 phần của Lộ trình, 5 chủ đề lặp lại dưới đây thu hút sự chú ý đáng kể. Sự lựa chọn các giá trị quyết định mục tiêu của giáo dục đại học và xác định chất lượng của sinh viên tốt nghiệp mà trường đại học định đào tạo.
Dân chủ hóa sự tham gia: Những thách thức trong tiếp cận giáo dục đại học
Điều 26.1 của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế quy định “sự gia nhập giáo dục đại học phải dựa trên thành tích, năng lực, nỗ lực, sự kiên trì và lòng tận tâm, được thể hiện bởi những người mong muốn tiếp cận giáo dục đại học”. Tuy nhiên, giảm bớt sự bất bình đẳng giữa những sinh viên đang theo học trong các cơ sở giáo dục đại học rõ ràng là một thách thức lớn. Lộ trình làm được một việc đáng khen ngợi là đề cập đến những ý kiến chỉ trích tư tưởng trọng thành tích, và đưa ra quan điểm táo bạo khi cho rằng giáo dục đại học là một phần không thể thiếu của quyền về giáo dục và là lợi ích công. Nếu như đây là một tuyên bố thế giới, một số quốc gia có thể đã ngần ngại ký vào đó, như đã thấy ở hội nghị lần thứ hai. Tuy nhiên, nếu xem xét chủ đề về tiếp cận, thách thức chính không phải là thứ được trình bày trong Lộ trình, mà là những hành động nào cần được thực hiện. Lộ trình đề xuất việc xây dựng những hệ thống giáo dục đại học bền vững, đáp ứng đặc điểm mới về nhân khẩu học và nhu cầu xã hội mà các quốc gia phải đối mặt; nhưng lại lúng túng trong việc tìm hướng đi, không chỉ ra được cách thức để đạt mục tiêu này. Rõ ràng, hành động là một hạn chế đáng lưu ý của UNESCO.
Tầm quan trọng của Công ước toàn cầu về việc Công nhận văn bằng
Không giống như chủ đề về tiếp cận, Công ước Toàn cầu – được Đại hội đồng UNESCO nhất trí thông qua tại phiên họp lần thứ 40 vào ngày 25/11/2019 – có mục tiêu xác định rõ ràng. Công ước được ký bởi 16 quốc gia (trong số 193) – thiếu 4 chữ ký so với con số cần thiết để được thực thi. Nếu đạt đủ số chữ ký cần thiết, có thể coi đây là thành công ban đầu cho lĩnh vực này, là kết quả làm việc nhiều thập kỷ của UNESCO. Công ước là lời giải cho những vấn đề liên quan đến dịch chuyển học thuật, lựa chọn giáo dục của người tị nạn, và công nhận quá trình học tập của sinh viên. Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ nhiệt liệt đối với Công ước được thể hiện trong Hội nghị và Lộ trình, bốn năm sau khi được thông qua, vẫn chưa rõ liệu Công ước có đạt được sự hỗ trợ cần thiết để trở thành một công cụ hữu hiệu thực hiện những mục tiêu đề ra hay không.
Khuyến khích trải nghiệm học tập suốt đời
Đây là sự chuyển đổi bao gồm việc kết hợp những phương pháp tiếp cận nội ngành và liên ngành trong các hệ thống giáo dục đại học. Thoát khỏi quan niệm truyền thống về độ tuổi của sinh viên và hình thức học tập chỉ là toàn thời gian hoặc bán thời gian, Lộ trình nhấn mạnh đến ý tưởng coi trải nghiệm học tập suốt đời là một mục tiêu trong giáo dục đại học. Thêm một điều khác được nhấn mạnh là giáo dục đại học cần cung cấp trải nghiệm học tập toàn diện (bao gồm cả việc truyền tải tính chính trực, các giá trị và đạo đức). Lộ trình khẳng định giáo dục không thể chỉ tập trung vào việc đạt được những kỹ năng nghề nghiệp.
