Anthony Welch là Giáo sư về giáo dục Đại học Sydney, Úc. E-mail: anthony.welch@sydney.edu.au.
—
Tóm tắt
Giáo dục đại học của Úc rất đa dạng, với số lượng các nhà nghiên cứu và học giả đến từ châu Á tăng mạnh nhất, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây. Cộng đồng tri thức người Trung Quốc và Ấn Độ – hai nguồn chính – không chỉ tham gia giảng dạy và nghiên cứu mà còn giúp xây dựng cầu nối với mạng lưới khoa học quốc tế và của tổ quốc của họ; những đóng góp đó không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng mức. Căng thẳng Hoa Kỳ – Trung Quốc và những hạn chế đi lại do COVID-19 đã ảnh hưởng đến sự đóng góp của nhiều học giả quốc tế.
—
Sự dịch chuyển quốc tế ngày càng tăng, của du học sinh và giảng viên, trở thành phổ biến, dù không đồng đều. Những quốc gia nhập cư và nói tiếng Anh vẫn giữ vai trò là những điểm đến chính, nhưng thế giới tri thức trở nên đa cực hơn có nghĩa là sự dịch chuyển cũng đa dạng hơn. Trong quá khứ, Hồng Kông tiếp nhận số lượng lớn nhân lực học thuật quốc tế, nhưng gần đây điều này bắt đầu thay đổi. Ít nhất cho đến khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, các trường đại học lớn và hàng đầu, các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Trung Quốc thu hút nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới, thường thông qua nhiều chương trình tài năng nước ngoài. Tương tự như vậy, các Viện Max Planck của Đức, một số trong đó làm việc bằng tiếng Anh, hấp dẫn các nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu, và các trường đại học của Singapore thu hút các học giả và thậm chí các nhóm nghiên cứu hàng đầu.
Úc – một quốc gia nhập cư lâu đời – có lực lượng nghiên cứu và học thuật đặc biệt đa dạng; khoảng 45% nhân lực học thuật là người nước ngoài. Mức lương và điều kiện làm việc cạnh tranh quốc tế, cũng như chương trình nhập cư cởi mở ưu tiên trình độ kỹ năng cao, thu hút nhân lực trình độ cao từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc trong các tổ chức nghiên cứu và các trường đại học. Những người nhập cư có tay nghề cao chiếm hơn 2/3 tổng số nhập cư của cả nước. Vài năm trước, nghiên cứu của OECD đã liệt kê Úc là thành viên có lợi nhuận ròng cao nhất trong nhóm.
Sự trỗi dậy của châu Á
Sự gia tăng của hệ thống tri thức châu Á, và vị thế của Úc là hệ thống giáo dục đại học bằng tiếng Anh quan trọng duy nhất ở Nam Thái Bình Dương – đảm bảo rằng các trường đại học và viện nghiên cứu của Úc ngày càng thu hút nhiều hơn nhân lực học thuật và các nhà khoa học từ châu Á. Trong nhiều trường hợp, các nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ ở Úc, sau đó chuyển sang làm việc tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu. Song song với sự gia tăng số lượng nói chung, tỷ lệ học giả của Úc sinh ra ở châu Á đã tăng hơn 50% trong thập kỷ từ năm 2005 đến 2015, từ 10% lên 15,4%. Gần 1/3 đến từ Trung Quốc đại lục và 5% đến từ Hồng Kông. Nhân lực học thuật từ Ấn Độ hiện chiếm khoảng 16% tổng số nhân lực quốc tế của Úc. Tuy nhiên, các ngành học khác nhau có tỷ lệ nhân lực gốc Á khác nhau đáng kể, trong đó khoa học xã hội có mức thấp nhất và những lĩnh vực như CNTT và kỹ thuật có hơn 30%. Phát hiện của tác giả cho thấy hơn 75% nhân lực học thuật sinh ra ở châu Á từng hợp tác với các học giả từ châu Á, 2/3 trong số đó tham gia vào những dự án nghiên cứu chung. Nguồn gốc quốc gia đặc biệt quan trọng: 1/3 số đó giúp phát triển những chương trình trao đổi với quốc gia xuất xứ của họ. Một tỷ lệ lớn nhân lực quốc tế sinh ra ở Trung Quốc đã thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu song phương. Trung Quốc – hiện là một cường quốc tri thức quốc tế – là một trong những đối tác chính của Úc, có sự hợp tác nghiên cứu tích cực trong nhiều lĩnh vực, trong các ngành khoa học tự nhiên và ứng dụng cũng như khoa học xã hội và nhân văn. Trung Quốc cũng là một đối tác tri thức lớn với những nước khác trong khu vực, điều này mang lại tiềm năng phát triển quan hệ đối tác tri thức trong khu vực, bao gồm cả mạng lưới các nhà nghiên cứu sinh ra ở Trung Quốc.
