Sinh viên quốc tế ở những nước không nói tiếng Anh: Thách thức và cơ hội

Hans de Wit và Lizhou Hans de Wit là Giáo sư danh dự và là Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. Email: [email protected].

Lizhou Wang là Nghiên cứu sinh tiến sĩ và Trợ lý nghiên cứu tại CIHE. Email: [email protected].

Bài viết này dựa vào nguồn: De Wit, H, Minaeva , E. và Wang, L. (Eds ) (2022).

Tóm tắt

Những nghiên cứu về tuyển sinh và du học quốc tế chủ yếu tập trung vào luồng dịch chuyển theo hướng Nam – Bắc tới thế giới nói tiếng Anh. Nhưng thực tế đa dạng hơn nhiều. Đâu là những thách thức và cơ hội đối với những quốc gia không sử dụng tiếng Anh, đặc biệt ở Nam bán cầu, khi thay đổi từ vị thế là những quốc gia chủ yếu gửi sinh viên đi du học sang phấn đấu tiếp nhận sinh viên quốc tế?

Những nghiên cứu về tuyển sinh và du học quốc tế chủ yếu tập trung vào luồng dịch chuyển theo hướng Nam – Bắc tới thế giới nói tiếng Anh (Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc và Canada) cũng như tới một số quốc gia không nói tiếng Anh như Pháp và Đức. Nhưng thực tế còn đa dạng hơn, như được minh họa gần đây bởi sự hiện diện đáng kể tại Ukraine của sinh viên từ những quốc gia hậu Xô Viết, châu Phi, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và những quốc gia khác, những người đang cố gắng rời khỏi đất nước này khi xảy ra cuộc xâm lược của Nga.

Đâu là những thách thức và cơ hội đối với những quốc gia không sử dụng tiếng Anh, đặc biệt ở Nam bán cầu, khi thay đổi từ vị thế là những quốc gia chủ yếu gửi sinh viên đi du học sang phấn đấu tiếp nhận sinh viên quốc tế? Trong một cuốn sách về tuyển sinh và du học sinh quốc tế ở những quốc gia không nói tiếng Anh, các chuyên gia từ những quốc gia này quan sát thấy hiện tượng này đang gia tăng ở châu Âu, châu Á và những khu vực khác trên thế giới. Để tạo được chỗ đứng cho mình trên thị trường, những quốc gia này phải hình thành những cơ chế để vượt qua nhiều thách thức, bao gồm rào cản ngôn ngữ, môi trường học tập thiếu tính quốc tế hóa, thị trường việc làm kém cạnh tranh, v.v… Mô hình tuyển sinh quốc tế ở những quốc gia nói tiếng Anh có thu nhập cao và những quốc gia không nói tiếng Anh có thu nhập cao chỉ có thể áp dụng được một phần cho những quốc gia khác. Những quốc gia không nói tiếng Anh đang tìm kiếm cách thức vượt qua những rào cản tuyển sinh mà họ phải đối mặt. Nhiều nước trong số đó đã thiết lập những chính sách và thực tiễn quốc gia, áp dụng chính sách học phí cạnh tranh, điều chỉnh quy định nhập cư, tận dụng cơ hội hợp tác khu vực, thiết kế những chương trình giáo dục đa dạng và cạnh tranh, và thậm chí cung cấp những chương trình đào tạo bằng ngoại ngữ – không phải ngôn ngữ quốc gia của họ, đặc biệt bằng tiếng Anh. Ngoài ra, nhiều quốc gia tận dụng những lợi thế cụ thể của mình, chẳng hạn như vị thế trong khu vực, quan hệ đối tác khu vực, học phí trong nước thấp, v.v…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đáng kể và cần nhiều thời gian để vượt qua. Ở cấp độ quốc gia, thách thức chủ yếu liên quan đến tình trạng thiếu chiến lược tiếp thị đến những thị trường cụ thể, thiếu kinh phí và thiếu sự liên kết với khu vực giáo dục đại học và các tổ chức đào tạo, và giữa các bộ ngành khác nhau. Ở cấp độ trường, thách thức phổ biến nhất là mức độ quốc tế hóa toàn diện còn thấp và các dịch vụ chuyên dụng trong học xá còn hạn chế. Mặc dù những quốc gia này có một số thế mạnh tương đối giống nhau, nguy cơ và cơ hội của mỗi quốc gia lại khác biệt, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh chiến lược quốc tế hóa và tuyển sinh phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia.

Những yếu tố hấp dẫn

Nếu chính sách không đưa ra được cái nhìn tổng quan rõ ràng đâu là những yếu tố khiến quốc gia và nền giáo dục đại học quốc gia hấp dẫn được sinh viên quốc tế, thì chiến lược sẽ thất bại. Trong trường hợp của Ấn Độ, với chính sách tuyển sinh hiện tại “Hãy học ở Ấn Độ”, sự phân tích như vậy đã dẫn đến một chiến lược tập trung vào quyền lực mềm và nhắm đến những khu vực địa lý cụ thể: Trung Đông, Trung Á và Châu Phi. Những nước không nói tiếng Anh cần có cái nhìn thực tế liên quan đến khu vực địa lý trọng điểm của mình. Chuyển từ việc tập trung vào các nước láng giềng sang một cách tiếp cận toàn cầu hơn đòi hỏi một loạt hành động toàn diện. Những quốc gia này và các cơ sở đào tạo của họ cần xác định cho mình những lý do chính, khi muốn tham gia vào hoạt động tuyển sinh quốc tế.

