Hợp tác toàn cầu trong thời điểm căng thẳng địa chính trị: Cuộc chiến tranh lạnh mới

Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và là học giả xuất sắc, và Hans de Wit là Giáo sư danh dự và là học giả xuất sắc tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: [email protected] và [email protected]

Tóm tắt

Hợp tác toàn cầu là ưu tiên hàng đầu của giáo dục đại học và quốc tế hóa, nhưng hoạt động này hiện phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do căng thẳng địa chính trị. Chúng ta dường như đang quay trở lại với bầu không khí chính trị của cuộc Chiến tranh lạnh đã kết thúc vào cuối những năm 1980. Chúng ta đã có được những bài học nào từ sự hợp tác học thuật trong Chiến tranh lạnh lần thứ nhất và trong cuộc tẩy chay học thuật ở Nam Phi, và làm thế nào để tránh quay lại những bong bóng biệt lập của quá khứ đó?

Trong những thập kỷ qua, hợp tác toàn cầu là ưu tiên hàng đầu của giáo dục đại học và quốc tế hóa. Nền kinh tế tri thức toàn cầu làm tăng sự cạnh tranh giữa các trường đại học, nhưng cũng kích thích sự hợp tác và trao đổi nhân sự và khoa học, mặc dù chủ yếu mang lại lợi ích cho khu vực Bắc bán cầu. Khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc di chuyển của sinh viên và giảng viên, nhu cầu hợp tác nghiên cứu toàn cầu trở nên quan trọng. Và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhu cầu tham gia và hợp tác toàn cầu để giải quyết những vấn đề xã hội và khoa học quan trọng trên toàn thế giới.

Nhưng những căng thẳng địa chính trị hiện nay (trước tiên, chủ yếu giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Hoa Kỳ, châu Âu, Australia và những quốc gia có thu nhập cao khác; và giờ đây, như hậu quả của cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, giữa Nga và nhóm quốc gia nói trên) đặt ra những thách thức quan trọng đối với hoạt động hợp tác toàn cầu của giáo dục đại học. Thế giới một lần nữa đang bị chia rẽ giữa một bên là Nga, Trung Quốc và các đồng minh của họ, và bên kia là những nước mà chúng ta thường gọi là “phương Tây”, cộng thêm một nhóm lớn những nước không liên kết ở khu vực Nam bán cầu. Kết quả là chúng ta dường như đang quay trở lại thời Chiến tranh lạnh đã kết thúc vào cuối những năm 1980. Những tác động đối với sự hợp tác toàn cầu của giáo dục đại học trong “Chiến tranh lạnh thứ hai” này có thể sẽ rất nghiêm trọng. Dựa trên hai bài báo gần đây trong University World News (“Trong cuộc Chiến tranh lạnh mới, sự tham gia học thuật vẫn là cần thiết” và “Trong cơn vội vã xa lánh nước Nga, chúng ta đang tham gia vào chủ nghĩa cực đoan của Putin”), chúng ta tự hỏi mình có thể rút ra bài học gì từ sự hợp tác học thuật trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đầu tiên và trong cuộc tẩy chay học thuật ở Nam Phi, và làm thế nào để tránh quay trở lại những bong bóng cô lập của quá khứ đó.

Cuộc tranh luận về hợp tác học thuật và các giá trị học thuật rất phức tạp. Cuộc tẩy chay học thuật phản đối chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đã dạy chúng ta rằng một cuộc tẩy chay như vậy có thể hiệu quả như một phần của cuộc đấu tranh xã hội, kinh tế và văn hóa rộng lớn hơn, nhưng tiếp tục tương tác tích cực với những cá nhân trong cộng đồng học thuật ở Nam Phi – những người phê phán chế độ – sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Vì vậy, một cuộc tẩy chay toàn diện đã không được thực hiện. Cũng có thể lập luận tương tự về cuộc tẩy chay học thuật đối với Israel, liên quan đến những chính sách của nước này về Palestine. Các cuộc tẩy chay toàn diện không có lợi cho ai hết.

 

Hợp tác toàn cầu và cuộc chiến của Nga

Hiện tại, cuộc chiến của Nga với Ukraine dường như còn gây ra một tác hại bổ sung là khiến các cộng đồng học thuật ở Bắc Mỹ và châu Âu mất đi sự suy nghĩ hợp lý. Trong cơn vội vã xa lánh nước Nga, các học giả, các trường đại học, các nhà xuất bản, các tổ chức khoa học và các chính phủ đang cắt đứt quan hệ với mọi thứ thuộc về Nga và mọi người Nga.

Chúng ta đã tranh luận vì sao giữ kết nối với các đồng nghiệp Nga và tri thức của Nga là điều cần thiết vào thời điểm này. Trong cộng đồng học thuật, các đồng nghiệp hiện đang ủng hộ việc chống lại hoặc thậm chí hủy bỏ những khóa học liên quan đến xã hội, lịch sử và văn hóa Nga. Đây chính là điều nên tránh. Tri thức của Nga quan trọng hơn bao giờ hết, chưa kể rằng đó là một trong những nền văn minh vĩ đại của thế giới, bất kể ông Putin đang làm gì với nước Nga ngày nay.