Nhiều đại diện, nhưng không được công nhận đúng mức
Tuy nhiên, số lượng đáng kể nhân lực gốc Á không phải lúc nào cũng được công nhận hoặc nhìn nhận tương xứng với đóng góp của họ, ví dụ như trong những quy trình thăng chức. Một số phàn nàn rằng, mặc dù kiến thức chuyên môn của họ được đánh giá cao, công sức họ bỏ ra thêm để xây dựng và duy trì hợp tác quốc tế thường không được công nhận. Một số người cũng phàn nàn rằng, khi họ là những cộng tác viên quốc tế tiềm năng, sự nhiệt tình ban đầu không được tính đến. Ngôn ngữ thường được cho là một vấn đề, trong khi một số cho rằng nền tảng văn hóa của họ là một bất lợi.
Những vị trí cấp cao cũng thiếu vắng đại diện của các học giả gốc Á. Một khảo sát gần đây cho thấy 1 trong 4 nhân lực ở cấp thấp nhất là người gốc Á, nhưng chỉ 1 trong 10 học giả ở cấp cao cấp nhất (giáo sư) là người gốc Á và ít hơn 1 trên 30 ở cấp hiệu trưởng (phó hiệu trưởng). Cũng như ở Bắc Mỹ, các nữ học giả gốc Á thường phải đối mặt với sự phân biệt giới tính bổ sung. Ví dụ, các nữ học giả sinh ra ở châu Á nắm giữ 4,8% vị trí trong ngành kỹ thuật, trong khi các đồng nghiệp nam của họ chiếm 28,5%. Trong CNTT, sự chênh lệch cũng rất lớn: nữ học giả gốc Á chiếm 9,4% tổng số nhân lực trong lĩnh vực này, so với các đồng nghiệp nam của họ ở mức 25,1%. Tuy nhiên, sự gia tăng và phát triển của cộng đồng trí thức nhập cư, đặc biệt từ hai người khổng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn từ Singapore, Malaysia và Việt Nam – là một nguồn tài nguyên quan trọng, đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa hệ thống nghiên cứu của Úc và các hệ thống châu Á.
Những rào cản do COVID-19 tạo ra đối với sự dịch chuyển học thuật và mạng lưới
Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động du học quốc tế, bao gồm cả sự tham gia của các học giả và các nhà nghiên cứu. Khi Úc đột ngột đóng cửa biên giới, hàng chục nghìn sinh viên quốc tế bị bỏ rơi ở nước ngoài và không thể trở lại Úc để học tập. Hàng ngàn công dân Úc cũng mắc kẹt ở nước ngoài, bao gồm nhiều học giả quốc tế. Công dân Úc gốc Ấn được cảnh báo sẽ phải nộp phạt nặng nếu cố gắng quay lại Úc. Thực tế là việc đi lại quốc tế vẫn phần nào bị hạn chế, bao gồm đến Trung Quốc, tạo thành một rào cản liên tục đối với những hoạt động học thuật quốc tế, đặc biệt những người cần đi thực địa ở nước ngoài.
Quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc
Nhưng mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng và cạnh tranh tạo thành rào cản tiếp theo đối với hoạt động của một số học giả gốc Á trong các trường đại học của Úc và các cơ sở nghiên cứu. Cái gọi là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng được nhìn nhận là một cuộc chiến công nghệ và thậm chí là một cuộc chiến văn hóa. Điều này tạo ra những vấn đề khác biệt đối với các nhà nghiên cứu quốc tế trong những lĩnh vực công nghệ cao cần được bảo mật như điện toán lượng tử, AI, vật liệu mới và robot; nhưng ngay cả những đồng nghiệp trong các ngành khoa học xã hội đang nghiên cứu về Trung Quốc, một số trong đó có nguồn gốc Trung Quốc, cũng bị ảnh hưởng. Sự ra đời của điều luật về sự can thiệp của nước ngoài có tầm ảnh hưởng sâu rộng, và quá trình an ninh hóa tổng thể tạo thành gánh nặng chính sách đối với các trường đại học và các viện nghiên cứu khi họ phải thực hiện nghĩa vụ kiểm tra hàng nghìn hiệp định quốc tế. Gần đây, một quyết định cấp bộ trưởng liên bang từ chối một số tài trợ nghiên cứu đã được trao bởi cơ quan nghiên cứu quốc gia – hai trong số đó liên quan đến Trung Quốc, đã thúc đẩy những cáo buộc về sự can thiệp chính trị. Tương tự ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, bầu không khí ngày càng sôi sục do căng thẳng với Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng những vụ việc quấy rối và kỳ thị người Trung Quốc, thậm chí kỳ thị người châu Á. Nhiều đồng nghiệp sinh ra ở Trung Quốc cho biết họ cảm thấy lo ngại hoặc phải im lặng chấp nhận, trong khi chờ đợi quan hệ được cải thiện.
Hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu của Úc vẫn sôi động và đa dạng, với lực lượng học thuật quốc tế có đóng góp to lớn. Một số người quyết định rời đi; một số sẽ tiếp tục tham gia. Sau vài năm nữa mới có thể xác định được mức độ suy giảm hoạt động của nhân lực quốc tế tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Úc, như hệ quả của COVID-19 và cuộc chiến văn hóa Mỹ – Trung đang diễn ra và dẫn đến chính sách an ninh hóa.