Toàn cầu hóa học thuật: Chúng ta từ đâu đến, chúng ta sẽ về đâu?

Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và là Học giả xuất sắc của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Jamil Salmi là Chuyên gia giáo dục đại học toàn cầu, Giáo sư danh dự về chính sách giáo dục đại học tại Đại học Diego Portales, Chile, và là thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Bài viết này dựa theo một bài báo đã xuất bản trước đây trên Times Higher Education.

Tóm tắt

Hầu hết các trường đại học hiện đại đều có nguồn gốc từ mô hình đại học phương Tây. Bài viết thảo luận về truyền thống này: chủ nghĩa thực dân đã tác động thế nào đến việc mở rộng các trường đại học và vì sao các trường đại học hiện đại tiếp tục áp dụng mô hình phát triển học thuật này.

Quan niệm của phương Tây về trường đại học ngày càng bị chỉ trích mạnh hơn từ nhiều khía cạnh. Trong thập kỷ qua, nhiều quốc gia đã cắt giảm trợ cấp công cho giáo dục đại học, điều này phản ánh sự bất mãn chung với các trường đại học vì sự thất bại của họ trong vai trò là kênh cải thiện vị thế xã hội và thành công kinh tế. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các trường đại học cũng đang bị hoài nghi. Trong chiến dịch vận động Brexit ở Vương quốc Anh, một cựu Bộ trưởng Giáo dục, khi nhận xét về tình trạng mất uy tín của các trường đại học, cho rằng xã hội Anh đã chán việc nghe theo các chuyên gia học thuật. Các nhà lãnh đạo độc tài ở Brazil, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng quyền hạn của họ để hạn chế quyền tự chủ thể chế và tự do học thuật.Gần đây, chủ nghĩa thực dân phương Tây và những chủ đề liên quan như học thuyết chủng tộc phản biện đã xuất hiện trong những cuộc tranh luận về thực tế giáo dục đại học đương đại. Trong một bài báo gần đây về toàn cầu hóa giáo dục đại học (University World News, 15/5/2021), Simon Marginson lên tiếng phản đối sự thống trị của khoa học Anh – Mỹ và tiếng Anh. Trong bối cảnh đó, bài báo chỉ tập trung vào một khía cạnh quan trọng trong sự phát triển của các trường đại học hiện đại – những trường đại học theo “mô hình phương Tây” ở Nam bán cầu (Global South) được thành lập thế nào, chủ yếu vào thế kỷ 19; và những lực lượng hội tụ nào đang đóng vai trò tạo ra mô hình trường đại học toàn cầu.

Chủ nghĩa thực dân và Cơ đốc giáo

Tất nhiên, chủ nghĩa thực dân là động lực chính thúc đẩy giáo dục đại học phát triển theo mô hình phương Tây ở những nước Nam bán cầu. Những nỗ lực truyền giáo của nhà thờ Cơ đốc cũng đóng vai trò quan trọng, và thường thì cả hai có mối liên hệ với nhau. Các quốc gia thực dân có cách tiếp cận giáo dục đại học khác nhau: Người Anh tích cực hơn trong việc cho phép hoặc tài trợ giáo dục đại học ở thuộc địa của mình, người Pháp ít tích cực hơn, trong khi người Bồ Đào Nha tránh phát triển học thuật. Người Tây Ban Nha giành toàn quyền giáo dục đại học cho Nhà thờ Công giáo và đặc biệt là cho Dòng Tên, với mục tiêu kép là cải đạo Cơ đốc và quản lý thuộc địa. Mọi chính phủ thực dân đều nhận thấy cần có một tầng lớp nhỏ người bản địa được giáo dục ở phương Tây để quản lý các thuộc địa.