Nhận thức vai trò của nghiên cứu, đổi mới và tạo ra tri thức
Lộ trình không chỉ thừa nhận tầm quan trọng của việc tạo ra kiến thức liên quan mà cả vai trò của công nghệ. Việc sử dụng công nghệ, đặc biệt quan trọng trong những năm đầu tiên của đại dịch, và vai trò này vẫn tiếp tục được khai thác. Lộ trình đề cập đến tài liệu của Khoa học mở – trong đó nhấn mạnh đến việc làm sao để những tài liệu khoa học viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trởnênphổbiến,dễtiếpcậnvàcóthểtáisửdụngchotấtcả-đâylàgiảipháp tiềm năng cho những thách thức hiện tại. Điều này phù hợp với yêu cầu rằng giáo dục đại học phải có trách nhiệm xã hội lớn hơn. Ngoài ra, Lộ trình cũng nhấn mạnh vai trò của việc đổi mới và đề cập đến – có lẽ vẫn chưa đủ – vấn đề khan hiếm nguồn lực trong những cơ sở giáo dục đại học đang bị giảm nguồn tài trợ công trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lời gợi ý rằng mỗi quốc gia cần tìm ra con đường cho riêng mình là quá chung chung, không giúp ích cho họ trong việc xây dựng năng lực khoa học.
Hợp tác thay vì cạnh tranh
Lộ trình khẳng định con đường mà giáo dục đại học cần đi theo – đặc biệt ở nơi được gọi là khu vực Nam bán cầu – là kiên trì xây dựng hợp tác. Thật vậy, một trong những nguyên tắc của tài liệu “Cùng hình dung lại tương lai của chúng ta” là tìm kiếm sự xuất sắc thông qua hợp tác, không phải là cạnh tranh. Khuyến khích hợp tác thay vì cạnh tranh là một nguyên tắc đáng khen ngợi, nhưng các quốc gia và các trường luôn cạnh tranh – cho dù điều này có được chấp nhận hay không. Vấn đề là ở chỗ cần tìm được sự cân bằng mang tính xây dựng giữa cạnh tranh và hợp tác.
Không phải tài liệu gốc hay sáng tạo – chỉ là thông tin “Bạn đang ở đây”
Việc trình bày một lộ trình thay vì một tuyên bố có thể được hiểu là dấu hiệu của sự cởi mở (rời bỏ nguyên tắc “một công thức cho tất cả” thường được áp dụng ở những tổ chức quốc tế khác). Nhưng đó cũng có thể là biểu hiện của sự yếu kém của UNESCO – thiếu vai trò lãnh đạo khi lựa chọn không đưa ra tuyên bố chính thức của Hội nghị Giáo dục Đại học Thế giới lần thứ 3 của UNESCO hoặc tạo ra một tài liệu đủ sức mạnh để gửi thông điệp rõ ràng tới các quốc gia, các chính phủ và các xã hội trên thế giới.
Lộ trình là một tài liệu có giá trị, tổng hợp được những vấn đề tranh luận chính trong giáo dục đại học ngày nay; nhưng khó có thể được coi là một tài liệu gốc hay sáng tạo. Đây là một bản đồ hiệu quả có thể giúp chúng ta xác định vị trí hiện tại của mình (“bạn đang ở đây”), nhưng không phải một hệ thống điều hướng mạnh mẽ với đầy đủ tọa độ để hướng dẫn chúng ta tới đích. Sự thiếu vắng những mục tiêu cụ thể và thiếu sự ủng hộ những sáng kiến trước đây khiến Lộ trình không thể trở thành một công cụ mạnh mẽ giúp khôi phục, tái tạo, tích hợp và cải tiến nền giáo dục đại học.
Lộ trình khẳng định con đường mà giáo dục đại học cần đi theo – đặc biệt ở nơi được gọi là khu vực Nam bán cầu – là kiên trì xây dựng hợp tác.