Ngôn ngữ giảng dạy

Những nước không nói tiếng Anh sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy để tăng tính cạnh tranh của mình. Điều này đang được Hà Lan áp dụng, và cũng được áp dụng ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc. Romania là trường hợp thú vị và đa dạng hơn, vì quốc gia này cung cấp những chương trình đào tạo bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức, cũng như bằng tiếng Hungary cho dân tộc thiểu số Hungary của họ, đây là hệ quả của nhiều yếu tố lịch sử, ngôn ngữ và khu vực. Do sự thay đổi của những ảnh hưởng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp giới thiệu những khóa học bằng tiếng Pháp, rồi tiếng Đức, và hiện đang giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập cho sinh viên tị nạn tại đây.

Nhưng những quốc gia và cơ sở đào tạo với chiến lược tuyển sinh phần lớn dựa vào các khóa học được giảng dạy (chủ yếu) bằng tiếng Anh, có thể gặp nhiều rủi ro trong khía cạnh chất lượng giáo dục và dịch vụ cho cả sinh viên quốc tế và sinh viên trong nước, trong mức độ hội nhập của sinh viên quốc tế với sinh viên trong nước, và dễ bị cáo buộc là đánh mất bản sắc văn hóa và dân tộc. Hà Lan là ví dụ rõ ràng nhất về việc chính sách mở rộng sử dụng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy đã đi quá xa.

Các chính phủ và các cơ sở đào tạo cần xây dựng một chính sách ngôn ngữ trên cơ sở phân tích vì sao, cho ai (sinh viên trong nước/ quốc tế) và chương trình đào tạo nào là phù hợp để ưu tiên dùng tiếng địa phương, tiếng Anh và/ hoặc ngôn ngữ khác làm phương tiện giảng dạy. Việc quảng bá ngôn ngữ của một quốc gia có tiềm năng gửi sinh viên đến học có thể là một sự đầu tư thông minh.

Mức học phí và dịch vụ tốt là quan trọng

Cấp học bổng và giới thiệu những sản phẩm giáo dục ít tốn kém hơn (gồm cả chương trình đào tạo trực tuyến), cũng như những lộ trình dẫn đến thị trường việc làm sau khi tốt nghiệp, là những công cụ chiến lược để thu hút và giữ chân người tài. Những tiện ích và dịch vụ chu đáo trước và khi sinh viên đến và trong quá trình học là rất quan trọng để đảm bảo giữ chân họ. Giúp sinh viên quốc tế hòa nhập với sinh viên bản địa là việc làm cần thiết và cũng mang lại lợi ích cho cộng đồng sinh viên địa phương.

Thị trường ngách

Các chính phủ và các cơ sở đào tạo không nên bỏ qua tiềm năng của các thị trường ngách, chẳng hạn như người nhập cư tiềm năng, người tị nạn, những nhóm (dân tộc) cụ thể mà họ có liên hệ, hoặc kiều bào ở nước ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào người tị nạn từ Syria, và Romania cung cấp giáo dục y tế cho sinh viên quốc tế là những ví dụ về việc quốc gia nhắm đến thị trường ngách một cách có chủ đích.

Để bổ sung vào những hoạt động du học quốc tế của mình, chính phủ và các cơ sở đào tạo cần thực hiện những đổi mới trong chương trình đào tạo và phương pháp thực hiện, gồm cả giáo dục xuyên quốc gia, hợp tác giữa các tổ chức và học tập trực tuyến.

Hệ quả đạo đức

Chúng ta cần ý thức rằng hoạt động du học quốc tế góp phần làm tăng bất bình đẳng toàn cầu giữa những quốc gia và những cơ sở đào tạo gửi và nhận sinh viên, cũng như giữa những sinh viên được và không được tiếp cận những cơ hội này. Chính sách tuyển sinh quốc tế cũng cần giải quyết những hậu quả nghiêm trọng về đạo đức và xã hội. Trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, những quốc gia có tham vọng xuất khẩu giáo dục cần tiếp cận hoạt động tuyển sinh một cách hệ thống và toàn diện. Đó là cách tiếp cận không bị thúc đẩy bởi động cơ tạo ra doanh thu, quyền lực mềm và đạt vị trí cao trong bảng xếp hạng. Nhắm đến ba mục tiêu này là điều không thực tế đối với hầu hết những nước không nói tiếng Anh, đặc biệt những nước có thu nhập thấp và trung bình, và sẽ góp phần làm tăng thêm bất bình đẳng toàn cầu và tăng thêm số lượng những hệ thống, cơ sở đào tạo và cá nhân bị loại trừ.

Những cân nhắc về mặt đạo đức thậm chí còn thích đáng hơn đối với Nga và Ukraine trong bối cảnh hiện tại, như đã nêu trong bài báo của chúng tôi trên University World News ngày 9/4 vừa qua. Triển vọng mở rộng và đa dạng hóa sự hiện diện của sinh viên quốc tế trong khu vực giáo dục đại học của Nga trở nên rất ảm đạm do ảnh hưởng của chiến tranh, các lệnh trừng phạt của phương Tây và chính sách cô lập của chế độ. Ở Ukraine, đáng buồn thay, cuộc chiến quân sự, những vụ ném bom đe dọa tính mạng, tình trạng chảy máu chất xám do làn sóng tị nạn tài năng, và hoạt động giáo dục đại học bị gián đoạn đã gây cản trở đối với bất kỳ hình thức tuyển sinh quốc tế nào. Ukraine sẽ cần được hỗ trợ đáng kể để khôi phục lĩnh vực này và sự hiện diện quốc tế của mình – điều có thể đã bị cuộc chiến hiện tại hủy hoại vĩnh viễn.