Ở Ấn Độ, sự mở rộng khiêm tốn của giáo dục đại học dưới chế độ thực dân chủ yếu nhờ vào những sáng kiến của Ấn Độ xây dựng những trường cao đẳng để cung cấp cho tầng lớp trung lưu Ấn Độ mới nổi cơ hội tiếp cận dịch vụ dân sự và thương mại đang phát triển, và nhờ vào những nỗ lực truyền giáo của Cơ đốc giáo. Chính quyền thực dân Anh đầu tư rất ít vào giáo dục đại học, và chỉ sau năm 1857, họ mới cố gắng kiểm soát những nền giáo dục đại học mới nổi. Không phải là điều khiến ngạc nhiên khi những tổ chức này được thành lập theo mô hình Anh và sử dụng tiếng Anh để giảng dạy. Ở những khu vực thuộc địa khác cũng tương tự như vậy. Tất nhiên, điều quan trọng là tất cả các trường đại học thuộc địa đều sử dụng ngôn ngữ của kẻ thực dân, và nhiều trường vẫn tiếp tục sử dụng trong thế kỷ XXI.

Nhiều khu vực trên thế giới đã có truyền thống tri thức, tôn giáo và giáo dục đại học phong phú trước khi chủ nghĩa thực dân ra đời. Những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới nằm ở phía Nam châu Á – ở Taxila và Nalanda – ra đời trước các trường đại học ở châu Âu nhiều thế kỷ. Đại học Al-Qarawiyyin ở Fes và Đại học Al-Azhar ở Cairo cũng có trước khi các trường đại học đầu tiên ở châu Âu được thành lập. Nhưng, trong khi truyền thống tri thức và tôn giáo vẫn tiếp tục ở Nam Á và thế giới Ả Rập, những thể chế học thuật truyền thống trong những khu vực còn lại đã không phát triển hơn và dần bị lu mờ bởi những thể chế được thành lập theo mô hình phương Tây. Các cơ sở giáo dục đại học thuộc địa sử dụng ngôn ngữ của thực dân, vì mục đích chính của họ là đào tạo công chức và chuyên gia làm việc trong chính quyền thuộc địa. Tương tự, chương trình học được nhập hoàn toàn từ mẫu quốc (metropole). Có thể là đơn giản hóa quá mức, nhưng đồng thời lại rất chính xác khi tóm tắt thái độ của thực dân đối với các nền văn hóa bản địa bằng từ ngữ nặng tính gia trưởng và xúc phạm văn hóa – của nhà quản lý thuộc địa Thomas Babbington Macaulay: “Một giá sách của một thư viện châu Âu tốt có giá trị bằng toàn bộ văn học bản địa của Ấn Độ và Ả Rập…”

Điều thú vị là trong thời kỳ hậu thuộc địa, không quốc gia nào quay về với giáo dục đại học thời tiền thuộc địa hoặc cố gắng đi chệch khỏi mô hình học thuật phương Tây do chính quyền thực dân áp đặt.

Sự phát triển giáo dục đại học ở những nước không-bị-thực-dân-cai-trị

Không phải mọi quốc gia không thuộc phương Tây đều chịu sự cai trị của thực dân, và sự phát triển giáo dục đại học ở những quốc gia không-phải- là-thuộc-địa rất đáng được quan tâm, đặc biệt là Nhật Bản và Thái Lan. Vào thế kỷ 19, trước áp lực toàn cầu hóa theo mô hình phương Tây, hai quốc gia này đều cảm thấy cần phải hiện đại hóa xã hội và giáo dục và cả hai đều chọn thành lập các cơ sở giáo dục đại học kiểu phương Tây thay vì dựa vào những truyền thống học thuật đã có. Sau cuộc phục hưng Meiji (Minh Trị Duy Tân) năm 1868, Nhật Bản đã tìm kiếm mô hình trường đại học nhằm phục vụ một xã hội hiện đại hóa; và sau khi xem xét cẩn thận những mô hình hữu ích, đã đưa vào áp dụng những ý tưởng giáo dục đại học của Đức và Mỹ, mà bỏ qua những truyền thống bản địa đã có hàng thế kỷ. Tương tự như vậy, khi Vua Chulalongkorn tìm cách hiện đại hóa giáo dục đại học và xã hội, một phần để ngăn chặn sự xâm chiếm của thực dân có thể xảy ra, ông đã lựa chọn những mô hình phương Tây, đỉnh cao là việc thành lập Đại học Chulalongkorn vào năm 1917. Không một quốc gia không-bị-thực-dân-cai-trị nào tìm cách hiện đại hóa giáo dục đại học bằng cách khai thác mô hình học thuật truyền thống bản địa.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cũng rất quan trọng. Như Rui Yang đã chỉ ra trong bài “Những trường đại học đẳng cấp thế giới trong quá khứ hào hùng của Trung Quốc” (IHE #107), vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một loạt các cơ sở truyền giáo Cơ đốc phương Tây, cũng như việc chính phủ Trung Quốc áp dụng mô hình phương Tây đã ảnh hưởng đến phát triển giáo dục đại học hiện đại ở Trung Quốc, và đã chứng tỏ thành công. Ngoài ra, những cường quốc thực dân châu Âu, chủ yếu là Đức và Pháp, đã thành lập các trường đại học ở những vùng của Trung Quốc mà họ trực tiếp kiểm soát. Đáng chú ý là mô hình giáo dục Nho giáo truyền thống mạnh mẽ đã không được khai thác để hỗ trợ quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, có lẽ ngoại trừ kỳ thi tuyển công chức truyền thống đã phát triển thành cao khảo mà ngày nay trở thành một cơ chế phân loại chính để tuyển chọn và phân bổ sinh viên vào các trường đại học.