Mặc dù rất khó để hiểu được dư luận ở nước Nga ngày càng độc tài của Putin, nhưng phần lớn cộng đồng học thuật Nga phản đối chiến tranh và coi trọng các mối quan hệ quốc tế. Về lịch sử quốc tế hóa giáo dục đại học Nga – theo Maria Yudkevich – kể từ đầu những năm 1990, mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu Nga và các đồng nghiệp nước ngoài của họ đã phát triển đáng kể, dẫn đến những dự án và công trình công bố chung, và trong thập kỷ qua, sự hội nhập của khoa học Nga với cộng đồng quốc tế ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. “Trong nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử, giáo dục đại học và khoa học ở Nga đã được kết nối với cộng đồng quốc tế theo những cách khác nhau. Tình hình đã chuyển từ mối quan hệ chặt chẽ sang chính sách gần như hoàn toàn tự chủ và biệt lập, từ hợp tác và hội nhập sang tìm kiếm bản sắc dân tộc của riêng mình trên thị trường học thuật toàn cầu” (Handbook of In- ternational Higher Education, 2022, trang 37). Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của sự cô lập và tìm kiếm bản sắc dân tộc ở các cấp độ chính trị và thể chế, nhưng vì lợi ích của giáo dục đại học Nga và giáo dục đại học toàn cầu, những mối quan hệ học thuật cá nhân và sự phát triển kiến thức được xây dựng qua nhiều thập kỷ không nên bị phá bỏ.

Mặc dù việc chấm dứt mối quan hệ với những trường đại học Nga có liên quan đến chế độ Putin – bao gồm mọi trường đại học mà hiệu trưởng của họ, một số bị ép buộc, đã ký tuyên bố ủng hộ chiến tranh – là điều cần thiết, việc tẩy chay tương tự tất cả các cá nhân và một số tổ chức phi chính phủ là không chính đáng, và thực sự gây hại cho những cá nhân dũng cảm, những người đang cố gắng, trong những hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm nhất, tiếp tục nghiên cứu và duy trì sự hợp tác quốc tế. Tự do học thuật là cao nhất trong các giá trị học thuật. Nó đã biến mất ở nước Nga của Putin. Chúng ta không nên tham gia vào chủ nghĩa cực đoan chính trị này.

 

Hiện tại và tương lai

Hiện tại, cộng đồng học thuật toàn cầu cần lùi lại một bước và cân nhắc cẩn thận cách phản ứng phù hợp với cuộc khủng hoảng, như chúng ta cần làm liên quan đến việc gia tăng đàn áp học thuật ở Trung Quốc và những nước khác. Thay vì cắt đứt với giới học thuật Nga và xa lánh văn hóa Nga, chúng ta nên làm điều hoàn toàn ngược lại.

Những người Nga không liên quan đến chế độ Putin hoặc phản đối chế độ này – trong số đó nhiều người đã rời bỏ nước Nga và nhiều người khác không thể làm như vậy – cần chúng ta hỗ trợ và tiếp tục hợp tác, tương tự như sự hỗ trợ hiện đang mở rộng cho hệ thống giáo dục đại học và cộng đồng ở Ukraine.

Chúng tôi đồng ý với bốn học giả Ukraine đã viết trong một bài báo gần đây trên Times Higher Education rằng: “Thật sai lầm khi cho rằng những người Nga công khai lên án chế độ của Putin phải đối mặt với những mối nguy hiểm gần giống những nguy hiểm mà các học giả Ukraine hiện gặp phải hàng ngày; chúng không nên được xếp vào cùng một giỏ. Trong khi người Nga và người Belarus phải đối mặt với sự đàn áp trong nước, người Ukraine đang chạy trốn các cuộc pháo kích, ném bom, sự giết chóc và phá hủy nhà cửa và thành phố của họ; nạn nhân của sự xâm lược cần được ưu tiên”. Chúng tôi cũng đồng ý với họ rằng “danh tiếng của những tổ chức (Nga) và những cá nhân (những người đã ký vào lá thư ủng hộ cuộc xâm lược) này sẽ mãi mãi bị vấy bẩn bởi sự thất bại trong tư cách là những trí thức công và những nền tảng công có nghĩa vụ bảo vệ các giá trị phổ quát của dân chủ, hòa bình và tính liêm chính trong học thuật”. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, điều này không nên dẫn đến việc cô lập những người – dù là người Nga hay dân tộc khác – đồng ý với những giá trị phổ quát này.

Trong Chiến tranh lạnh lần thứ nhất, chúng ta vẫn giữ liên lạc mở với các học giả Nga và thử nghiệm những nền tảng hợp tác thể chế với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn – điều này đã đến, mặc dù bây giờ nó lại biến mất một lần nữa. Nhờ sự liên hệ đó, những thập kỷ qua đã mang lại một nền tảng của các giá trị nhân văn và học thuật ở Nga rộng lớn hơn nhiều. Giữ cho nền tảng đó tồn tại là cơ sở cần thiết để tăng cơ hội cho một tương lai tích cực hơn.

Trong giai đoạn hiện nay khó có thể thấy trước quan hệ hợp tác và trao đổi học thuật với Nga sẽ đi theo hướng nào, và việc này đòi hỏi sự giám sát liên tục. Điều tương tự cũng có thể nói về Trung Quốc và các đồng minh của họ. Nhưng sự cô lập hoàn toàn về mặt học thuật sẽ phản tác dụng trong cả ngắn hạn và dài hạn.