Chúng ta sẽ đến đâu?

Khi những nước ở Nam bán cầu giành độc lập vào nửa sau thế kỷ XX, họ duy trì và mở rộng mô hình đại học phương Tây do chính quyền thực dân mang vào và được coi là công cụ thiết yếu để xây dựng quốc gia và phát triển nguồn nhân lực. Bất chấp sự đa dạng của các hệ thống kinh tế, thực tế chính trị, các giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, truyền thống tôn giáo và văn hóa, và nhữngbiến thể khác, hầu hết các trường đại học trong thế kỷ XXI nhìn chung đều theo mô hình phương Tây.

Tuy nhiên, ngày nay mô hình này đang bị chỉ trích rằng vẫn theo chủ nghĩa tinh hoa, rằng không quan tâm đúng mức đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững, và rằng bản chất thực dân vẫn tồn tại trong các chương trình giảng dạy. Mặc dù một số chỉ trích có thể bị lợi dụng bởi những chính phủ vẫn luôn phản đối các trường đại học tự chủ cam kết phổ biến các bằng chứng khoa học, nhưng chắc chắn nhiều việc có thể làm được để các trường đại học hòa nhập hơn, bền vững hơn và có trách nhiệm hơn với xã hội. Ngày càng nhiều tổ chức bắt đầu nhìn lại quá khứ của họ bằng con mắt phản biện, thừa nhận trách nhiệm liên đới của họ với những giai đoạn tồi tệ trong lịch sử đất nước, chẳng hạn như chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt đối xử với những nhóm dân cư bản địa và bị thiệt thòi khác; và cố gắng đảm bảo để các chương trình đào tạo của họ hòa hợp hơn với trải nghiệm của những nhóm xã hội có truyền thống bị áp bức.

Đồng thời, điều cần thiết là bảo vệ những giá trị cơ bản của mô hình trường đại học phương Tây cam kết tìm kiếm chân lý dựa trên bằng chứng khoa học và tự do học thuật. Trong một thế giới đầy rẫy những thách thức lớn, không ai có thể mô tả sứ mệnh cao cả của các trường đại học như ngọn hải đăng của tri thức và trí tuệ tốt hơn Alfred North Whitehead – nhà triết học và toán học thế kỷ XX: “Bi kịch của thế giới là ở chỗ những người giàu trí tưởng tượng thường ít kinh nghiệm, còn những người giàu kinh nghiệm lại ít trí tưởng tượng. Những kẻ ngu ngốc mới hành động theo trí tưởng tượng mà không cần kinh nghiệm. Những kẻ mọt sách mới hành động chỉ dựa trên kiến thức mà không cần đến trí tưởng tượng. Nhiệm vụ của trường đại học là kết nối trí tưởng tượng và kinh nghiệm với nhau.”